Hiếp dâm từ lâu đã trở thành vấn đề gây nhức nhối trong xã hội, tệ nạn này đang có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và tính chất phức tạp. Nhiều trường hợp người phạm tội hiếp dâm dùng tiền để hòa giải, bồi thường cho gia đình nạn nhân với mong muốn không phải ngồi tù. Vậy, pháp luật quy định thế nào về trường hợp này?
Hiếp dâm sau đó dùng tiền để hòa giải có được không?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 141 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc bằng các thủ đoạn khác để thực hiện giao cấu hoặc các hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân thì có thể bị xử lý hình sự về Tội hiếp dâm.
Trên thực tế, có nhiều trường hợp sau khi nạn nhân yêu cầu khởi tố vụ án, người thực hiện hành vi vi phạm đã đề nghị hòa giải và bồi thường cho nạn nhân một khoản tiền nhất định nhằm thuyết phục gia đình nạn nhân làm đơn bãi nại để không phải đi tù.
Về việc khởi tố theo yêu cầu của bị hại, khoản 1 Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2021 quy định:
1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 141, 143, 155 và 156 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì trường hợp người phạm tội bị khởi tố theo khoản 1 Điều 141 Bộ luật Hình sự về Tội hiếp dâm thuộc một trong các trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại.
Do đó, nếu người thực hiện hành vi hiếp dâm đã tiến hành hòa giải, bồi thường cho người bị hại và người bị hại không có yêu cầu khởi tố vụ án thì người vi phạm sẽ không bị khởi tố.
Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 155 Bộ luật này, trường hợp người bị hại đã yêu cầu khởi tố vụ án nhưng sau khi hòa giải xong lại rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức.
Tóm lại, sau khi hòa giải xong và nhận bồi thường, người bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát sẽ đình chỉ vụ án. Khi đó, người có hành vi hiếp dâm theo khoản 1 Điều 141 Bộ luật Hình sự có thể không bị truy cứu trách nhiệm hình sự và không bị đi tù.
Trường hợp bị khởi tố, Tội hiếp dâm đi tù bao nhiêu năm?
Theo quy định tại Điều 141 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017, các khung hình phạt chính áp dụng với tội này như sau:
- Khung 01:
Phạt tù từ 02 - 07 năm với trường hợp giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân bằng các hành vi:
+ Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực; hoặc
+ Lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác.
- Khung 02:
Phạt tù từ 07 - 15 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
- Có tổ chức;
- Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
- Nhiều người hiếp một người;
- Phạm tội 02 lần trở lên;
- Đối với 02 người trở lên;
- Có tính chất loạn luân;
- Làm nạn nhân có thai;
- Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% - 60%;
- Tái phạm nguy hiểm.
- Khung 03:
Phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
- Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
- Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
- Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
Trường hợp phạm tội đối với người từ đủ 16 - dưới 18 tuổi, người phạ tội bị phạt tù từ 05 - 10 năm. Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khung hình phạt 02 hoặc khung hình phạt 03 thì bị xử phạt theo mức hình phạt quy định tương ứng.
Bên cạnh hình thức xử phạt chính nêu trên, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.
Trên đây là giải đáp về vấn đề "Hiếp dâm dùng tiền hòa giải được không?" Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ.