Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Dự thảo Thông tư hướng dẫn phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải
- Thuộc tính
- Nội dung
- Tải về
thuộc tính Thông tư
Lĩnh vực: | Lĩnh vực khác | Loại dự thảo: | Thông tư |
Cơ quan chủ trì soạn thảo: | Bộ Tài nguyên và Môi trường | Trạng thái: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn kỹ thuật về phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải và phục hồi môi trường sau sự cố chất thải.
Tải Thông tư
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /2025/TT-BTNMT | Hà Nội, ngày tháng năm 2025 |
DỰ THẢO SỐ 02
01.2025
THÔNG TƯ
Hướng dẫn kỹ thuật về phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải và phục hồi môi trường sau sự cố chất thải
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;
Căn cứ Luật Phòng thủ dân sự ngày 20 tháng 6 năm 2023;
Căn cứ Nghị định số …202…/NĐ-CP ngày …. tháng … năm 202… của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng thủ dân sự;
Căn cứ Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 05/2025/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2025 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 68/2022/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Căn cứ Quyết định số …./…../QĐ-TTg ngày ….. tháng ….. năm ….. của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế ứng phó sự cố chất thải;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường;
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư hướng dẫn kỹ thuật về phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn kỹ thuật về phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải và phục hồi môi trường sau sự cố chất thải.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải và phục hồi môi trường sau sự cố chất thải.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Sự cố chất thải rắn là sự cố xảy ra trong quá trình lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải rắn gây ra.
2. Sự cố chất thải lỏng (bao gồm bùn thải, nước thải) là sự cố xảy ra trong quá trình lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải lỏng gây ra.
3. Sự cố khí thải là sự cố xảy ra trong quá trình xử lý khí thải gây ra.
Chương II:
PHÒNG NGỪA SỰ CỐ CHẤT THẢI
Điều 4. Dự báo, xác định hạng mục công trình có khả năng xảy ra sự cố
1. Các hệ thống xử lý nước thải, hệ thống xử lý khí thải.
2. Các hệ thống xử lý chất thải công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt.
2. Bãi chôn lấp chất thải công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt.
3. Hồ chứa nước thải, hồ chứa chất thải từ tuyển quặng.
4. Khu vực kho lưu giữ, lưu chứa chất thải công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt.
5. Các phương tiện vận chuyển chất thải công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt.
6. Các hệ thống, thiết bị khác có liên quan khi không hoạt động hoặc bị hỏng dẫn tới hạng mục công trình từ khoản 1 đến khoản 5 Điều này bị sự cố.
Điều 5. Dự báo, xác định chất ô nhiễm và tải lượng phát tán, tràn đổ ra môi trường khi xảy ra sự cố chất thải
1. Đặc điểm, tính chất của chất ô nhiễm có khả năng phát tán ra môi trường khi xảy ra sự cố chất thải.
2. Mức độ tác động từ các chất ô nhiễm tới sức khỏe của người dân, môi trường khi sự cố xảy ra.
3. Khối lượng, thải lượng chất thải phát tán, tràn đổ ra môi trường tối đa của từng công trình, thiết bị, khu vực khi xảy ra sự cố.
Điều 6. Dự báo nguyên nhân có khả năng gây ra sự cố chất thải
1. Vận hành không đúng quy trình các hạng mục công trình xử lý, lưu giữ chất thải.
2. Sử dụng các máy móc, thiết bị không bảo đảm về chất lượng theo quy định.
3. Hạng mục công trình được thi công, xây dựng không bảo đảm chất lượng công trình theo quy định.
4. Nguyên nhân do thiên tai gây lũ lụt, sạt lở làm vỡ, đổ tràn chất thải ra môi trường.
5. Nguyên nhân khác gây ra sự cố chất thải.
Điều 7. Dự báo, xác định phạm vi và đối tượng chính bị tác động do sự cố chất thải
1. Dự báo, xác định phạm vi xảy ra sự cố chất thải
a) Sự cố cấp cơ sở;
b) Sự cố cấp huyện;
c) Sự cố môi trường cấp tỉnh;
d) Sự cố môi trường cấp quốc gia.
