[Tổng hợp] 6 điểm mới của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Ngày 20/6/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023. Dưới đây là tổng hợp điểm mới của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 này.

1. Thay đổi định nghĩa người tiêu dùng

Người tiêu dùng là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ nhằm mục đích tiêu dùng, sinh hoạt và không vì mục đích thương mại. Đây là điểm mới của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại khoản 1 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 (trong bài viết này gọi tắt là Luật năm 2023).

Trong khi đó, tại khoản 1 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 (trong bài viết này gọi tắt là Luật năm 2010) chỉ định nghĩa người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hoá, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt cá nhân, gia đình, tổ chức.

Đồng thời, Điều 8 Luật năm 2023 đã bổ sung thêm 07 đối tượng được coi là người tiêu dùng dễ bị tổn thương gồm: Người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, người dân tộc thiểu số, người sống tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, phụ nữ mang thai/nuôi con dưới 3 tuổi, người bị bệnh hiểm nghèo, thành viên hộ nghèo.

điểm mới của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
6 điểm mới của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Ảnh minh hoạ)

2. Quyền lợi, nghĩa vụ của người tiêu dùng từ 01/7/2024

2.1 Quyền lợi

Điều 4 Luật năm 2023 đã quy định người tiêu dùng có 11 quyền, tăng hơn so với quy định tại Điều 8 Luật năm 2010. Cụ thể, Luật mới bổ sung các quyền sau đây:

- Được tạo điều kiện lựa chọn môi trường tiêu dùng lành mạnh và bền vững.

- Được bảo vệ khi sử dụng dịch vụ công theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Quyền khác theo quy định của pháp luật.

2.2 Nghĩa vụ

Luật năm 2010 chỉ quy định người tiêu dùng có hai nghĩa vụ. Tuy nhiên, tại Điều 10 Luật năm 2023, có tới 06 hành vi bị cấm. Theo đó, nghĩa vụ của người tiêu dùng được bổ sung tại Luật năm 2023 gồm:

- Lựa chọn mua sắm hàng hoá, dịch vụ không làm tổn hại đến môi trường.

- Tuân thủ điều kiện, hướng dẫn vận chuyển, bảo quản, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; quy định về kiểm định, bảo vệ môi trường, tiêu dùng bền vững theo quy định của pháp luật (quy định cũ đang là thực hiện chính xác, đày đủ hướng dẫn sử dụng).

- Chịu trách nhiệm khi cung cấp không đúng/đầy đủ thông tin về giao dịch giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh.

- Nghĩa vụ khác.

3. Bổ sung nhiều hành vi bị nghiêm cấm

Luật mới đã bổ sung nhiều hành vi bị cấm so với Luật năm 2010 gồm:

Điều 10. Các hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

d) Ép buộc người tiêu dùng thanh toán cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã cung cấp mà không có thỏa thuận trước với người tiêu dùng;

đ) Không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng do nhầm lẫn của tổ chức, cá nhân kinh doanh;

e) Không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng do sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không đúng với đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết của tổ chức, cá nhân kinh doanh;

g) Đánh tráo, gian lận sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khi giao hàng, cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng;

h) Không thông báo trước, không công khai cho người tiêu dùng việc tài trợ cho người có ảnh hưởng dưới mọi hình thức để sử dụng hình ảnh, lời khuyên, khuyến nghị của người này nhằm xúc tiến thương mại hoặc khuyến khích người tiêu dùng mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;

i) Ngăn cản người tiêu dùng kiểm tra về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

k) Yêu cầu người tiêu dùng phải mua thêm sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ như là điều kiện bắt buộc để giao kết hợp đồng trái với ý muốn của người tiêu dùng;

l) Quy định điều khoản không được phép tại Điều 25 của Luật này trong hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung;

m) Thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng trái quy định của pháp luật.

Đồng thời, Luật mới còn cấm tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp thực hiện các hành vi sau:

- Bắt người khác phải đặt cọc, nộp tiền/mua hàng hoá nhất định để tham gia bán hàng đa cấp.

