3 điểm mới của Thông tư 19/2024/TT-BCT về QCVN đối với hóa chất nguy hiểm

QCVN 05A:2020/BCT ban hành kèm theo Thông tư 48/2020/TT-BCT đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 19/2024/TT-BCT. Sau đây là 03 điểm mới của Thông tư 19/2024/TT-BCT về QCVN đối với hóa chất nguy hiểm.

1. Yêu cầu về nhà xưởng, kho chứa

Yêu cầu về nhà xưởng, kho chứa quy định tại Điều 5 QCVN 05A:2020/BCT ban hành kèm theo Thông tư 48/2020/TT-BCT đã có một số điểm mới như sau:

  • Sửa đổi quy định đối với lối ra, vào, cửa thoát hiểm trong nhà xưởng và kho chứa hóa chất nguy hiểm

Trong đó, quy định về lối ra, vào, cửa thoát hiểm của nhà xưởng và kho chứa hóa chất nguy hiểm đã được sửa đổi theo hướng chặt chẽ, cụ thể hơn đối với một số trường hợp đặc thù như sau:

- Nhà xưởng, kho chứa hóa chất nguy hiểm có chiều dài hoặc chiều rộng từ 3m trở lên (≥ 3m) phải có tối thiểu hai cửa, gồm một cửa ra vào và một cửa thoát hiểm.

- Trong đó, cửa thoát hiểm không được lắp đặt cùng phía với cửa ra vào, có thể mở ra từ bên trong và phải có biển báo chỉ dẫn.

Tuy nhiên, Thông tư 19/2024/TT-BCT cũng đã bổ sung quy định, trong đó không bắt buộc nhà xưởng, kho chứa có chiều dài và chiều rộng nhỏ hơn 3m phải có cửa thoát hiểm.

  • Quy định mới đối với trang, thiết bị trong nhà xưởng và kho chứa hóa chất nguy hiểm như sau:

- Nhà xưởng, kho chứa hóa chất ăn mòn, trong phạm vi tối đa 17m từ khu vực tồn trữ phải lắp đặt thiết bị rửa mắt và tắm khẩn cấp.

- Các nhà xưởng, kho chứa hóa chất nguy hiểm khác phải được trang bị:

+ Thiết bị rửa mắt di động hoặc thiết bị rửa mắt;

+ Thiết bị tắm khẩn cấp.

  • Quy định về việc xếp hóa chất trong kho, nhà xưởng

Các quy định về việc xếp hóa chất trong kho, nhà xưởng tại khoản 5.12 Điều 5 QCVN 05A:2020/BCT đã có một số nội dung thay đổi. Cụ thể, từ ngày 15/04/2025, chủ thể khi sắp xếp hóa chất nguy hiểm trong kho, nhà xưởng cần tuân thủ theo quy định sau:

- Đối với việc xếp hóa chất đóng bao: Phải xếp trên bục hoặc trên kệ chứa, cách tường tối thiểu 0,5m;

- Đối với việc xếp hóa chất có khả năng phản ứng với nước: Phải xếp trên bục hoặc trên kệ cách mặt đất tối thiểu 0,3m;

- Khoảng cách giữa hóa chất và trần kho: Phải xếp hóa chất cách trần kho tối thiểu 1,5m;

- Thiết kế lối đi trong kho:

+ Đường đi trong nhà xưởng, kho chứa phải rộng tối thiểu 0,75m;

+ Trường hợp sử dụng xe nâng, đường đi phải rộng tối thiểu 2m.

  • Quy định về xếp chồng phương tiện chứa hóa chất:

- Phải đảm bảo khả năng chịu tải cho phép của pa-lết.

- Không xếp nhiều hơn 03 (ba) tầng đối với phương tiện chứa dung tích dưới 1.000L.

- Không xếp nhiều hơn 02 (hai) tầng đối với phương tiện chứa dung tích trên 1.000L.

- Hóa chất không xếp cao quá 2m nếu không có kệ chứa.

