Đường cơ sở là gì? Các loại đường cơ sở và cách xác định

Đối với các quốc gia giáp biển thì đường cơ sở là một trong những yếu tố quan trọng trong việc xác định vùng biển. Vậy thì đường cơ sở là gì và có những loại đường cơ sở nào hiện nay theo Luật Biển Quốc tế, bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp câu hỏi trên.

1. Định nghĩa đường cơ sở là gì?

Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có văn bản chính thức nào định nghĩa chính xác cho khái niệm đường cơ sở là gì.

Tuy nhiên, theo Luật Biển Việt Nam 2012 và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) từng định nghĩa về nội thủy và lãnh hải như sau:

  • Nội thủy là vùng nước giáp giữa bờ biển và đường cơ sở
  • Lãnh hải là vùng biển có chiều rộng 12 hải lý (tương đương 22,22km) tính từ đường cơ sở ra phía biển.

Như vậy có thể hiểu rằng đường cơ sở chính là đường giáp ngoài của nội thủy và là đường giáp trong của lãnh hải. Đường cơ sở là ranh giới phân tách hai khu vực pháp lý khác nhau trên vùng biển.

Cách xác định các bộ phận vùng biển dựa theo đường cơ sở (Ảnh minh hoạ)

2. Các loại đường cơ sở theo luật biển quốc tế

Dựa vào đặc điểm địa hình, địa chất khác nhau, các quốc gia trên thế giới được chia thành hai nhóm quốc gia chính là nhóm quốc gia lục địa và nhóm quốc gia quần đảo. Từ đó, UNCLOS 1982 đã đưa ra các loại đường cơ sở phù hợp với đặc trưng địa hình của mỗi quốc gia trong nhóm.

2.1 Đối với nhóm quốc gia lục địa

Quốc gia lục địa là quốc gia có một phần lãnh thổ tiếp giáp với biển. Đường cơ sở được xem là cơ sở để xác định vùng biển thuộc chủ quyền của mỗi quốc gia, do đó cần phải xác định chính xác đường cơ sở.

UNCLOS đã đưa ra cho nhóm quốc quốc gia lục địa hình thức để xác định đường cơ sở gồm:

  • Đường cơ sở thông thường: “...dùng để tính chiều rộng lãnh hải là ngấn nước triều thấp nhất dọc theo bờ biển...” (Điều 5 Mục 2 UNCLOS 1982).

Theo đó, đường cơ sở thông thường thường được áp dụng cho các quốc gia có bờ biển tương đối bằng phẳng, ngấn nước thủy triều thấp nhất thể hiện một cách rõ ràng.

  • Đường cơ sở thẳng: đường nối liền các điểm thích hợp được sử dụng để kẻ đường cơ sở.

Ngoài việc sử dụng đường cơ sở thông thường, các quốc gia có đường bờ biển khoét sâu, lồi lõm hoặc có các nhóm đảo, quần đảo chạy dọc bờ biển cũng sẽ chọn lựa đường cơ sở thẳng cho việc xác định đường cơ sở.

2.2 Đối với nhóm quốc gia quần đảo

Quốc gia quần đảo (Etat Archipel) là một quốc gia hoàn toàn được cấu thành bởi một hay nhiều quần đảo và có khi bởi một số hòn đảo khác nữa (Khoản a Điều 46 UNCLOS 1982).

Do có đặc điểm địa hình gồm nhiều đảo và quần đảo tạo thành nên theo UNCLOS 1982 đã ghi nhận phương pháp đường cơ sở quần đảo cho nhóm các quốc gia này.

3. Cách xác định đường cơ sở theo luật biển quốc tế

Sau khi hiểu rõ đường cơ sở là gì và phân loại các loại đường cơ sở, hãy cùng tìm hiểu về cách thức để xác định từng loại đường cơ sở dựa theo Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982.

3.1. Đường cơ sở thông thường

Đường cơ sở thông thường được xác định bằng ngấn nước thủy triều thấp nhất chạy dọc theo bờ biển.

Vì không có sự quy định rõ về cách xác định ngấn nước thủy triều thấp nhất do đó các thông số về đường cơ sở thông thường đều do các quốc gia tự xác định và công bố. Việc này cũng dẫn đến một số hạn chế cho việc sử dụng đường cơ sở này đến lợi ích chung của các quốc gia ven biển như:

  • Tỉ lệ chính xác không cao vì các tọa độ các điểm ngấn nước thủy triều chủ yếu do các quốc gia tự xác định
  • Không có tính linh hoạt vì chỉ áp dụng nếu bờ biển hoàn toàn bằng phẳng, một vài vị trí khúc khuỷu cũng sẽ ảnh hưởng đến việc xác định đường cơ sở

3.2 Đường cơ sở thẳng

Đường cơ sở thẳng được tạo thành bằng sự nối liền các điểm thích hợp có thể được sử dụng để kẻ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải.

Phương pháp tính đường cơ sở thẳng phù hợp với các quốc gia có bờ biển sâu, lồi lõm và có các đảo, chuỗi đảo chạy dọc bờ biển.

Theo Công ước quốc tế về Luật Biển 1982 đã đưa ra một số nội dung liên quan tới đường cơ sở thẳng tại Điều 7 của Công ước này:

  • Ở những nơi có đường bờ biển cực kì không ổn định thì các điểm thích hợp được lựa chọn có thể dịch vào phía trong bờ;
  • Các đoạn nối để tạo thành đường cơ sở không được chệch đi quá xa so với hướng chung của biển, phải đảm bảo rằng đường cơ sở phải cách bờ một khoảng để có được chế độ nội thủy phù hợp;
  • Trừ trường hợp được sự thừa nhận của toàn thế giới thì các quốc gia phải đảm bảo rằng các đường cơ sở thẳng không được phép xuất phát từ các bãi cạn lúc nổi lúc chìm, hoặc nếu xuất phát từ các bãi cạn đó thì phải có đèn biển hoặc các thiết bị tương tự.
  • Đường cơ sở thẳng được vạch ra của một quốc gia không được làm ảnh hưởng đến lãnh hải của quốc gia khác và vùng đặc quyền kinh tế chung.

Trong gần 150 quốc gia ven biển thì có hơn 50 quốc gia lựa chọn đường cơ sở thẳng, trong đó có Việt Nam. Tuyên bố ngày 12/11/1982 của Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam xác định đường cơ sở thẳng bao gồm 12 điểm (có 11 điểm chính thức) trải dài khắp cả nước để xác định đường cơ sở, các điểm đó bao gồm:

Điểm

Vị trí và địa lý

Tọa độ N

Kinh độ E

0

Nằm trên ranh giới phía Tây Nam của vùng nước lịch sử của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Cộng hòa nhân dân Campuchia.

A1

Tại Hòn Nhạn, quần đảo Thổ Chu, tỉnh Kiên Giang.

9015’0

103027’0

A2

Tại Hòn Đá Lẻ ở Đông Nam Hòn Khoai, tỉnh Minh Hải.

8022’8

104052’4

A3

Tại Hòn Tài Lớn, Côn Đảo, Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo.

8037’8

106037’5

A4

Tại Hòn Bông Lan, Côn Đảo.

8038’9

106040’3

A5

Tại Hòn Bảy Cạnh, Côn Đảo.

8039’7

106042’1

A6

Tại Hòn Hải (Nhóm đảo Phú Quý), tỉnh Thuận Hải.

9058’0

109005’0

A7

Tại Hòn Đôi, tỉnh Thuận Hải.

12039’0

109028’0

A8

Tại mũi Đại Lãnh, tỉnh Phú Khánh.

12053’8

109027’2

A9

Tại Hòn Ông Căn, tỉnh Phú Khánh.

13054’0

109021’0

A10

Tại đảo Lý Sơn, tỉnh Nghĩa Bình.

15023’1

109009’0

A11

Tại đảo Cồn Cỏ, tỉnh Bình Trị Thiên.

17010’0

107020’6

So với việc sử dụng đường cơ sở thông thường, việc xác định đường cơ sở theo phương pháp đường cơ sở thẳng sẽ giúp các quốc gia ven biển có được vùng nội thủy rộng hơn.

3.3 Đường cơ sở quần đảo

Đường cơ sở quần đảo là đường cơ sở thẳng nối các điểm ngoài cùng của các đảo xa nhất và các bãi đá nổi xa nhất của quần đảo.

Vậy đường cơ sở quần đảo được xác định như thế nào?

Tại Điều 47 UNCLOS 1982, đường cơ sở quần đảo được quy định với những nội dung như sau:

