Dạy học online có cần đăng ký kinh doanh dạy thêm?
Một trong những yêu cầu về đối với tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh được quy định tại Điều 6 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT là phải đăng kí kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP có quy định đối tượng không phải đăng ký kinh doanh bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại như sau:
(1) Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;
(2) Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;
(3) Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;
(4) Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;
(5) Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;
(6) Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.
Bên cạnh đó. khoản 2 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp cũng nêu các trường hợp hộ kinh doanh không cần phải đăng ký kinh doan gồm:
- Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối;
- Người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến;
- Người kinh doanh lưu động;
- Người kinh doanh thời vụ;
- Người làm dịch vụ có thu nhập thấp.
Như vậy, trừ các ngành nghề và đối tượng liệt kê ở trên, thì cá nhân có hoạt động thương mại thường xuyên, liên tục đều bắt buộc phải đăng ký kinh doanh. Do đó, nếu thực hiện dạy thêm online cần phải thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh.
Kinh doanh học thêm online có thể lựa chọn đăng ký kinh doanh theo 01 trong 02 hình thức sau:
- Đăng ký thành lập công ty
- Đăng ký hộ kinh doanh cá thể
Dưới đây là hướng dẫn đăng ký hộ kinh doanh đối với dạy thêm online.
Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh dạy thêm online
Theo quy định tại Điều 87 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hồ sơ đăng ký hộ kinh bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh;
- Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
- Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
- Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.
Các bước thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh
Bước 1 - Nộp hồ sơ
- Nộp hồ sơ trực tiếp/qua bưu điện đến Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở kinh doanh.
- Nộp online trên hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh thuộc Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thông qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Bước 2 - Nhận Giấy biên nhận và Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
- Trường hợp hồ sơ hợp lệ: Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.
- Trường hợp hồ sơ không hợp lệ: trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện phải thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ hoặc người thành lập hộ kinh doanh biết. Thông báo phải nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ (nếu có).
Sau 03 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh mà không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh thì người thành lập hộ kinh doanh hoặc hộ kinh doanh có quyền khiếu nại, tố cáo.
Trên đây là thông tin về việc dạy học online có cần đăng ký kinh doanh dạy thêm?