Giáo viên có được đứng tên hộ kinh doanh dạy thêm?

Từ ngày 14/02/2025, các lớp dạy thêm ngoài nhà trường đều phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Vậy giáo viên có được đứng tên hộ kinh doanh dạy thêm?

Giáo viên có được đứng tên hộ kinh doanh dạy thêm?

Quyền và nghĩa vụ thành lập hộ kinh doanh quy định tại khoản 1 Điều 80 Nghị định 01/2021/NĐ-CP như sau:

Điều 80. Quyền thành lập hộ kinh doanh và nghĩa vụ đăng ký hộ kinh doanh

1. Cá nhân, thành viên hộ gia đình là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự có quyền thành lập hộ kinh doanh theo quy định tại Chương này, trừ các trường hợp sau đây:

a) Người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;

b) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định;

c) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

[...]

Theo quy định trên, pháp luật không cấm giáo viên thành lập hộ kinh doanh. Tuy nhiên, đối với hộ kinh doanh thành lập để tổ chức lớp dạy thêm, học thêm thì khoản 3 Điều 4 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lí, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường.

Căn cứ quy định tại Điều 81 Nghị định 01/2021/NĐ-C, chủ hộ kinh doanh có nghĩa vụ:

- Chủ hộ kinh doanh thực hiện các nghĩa vụ về thuế, các nghĩa vụ tài chính và các hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật.

- Chủ hộ kinh doanh đại diện cho hộ kinh doanh với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

- Chủ hộ kinh doanh có thể thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh. Trong trường hợp này, chủ hộ kinh doanh, các thành viên hộ gia đình tham gia đăng ký hộ kinh doanh vẫn chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác phát sinh từ hoạt động kinh doanh.

- Chủ hộ kinh doanh, các thành viên hộ gia đình tham gia đăng ký hộ kinh doanh chịu trách nhiệm đối với các hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh.

- Các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Dựa vào quy định trên, nếu thành lập hộ kinh doanh để tổ chức lớp dạy thêm thì chủ hộ kinh doanh sẽ phải quản lý, điều hành và chịu trách nhiệm với các nghĩa vụ phát sinh từ lớp dạy thêm ngoài nhà trường.

Điều này mâu thuẫn thuẫn với chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Thông tư 29 và các văn bản liên quan là không cho phép giáo viên trường công tổ chức lớp dạy thêm ngoài nhà trường.

Như vậy, giáo viên tự do hoặc giảng dạy tại các trường dân lập, tư thục hoàn toàn có thể tự đứng tên thành lập hộ kinh doanh để tổ chức lớp dạy thêm. Riêng giáo viên tại các cơ sở công lập thì không được tổ chức, điều hành, quản lý lớp học thêm mà chỉ được tham gia dạy thêm ngoài nhà trường theo hợp đồng.

Nếu có nhu cầu tư vấn thủ tục đăng ký kinh doanh dạy thêm, vui lòng liên hệ 0936 38 52 36. Chi phí tư vấn: 500.000 đồng.
Giáo viên có được đứng tên hộ kinh doanh dạy thêm?
Giáo viên có được đứng tên hộ kinh doanh dạy thêm? (Ảnh minh họa)

Điều kiện mở lớp dạy thêm ngoài nhà trường

Theo quy định tại Điều 6 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh (sau đây gọi chung là cơ sở dạy thêm) phải thực hiện các yêu cầu sau:

- Đăng kí kinh doanh theo quy định của pháp luật;

- Công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về: Các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.

Người dạy thêm ngoài nhà trường phải bảo đảm có phẩm chất đạo đức tốt; có năng lực chuyên môn phù hợp với môn học tham gia dạy thêm.

Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với Hiệu trưởng hoặc Giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường (sau đây gọi chung là Hiệu trưởng) về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm (theo Mẫu số 03 tại Phụ lục kèm theo Thông tư này).

Lưu ý: Các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm

- Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống.

- Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

- Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lí, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.

Trên đây là thông tin về: Giáo viên có được đứng tên hộ kinh doanh dạy thêm?

Tham gia group Zalo về Giáo dục Đào tạo của LuatVietnam TẠI ĐÂY
Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục