1. ESOP là gì?
ESOP, viết tắt của cụm từ Employment Stock Ownership Plan, là hình thức phát hành cổ phiếu cho người lao động trong công ty.
Theo ESOP, đối tượng hướng đến của hình thức cổ phiếu này là những nhân viên có đóng góp to lớn hoặc hoạt động lâu năm trong công ty.
Đây là một cách doanh nghiệp lớn sử dụng để khuyến khích người lao động tạo thành công cho công ty. Cổ phiếu ESOP thường được phát hành với nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt. Cách phân phối cổ phiếu phụ thuộc vào quy chế và tiêu chuẩn từng công ty đặt ra.
* Ví dụ về chính sách cổ phiếu ESOP khác nhau của các doanh nghiệp
- Năm 2023, Công ty cổ phần FPT đã phát hành hơn 5 triệu cổ phiếu ESOP cho các nhân viên từ cấp bậc 4 trở lên và một số cán bộ có thành tích đặc biệt với giá chỉ 10.000 đồng/cổ phiếu ( thấp hơn nhiều so với giá thị trường là 95.000 đồng/cổ phiếu)
- Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á SeABank phát hành cổ phiếu ESOP với giá ưu đãi 12.000 đồng/cổ phiếu cho hơn các cán bộ quản lý đáp ứng tiêu chí về mặt thâm niên. Cổ phiếu này sẽ được tự do chuyển nhượng 50% sau 1 năm và 100% sau 2 năm cố hữu.
- Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam Techcombank phát hành 6 triệu cổ phiếu với giá chỉ 10.000 đồng/cổ phiếu. Số cổ phiếu này được công ty quy định hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.
2. Quy định về điều kiện, thủ tục phát hành cổ phiếu ESOP
Để phát hành cổ phiếu ESOP, các doanh nghiệp cần phải tuân thủ đầy đủ về điều kiện và thủ tục phát hành cổ phiếu ESOP. Dưới đây là thông tin cụ thể về điều kiện và thủ tục phát hành loại cổ phiếu này.
2.1 Điều kiện
Không phải tất cả các doanh nghiệp đều đủ khả năng phát hành cổ phiếu ESOP. Việc phát hành cổ phiếu ESOP cần phải đáp ứng được tất cả các điều kiện do pháp luật quy định.
Căn cứ vào Điều 64 Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều luật của luật Chứng khoán, công ty phải đáp ứng các điều kiện dưới đây:
Có chương trình phát hành cổ phiếu ESOP được Đại hội đồng cổ đông chấp thuận và thông qua.
Tổng số cổ phiếu ESOP phát hành trong mỗi 12 tháng không được vượt quá mức 5% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của công ty.
Những nội dung bao gồm chính sách về tiêu chuẩn người lao động được tham gia, nguyên tắc xác định số cổ phiếu được phân phối cho từng đối tượng, thời gian cụ thể phải được thông qua bởi Đại hội đồng cổ đông, hoặc ủy quyền cho Hội đồng quản trị thông qua.
Trường hợp phát hành cổ phiếu thưởng cho người lao động, công ty phải có đủ nguồn vốn chủ sở hữu đủ để tăng vốn cổ phần. Nguồn vốn được chấp thuận bao gồm các nguồn sau: thặng dư vốn cổ phần; quỹ đầu tư phát triển; lợi nhuận sau thuế chưa phân phối; khoản quỹ khác (nếu có) được dùng để bổ sung vốn điều lệ theo quy định của pháp luật.
Đối với công ty đại chúng là công ty mẹ phát hành cổ phiếu để thưởng cho người lao động, nguồn vốn được thực hiện căn cứ dựa vào báo cáo tài chính của công ty mẹ;
Trong trường hợp công ty đại chúng là công ty mẹ phát hành cổ phiếu để thưởng cho người lao động từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, lợi nhuận được quyết định dùng để thưởng cho người lao động không được vượt quá mức lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính hợp nhất được kiểm toán. Trước khi phân phối, công ty chỉ được làm điều này sau khi đã điều chuyển lợi nhuận từ các công ty con về công ty mẹ.
Đối với công ty phát hành cổ phiếu thưởng cho người lao động, tổng giá trị các nguồn quy định tại khoản 4 không thấp hơn tổng giá trị vốn cổ phần tăng thêm theo phương án được thông qua bởi Đại hội đồng công ty.
Nếu đối tượng người lao động là nhà đầu tư nước ngoài thì phải đảm bảo tỷ lệ sở hữu nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong tối thiểu trong vòng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.
2.2 Thủ tục
Bên cạnh việc đáp ứng đầy đủ quy định về điều kiện phát hành cổ phiếu ESOP, các doanh nghiệp lớn cần phải trải qua đầy đủ các bước của thủ tục phát hành cổ phiếu ESOP. Căn cứ điều 69 Nghị định 155/2020/NĐ-CP, thủ tục phát hành cổ phiếu ESOP được quy định như sau:
1. Tổ chức phát hành phải gửi tài liệu báo cáo phát hành cổ phiếu quy định tại Điều 61, Điều 63, Điều 65 Nghị định này cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tài liệu báo cáo phát hành đầy đủ và hợp lệ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo bằng văn bản cho tổ chức phát hành và đăng tải trên trang thông tin điện tử của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc nhận đầy đủ tài liệu báo cáo phát hành của tổ chức phát hành; trường hợp từ chối, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo về việc nhận được đầy đủ tài liệu báo cáo phát hành, tổ chức phát hành phải công bố Bản thông báo phát hành trên trang thông tin điện tử của tổ chức phát hành, Sở giao dịch chứng khoán. Việc công bố thông tin trên phải được thực hiện ít nhất 07 ngày làm việc trước ngày kết thúc đợt phát hành.