- Cung cấp thông tin gian dối, khiến người tiêu dùng, cá nhân tham gia bán hàng đa cấp nhầm lẫn.

- Không có giấy chứng nhận đăng ký bán hàng đa cấp hoặc không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

- Kinh doanh đa cấp với dịch vụ/hình thức khác không phải mua bán hàng hoá trừ trường hợp luật có quy định khác.

- Phát triển mạng lưới bán hàng đa cấp không dựa trên việc mua bán hàng hoá.

- Vi phạm các hành vi bị cấm trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

4. Quy định mới về bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng

4.1 Thêm đối tượng phải bồi thường thiệt hại

Bên cạnh những điểm mới của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật năm 2023 cũng bổ sung thêm đối tượng có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp sản phẩm, hàng hoá có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người tiêu dùng kể cả khi không biết/không có lỗi.

Cụ thể, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dưới đây:

- Sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hoá.

- Gắn tên thương mại lên sản phẩm, hàng hoá hoặc dùng nhãn hiệu, chỉ dẫn thương mại khác cho phép nhận biết đó là bên sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, hàng hoá.

- Bên hoạt động trung gian thương mại với sản phẩm, hàng hoá. Trong đó, căn cứ Chương V Luật Thương mại năm 2005, các hoạt động trung gian thương mại gồm đại diện cho thương nhân, môi giới thương mại, uỷ thác mua bán hàng hoá, đại lý thương mại…

- Bên trực tiếp cung cấp hàng hoá, sản phẩm cho người tiêu dùng.

- Tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Nếu không xác định được các đối tượng còn lại thì bên trực tiếp cung cấp sản phẩm, hàng hoá cho người tiêu dùng phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng trừ trường hợp luật có quy định khác.

Nếu nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh ở trên cùng gây thiệt hại thì các bên phải liên đới chịu bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng. Việc bồi thường thực hiện theo thoả thuận và được quy định theo pháp luật về dân sự và quy định khác.

Như vậy, so với quy định tại Điều 23 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, Luật mới đã bổ sung thêm 02 đối tượng có trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu sản phẩm, hàng hoá bị lỗi, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng thậm chí gây thiệt hại cho người tiêu dùng là:

- Bên hoạt động trung gian thương mại.

- Cá nhân, tổ chức khác có liên quan theo quy định.

Bổ sung nhiều quy định về bồi thường thiệt hại trong Luật mới
Bổ sung nhiều quy định về bồi thường thiệt hại trong Luật mới (Ảnh minh hoạ)

4.2 Thêm trường hợp được miễn bồi thường thiệt hại

Song song với việc thêm đối tượng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, Luật mới cụ thể là Điều 35 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã bổ sung thêm trường hợp miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại gồm:

- Khi chứng minh được không thể phát hiện được sản phẩm, hàng hoá bị lỗi với trình độ khoa học, công nghệ của thế giới tính đến thời điểm sản phẩm, hàng hoá gây thiệt hại.

- Đã áp dụng mọi biện pháp thương lượng, hoà giải và đã được người tiêu dùng tiếp nhận đầy đủ thông tin nhưng vẫn cố tình sử dụng sản phẩm, hàng hoá bị lỗi và gây ra thiệt hại.

- Trường hợp khác.

Trong khi đó, tại Luật cũ chỉ quy định một trường hợp duy nhất là khi chứng minh được hàng lỗi này không thể phát hiện với trình độ khoa học, kỹ thuật tại thời điểm hàng hoá được cung cấp đến tay người tiêu dùng.

5. Lần đầu tiên quy định về giao dịch từ xa từ 01/7/2024

Giao dịch từ xa là thuật ngữ lần đầu tiên xuất hiện tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trước đó, tại Nghị định số 99/2011/NĐ-CP chỉ quy định về hợp đồng giao kết từ xa.

