Luật Phòng, chống rửa tiền 2022: 7 điểm mới đáng chú ý

Nhằm bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn tài chính quốc gia, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống rửa tiền, phòng chống tham nhũng, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 có hiệu lực từ tháng 03/2023. Dưới đây là những điểm mới nổi bật của Luật Phòng, chống rửa tiền 2022.

1. Thêm đối tượng tiềm ẩn rủi ro phải thực hiện báo cáo

* Hiện hành: Không quy định

* Từ 01/3/2023:

Bên cạnh các tổ chức tài chính thực hiện hoạt động nhận tiền gửi, cho vay, cho thuê tài chính,… đã được quy định trước đây, Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 bổ sung tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán là đối tượng phải thực hiện báo cáo.

Có thể thấy, việc bổ sung các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải thực hiện báo cáo là cần thiết và kịp thời bởi ví điện tử ngày càng trở thành hình thức thanh toán quen thuộc của người tiêu dùng hiện nay trong khi đây lại là một trong những đối tượng được đánh giá là mang nhiều tiềm ẩn rủi ro rửa tiền.

Ngoài ra, Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 còn sửa đổi, bổ sung tên gọi một số hoạt động của đối tượng báo cáo để phù hợp với quy định pháp luật và theo khuyến nghị của tổ chức quốc tế như:

- Môi giới chứng khoán;

- Tư vấn đầu tư chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán;

- Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán;

- Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ…

2. Bổ sung nguyên tắc trong trao đổi, cung cấp, chuyển giao thông tin

* Hiện hành: Không quy định

* Từ 01/2/2023:

Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 bổ sung thêm nguyên tắc sau:

Trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài chưa có điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, việc trao đổi, cung cấp, chuyển giao thông tin trong hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền được thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái với pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế.

Như vậy, nguyên tắc có đi có lại khi trao đổi, cung cấp, chuyển giao thông tin trong hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền được áp dụng khi Việt Nam và nước ngoài chưa có điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về vấn đề này.

3. Bổ sung quy định đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền

* Hiện hành: Không quy định

* Từ 01/3/2023:

Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 bổ sung thêm quy định đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền với mục đích nhằm bảo đảm bao quát các hoạt động phát sinh trong tương lai, hạn chế tối đa rủi ro về rửa tiền có thể xảy ra.

Cụ thể việc đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền được thực hiện như sau:

- Thời gian thực hiện: Định kỳ 05 năm;

- Trách nhiệm đánh giá rủi ro: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan:

  • Thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền
  • Trình Chính phủ phê duyệt kết quả đánh giá, kế hoạch thực hiện sau đánh giá.

- Đối tượng đánh giá rủi ro: Với cả hoạt động mới phát sinh có thể có rủi ro về rửa tiền.

Trong đó, nguyên tắc, tiêu chí, phương pháp đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền sẽ do Chính phủ quy định cụ thể. Các Bộ, ngành có trách nhiệm phổ biến kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền trong nội bộ Bộ, ngành mình; cập nhật rủi ro về rửa tiền sau đánh giá hoặc khi có rủi ro phát sinh...

4. Thêm phương thức xác minh thông tin nhận biết khách hàng

* Hiện hành:

Luật Phòng, chống tội phạm rửa tiền 2012 quy định các phương thức xác minh thông tin nhận biết khách hàng gồm:

- Thông qua các tài liệu, dữ liệu của cá nhân, tổ chức;

- Thông qua tổ chức, cá nhân khác đã hoặc đang có quan hệ với khách hàng;

- Thông qua cơ quan quản lý hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác;

-  Thuê các tổ chức khác.

* Từ 01/3/2023: 

Luật Phòng, chống tội phạm rửa tiền 2022 bổ sung phương thức xác minh thông tin khách hàng thông qua Các cơ sở dữ liệu quốc gia theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, bổ sung quy định về cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị của tổ chức quốc tế, quy định rõ hơn trách nhiệm của đối tượng báo cáo phải thực hiện các biện pháp thích hợp để xác minh nguồn gốc tài sản của khách hàng chủ sở hữu hưởng lợi và thực hiện giám sát mối quan hệ kinh doanh trong suốt quá trình giao dịch với khách hàng này.

Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 nêu rõ đối tượng báo cáo phải ban hành chính sách, quy định để nhận diện, đánh giá mức độ rủi ro về rửa tiền trước khi cung cấp sản phẩm, dịch vụ mới và sản phẩm, dịch vụ hiện có áp dụng công nghệ đổi mới và áp dụng các biện pháp để giảm thiểu rủi ro về rửa tiền.

5. Giảm yêu cầu quy định nội bộ cho đối tượng báo cáo là doanh nghiệp siêu nhỏ

* Hiện hành:

Luật phòng, chống rửa tiền 2012 quy định chung trách nhiệm xây dựng quy định nội bộ đối với tổ chức, không yêu cầu quy định nội bộ phải có các nội dung như: Chính sách chấp nhận khách hàng; Tuyển dụng nhân sự, đào tạo...

* Từ 01/3/2023:

Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 đã có quy định riêng trách nhiệm xây dựng quy định nội bộ của đối tượng báo cáo là tổ chức (trừ doanh nghiệp siêu nhỏ) và đối tượng báo cáo là cá nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ.

Theo đó, với đối tượng báo cáo là cá nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ, quy định nội bộ được giảm bớt một số nội dung như:

  • Quy trình báo cáo giao dịch;
  • Quy trình rà soát, phát hiện, xử lý và báo cáo giao dịch đáng ngờ;
  • Áp dụng biện pháp tạm thời, nguyên tắc xử lý trong các trường hợp trì hoãn giao dịch;

Ngoài ra, Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 còn bổ sung thêm một số nội dung bắt buộc phải có trong quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền đối với tổ chức khác như:

- Chính sách chấp nhận khách hàng, trong đó có nội dung về từ chối mở tài khoản, thiết lập mối quan hệ kinh doanh, thực hiện giao dịch hoặc chấm dứt mối quan hệ kinh doanh;

- Tuyển dụng nhân sự, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng chống rửa tiền.

