8 điểm mới đáng chú ý của Luật Giao dịch điện tử 2023

Sau đây là nội dung tổng hợp 08 điểm mới của Luật Giao dịch điện tử 2023 vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Luật này có hiệu lực từ ngày 01/7/2024, thay thế cho Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11.


1. Luật mới không quy định về nội dung của giao dịch điện tử

Điều 1 Luật Giao dịch điện tử 2023 nêu rõ, Luật này chỉ quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử và không quy định về nội dung, điều kiện, hình thức của giao dịch điện tử.

Trường hợp luật khác quy định hoặc không quy định giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử thì được áp dụng theo quy định của Luật này.

Như vậy, giao dịch điện tử trong lĩnh vực nào sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành của lĩnh vực đó.

Trường hợp luật khác quy định không được thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử thì thực hiện theo quy định của luật đó.


2. Bổ sung khái niệm “chữ ký điện tử”, “chữ ký số”, “hợp đồng điện tử”

Điều 3 Luật Giao dịch điện tử 2023 bổ sung thêm loạt khái niệm mới về “chữ ký điện tử”, “chữ ký số”, “hợp đồng điện tử”, dữ liệu số”,…  Cụ thể:

- Chữ ký điện tử là chữ ký được tạo lập dưới dạng dữ liệu điện tử gắn liền hoặc kết hợp một cách lô gíc với thông điệp dữ liệu để xác nhận chủ thể ký và khẳng định sự chấp thuận của chủ thể đó đối với thông điệp dữ liệu.

- Chữ ký số là chữ ký điện tử sử dụng thuật toán khóa không đối xứng, gồm khóa bí mật và khóa công khai, trong đó khóa bí mật được dùng để ký số và khóa công khai được dùng để kiểm tra chữ ký số. Chữ ký số bảo đảm tính xác thực, tính toàn vẹn và tính chống chối bỏ nhưng không bảo đảm tính bí mật của thông điệp dữ liệu.

- Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu.

- Dữ liệu điện tử là dữ liệu được tạo ra, xử lý, lưu trữ bằng phương tiện điện tử.

Quy định mới về chữ ký số trong giao dịch điện tử (Ảnh minh họa)

3. Chữ ký số có thể được xác định là chữ ký điện tử

Theo khoản 3 Điều 22 Luật Giao dịch điện tử năm 2023, chữ ký số được công nhận là chữ ký điện tử nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

- Xác nhận chủ thể ký và khẳng định sự chấp thuận của chủ thể ký đối với thông điệp dữ liệu

- Dữ liệu tạo chữ ký số chỉ gắn duy nhất với nội dung của thông điệp dữ liệu được chấp thuận.

- Dữ liệu tạo chữ ký số chỉ thuộc sự kiểm soát của chủ thể ký tại thời điểm ký.

- Mọi thay đổi đối với thông điệp dữ liệu sau thời điểm ký đều có thể bị phát hiện.

- Phải được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số.

- Phương tiện tạo chữ ký số phải bảo đảm dữ liệu tạo chữ ký số không bị tiết lộ, thu thập, sử dụng cho mục đích giả mạo chữ ký; bảo đảm dữ liệu được dùng để tạo chữ ký số chỉ có thể sử dụng một lần; không làm thay đổi dữ liệu cần ký.


4. Sửa quy định về các hành vi bị cấm trong giao dịch điện tử

Điều 6 Luật Giao dịch điện tử 2023 đã quy định một cách cụ thể, rõ ràng hơn về những hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng luật.

Các hành vi bị cấm bao gồm:

1. Lợi dụng giao dịch điện tử xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

2. Cản trở hoặc ngăn chặn trái pháp luật quá trình tạo ra, gửi, nhận, lưu trữ thông điệp dữ liệu hoặc có hành vi khác nhằm phá hoại hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử.

3. Thu thập, cung cấp, sử dụng, tiết lộ, hiển thị, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông điệp dữ liệu.

4. Giả mạo, làm sai lệch hoặc xóa, hủy, sao chép, di chuyển trái pháp luật một phần hoặc toàn bộ thông điệp dữ liệu.

5. Tạo ra thông điệp dữ liệu nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật.

6. Gian lận, giả mạo, chiếm đoạt hoặc sử dụng trái pháp luật tài khoản giao dịch điện tử, chứng thư điện tử, chứng thư chữ ký điện tử, chữ ký điện tử.

7. Cản trở việc lựa chọn thực hiện giao dịch điện tử.

8. Hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định.


5. Bổ sung điều kiện chuyển đổi văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu

Thêm một điểm mới của Luật Giao dịch điện tử 2023 là việc bổ sung thêm quy định về việc chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu.

Theo đó, thông điệp dữ liệu được chuyển đổi từ văn bản giấy phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

- Thông tin trong đó được bảo đảm toàn vẹn như văn bản giấy;

- Thông tin trong thông điệp dữ liệu có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu.

- Có ký hiệu riêng xác nhận đã được chuyển đổi từ văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu và thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi.