2. Đối tượng chính bị tác động do sự cố chất thải
a) Dự báo hoặc mô hình hóa (nếu có) đường đi, dòng phát tán, tràn đổ chất thải ra môi trường đất, nước, không khí;
b) Dự báo số lượng người có khả năng bị ảnh hưởng do sự cố chất thải gây ra, trong đó đưa ra dựa báo ở các mức gồm: Người dân bị ảnh hưởng nhẹ; người dân bị ảnh hưởng nặng phải tới các cơ sở y tế để điều trị; xảy ra chết người;
c) Vẽ bản đồ, sơ đồ phạm vi bị tác động do sự cố chất thải.
Điều 8. Biện pháp, công trình phòng ngừa sự cố chất thải
1. Phải có biện pháp hoặc xây dựng công trình ứng phó sự cố phù hợp đối với từng loại sự cố.
2. Công trình, hệ thống xử lý chất thải phải thường xuyên, định kỳ được bảo dưỡng, hiệu chuẩn bảo đảm hoạt động ổn định, đồng thời phát hiện, ngăn chặn các nguy cơ xảy ra sự cố.
3. Hồ lưu chứa chất thải từ tuyển quặng, hồ lưu chứa chất thải, bãi chôn lấp, hồ chứa nước thải phải thường xuyên, định kỳ được kiểm tra sự dịch chuyển địa chất đối với bờ đập, thân đập để phát hiện kịp thời nguy cơ xảy ra vỡ đập, đặc biệt trong thời kỳ mưa lớn dài ngày hoặc lũ lụt.
4. Công trình, hệ thống xử lý chất thải phải được vận hành, lưu chứa phù hợp với quy mô, công suất. Không được lưu chứa, vận hành xử lý chất thải vượt quá quy mô, công suất.
5. Hạng mục, công trình xử lý chất thải phải được xây dựng bảo đảm kiên cố, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định của pháp luật về xây dựng.
6. Hồ sự cố đối với nước thải phải được thường xuyên kiểm tra và duy trì mực nước mưa trong hồ bảo đảm vừa có khả năng ứng phó khi có sự cố hệ thống xử lý nước thải vừa duy trì, bảo dưỡng lớp vải chống thấm. Trường hợp sử dụng giải pháp kỹ thuật (sử dụng kết hợp các bể, hồ của hệ thống để ứng phó khi sự cố xảy ra), cần duy trì vận hành các bể, hồ bảo đảm có thể tích trống phù hợp để ứng phó khi sự cố xảy ra.
7. Trang bị các thiết bị cảm biến để cảnh báo các công đoạn của hệ thống xử lý khí thải có khả năng xảy ra sự cố (cảm biến áp suất tại hệ thống lọc bụi túi vải để cảnh báo bục túi vải; cảm biến nồng độ CO tại thiết bị lọc bụi tĩnh điện để cảnh báo sự cố nổ…).
8. Lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục theo quy định đối với nước thải, khí thải để hỗ trợ công tác giám sát vận hành, từ đó phòng ngừa sự cố xảy ra.
Điều 9. Dự kiến tình huống, kịch bản và biện pháp xử lý sự cố chất thải
1. Căn cứ vào các dự báo tại Điều 4, Điều 5, Điều 6 và Điều 7 Thông tư này, chủ cơ sở đưa ra dự báo sự cố chất thải rắn, lỏng, khí có khả năng xảy ra bảo đảm phù hợp với hoạt động sản xuất của cơ sở.
