1. GNI là gì?
GNI (Gross National Income) là chỉ số chỉ tổng thu nhập của một quốc gia hay tổng thu nhập quốc dân. Chỉ số này phản ánh kết quả thu nhập lần đầu tiên được thiết lập từ các yếu tố sở hữu của một quốc gia khi tham gia vào các hoạt động sản xuất trên lãnh thổ quốc gia đó hay ở nước ngoài trong một thời kỳ nhất định (Thường là một năm).
2. Những đặc điểm của GNI
GNI có ý nghĩa và vai trò hết sức quan trọng đối với nền kinh tế quốc gia. Vì thế, để sử dụng được chỉ số này một cách đúng đắn, ta cần nắm được những đặc điểm của GNI như sau:
Chỉ số tổng thu nhập quốc gia (GNI) bao gồm tất cả các giá trị có khả năng tạo ra thu nhập ở nhiều thị trường, kể cả trong nước và nước ngoài như: Tổng đầu tư của người dân, các khoản chi tiêu cá nhân, chi phí tiêu dùng của chính phủ, thu nhập thuần từ nguồn tài sản nước ngoài,...
GNI thường được sử dụng để thay thế cho chỉ số GDP (Tổng sản phẩm quốc nội) để đo lường sự thịnh vượng, tiềm lực của một quốc gia.
GNI được sử dụng nhiều ở các nước phát triển và được dùng phổ biến ở Liên hợp quốc và Ngân hàng thế giới.
Tuy GNI bao gồm cả những nguồn lực trong nước và nước ngoài, nhưng nó lại bị ảnh hưởng nhiều từ những nguồn lực trong nước.
GNI có sự gắn kết chặt chẽ với cuộc sống người dân vì nó phản ánh mức sống, thu nhập,... của họ.
3. Cách tính GNI chuẩn xác và chi tiết
Tổng thu nhập quốc gia (GNI) chính là một chỉ tiêu cân đối của tài khoản phân phối thu nhập lần đầu. Vì vậy, để tính được chỉ số GNI, căn cứ vào Nghị định 94/2022/NĐ-CP, ta phải lập ra các tài khoản sản xuất và tài khoản tạo thành thu nhập hoặc xuất phát từ chỉ tiêu của GDP và các chỉ tiêu có liên quan khác.
3.1. Tính GNI theo giá hiện hành
Tính GNI theo giá hiện hành giúp xác định tổng thu nhập quốc gia đã đạt được trong năm nhằm phản ánh mức độ giàu có, thịnh vượng của một quốc gia.
Công thức tính: Tổng thu nhập quốc gia (GNI) = GDP (Tổng sản lượng quốc nội) + Lượng chênh lệch giữa mức thu nhập của người lao động Việt Nam ở nước ngoài gửi về Việt Nam và lao động ở Việt Nam gửi ra nước ngoài + Lượng chênh lệch giữa thu nhập sở hữu nhận được từ nước ngoài và mức thu nhập sở hữu trả cho nước ngoài.
Trong đó:
Lượng chênh lệch (Thuần) giữa thu nhập và chi trả về thu nhập lao động với nước ngoài: Phần còn lại giữa các khoản thu nhập là tiền lương và tiền công lao động (Bằng tiền hoặc hiện vật) và các khoản thu nhập khác có tính chất trả công lao động cho công nhân và người lao động người Việt Nam thường trú tại nước ngoài nhận được từ những tổ chức, đơn vị dân cư sản xuất ở nước ngoài (Không thường trú) - (Trừ cho) Phần cho ra cho thù lao lao động của các tổ chức, đơn vị dân cư sản xuất có thường trú ở Việt nam chi trả cho công nhân và người lao động người nước ngoài thường trú tại Việt Nam.
Lượng chênh lệch giữa thu nhập sở hữu nhận được từ nước ngoài với thu nhập sở hữu phải trả cho nước ngoài: Phần còn lại của thu nhập sở hữu do các đơn vị và dân cư có thường trú tại Việt Nam nhận được từ nước ngoài (Đơn vị và dân cư ko thường trú) - (Trừ cho) Thu nhập sở hữu của các đơn vị và dân cư không có thường trú ở Việt Nam.
Lưu ý: Thu nhập hoặc chi trả sở hữu sẽ bao gồm các khoản:
Thu nhập hay chi trả về lợi tức đầu tư trực tiếp với nước ngoài.
Thu nhập hay chi trả lợi tức đầu tư vào những loại giấy tờ có giá như: Cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu, các loại giấy tờ có giá và các công cụ tài chính khác.
