1. Thế nào là đánh nhau gây rối trật tự công cộng?
Đánh nhau gây rối trật tự công cộng được hiểu là hành vi vi phạm pháp luật mà gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự và an toàn xã hội, thậm chí có thể gây ra các thiệt hại cho lợi ích của nhà nước và xâm phạm đến quyền, lợi ích của các tổ chức, cá nhân.
Dưới đây là các biểu hiện của hành vi đánh nhau gây rối trật tự công cộng, cụ thể:
- Sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực hoặc có các hành vi gây nguy hiểm cho người khác, ví dụ như: ẩu đả, đánh nhau, gây thương tích cho người khác.
- Đe doạ, hăm doạ dùng vũ lực để uy hiếm hoặc cưỡng đoạt tài sản của người khác.
- Sử dụng các hung khí gây nguy hiểm như: kiếm, súng, dao,.. để đe dọa và tấn công người khác.
Hành vi đánh nhau gây rối trật tự công cộng có thể dẫn đến các hậu quả như sau:
- Gây mất an ninh, trật tự và an toàn xã hội.
- Gây thiệt hại tài sản của Nhà nước và các cá nhân.
- Xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức và cá nhân.
- Gây bức xúc dư luận trong xã hội.
2. Đánh nhau gây rối trật tự công cộng bị phạt bao nhiêu tiền?
Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người có hành vi đánh nhau hay lôi kéo đánh nhau gây rối trật tự công cộng thì từng tuỳ vào tình tiết vụ việc sẽ áp dụng xử phạt các mức khác nhau, cụ thể như sau:
- Phạt tiền từ 01 - 02 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hoặc tham gia tụ tập nhiều người tại nơi công cộng làm mất trật tự công cộng.
- Phạt tiền từ 02 - 03 triệu đồng đối với hành vi tổ chức/thuê/xúi giục/dụ dỗ/lôi kéo/kích động người khác cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại về sức khỏe cho người khác, hoặc xâm phạm đến danh dự và nhân phẩm của người khác nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng nếu có một trong các hành vi dưới đây:
Tổ chức thuê/lôi kéo/xúi giục/kích động/dụ dỗ người khác để gây rối và mất trật tự nơi công cộng.
Mang theo trong người hoặc tàng trữ hoặc cất giấu các loại vũ khí thô sơ hay công cụ hỗ trợ, các loại công cụ và phương tiện khác mà có khả năng gây sát thương; đồ vật và phương tiện giao thông nhằm mục đích gây rối trật tự nơi công cộng và cố ý gây thương tích cho người khác.
3. Đánh nhau gây rối trật tự công cộng có bị phạt tù?
Theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, đã được sửa đổi bổ sung tại khoản 22 Điều 1 Bộ luật Hình sự sửa đổi 2017 số 12/2017/QH14, người nào cố ý gây thương tích hay gây tổn hại về sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ thương tật cơ thể từ 11% trở lên, hoặc tỷ lệ thương tật dưới 11% nhưng có một trong các tình tiết tăng nặng theo quy định tại Điều này thì sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại về sức khỏe cho người khác.
Cụ thể, mức phạt thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt từ 06 tháng - 03 năm; và mức phạt tối đa đối với tội này lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân (tuỳ theo mức độ nguy hiểm của từng hành vi).
Ngoài ra, nếu có hành vi chuẩn bị vũ khí hoặc vật liệu bổ, a-xít/hóa chất nguy hiểm, hung khí nguy hiểm hay thành lập/tham gia nhóm tội phạm nhằm mục đích gây thương tích hay tổn hại về sức khỏe cho người khác thì sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt từ 03 tháng - 02 năm.
Như vậy, trong trường hợp này dù người phạm tội chưa có hành vi đánh nhau nhưng đã có các hành vi chuẩn bị nêu trên thì vẫn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Lưu ý: Trong trường hợp đánh nhau mà gây thương tích cho người khác với tỷ lệ thương tích dưới 11%, đồng thời không thuộc một trong các trường hợp đặc biệt thì người có hành vi vi phạm sẽ bị phạt vi phạm hành chính về hành vi gây mất trật tự công cộng theo mục 2 bài viết này mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
4. Che giấu người phạm tội đánh nhau gây rối trật tự công cộng có bị phạt tù?
Theo quy định tại Điều 389 Bộ luật Hình sự 2015, đã được sửa đổi bổ sung tại khoản 137 Điều 1 Bộ luật Hình sự sửa đổi 2017 về tội che giấu tội phạm, theo đó:
Người nào không hứa hẹn trước mà che giấu một trong các tội phạm theo quy định tại khoản 1 Điều 389 Bộ luật Hình sự 2015, đã được sửa đổi bổ sung tại khoản 137 Điều 1 Bộ luật Hình sự sửa đổi 2017 thì sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt từ 06 tháng - 05 năm.
Đối với hành vi lợi dụng chức vụ và quyền hạn để cản trở việc phát hiện tội phạm hoặc có các hành vi bao che khác thì bị phạt từ 02 - 07 năm.
Tuy nhiên, các điểm tại khoản 1 Điều 389 Bộ luật Hình sự 2015, đã được sửa đổi bổ sung tại khoản 137 Điều 1 Bộ luật Hình sự sửa đổi 2017 về các tội phạm sẽ áp dụng xử phạt nếu có hành vi che giấu không có đánh nhau gây rối trật tự công cộng.
Do đó, người nào không hứa hẹn trước mà có hành vi che giấu người phạm tội đánh nhau gây rối trật tự công cộng sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trên đây là những thông tin về Đánh nhau gây rối trật tự công cộng bị xử phạt thế nào? 2024