2. Căn cứ các tình huống sự cố cơ bản hướng dẫn tại khoản 1 Điều này, việc dự báo và xây dựng các kịch bản xấu nhất bao gồm tối thiểu các nội dung chính như sau:
a) Công trình, thiết bị, khu vực có khả năng xảy ra sự cố;
b) Chất ô nhiễm độc hại và tải lượng phát tán, tràn đổ ra môi trường;
c) Phạm vi và đối tượng chính bị tác động;
đ) Biện pháp ngăn chặn, ứng phó và khắc phục hậu quả trong và ngoài phạm vi dự án, cơ sở đối với tình huống sự cố chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn nguy hại thông qua việc hạn chế, không cho chất thải phát tán ra ngoài môi trường, kịp thời triển khai đắp bờ, đào rãnh ngăn, bể chứa, không cho đất, đá thải phát tán ra môi trường;
e) Biện pháp ngăn chặn, ứng phó và khắc phục hậu quả trong và ngoài phạm vi dự án đầu tư, cơ sở đối với tình huống sự cố chất thải lỏng (bùn thải, nước thải) thông qua việc ngăn chặn, dừng phát tán chất thải, kịp thời triển khai bịt lấp thân đập bị vỡ bằng các vật liệu tại chỗ (bao đất, cát hoặc vật liệu sẵn có tại hiện trường), sử dụng hệ thống bơm để hút toàn bộ nước thải thu về bể chứa, hồ chứa…;
g) Biện pháp ngăn chặn, ứng phó và khắc phục hậu quả trong và ngoài phạm vi dự án đầu tư, cơ sở đối với tình huống sự cố khí thải thông qua việc hấp thụ bằng các vật liệu hấp thụ tương ứng phù hợp như dung dịch kiềm, nước; hấp thụ bằng các vật liệu hấp thụ như than hoạt tính, geolit...;
h) Đánh giá xác suất, khả năng xảy ra của từng kịch bản;
i) Bản đồ, sơ đồ phạm vi của vùng, khu vực trong vùng bán kính bị tác động do sự cố chất thải của từng kịch bản.
3. Tình huống và kịch bản ứng phó sự cố chất thải và biện pháp xử lý hướng dẫn tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải được mô tả trong Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải.
Điều 10. Trách nhiệm của chủ dự án, cơ sở trong việc nhận diện, dự báo cấp độ sự cố chất thải
1. Chủ dự án, cơ sở có trách nhiệm lập danh mục công trình, khu vực có khả năng xảy ra sự cố chất thải và phạm vi của sự cố chất thải có thể tác động, gây hậu quả ô nhiễm, suy thoái môi trường, bao gồm:
a) Công trình, khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố chất thải được dự báo không vượt quá phạm vi sự cố cấp cơ sở;
b) Công trình, khu vực có nguy cơ gây sự cố chất thải được dự báo có phạm vi ô nhiễm, suy thoái môi trường trong địa bàn của 01 đơn vị hành chính cấp huyện;
c) Công trình, khu vực có nguy cơ gây sự cố chất thải được dự báo có phạm vi ô nhiễm, suy thoái môi trường trong địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên;
d) Công trình, khu vực có nguy cơ gây sự cố chất thải được dự báo có phạm vi ô nhiễm, suy thoái môi trường trong địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên;
đ) Trang bị công trình, thiết bị phòng ngừa sự cố.
2. Danh mục công trình, khu vực có khả năng xảy ra sự cố chất thải và phạm vi của sự cố chất thải có thể tác động, gây hậu quả ô nhiễm, suy thoái môi trường quy định tại khoản 1 Điều này phải được xác định trong Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải cấp cơ sở.
3. Chủ dự án, cơ sở có trách nhiệm gửi Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải tới Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban phòng thủ dân sự cấp xã và Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp huyện.
Điều 11. Nhận diện, dự báo cấp độ sự cố chất thải cấp huyện, cấp tỉnh và cấp quốc gia
1. Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp huyện tổng hợp danh sách các dự án, cơ sở, khu vực có khả năng xảy ra sự cố chất thải cấp huyện, cấp tỉnh và cấp quốc gia do các chủ dự án, cơ sở dự báo, xác định để xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải cấp tương ứng.
2. Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp tỉnh tổng hợp danh sách các dự án, cơ sở, khu vực có khả năng xảy ra sự cố chất thải cấp tỉnh, cấp quốc gia do Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp huyện dự báo, xác định để xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải cấp tương ứng.
3. Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia tổng hợp danh sách các dự án, cơ sở, khu vực có khả năng xảy ra sự cố chất thải cấp quốc gia do Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp tỉnh dự báo, xác định để xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải cấp tương ứng.
4. Danh mục các dự án, cơ sở, khu vực có khả năng xảy ra sự cố chất thải và phạm vi của sự cố chất thải có thể tác động, gây hậu quả ô nhiễm, suy thoái môi trường quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này phải được xác định trong Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải của từng cấp.