- Trường hợp văn bản giấy là giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ, văn bản xác nhận, văn bản chấp thuận khác do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phát hành thì phải có thêm chữ ký số của cơ quan, tổ chức thực hiện chuyển đổi, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Điểm mới của Luật Giao dịch điện tử 2023: Chuyển đổi bản giấy sang bản điện tử (Ảnh minh họa)

6. Chỉ rõ cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về giao dịch điện tử

Luật Giao dịch điện tử 2023 đã chỉ rõ Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử trong lĩnh vực cơ yếu, chữ ký số chuyên dùng công vụ trên cơ sở tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chữ ký số.


7. Dịch vụ tin cậy lần đầu đưa vào Luật thúc đẩy giao dịch điện tử

Đây là một loại dịch vụ mới được ghi nhận tại Luật Giao dịch điện tử năm 2023. Theo Điều 28 Luật này, dịch vụ tin cậy bao gồm: Dịch vụ cấp dấu thời gian; dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu; dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng.

Đây là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, tổ chức cung cấp dịch vụ này phải có giấy phép kinh doanh dịch vụ do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp, trừ dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử trong thương mại.

Tổ chức kinh doanh dịch vụ tin cậy cần thực hiện các trách nhiệm như:

- Công bố công khai quy trình đăng ký sử dụng dịch vụ, biểu mẫu và chi phí liên quan.

- Bảo đảm kênh tiếp nhận thông tin và cung cấp dịch vụ liên tục 24/24 và 07 ngày trong tuần.

- Thực hiện chế độ lưu trữ hồ sơ, tài liệu và kết nối, cung cấp thông tin, số liệu báo cáo bằng phương tiện điện tử.

- Bảo đảm trang thiết bị trong hệ thống thông tin được cấp mã quản lý, sẵn sàng kết nối kỹ thuật phục vụ công tác quản lý nhà nước về dịch vụ tin cậy…

Dịch vụ tin cậy trong giao dịch điện tử (Ảnh minh họa)

8. Thêm loạt quy định mới về chứng thư điện tử

Luật Giao dịch điện tử năm 2023 đã sửa khái niệm về chứng thư điện tử. Theo quy định mới, chứng thư điện tử là giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ, văn bản xác nhận, văn bản chấp thuận khác do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phát hành dưới dạng dữ liệu điện tử.

Trong khi hiện nay Luật Giao dịch điện tử năm 2005 quy định chứng thư điện tử là thông điệp dữ liệu do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử phát hành nhằm xác nhận cơ quan, tổ chức, cá nhân được chứng thực là người ký chữ ký điện tử.

Thêm vào đó, Luật Giao dịch điện tử năm 2023 cũng bổ sung quy định về giá trị pháp lý của chứng thư điện tử tại Điều 19 như sau:

Thông tin trong chứng thư điện tử có giá trị pháp lý khi đáp ứng đủ các điều kiện:

- Chứng thư điện tử được ký bằng chữ ký số của cơ quan, tổ chức phát hành.

- Thông tin trong chứng thư điện tử có thể truy cập và sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh.

- Trường hợp pháp luật yêu cầu chỉ ra thời gian liên quan đến chứng thư điện tử thì chứng thư điện tử phải có dấu thời gian.

Lưu ý: Chứng thư điện tử do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp phải được hợp pháp hóa lãnh sự để được công nhận tại Việt Nam.

Trên đây là 08 điểm mới của Luật Giao dịch điện tử 2023 so với Luật hiện hành. Nếu có vướng mắc về các quy định của Luật mới, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được tư vấn, giải đáp chi tiết.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Mẫu đơn đề nghị cấp GCN cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4

Trò chơi điện tử trên mạng đang trở nên ngày càng thịnh hành đối với mọi lứa tuổi. Do đó, Nghị định 147/2024/NĐ-CP đã ban hành các quy định dành riêng cho việc cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4 trên mạng cùng với mẫu đơn đề nghị cấp GCN cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4.

Làm thế nào để được cung cấp trò chơi điện tử G1?

Để đảm bảo cho việc cung cấp và sử dụng các trò chơi điện tử trên mạng được an toàn cho người dùng, Nghị định 147/2024/NĐ-CP đã quy định chặt chẽ hơn các nội dung liên quan đến hoạt động này. Vậy làm thế nào để được cung cấp trò chơi điện tử G1 trên mạng?

Mẫu đơn đề nghị cung cấp dịch vụ mạng xã hội

Nghị định 147/2024/NĐ-CP đã được ban hành ngày 09/11/2024. Trong đó, đáng chú ý là các quy định chi tiết về cung cấp dịch vụ mạng xã hội. Vậy để đề nghị cung cấp dịch vụ mạng xã hội, doanh nghiệp phải sử dụng mẫu đơn nào?

Điều kiện cung cấp dịch vụ mạng xã hội là gì?

Mạng xã hội là trang mạng điện tử rất phổ biến hiện nay. Vậy điều kiện để được cung cấp dịch vụ mạng xã hội là gì và những quy định nào doanh nghiệp cần biết khi cung cấp dịch vụ mạng xã hội?