điểm mới của Thông tư 19/2024/TT-BCT

2. Yêu cầu trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản hóa chất

2.1. Đối với hóa chất dễ cháy, nổ

Khi sản xuất, kinh doanh, sử dụng và bảo quản hóa chất dễ cháy, nổ, ngoài các quy định vẫn được tiếp tục thực hiện theo Điều 9 QCVN 05A:2020/BCT thì cá nhân, tổ chức cần lưu ý các điểm mới cần tuân thủ theo Thông tư 19/2024/TT-BCT như sau:

  • Hóa chất dễ cháy, nổ không bảo quản cùng khu vực với ô xy, các chất có khả năng sinh ra ô xy ở điều kiện bảo quản thường, các hóa chất nguy hiểm có đặc tính không tương thích, các chất có yêu cầu về phương pháp chữa cháy khác nhau hoặc có khả năng tạo phản ứng nguy hiểm khi tiếp xúc hoặc cháy;

  • Trường hợp xảy ra sự cố cháy, nổ:

- Mọi người có mặt phải dùng phương tiện bảo vệ cá nhân đảm bảo an toàn để tham gia cứu chữa người bị nạn và ứng phó sự cố;

- Những người không có phương tiện bảo vệ cá nhân đảm bảo an toàn phải rời khỏi hiện trường, không được tham gia ứng phó sự cố.

2.2. Đối với hóa chất độc

Trước đây, khoản 10.1.3 Điều 10 QCVN 05A:2020/BCT chỉ yêu cầu chung nơi có hóa chất độc phải có tín hiệu báo động về tình trạng thiếu an toàn của máy, thiết bị, báo hiệu các công đoạn sản xuất đặc biệt.

Tuy nhiên, theo quy định được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 19/2024/TT-BCT, điều kiện về trang thiết bị, nhà xưởng, kho chứa hóa chất độc phải tuân thủ như sau:

- Nhà xưởng, kho chứa hóa chất độc dạng lỏng, dạng khí phải có thiết bị cảnh báo rò rỉ, tràn đổ phù hợp.

- Đối với chất độc dạng rắn phải lắp thiết bị giám sát.

- Đối với hóa chất độc có khả năng phát tán dạng khí ra môi trường phải trang bị thiết bị hút và xử lý khí độc hoặc giàn phun mưa tự động để ứng phó sự cố.

3. Điều kiện về trang thiết bị, nhà xưởng, kho chứa hóa chất ăn mòn

Một trong các điểm mới của Thông tư 19/2024/TT-BCT đó là yêu cầu mới đối với trang thiết bị, nhà xưởng, kho chứa hóa chất ăn mòn, cụ thể như sau:

  • Theo khoản 9.1.1 Điều 9 QCVN 05A:2020/BCT đã được sửa đổi, bổ sung, yêu cầu nhà xưởng, kho chứa hóa chất ăn mòn ở dạng lỏng phải có hệ thống thu gom hóa chất.

Hệ thống thu gom phải có dung tích tối thiểu bằng 110% dung tích phương tiện chứa lớn nhất.

  • Đối với nhà xưởng, kho chứa hóa chất ăn mòn, Thông tư 19/2024/TT-BCT đã không còn yêu cầu quy chuẩn trong thiết kế như trước đây. Tuy nhiên, quy định mới yêu cầu nhà xưởng, kho chứa hóa chất ăn mòn phải có biện pháp phòng ngừa chống ăn mòn.

Trên đây là 3 điểm mới của Thông tư 19/2024/TT-BCT về QCVN đối với hóa chất nguy hiểm

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

8 trường hợp thu hồi Giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán

8 trường hợp thu hồi Giấy phép  cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán

8 trường hợp thu hồi Giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán

Việc thu hồi giấy phép có thể xảy ra khi doanh nghiệp vi phạm các điều kiện hoạt động, không đáp ứng yêu cầu về tài chính hoặc vi phạm quy định pháp luật liên quan đến dịch vụ trung gian thanh toán. Dưới đây là 08 trường hợp thu hồi Giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.