Chương III
ỨNG PHÓ SỰ CỐ CHẤT THẢI
Điều 12. Nguyên tắc về ứng phó sự cố chất thải
1. Ưu tiên cao nhất việc ứng cứu người, sơ tán người dân, di dời tài sản ra khỏi khu vực bị sự cố chất thải.
2. Thực hiện các biện pháp cô lập, giới hạn phạm vi, đối tượng và mức độ tác động; thực hiện khẩn cấp các biện pháp bảo đảm an toàn cho con người, tài sản, sinh vật và môi trường.
Điều 13. Phương án, công trình ứng phó sự cố chất thải
a) Hệ thống xử lý nước thải phải có công trình, thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố theo quy định.
b) Trong quá trình hoạt động, vận hành hồ, bãi chứa quặng đuôi, ưu tiên có một hồ dự phòng;
c) Trang bị các dụng cụ, vật liệu để ứng phó sự cố chất thải;
d) Danh sách cán bộ công nhân viên tham gia ứng phó sự cố;
đ) Quy trình ứng phó sự cố.
Điều 14. Ứng phó sự cố do chất thải đối với cấp cơ sở
Việc ứng phó sự cố chất thải tại cơ sở được thực hiện theo quy định tại Quy chế ứng phó sự cố chất thải ban hành kèm theo Quyết định số …./…../QĐ-TTg ngày ….. tháng ….. năm ….. của Thủ tướng Chính phủ, chi tiết một số kỹ thuật ứng phó sự cố như sau:
1. Xác định nguyên nhân sự cố chất thải: Xác định nguyên nhân, đánh giá tình hình, xác định phương án huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị để ứng phó.
2. Báo cáo về sự cố chất thải: Khi sự cố chất thải xảy ra tại cơ sở, chủ cơ sở có trách nhiệm báo cáo kịp thời, chính xác lên cấp trên và các cơ quan tiếp nhận thông tin về sự cố chất thải, bao gồm: Ban chỉ huy phòng thủ dân sự cấp xã; Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự cố; Ban chỉ huy phòng thủ dân sự cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp huyện.
3. Ứng phó sự cố chất thải:
a) Tổ chức kịp thời cứu người, sơ tán tài sản, phương tiện và người dân;
b) Phối hợp với Ban chỉ huy phòng thủ dân sự cấp xã chỉ đạo lực lượng tại chỗ nhanh chóng sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi khu vực xảy ra sự cố, phong tỏa hiện trường, kịp thời thông tin. Ngăn chặn nguồn chất thải phát tán ra môi trường, cụ thể:
- Sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ để hạn chế, không cho chất thải phát tán ra ngoài môi trường, kịp thời triển khai đắp bờ, đào rãnh ngăn, bể chứa không cho đất, đá thải phát tán ra môi trường;
- Có biện pháp ngăn chặn phát tán chất thải, kịp thời triển khai bịt lấp thân đập bị vỡ bằng các vật liệu tại chỗ (bao đất, bao cát hoặc vật liệu sẵn có tại hiện trường), sử dụng hệ thống bơm để hút toàn bộ nước thải thu về bể chứa, hồ chứa;
- Sử dụng các chất hấp thụ phù hợp với đặc tính của chất ô nhiễm để khống chế sự phát tán, lan truyền chất ô nhiễm ra môi trường không khí.
- Sử dụng chất hấp phụ phù hợp với đặc tính của chất ô nhiễm để thu hồi các chất ô nhiễm đã đổ tràn, phát tán ra môi trường đất, nước.
- Ghi chép hiện trường: Xác định rõ vị trí, ước lượng lượng chất thải đổ tràn từng vị trí, phạm vi đổ tràn, đặc điểm nhận dạng vị trí đổ tràn; các tác động ảnh hưởng đến con người và môi trường xung quanh (đất, nước, cây cối, hoa màu, nuôi trồng thủy sản...); các đặc điểm nhận dạng, củng cố thông tin để xác định nguồn gốc chất thải.