4. Ngày kết thúc đợt phát hành không được quá 45 ngày kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo về việc nhận được đầy đủ tài liệu báo cáo.
5. Trong quá trình phát hành cổ phiếu để trả cổ tức hoặc phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, trường hợp phát sinh cổ phiếu lẻ, công ty được mua lại cổ phiếu lẻ làm cổ phiếu quỹ theo phương án đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua hoặc ủy quyền cho Hội đồng quản trị thông qua. Số cổ phiếu được công ty mua lại này được xử lý theo quy định tại khoản 7 Điều 36 Luật Chứng khoán và các quy định có liên quan.
6. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc đợt phát hành, tổ chức phát hành phải gửi Báo cáo kết quả đợt phát hành cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của tổ chức phát hành, Sở giao dịch chứng khoán về kết quả đợt phát hành. Đối với trường hợp phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động, tài liệu báo cáo kết quả đợt phát hành gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kèm theo:
a) Danh sách người lao động tham gia chương trình trong đó nêu cụ thể về số lượng cổ phiếu của từng người lao động đã nộp tiền mua hoặc được phân phối (đối với trường hợp phát hành cổ phiếu thưởng cho người lao động);
b) Văn bản xác nhận của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nơi mở tài khoản phong tỏa về số tiền thu được từ đợt phát hành, trừ trường hợp phát hành cổ phiếu thưởng cho người lao động.
7. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tài liệu báo cáo kết quả đợt phát hành đầy đủ và hợp lệ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo bằng văn bản về việc nhận được báo cáo kết quả đợt phát hành cho tổ chức phát hành đồng thời gửi cho Sở giao dịch chứng khoán, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam và đăng tải trên trang thông tin điện tử của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc nhận được báo cáo kết quả đợt phát hành.
8. Sau khi có thông báo nhận được báo cáo kết quả đợt phát hành của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tổ chức phát hành được yêu cầu chấm dứt phong tỏa số tiền thu được từ đợt phát hành đối với trường hợp phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động, trừ trường hợp phát hành cổ phiếu thưởng cho người lao động.
Các doanh nghiệp khi bắt đầu phát hành cổ phiếu ESOP cần phải chuẩn bị và gửi tài liệu báo cáo phát hành cổ phiếu ESOP theo quy định trên đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
3. Ưu điểm và rủi ro khi phát hành cổ phiếu ESOP
Cổ phiếu ESOP cũng tồn tại đồng thời mặt tốt và mặt xấu. Dưới đây là phân tích về lợi ích và rủi ro khi phát hành cổ phiếu ESOP.
3.1 Về ưu điểm
Đối với nhân viên
- Nhân viên sẽ nhận được nguồn lợi nhuận dài hạn do cổ phiếu ESOP mang lại. Khi tình hình kinh doanh của công ty tốt đẹp, lợi nhuận họ thu về sẽ càng lớn. Đây là hình thức khen thưởng của công ty ghi nhận sự trung thành và tinh thần trách nhiệm của họ đồng thời là nguồn động lực, khích lệ cho họ để tạo nhiều thành công hơn cho công ty trong tương lai.
- Cổ phiếu ESOP sẽ giúp người lao động tăng thu nhập khi công ty làm ăn có lãi.
Đối với công ty
- Hình thức phát hành cổ phiếu ESOP sẽ giúp công ty giữ chân được những nhân viên nòng cốt và nhận được thành công lâu dài từ những cống hiến của họ.
- Hình thức phát hành cổ phiếu ESOP giúp công ty đạt được đồng thời hai mục tiêu. Thứ nhất, công ty sẽ giảm được gánh nặng chi thưởng nhân viên bằng tiền mặt. Thứ hai, nguồn lợi nhuận đó được giữ lại để tăng vốn điều lệ.
3.2 Về rủi ro
Rủi ro trong việc pha loãng cổ phiếu
Hiện tượng pha loãng cổ phiếu xuất hiện khi một công ty phát hành cổ phiếu mới làm suy giảm tỷ lệ sở hữu công ty của các cổ đông hiện tại. Bên cạnh đó, thu nhập trên mỗi cổ phiếu của cổ đông cũng bị sụt giảm.
Trên thực tế, nguồn tài chính được dùng để phát hành cổ phiếu ESOP cho người lao động xuất phát từ tài sản của các cổ đông. Việc phát hành cổ phiếu ESOP với tần suất cao sẽ dẫn đến giá cổ phiếu của doanh nghiệp giảm mạnh.
Do đó, lạm dụng phát hành cổ phiếu ESOP sẽ gây loãng cổ phiếu và làm ảnh hưởng quyền lợi của các cổ đông. Xét về hậu quả lâu dài, nhiều nhà đầu tư mất niềm tin và tỏ ra e dè trong việc rót vốn đầu tư cho doanh nghiệp.
Rủi ro trong quản trị công ty
Trong một số trường hợp, một số người trong ban lãnh đạo công ty sẽ chia cổ phần cho người thân hoặc nhân viên thân thiết của mình để gia tăng sức ảnh hưởng của mình và trục lợi từ các cổ đông.
Sự thiếu minh bạch trong việc phát hành cổ phiếu sẽ làm gia tăng nguy cơ mâu thuẫn nội bộ giữa các thành viên trong ban lãnh đạo công ty. Điều này sẽ gián tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình vận hành và hoạt động của công ty.