Thu nhập hay chi trả lợi tức về việc cho thuê, mướn, quyền sử dụng, bản sáng chế, nhãn mác, quyền về khai thác khoáng sản phục vụ cho quá trình sản xuất, vùng trời, vùng biển,...
3.2. Tính GNI theo giá so sánh
Tính GNI theo giá so sánh về cơ bản là so sánh tổng thu nhập thực tế của quốc gia giữa hai năm khác nhau nhằm đưa ra những nhận xét, đánh giá về các lợi thế hay thách thức trong hoạt động kinh tế đã đạt được và giúp xây dựng chiến lược phát triển kinh tế bền vững, phát triển trong tương lai.
Công thức tính: Tổng thu nhập quốc gia (GNI) theo so sánh = Tổng thu nhập quốc gia (GNI) theo giá hiện hành của năm báo cáo / (Chia cho) Chỉ số giảm phát GDP của năm báo cáo so với năm gốc được so sánh.
Trong đó:
Số liệu về GNI được công bố hằng năm.
Chỉ số giảm phát GDP (tGDP Deflator) là chỉ số điều chỉnh GDP (DGDP) được tính theo phần trăm phản ánh mức giá chung của tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ sản xuất ở trong nước.
Công thức tổng quát: Chỉ số giảm phát GDP = 100 x GDP danh nghĩa / GDP thực tế
4. GNI khác GDP như thế nào?
GNI va GDP thoạt nhìn có vẻ khá giống nhau về mục đích sử dụng nhưng chúng lại có sự khác nhau về khái niệm và có một mối quan hệ mật thiết. Vậy điểm khác nhau giữa GDP và GNI là gì?
Điểm khác nhau | GNI | GDP |
Khái niệm | GNI là một chỉ số thể hiện tổng thu nhập của một quốc gia trong khoảng thời gian nhất định (Thông thường là 1 năm) bao gồm cả những thu nhập trong nước và nước ngoài. Đây được xem là một chỉ tiêu đo lường thực lực trong việc phát triển kinh tế của quốc gia. | GDP là chỉ số thể hiện tổng sản phẩm quốc nội (Sản phẩm trong nước) của các hàng hóa, dịch vụ trong khoảng thời gian nhất định (Thông thường là 1 năm hoặc 1 quý). |
Công thức tính chỉ số | Tổng thu nhập quốc gia (GNI) theo so sánh = Tổng thu nhập quốc gia (GNI) theo giá hiện hành của năm báo cáo / (Chia cho) Chỉ số giảm phát GDP của năm báo cáo so với năm gốc được so sánh. Công thức tính GNI được lập nên dựa trên chỉ số GDP. Theo đó, nếu những nước có vốn đầu tư nước ngoài nhiều hơn, GNI của những nước đó sẽ cao hơn GDP và ngược lại | Giá trị tổng sản phầm quốc nội (GDP) = Giá trị sản xuất sản phẩm – chi phí trung gian + thuế nhập khẩu GDP chỉ dùng để tính tổng sản lượng trong nước. |
Theo Th.S Võ Đình Trí, giảng viên của trường Đại học Kinh tế TP.HCM và trường IPAG Business School Paris, GNI và GDP là hai chỉ số rất quan trọng được dùng để so sánh và xếp loại giữa các nền kinh tế của các quốc gia. Tuy nhiên, Chúng có sự khác biệt nhỏ là: GDP tập trung chủ yếu vào sự tăng trưởng, quy mô trong kinh tế thông qua các hoạt động kinh doanh và sản xuất nhằm tạo ra giá trị gia tăng, trong khi đó, GNI chú trọng đến sự thịnh vượng nhiều hơn.
Lưu ý:
Đối với một quốc gia có nền kinh tế đóng cửa, hai chỉ số GNI và GDP sẽ là một và không có sự khác biệt. Vì vậy, để có sự khác nhau giữa hai chỉ số GNI và GDP, cần có:
Dòng chuyển thu nhập từ nguồn lãi suất, lợi nhuận và lợi tức cổ phần của các quốc gia.
Dòng chu chuyển về tiền lương của người lao động không có thường trú giữa các quốc gia.
Trên đây là bài viết GNI là gì? và GNI khác GDP thế nào? Chúng tôi hy vọng bài viết có thể cung cấp cho bạn nhiều thông tin bổ ích về GNI và cách phân biệt hai chỉ số GNI và GDP một cách chuẩn xác và đơn giản. Mọi vấn đề còn vướng mắc vui lòng liên hệ 19006192 để được LuatVietnam hỗ trợ, giải đáp.