4. Thu hồi, xử lý, loại bỏ chất ô nhiễm độc hại hoặc nguyên nhân gây ô nhiễm:
a) Tổ chức lực lượng, phương tiện thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải đúng quy định;
b) Đánh giá mức độ ô nhiễm và triển khai các biện pháp khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại (nếu có);
c) Làm sạch nguồn nước bằng chất Oxy hóa khử, như: Clo, Kali pemangnat, Clorat canxi, Bicromat kali, Dioxit clo, Hypoclorit canxi hoặc sử dụng vi sinh để xử lý nước thải (phương pháp sinh học), sử dụng các loại vi sinh vật để khử các chất hữu cơ độc hại.
5. Thông báo, cung cấp thông tin về sự cố chất thải.
Điều 15. Ứng phó sự cố do chất thải đối với cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia
Việc ứng phó sự cố chất thải ngoài cơ sở được thực hiện theo quy định tại Quy chế ứng phó sự cố chất thải ban hành kèm theo Quyết định số …./…../QĐ-TTg ngày ….. tháng ….. năm ….. của Thủ tướng Chính phủ, chi tiết một số kỹ thuật ứng phó sự cố như sau:
1. Tiếp nhận thông tin, xác định nguyên nhân và đánh giá tình hình sự cố chất thải: Khi sự cố chất thải xảy ra trên địa bàn cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, Trưởng Ban chỉ huy phòng thủ dân sự cấp huyện có trách nhiệm báo cáo kịp thời, chính xác lên cấp trên của mình và các cơ quan tiếp nhận thông tin về sự cố chất thải.
Chủ động nắm chắc tình hình, xác định nguyên nhân, đánh giá, kết luận, xác định phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả.
2. Biện pháp ứng phó sự cố chất thải:
a) Tổ chức ứng cứu người, sơ tán tài sản, phương tiện và nhân dân;
b) Phối hợp với Ban chỉ huy phòng thủ dân sự cấp xã chỉ đạo lực lượng tại chỗ nhanh chóng sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi khu vực xảy ra sự cố, phong tỏa hiện trường, kịp thời thông tin.
- Ngăn chặn nguồn chất thải ra môi trường, cụ thể:
+ Sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ để hạn chế, không cho chất thải phát tán ra ngoài môi trường, kịp thời triển khai đắp bờ, đào rãnh ngăn, bể chứa không cho đất, đá thải trôi ra môi trường;
+ Có biện pháp ngăn chặn phát tán chất thải, kịp thời triển khai bịt lấp thân đập bị vỡ bằng các vật liệu tại chỗ (bao đất, bao cát hoặc vật liệu sẵn có tại hiện trường), sử dụng hệ thống bơm để hút toàn bộ nước thải thu về bể chứa, hồ chứa;
+ Sử dụng các chất hấp thụ phù hợp với đặc tính của chất ô nhiễm để khống chế sự phát tán, lan truyền chất ô nhiễm ra môi trường không khí;
+ Sử dụng chất hấp phụ phù hợp với đặc tính của chất ô nhiễm để thu hồi các chất ô nhiễm đã đổ tràn, phát tán ra môi trường đất, nước.
- Ghi chép hiện trường: Xác định rõ vị trí, ước lượng lượng chất thải đổ tràn từng vị trí, phạm vi đổ tràn, đặc điểm nhận dạng vị trí đổ tràn; các tác động ảnh hưởng đến môi trường xung quanh như đất, nước, cây cối, hoa màu, nuôi trồng thủy sản; các đặc điểm nhận dạng, củng cố thông tin để xác định nguồn gốc chất thải.
3. Thu hồi, xử lý, loại bỏ chất ô nhiễm độc hại hoặc nguyên nhân gây ô nhiễm:
a) Tổ chức lực lượng, phương tiện thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải đúng quy định. Tổ chức cá nhân có sự cố chất thải phải thu hồi chất thải rắn, chất thải lỏng đã đổ, tràn ra ngoài môi trường. Trường hợp cần hỗ trợ để thu hồi chất thải đổ tràn thì phải có văn bản báo cáo Ủy ban nhân dân, Ban phòng thủ dân sự các cấp để huy động lực lượng tham gia hỗ trợ trong việc thu hồi chất thải đã đổ tràn;
b) Đánh giá mức độ ô nhiễm và triển khai các biện pháp khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại (nếu có);
c) Làm sạch nguồn nước bằng chất Oxy hóa khử, như: Clo, Kali pemangnat, Clorat canxi, Bicromat kali, Dioxit clo, Hypoclorit canxi hoặc sử dụng vi sinh để xử lý nước thải (phương pháp sinh học), sử dụng các loại vi sinh vật để khử các chất hữu cơ độc hại.