Đồng thời, bổ sung yêu cầu quy định nội bộ phải được áp dụng, phổ biến đến đại lý, chi nhánh, công ty con của đối tượng báo cáo.

6. Thêm quy định dấu hiệu đáng ngờ trong trung gian thanh toán

* Hiện hành: Không quy định

* Từ 01/3/2023:

Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 bổ sung quy định về dấu hiệu đáng ngờ trong trung gian thanh toán, theo đó một số dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực này  gồm:

- Có sự thay đổi đột biến trong doanh số giao dịch trên ví điện tử; tiền nạp vào và rút ra nhanh khỏi ví điện tử; doanh số giao dịch lớn trong ngày nhưng số dư ví điện tử rất nhỏ hoặc bằng không.

- Khách hàng thường xuyên thực hiện nạp tiền nhiều lần với giá trị nhỏ vào một ví điện tử, sau đó thực hiện giao dịch chuyển tiền giá trị lớn sang ví điện tử khác hoặc thực hiện giao dịch rút tiền giá trị lớn về tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ của khách hàng tại ngân hàng hoặc ngược lại.

- Các giao dịch chuyển tiền thường xuyên có giá trị nhỏ từ nhiều ví điện tử khác nhau về một ví điện tử hoặc ngược lại trong một thời gian ngắn; tiền được chuyển qua nhiều ví điện tử; các bên liên quan không quan tâm đến phí giao dịch; thực hiện nhiều giao dịch, mỗi giao dịch gần mức giá trị lớn phải báo cáo; ví điện tử phát sinh nhiều giao dịch chuyển tiền cho ví điện tử khác với thời gian khởi tạo giao dịch nhanh bất thường.

- Ví điện tử của khách hàng đột nhiên nhận được một khoản tiền nạp vào có giá trị lớn bất thường...

Cùng với đó, Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 còn sửa đổi một số dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm nhân thọ.

Ví như dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán, Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 sửa đổi, bổ sung thêm một số dấu hiệu:

- Người không cư trú thanh lý hợp đồng ủy thác đầu tư chứng khoán để chuyển tiền ra khỏi Việt Nam (bổ sung mới);

- Khách hàng thường xuyên bán tất cả cổ phiếu trong danh mục đầu tư và đề nghị công ty chứng khoán ký ủy nhiệm chi để khách hàng rút tiền mặt từ ngân hàng thương mại (Hiện hành chỉ quy định khách hàng thường xuyên bán danh mục đầu tư và đề nghị công ty chứng khoán thanh toán bằng tiền mặt hoặc séc);

- Nhà đầu tư nước ngoài cư trú ở quốc gia, vùng lãnh thổ có rủi ro cao về rửa tiền góp vốn thành lập quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán tại Việt Nam (bổ sung mới)...

7. Sửa thời hạn báo cáo giao dịch, giao dịch đáng ngờ

* Hiện hành:

Luật Phòng, chống rửa tiền 2012 quy định thời hạn báo cáo giao dịch, giao dịch đáng ngờ như sau:

- Với giao dịch có giá trị lớn và giao dịch chuyển tiền điện tử, thời hạn báo cáo:

  • Với báo cáo gửi tệp dữ liệu điện tử: Báo cáo hàng ngày.
  • Với báo cáo bằng văn bản hoặc các hình thức báo cáo khác: 02 ngày làm việc, kể từ ngày phát sinh giao dịch.

- Với giao dịch đáng ngờ: Báo cáo trong thời gian tối đa là 48 giờ, kể từ thời điểm phát sinh giao dịch;

* Từ 01/3/2023:

Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 đã có một số sửa đổi liên quan đến thời hạn báo cáo giao dịch, cụ thể:

- Với giao dịch có giá trị lớn và giao dịch chuyển tiền điện tử, thời hạn báo cáo:

  • 01 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh giao dịch nếu báo cáo bằng dữ liệu điện tử;
  • 02 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh giao dịch nếu báo cáo bằng văn bản giấy.

- Với giao dịch đáng ngờ:

  • 03 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh giao dịch; hoặc
  • 01 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện được giao dịch đáng ngờ.

Trên đây là 7 điểm mới Luật Phòng chống rửa tiền 2022 đáng chú ý. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 2 để được LuatVietnam hỗ trợ, giải đáp cụ thể.

Vui lòng xem bản dịch tiếng Anh tại đây.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Quy định mới nhất về cung cấp trò chơi điện tử công cộng

Trò chơi điện tử công cộng là một hình thức trò chơi khá đặc thù và chịu sự quản lý chặt chẽ bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vậy Nghị định 147/2024/NĐ-CP đã quy định như thế nào để hoạt động cung cấp trò chơi điện tử công cộng này?

Mẫu báo cáo cung cấp trò chơi điện tử trên mạng

Hiện nay, trò chơi điện tử trên mạng rất đa dạng và được phát hành bởi rất nhiều nhà cung cấp khác nhau. Sau đây là một số quy định mà các nhà cung cấp cần lưu ý về việc báo cáo cung cấp trò chơi điện tử trên mạng này.

Mẫu đơn đề nghị cấp GCN cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4

Trò chơi điện tử trên mạng đang trở nên ngày càng thịnh hành đối với mọi lứa tuổi. Do đó, Nghị định 147/2024/NĐ-CP đã ban hành các quy định dành riêng cho việc cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4 trên mạng cùng với mẫu đơn đề nghị cấp GCN cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4.