Điều kiện an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể 2024

Bếp ăn tập thể ngày càng phổ biến trong các cơ quan, doanh nghiệp, bệnh viện, trường học,... Chính vì vậy mà vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể rất được quan tâm. Vậy điều kiện an toàn thực phẩm đối với bếp ăn gồm những gì?


1. Bếp ăn tập thể là gì? Có phải cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống?

Bếp ăn tập thể được hiểu là nơi chế biến, nấu nướng đồ ăn và phục vụ bữa ăn hàng ngày cho nhiều người cùng ăn với nhau hoặc cũng có thể cung cấp các suất thức ăn cho nơi khác.

Bếp ăn tập thể là gì? Có phải cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống
Bếp ăn tập thể là gì? Có phải cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống? (Ảnh minh hoạ)

Hiện nay có 2 hình thức dịch vụ ăn uống tại bếp ăn tập thể ở các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện,... là: Bếp ăn tập thể ký hợp đồng dịch vụ cung cấp suất ăn với các công ty và bếp ăn tập thể do cơ sở tự nấu phục vụ cho nhân viên, bệnh nhân,...

Theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm 55/2010/QH12 thì cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được hiểu là cơ sở để chế biến thức ăn ngay, thực phẩm chính, cơ sở chế biến suất ăn sản, nhà hàng ăn uống, căng-tin, bếp ăn tập thể.

Như vậy, theo quy định trên thì bếp ăn tập thể là một trong những loại hình cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

2. Điều kiện an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể mới nhất

Cũng như các cơ sở chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống khác, bếp ăn tập thể cần phải đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định nhằm đảm bảo sức khỏe cho mọi người, cụ thể gồm các điều kiện sau đây:

- Điều kiện về đảm bảo an toàn thực phẩm đối với nơi chế biến và kinh doanh dịch vụ ăn uống của bếp ăn tập thể:

Căn cứ theo quy định tại Điều 28 Luật An toàn thực phẩm 2010, nơi chế biến, kinh doanh của bếp ăn tập thể phải đảm bảo các điều kiện sau:

  • Bếp ăn phải đảm bảo được bố trí phù hợp để không nhiễm chéo giữa các loại thực phẩm chưa qua chế biến và đã qua chế biến.

  • Có đủ nguồn nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ cho việc chế biến và kinh doanh của bếp ăn tập thể.

  • Có dụng cụ để thu gom, chứa rác, chất thải đảm bảo vệ sinh.

  • Cống rãnh ở khu vực bếp ăn phải thông thoáng và không bị ứ đọng.

  • Nhà ăn đảm bảo thoáng mát, có đủ ánh sáng, đồng thời bếp ăn tập thể phải duy trì chế độ vệ sinh sạch sẽ ở nhà ăn và có biện pháp để phòng ngừa các loại côn trùng, động vật khác gây hại.

  • Có thiết bị dùng để bảo quản thực phẩm, có nhà vệ sinh, nơi để rửa tay, thu dọn rác, chất thải hàng ngày một cách sạch sẽ.

  • Người đứng đầu bếp ăn tập thể phải có trách nhiệm trong việc bảo đảm an toàn cho thực phẩm cho bếp ăn.

Điều kiện an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể mới nhất
Điều kiện an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể mới nhất (Ảnh minh hoạ)

- Điều kiện đảm bảo về an toàn thực phẩm đối với cơ sở chế biến và kinh doanh:

Căn cứ theo Điều 29 Luật An toàn thực phẩm 2010, cơ sở chế biến, kinh doanh đối với bếp ăn tập thể phải đảm bảo các điều kiện sau:

  • Có dụng cụ và đồ chứa đựng riêng cho thực phẩm sống, thực phẩm chín.

  • Dụng cụ để nấu nướng và chế biến phải đảm bảo vệ sinh.

  • Dụng cụ ăn uống được là bằng vật liệu an toàn, được rửa sạch và giữ khô ráo.

  • Tuân thủ theo quy định về sức khỏe, kiến thức và thực hành đối với người trực tiếp kinh doanh.

- Điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm tại bếp ăn tập thể:

Căn cứ Điều 30 Luật An toàn thực phẩm 2010, trong quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm, bếp ăn tập thể phải đảm bảo các yêu cầu sau:

  • Sử dụng thực phẩm và nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn và lưu mẫu thức ăn.

  • Thực phẩm phải được chế biến đảm bảo an toàn và hợp vệ sinh.

  • Thực phẩm bày bán phải được đặt trong các tủ kính hoặc các thiết bị bảo quản hợp vệ sinh, có thể chống mưa, nắng, bụi bẩn và sự xâm nhập của côn trùng, các loại động vật khác gây hại, thực phẩm được bày bán trên bàn hoặc trên giá cao hơn mặt đất.

3. Bếp ăn tập thể có phải xin Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm không?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 12 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP về các cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về an toàn thực phẩm, theo đó quy định như sau:

“1. Các cơ sở sau đây không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm:

a) Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ;

b) Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định;

c) Sơ chế nhỏ lẻ;

d) Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ;

đ) Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn;

e) Sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm;

g) Nhà hàng trong khách sạn;

h) Bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm;

i) Kinh doanh thức ăn đường phố;

k) Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.”

Như vậy, theo quy định nêu trên thì đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống là bếp ăn tập thể mà không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm thì không thuộc trường hợp phải xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về an toàn thực phẩm. Còn nếu bếp ăn tập thể có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm thì phải xin cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.

Trên đây là những thông tin về điều kiện an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể mà chúng tôi muốn gửi đến bạn đọc.

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Lợi ích của bằng IELTS - Cánh cửa mở ra thành công toàn cầu

Lợi ích của bằng IELTS - Cánh cửa mở ra thành công toàn cầu

Lợi ích của bằng IELTS - Cánh cửa mở ra thành công toàn cầu

Trong thời đại hội nhập quốc tế, việc thông thạo tiếng Anh không chỉ là một kỹ năng quan trọng mà còn là lợi thế cạnh tranh để vươn xa hơn trong học tập và sự nghiệp. Trong số các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, IELTS (International English Language Testing System) nổi bật như một tiêu chuẩn vàng được công nhận toàn cầu.

Doanh nghiệp có bắt buộc phải hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ Online Banking không?

Doanh nghiệp có bắt buộc phải hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ Online Banking không?

Doanh nghiệp có bắt buộc phải hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ Online Banking không?

Thông tư 50/2024/TT-NHNN đã bổ sung một số quy định mới nhằm tăng cường bảo mật, phòng ngừa các sự cố thông tin xảy ra. Vậy, doanh nghiệp có bắt buộc phải hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ Online Banking không?