1. Độc thân có được thụ tinh nhân tạo không?
Căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định 10/2015/NĐ-CP nêu rõ, phụ nữ độc thân cũng như cặp vợ chồng vô sinh hoàn toàn có quyền được sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Đồng thời, theo khoản 1 Điều 5 Nghị định này, phụ nữ độc thân có nhu cầu sinh con và noãn đảm bảo chất lượng để thụ thai thì hoàn toàn có quuyền xin tinh trùng để tự mình sinh con.
Tuy nhiên, đối tượng là phụ nữ độc thân trong trường hợp này phải là người Việt Nam hoặc người gốc Việt Nam. Ngoài ra, phụ nữ độc thân nếu không có noãn hoặc noãn không đảm bảo chất lượng để thụ thai thì có thể xin nhận phôi - sản phẩm của quá trình kết hợp giữa noãn và tinh trùng.
Như vậy, có thể thấy, phụ nữ độc thân hoàn toàn có thể sinh con bằng các biện pháp can thiệp sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm hoặc xin tinh trùng hoặc phôi để tự mình mang thai sinh con.
Tuy nhiên, việc sinh con này phải đảm bảo thực hiện theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa và đáp ứng một số yêu cầu cụ thể của pháp luật.
2. Thủ tục thụ tinh nhân tạo thực hiện thế nào?
Sau khi trả lời được câu hỏi “độc thân có được thụ tinh nhân tạo không”, bài viết này sẽ tiếp tục giải đáp chi tiết thủ tục, trình tự thực hiện việc thụ tinh nhân tạo ở người độc thân. Cụ thể, căn cứ Nghị định 10/2015/NĐ-CP, thủ tục này được thực hiện như sau:
2.1 Điều kiện thụ tinh nhân tạo ở người độc thân
- Xin tinh trùng, noãn: Là người Việt Nam hoặc người gốc Việt Nam hoặc là người độc thân không có noãn hoặc noãn không đảm bảo chất lượng để thụ thai;
- Thụ tinh trong ống nghiệm: Phải đảm bảo có đủ sức khoẻ để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm; không mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV, bệnh truyền nhiễm nhóm A, B hoặc bệnh di truyền ảnh hưởng đến thế hệ sau; bệnh tâm thần hoặc bệnh khác không nhận thức, làm chủ được hành vi.
- Mọi việc cho và nhận hoặc thụ tinh trong ống nghiệm đều phải được thực hiện trên tinh thần tự nguyện.
Đặc biệt, cả người nhận và người cho đều phải thực hiện vô danh, nghĩa là không được bên nào biết được tên, tuổi, địa chỉ, hình ảnh của đối phương.
2.2 Hồ sơ cần chuẩn bị
Để được thụ tinh trong ống nghiệm, hồ sơ mà người độc thân cần chuẩn bị gồm có:
- Đơn đề nghị được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.
- Hồ sơ khám xác định vô sinh của phụ nữ độc thân.
2.3 Cơ sở khám chữa bệnh thực hiện
Không phải cơ sở khám chữa bệnh nào cũng có chức năng là điều kiện để thực hiện thụ tinh nhân tạo. Căn cứ khoản 1 Điều 7 Nghị định 10/2015/NĐ-CP, cơ sở có chức năng thực hiện thụ tinh nhân tạo gồm:
- Cơ sở phụ sản, sản - nhi của Nhà nước từ tuyến tỉnh trở lên;
- Bệnh viện đa khoa tư nhân có khoa sản, khoa sản - nhi;
- Bệnh viện chuyên khoa phụ sản, chuyên khoa sản - nhi tư nhân;
- Bệnh viện chuyên khoa nam học và hiếm muộn.
2.4 Thời gian thực hiện
Từ lúc nhận đủ hồ sơ đến khi thực hiện thụ tinh nhân tạo thì thời gian lên kế hoạch điều trị cho phụ nữ độc thân là 30 ngày làm việc.
2.5 Chi phí thụ tinh nhân tạo
Hiện pháp luật không quy định chi tiết, cụ thể số chi phí người độc thân phải bỏ ra để thực hiện thụ tinh nhân tạo bởi chi phí này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng sức khoẻ của người thụ tinh; các bệnh lý kèm theo và có phải điều trị trước đó không…
Do đó, tuỳ vào từng trường hợp cụ thể, chi phí cho việc thụ tinh nhân tạo sẽ khác nhau. Tuy nhiên, thông thường, một lần thụ tinh sẽ dao động từ 80-100 triệu đồng/lần gồm các kỹ thuật: Thăm khám, điều trị vô sinh, hiếm muộn, thực hiện kỹ thuật thụ tinh…
2.6 Mẫu đơn đề nghị
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
………, ngày ….. tháng ….. năm 20....
ĐƠN ĐỀ NGHỊ
THỰC HIỆN KỸ THUẬT THỤ TINH TRONG ỐNG NGHIỆM
Kính gửi: …………………………………..…………………..…………
1. Họ và tên: ................................................................
2. Ngày, tháng, năm sinh: ............................................
3. Địa chỉ thường trú: .................................................
4. Số CMND/Hộ chiếu: Ngày cấp, nơi cấp: ..................
5. Tình trạng hôn nhân và gia đình: ............................
Tôi làm đơn này đề nghị được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Trong quá trình thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, tôi xin thực hiện theo đúng yêu cầu của bệnh viện nếu có xảy ra tai nạn rủi ro nghề nghiệp, tôi xin cam đoan sẽ không khiếu kiện./.
…….., ngày ….. tháng….. năm……..
NGƯỜI LÀM ĐƠN
(Ký, ghi rõ họ tên)
Lưu ý: Đối với các cặp vợ chồng đề nghị được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm phải ghi rõ tên, tuổi của cả hai vợ chồng và phải cùng ký đơn đề nghị.
Trên đây là giải đáp chi tiết về vấn đề: Độc thân có được thụ tinh nhân tạo không? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.