4. Thông báo, cung cấp thông tin về sự cố chất thải cho cộng đồng để phòng, tránh các tác động xấu từ sự cố chất thải.
5. Công bố kết thúc sự cố chất thải.
Chương IV
PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG SAU SỰ CỐ CHẤT THẢI
Điều 16. Nguyên tắc về phục hồi môi trường sau sự cố chất thải
1. Chất thải phát sinh từ quá trình phục hồi sau sự cố chất thải phải được phân định, phân loại, thu gom, xử lý theo đúng quy định.
2. Môi trường tại khu vực xảy ra sự cố chất thải phải được phục hồi bảo đảm đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng môi trường xung quanh hoặc tương đương chất lượng môi trường xung quanh trước thời điểm xảy ra sự cố chất thải.
3. Ưu tiên phục hồi các thành phần môi trường bằng cách sử dụng phương pháp, kỹ thuật không sử dụng hóa chất hoặc hạn chế tối đa việc sử dụng hóa chất.
Điều 17. Phương pháp tiếp cận và kỹ thuật phục hồi môi trường sau sự cố chất thải
1. Việc phục hồi môi trường có thể được thực hiện theo cách tiếp cận sau:
a) Phục hồi môi trường tại chỗ;
b) Phục hồi môi trường chuyển vị;
c) Phục hồi môi trường kết hợp theo hướng dẫn tại điểm a, điểm b khoản này hoặc các cách tiếp cận khác.
2. Việc phục hồi môi trường có thể được thực hiện theo các phương pháp, kỹ thuật sau:
a) Phương pháp sinh học (hiếu khí, kỵ khí);
b) Phương pháp hóa học;
c) Phương pháp vật lý;
d) Phương pháp nhiệt;
đ) Phương pháp, kỹ thuật kết hợp từ hai hoặc nhiều phương pháp, kỹ thuật hướng dẫn tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d và điểm đ khoản này và các phương pháp, kỹ thuật khác.
3. Căn cứ hướng dẫn tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, chủ dự án đầu tư, cơ sở gây ra sự cố chất thải và các cơ quan liên quan lựa chọn, xác định các giải pháp tốt nhất để cải tạo, phục hồi môi trường trong kế hoạch phục hồi môi trường.
Điều 18. Tổ chức thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố chất thải
1. Căn cứ kế hoạch phục hồi môi trường đã được phê duyệt, chủ dự án đầu tư, cơ sở gây ra sự cố chất thải và các cơ quan liên quan tổ chức việc thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố.
2. Giám sát, kiểm soát trong và sau quá trình phục hồi môi trường.
3. Nghiệm thu việc thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.
4. Công bố kết thúc giai đoạn phục hồi môi trường cho cộng đồng dân cư, cơ quan báo chí, truyền thông theo quy định.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 19. Điều khoản chuyển tiếp
Các kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố chất thải và cải tạo phụ hồi môi trường sau sự cố chất thải đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt được tiếp tục thực hiện cho đến khi hết thời hạn ghi trong kế hoạch.
Điều 20. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày …. tháng … năm 2025.
Điều 21. Trách nhiệm thực hiện
1. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chỉ đạo triển khai thực hiện Thông tư này.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai thực hiện Thông tư này tại địa phương.
3. Các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
Nơi nhận: - Thủ tướng Chính phủ, các PTTg Chính phủ; - Toà án nhân dân tối cao; - UBTW MTTQVN; - Văn phòng Quốc hội; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ TN&MT; - Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Cổng TTĐT Bộ TN&MT; | BỘ TRƯỞNG
Đỗ Đức Duy |
văn bản tiếng việt
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!