Vụ clip bé trai 3 tuổi nghi bị ép hút ma tuý: Cha dượng bị phạt thế nào?

Những ngày gần đây trên mạng xã hội đang xôn xao vụ clip bé trai bị người tình của mẹ ép dùng ma tuý và nghi bị bạo hành. Vậy nếu sau khi xác minh là thật thì cưỡng ép trẻ em dùng ma tuý bị phạt như thế nào?

1. Nội dung vụ việc như thế nào?

Vụ việc xôn xao mạng xã hội mấy ngày gần đây về đoạn clip xuất hiện hình ảnh một bé trai khoảng 03 tuổi, đang mặc bỉm nghi bị cha dượng mà sau đó xác minh thì là người tình của mẹ cưỡng ép sử dụng ma tuý.

Theo đó, khuya 24/3 xuất hiện trên facebook một clip bé trai ở TP. Hồ Chí Minh bị trói chân, ép dùng chất nghi là ma tuý đá.

Sau khi đăng tải đoạn clip, anh T - cha ruột cháu bé trong clip đã trình báo công an với nội dung như sau: Năm 2018, anh T và chị N kết hôn, có hai người con chung và một trong hai là cháu bé ở trong clip. Năm 2021, do mâu thuẫn nên chị N bỏ nhà đi và sống chung như vợ chồng với người tình là B.

Ngoài ra, người này còn thông tin thêm, sau khi mượn dùng tài khoản Facebook của mẹ cháu bé, anh T còn phát hiện ra nhiều clip khác quay lại hình ảnh B nhiều lần nói tục, chửi bới và hành hạ bé trai thậm chí bị trói tay bằng băng keo… Bé trai trong clip thì có vẻ sợ hãi.

Hiện công an TP. Hồ Chí Minh đang điều tra, làm rõ vụ việc nêu trên.

Hiện công an vẫn đang điều tra về vụ việc liên quan clip ép trẻ em dùng ma tuý (Ảnh trên mạng)

2. Cưỡng ép trẻ em dùng ma tuý bị phạt như thế nào?

Đối với hành vi của B, sau khi xác minh nếu thật sự là B đe doạ, uy hiếp, dùng vũ lực để ép cháu bé 03 tuổi trong clip buộc cháu sử dụng trái phép ma tuý thì sẽ có thể bị phạt tù về Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma tuý theo Điều 257 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cụ thể, tuỳ vào từng tính chất, mức độ của hành vi mà B có thể đối mặt với mức phạt tù cao nhất đế chung thân như sau:

- Phạt tù từ 02 - 07 năm: Sử dụng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực để uy hiếp tinh thần bé trai buộc cháu bé phải sử dụng ma tuý trái phép trái với ý muốn của cháu.

- Phạt tù từ 07 - 15 năm tù: Nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Có tổ chức; phạm tội hai lần trở lên; vì động cơ đê hèn hoặc tư lợi; gây tổn hại sức khoẻ cho cháu bé từ 31% - 60%; gây bệnh nguy hiểm cho cháu bé; tái phạm nguy hiểm.

- Phạt tù từ 15 - 20 năm: Gây tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây chết người; với người dưới 13 tuổi.

- Phạt tù 20 năm hoặc chung thân: Làm chết 02 người trở lên.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 05 - 100 triệu đồng.

Như vậy, căn cứ vào bước đầu có thể thấy, hành vi phạm tội của B có thể bị phạt tù đến 20 năm vì cưỡng ép cháu bé 03 tuổi (đối tượng dưới 13 tuổi) sử dụng trái phép chất ma tuý.

Tuy nhiên, để xác định chính xác mức phạt tù mà người này phải nhận thì cần phải căn cứ vào kết luận của công an và các bằng chứng, chứng cứ sau khi xác minh của công an.

3. Bạo hành trẻ em bị phạt thế nào?

Liên quan đến việc bạo hành trẻ em, có thể hiểu bạo hành trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất và tinh thần của trẻ em như đánh, trói, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ hoặc chửi mắng, hành hạ, nhục mạ bởi các lời lẽ thô thiển, mắng nhiếc thậm tệ…

Theo đó, nếu có hành vi bạo hành trẻ em, người bạo hành trẻ em có thể phải chịu xử lý như sau:

Xử phạt hành chính: Tuỳ vào hành vi bạo hành mà người vi phạm có thể bị phạt hành chính như sau:

  • Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng: Bắt nhịn ăn, nhịn uống, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe doạ, cô lập, xua đuổi trẻ… (Điều 22 Nghị định 130/2021/NĐ-CP).
  • Phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng: Cho trẻ em sử dụng chất gây nghiện, chất kích thích khác (điểm c khoản 1 Điều 29 Nghị định 130/2021/NĐ-CP).

Ngoài ra, nếu người vi phạm là thành viên trong gia đình như cha, mẹ… của trẻ thì có thể bị xử phạt hành chính với các mức phạt tiền nêu tại Điều 52, Điều 53 Nghị định 144/2021/NĐ-CP sau đây:

  • Phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng: Đánh đập trẻ em; lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm trẻ em.
  • Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng: Dùng vật đánh đập trẻ em; bắt nhịn ăn, nhịn uống, chịu rét, mặc rách…

Chịu trách nhiệm hình sự: Tuỳ vào tính chất, mức độ của hành vi bạo hành trẻ em, người bạo hành còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về:

- Tội hành hạ người khác tại Điều 140 Bộ luật Hình sự với mức phạt tù từ 01 - 03 năm: Phạm tội với người dưới 16 tuổi khi đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình.

- Tội làm nhục người khác tại Điều 155 Bộ luật Hình sự với mức phạt tù cao nhất là 05 năm năm tù:

  • Phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm: Xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự người khác.
  • Phạt tù từ 03 tháng - 02 năm: Phạm tội 02 lần trở lên; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; gây rối loạn tâm thần và hành vi mà tỷ lệ tổn thương từ 31% - 60%.
  • Phạt tù từ 02 - 05 năm: Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 61% trở lên hoặc làm nạn nhân tự sát.

Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm hành nghề, làm công việc nhất định hoặc đảm nhiệm chức vụ từ 01 - 05 năm.

- Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình tại Điều 185 Bộ luật Hình sự với mức phạt tù từ 02 - 05 năm: Đối xử tồi tệ, có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể người dưới 16 tuổi.

Trên đây là một số nhận định ban đầu về vụ việc liên quan đến clip cưỡng ép trẻ em dùng ma tuý bị phạt như thế nào? Hiện vụ việc đang được điều tra và làm rõ và việc xử lý sẽ căn cứ vào kết luận của cơ quan điều tra. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(2 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Quy định mới nhất về cung cấp trò chơi điện tử công cộng

Trò chơi điện tử công cộng là một hình thức trò chơi khá đặc thù và chịu sự quản lý chặt chẽ bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vậy Nghị định 147/2024/NĐ-CP đã quy định như thế nào để hoạt động cung cấp trò chơi điện tử công cộng này?

Mẫu báo cáo cung cấp trò chơi điện tử trên mạng

Hiện nay, trò chơi điện tử trên mạng rất đa dạng và được phát hành bởi rất nhiều nhà cung cấp khác nhau. Sau đây là một số quy định mà các nhà cung cấp cần lưu ý về việc báo cáo cung cấp trò chơi điện tử trên mạng này.

Mẫu đơn đề nghị cấp GCN cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4

Trò chơi điện tử trên mạng đang trở nên ngày càng thịnh hành đối với mọi lứa tuổi. Do đó, Nghị định 147/2024/NĐ-CP đã ban hành các quy định dành riêng cho việc cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4 trên mạng cùng với mẫu đơn đề nghị cấp GCN cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4.