  • Một quốc gia quần đảo có thể vạch các đường cơ sở thẳng của quần đảo nối liền các điểm ngoài cùng của các đảo xa nhất và các bãi đá lúc chìm lúc nổi của quần đảo, với điều kiện là tuyến các đường cơ sở này bao lấy các đảo chủ yếu và xác lập một khu vực mà tỷ lệ diện tích nước đó với đất, kể cả vành đai san hô, phải ở giữa tỷ lệ số 1/1 và 9/1.
  • Chiều dài của các đường cơ sở này không vượt quá 100 hải lý; tuy nhiên có thể tối đa 3% của tổng số các đường cơ sở bao quanh một quần đảo nào đó có một chiều dài lớn hơn nhưng không quá 125 hải lý.
  • Tuyến các đường cơ sở này không được tách xa rõ rệt đường bao quanh chung của quần đảo.
  • Các đường cơ sở không thể kéo đến hay xuất phát từ các bãi cạn lúc chìm lúc nổi, trừ trường hợp tại đó có xây đặt các đèn biển hay các thiết bị tương tự thường xuyên nhô trên mặt biển hoặc trừ trường hợp toàn bộ hay một phần bãi cạn ở cách hòn đảo gần nhất một khoảng cách không vượt quá chiều rộng lãnh hải.
  • Một quốc gia quần đảo không được áp dụng phương pháp kẻ các đường cơ sở khiến cho các lãnh hải của một quốc gia khác bị tách rời với biển cả hay với một vùng đặc quyền kinh tế.
  • Nếu một phần của vùng nước quần đảo của một quốc gia quần đảo nằm giữa hai mảnh lãnh thổ của một quốc gia kế cận, thì các thuyền và mọi lợi ích chính đáng mà quốc gia kế cận này vẫn được hưởng theo truyền thống ở trong các vùng nước nói trên, cũng như tất cả các quyền nảy sinh từ các điều ước được ký kết giữa hai quốc gia, vẫn tồn tại và vẫn được tôn trọng.

4. Ý nghĩa của đường cơ sở đối với Việt Nam

Với một quốc gia ven biển như Việt Nam, ý nghĩa của đường cơ sở là gì? Đường cơ sở là thước đo chuẩn để có thể thống nhất cách tính toán chiều rộng của lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Đối với Việt Nam nói riêng và các quốc gia ven biển nói chung, vùng biển đóng góp một vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ Quốc. Việc cân nhắc để xác định đúng đường cơ sở sẽ tạo tiền đề quan trọng  trong nhiều khía cạnh và góp phần bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.

- Về kinh tế: Vùng biển tạo điều kiện cho nước ta phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn góp phần vào sự phát triển chung của cả nước như ngành thủy hải sản, hàng hải, du lịch, dầu khí, khai thác khoáng sản,...

Ngư dân đánh bắt thủy hải sản trong vùng biển Việt Nam (Ảnh minh hoạ)

- Về an ninh, quốc phòng: Luật biển của các quốc gia đều quy định rõ về vùng neo đậu, di chuyển của tàu thuyền các nước tại vùng biển của quốc gia mình. Từ đó có thể tổ chức giám sát và kiểm soát được lượng tàu thuyền ra vào vùng biển.

Đường cơ sở có ý nghĩa to lớn trong việc bảo vệ vùng biển quốc gia (Ảnh minh hoạ)

Đường cơ sở chính là cơ sở để có thể tính toán chính xác từng bộ phần của vùng biển, do đó xác định đúng đường cơ sở sẽ mang lại cho các quốc gia những lợi ích nhất định.

Với tác động của việc nước biển dâng cao thì đường cơ sở vẫn có thể thay đổi theo các năm tùy vào điều kiện tự nhiên của các quốc gia. Khi đó các nước có nhiệm vụ xác định lại đường cơ sở và có những văn bản quy định chính thức về việc thay đổi

Qua bài viết trên, chúng ta đã có câu trả lời cho đường cơ sở là gì và biết được cách xác định từng loại đường cơ sở. Nếu có nhu cầu tìm đọc các vấn đề liên quan đến pháp luật khác hãy truy cập vào trang web của chúng tôi để đọc thêm nhiều thông tin bổ ích hoặc liên hệ 19006192 để chuyên gia của LuatVietnam giải đáp thắc mắc.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Quy định mới nhất về cung cấp trò chơi điện tử công cộng

Trò chơi điện tử công cộng là một hình thức trò chơi khá đặc thù và chịu sự quản lý chặt chẽ bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vậy Nghị định 147/2024/NĐ-CP đã quy định như thế nào để hoạt động cung cấp trò chơi điện tử công cộng này?

Mẫu báo cáo cung cấp trò chơi điện tử trên mạng

Hiện nay, trò chơi điện tử trên mạng rất đa dạng và được phát hành bởi rất nhiều nhà cung cấp khác nhau. Sau đây là một số quy định mà các nhà cung cấp cần lưu ý về việc báo cáo cung cấp trò chơi điện tử trên mạng này.

Mẫu đơn đề nghị cấp GCN cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4

Trò chơi điện tử trên mạng đang trở nên ngày càng thịnh hành đối với mọi lứa tuổi. Do đó, Nghị định 147/2024/NĐ-CP đã ban hành các quy định dành riêng cho việc cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4 trên mạng cùng với mẫu đơn đề nghị cấp GCN cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4.