Theo khoản 5 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, giao dịch từ xa được hiểu là giao dịch thực hiện qua mạng, phương tiện điện tử hoặc phương tiện khác mà người tiêu dùng không được kiểm tra, tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm, dịch vụ trước khi tham gia giao dịch.

Hiểu một cách đơn giản, giao dịch từ xa là giao dịch được thực hiện online hoặc bằng bất kỳ phương thức nào mà người tiêu dùng không được kiểm tra, tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm, hàng hoá trước khi tham gia vào giao dịch.

giao dịch từ xa là điểm mới của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Giao dịch từ xa là điểm mới của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đáng chú ý (Ảnh minh hoạ)

Theo đó, Luật năm 2023 đã quy định một số vấn đề liên quan đến giao dịch từ xa như sau:

Thông tin phải cung cấp

Do tính chất là giao dịch không được tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm, hàng hoá nên các bên phải cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin sau đây:

- Tên, địa chỉ, số điện thoại, phương thức liên hệ khác

- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc mã số doanh nghiệp…

- Số lượng, chất lượng, công dụng, giá cả, nguồn gốc, xuất xứ, thời hạn sử dụng… của hàng hoá, dịch vụ.

- Phí giao hàng (nếu có).

- Thời hạn thanh toán; cách bán hàng hoặc cung cấp sản phẩm, điều kiện đổi, trả hàng hoá nếu bị lỗi…

- Chi tiết về công dụng, cách sử dụng, bảo hành sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ…

Nội dung của hợp đồng

Nội dung hợp đồng giao dịch từ xa cần có:

- Thông tin mà bên cung cấp hàng hoá phải trình bày chính xác, cụ thể, đầy đủ ở trên; tên, địa chỉ, số điện thoại, cách liên hệ khác của người tiêu dùng;

- Quyền, nghĩa vụ của các bên;

- Phương thức xử lý khi cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ: Thoả thuận cách xử lý; đơn phương chấm dứt hợp đồng trong thời hạn 30 ngày và thông báo cho tổ chức, cá nhân kinh doanh; người tiêu dùng không phải trả chi phí dưới mọi hình thức để chấm dứt hợp đồng.

Hình thức giao dịch từ xa

- Thông qua điện thoại; hình thức liên lạc, đàm thoại khác.

- Thông qua không gian mạng.

6. Thêm trường hợp không được thương lượng, hòa giải

Cũng giống như Luật năm 2010, tranh chấp phát sinh giữa người tiêu dùng và người kinh doanh sẽ được giải quyết thông qua một trong các hình thức: Thương lượng, hoà giải, trọng tài, toà án.

Tuy nhiên, có 03 trường hợp không được thương lượng, hoà giải dưới đây:

- Xâm phạm đến lợi ích của quốc gia, dân tộc và công cộng.

- Vi phạm điều cấm của luật/trái đạo đức xã hội.

- Gây thiệt hại cho lợi ích của nhiều người tiêu dùng trừ trường hợp xác định được cụ thể số lượng người tiêu dùng bị thiệt hại.

Trong khi đó, khoản 2 Điều 30 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 chỉ quy định một trường hợp duy nhất là khi tranh chấp gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, của nhiều người tiêu dùng và lợi ích công cộng.

Trên đây là tổng hợp 06 điểm mới của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Hạn chót xác thực tài khoản mạng xã hội là khi nào? Không xác thực có bị khóa tài khoản không?

Hạn chót xác thực tài khoản mạng xã hội là khi nào? Không xác thực có bị khóa tài khoản không?

Hạn chót xác thực tài khoản mạng xã hội là khi nào? Không xác thực có bị khóa tài khoản không?

Những vấn đề liên quan đến xác thực mạng xã hội nhận được nhiều sự quan tâm trong thời gian gần đây. Bài viết dưới đây sẽ thông tin về hạn chót xác thực tài khoản mạng xã hội và việc có bị khóa tài khoản nếu không xác thực?