Giá nước sinh hoạt là bao nhiêu tiền 1 khối? 2024

Hiện nay, hệ thống nước sạch đã được lắp đặt ở hầu hết các địa phương trên cả nước nhằm đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân sử dụng. Vậy giá nước sinh hoạt 1 khối là bao nhiêu?

1. 2 nguyên tắc xác định giá nước sinh hoạt

2 nguyên tắc xác định giá nước sinh hoạt
2 nguyên tắc xác định giá nước sinh hoạt (Ảnh minh hoạ)

Nguyên tắc xác định giá nước sinh hoạt được quy định tại Điều 2 Thông tư 44/2021/TT-BTC, cụ thể như sau:

- Giá nước được tính đúng, đủ các yếu tố chi phí sản xuất hợp lý, hợp lệ trong quá trình khai thác, sản xuất, phân phối và tiêu thụ, có lợi nhuận; phù hợp với chất lượng nước, định mức kinh tế kỹ thuật và quan hệ cung cầu, điều kiện tự nhiên, phát triển kinh tế xã hội của khu vực, thu nhập của người dân trong mỗi thời kỳ.

Đồng thời, đảm bảo hài hoà quyền, lợi ích hợp pháp của đơn vị cấp nước với khách hàng; khuyến khích khách hàng sử dụng tiết kiệm; khuyến khích các đơn vị cung cấp nước nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí, giảm thất thoát hay thất thu nước sạch, đáp ứng nhu cầu của khách hàng; thu hút đầu tư vào hoạt động sản xuất và phân phối.

- Giá bán lẻ nước sinh hoạt do UBND cấp tỉnh quyết định, đảm bảo phù hợp khung giá nước sạch theo quy định.

Đối với khu vực đặc thù, trường hợp chi phí sản xuất, kinh doanh, cung ứng nước ở các vùng cao làm giá bán lẻ bình quân của đơn vị cấp nước sau khi được Sở Tài chính thẩm định phương án giá nước cao hơn mức tối đa trong khung giá được Bộ Tài chính quy định thì UBND cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế, nhu cầu sử dụng nước, thu nhập người dân để quyết định giá nước sinh hoạt phù hợp.

2. Giá nước sinh hoạt là bao nhiêu tiền 1 khối? 

Khung giá nước sạch sinh hoạt tối thiểu và tối đa hiện nay được quy định tại Điều 3 Thông tư 44/2021/TT-BTC, cụ thể như sau:

STT

Loại

Giá tối thiểu

Giá tối đa

1

Đô thị đặc biệt và đô thị loại 1

3.500 đồng/m3

18.000 đồng/m3

2

Đô thị loại 2, loại 3, loại 4 và loại 5

3.000 đồng/m3

15.000 đồng/m3

3

Khu vực nông thôn

2.000 đồng/m3

11.000 đồng/m3


Khung giá nước sạch sinh hoạt nêu trên đã bao gồm thuế giá trị gia tăng, được áp dụng cho mức giá bán lẻ nước sạch bình quân do UBND cấp tỉnh quyết định tại khu vực đó.

Giá nước sinh hoạt là bao nhiêu tiền 1 khối?
Giá nước sinh hoạt là bao nhiêu tiền 1 khối? (Ảnh minh hoạ)

Như vậy, giá nước sinh hoạt tại các khu vực tương ứng sẽ do UBND cấp tỉnh quy định chi tiết áp dụng cho địa phương nhưng không được vượt quá mức giá tối đa mà Bộ Tài chính đã ban hành.

Ngoài ra, giá nước sạch sinh hoạt cũng có thể được điều chỉnh theo quy định tại Điều 4 Thông tư 44/2021/TT-BTC, cụ thể:

- Hàng năm, đơn vị cấp nước sẽ chủ động rà soát việc thực hiện phương án giá nước sạch, giá nước sạch dự kiến cho năm kế tiếp.

Nếu các yếu tố chi phí để sản xuất kinh doanh nước sạch có biến động là giá nước sạch năm tiếp theo biến động tăng/giảm thì đơn vị cấp nước lập hồ sơ phương án giá nước sạch để gửi cho Sở Tài chính thẩm định, trình UBND cấp tỉnh xem xét và quyết định điều chỉnh.

- Trường hợp sau khi đơn vị cấp nước rà soát mà giá thành 1m3 nước sạch của năm tiếp theo biến động tăng ở mức đơn vị cấp nước có thể cân đối tài chính được thì đơn vị cấp nước có công văn gửi cho Sở Tài chính để báo cáo UBND cấp tỉnh về việc giữ ổn định đơn giá nước sạch sinh hoạt.

3. Cơ quan nào quyết định giá nước sinh hoạt?

Theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định số 177/2013/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi khoản 7 Điều 1 Nghị định 149/2016/NĐ-CP về thẩm quyền, trách nhiệm định của của UBND cấp tỉnh, cụ thể tại điểm đ Điều khoản này quy định UBND cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền quy định giá nước sạch sinh hoạt.

Do đó, căn cứ theo quy định trên thì giá nước sinh hoạt cụ thể hàng tháng của hộ gia đình sẽ do UBND cấp tỉnh quyết định.

4. Hướng dẫn cách tính giá nước sinh hoạt hàng tháng

Để tính tiền nước sinh hoạt hàng tháng, cần chú ý đến các yếu tố chủ yếu sau:

- Đối tượng sử dụng nước là hộ gia đình, hộ nghèo, hộ cần nghèo hay tổ chức, doanh nghiệp.

- Mục đích sử dụng nước là sinh hoạt.

- Mức tiêu thụ số khối nước trong tháng.

Dựa vào đó có thể xác định mức giá chính xác cho 1 khối nước để tính giá nước.

Ví dụ: Một hộ gia đình (không phải hộ nghèo, cận nghèo, chính sách) sống tại Hà Nội, giá thành nước sinh hoạt sẽ áp dụng cho hộ gia đình này. Mỗi tháng, hộ gia đình đó sử dụng hết 20m3 nước sạch thì cách tính tiền nước thực hiện như sau:

Căn cứ theo Quyết định 3541/QĐ-UBND ngày 07/7/2023 của UBND Thành phố Hà Nội thì giá bán lẻ nước sạch sinh hoạt đối với các hộ dân cư từ ngày 01/01/2024 đến ngày  31/12/2024 là:

- Mức đến 10m3/đồng hồ/tháng: Hộ thuộc diện gia đình chính sách hoặc hộ nghèo, hộ cận nghèo: 5.973 đồng/m3; Hộ dân cư khác: 8.500 đồng/m3.

- Mức từ 10-20m3/đồng hồ/tháng: 9.900 đồng/m3.

Như vậy, đối với hộ gia đình nêu trên, tiền nước sinh hoạt trong tháng được tính như sau:

- Mức 1: 10m3 đầu tiên có giá 8.500 đồng/m3: 8.500 x 10 = 85.000 đồng.

- Mức 2: Từ 10-20m3 có giá 9.900 đồng/m3: 9.900 x 10 = 99.000 đồng.

Tổng tiền nước mà hộ gia đình này phải trả trong tháng là: 85.000 + 99.000 = 184.000 đồng.

Lưu ý: Trên đây là tổng tiền nước chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và phí bảo vệ môi trường.

Trên đây là những thông tin về giá nước sinh hoạt. Nếu còn thắc mắc, hãy liên hệ đến: 19006192 để được tư vấn, hỗ trợ.
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục