Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 14/2/2025 với nhiều quy định siết hoạt động dạy thêm, một trong số đó là yêu cầu dạy thêm phải đăng ký kinh doanh. Cùng giải đáp một số thắc mắc liên quan đến văn bản này.
Tôi là giáo viên tự do, muốn mở lớp dạy thêm thì phải làm gì?
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 của Thông tư 29, muốn mở lớp dạy thêm, bạn phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, có 02 mô hình bạn có thể lựa chọn: Đăng ký kinh doanh theo hộ kinh doanh hoặc đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Sự khác nhau của 02 mô hình trên nằm ở thủ tục, cơ cấu tổ chức, cách thức hoạt động và thuế phải nộp.
Tùy vào quy mô hoạt động mà bạn lựa chọn đăng ký hộ kinh doanh hay doanh nghiệp. Với quy mô nhỏ và vừa nên đăng ký hộ kinh doanh.
Giáo viên trường công có được lập hộ kinh doanh để dạy thêm?
Khoản 3 Điều 4 của Thông tư 29 quy định: “Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lí, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường”.
Như vậy, theo quy định trên, giáo viên trường công không thể đứng tên là chủ hộ để đăng ký kinh doanh dạy thêm mà chỉ có thể là thành viên hộ (không có quyền quản lý điều hành); hoặc ký hợp đồng dạy thuê với một cơ sở dạy thêm có đăng ký kinh doanh ngành nghề dạy thêm.
Có quy định về bằng cấp của người đứng tên thành lập hộ kinh doanh dạy thêm?
Hiện chưa có quy định nào yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn đối với người đứng tên thành lập hộ kinh doanh dạy thêm.
Khoản 1 Điều 90 của Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định: “Cá nhân, thành viên hộ gia đình là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự có quyền thành lập hộ kinh doanh”
Như vậy, chỉ cần là người từ đủ 18 tuổi là có thể thành lập hộ kinh doanh dạy thêm.
Yêu cầu về phòng học, phòng cháy chữa cháy… đối với hộ kinh doanh dạy thêm là gì?
Trước đây, tại Điều 10 của Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT có quy định về điều kiện cơ sở vật chất của cơ sở dạy thêm. Tuy nhiên, hiện quy định trên đã bị bãi bỏ và không còn giá trị áp dụng.
Thông tư 29/2025/TT-BGDĐT (có hiệu lực từ ngày 14/2/2025) không có quy định cụ thể về vấn đề trên. Do đó, tính đến thời điểm hiện tại, hộ kinh doanh dạy thêm chưa cần đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, phòng cháy chữa cháy.
Sau khi đăng ký hộ kinh doanh có cần xin cấp phép của Phòng/Sở Giáo dục không?
Hiện chưa có quy định nào về việc sau khi đăng ký kinh doanh phải tiếp tục xin cấp phép của Phòng hay Sở Giáo dục.
Thông tư 29 chỉ quy định sau khi đăng ký kinh doanh, cơ sở dạy thêm phải niêm yết thông tin tuyển sinh.
Dạy tiếng Anh, luyện chữ đẹp cho học sinh tiểu học có thể được coi là dạy kỹ năng sống được không?
Theo Thông tư 04/2014/TT-BGDĐT:
“Hoạt động giáo dục kỹ năng sống trong quy định này được hiểu là hoạt động giáo dục giúp cho người học hình thành và phát triển những thói quen, hành vi, thái độ tích cực, lành mạnh trong việc ứng xử các tình huống của cuộc sống cá nhân và tham gia đời sống xã hội, qua đó hoàn thiện nhân cách và định hướng phát triển bản thân tốt hơn dựa trên nền tảng các giá trị sống”.
Do đó, không thể đưa tiếng Anh, luyện chữ đẹp là giáo dục kỹ năng sống.
Có thể đăng ký hộ kinh doanh dạy thêm online được không?
Tính đến 31/12/2024, có 44 tỉnh thành áp dụng đăng ký hộ kinh doanh dạy thêm. Do đó, nếu địa phương của bạn thuộc 44 tỉnh thành này thì có thể đăng ký hộ kinh doanh trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Vấn đề nộp thuế đối với hộ kinh doanh dạy thêm như thế nào?
Hộ kinh doanh dạy thêm sẽ phải nộp thuế theo phương pháp khoán hoặc phương pháp từng lần phát sinh.
Hiện nay, hoạt động giáo dục đang được miễn thuế GTGT, do đó, hộ kinh doanh dạy thêm chỉ phải nộp thuế TNCN.