- 1. Phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu với dự án có sử dụng đất
- 2. Các tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu
- 2.1. Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm
- 2.2. Tiêu chuẩn đánh giá về phương án đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư
- 2.3. Tiêu chuẩn đánh giá về hiệu quả sử dụng đất
- 2.4. Tiêu chuẩn đánh giá về hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương
1. Phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu với dự án có sử dụng đất
Điều 45 Nghị định 115/2024/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết về phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu với dự án có sử dụng đất như sau:
Phương pháp đánh giá được áp dụng: Phương pháp đánh giá lợi ích xã hội, lợi ích nhà nước;
Cách thức đánh giá: đánh giá theo thang điểm 100 hoặc 1.000;
Cách thức xác định điểm tổng hợp đối với từng loại hình dự án cụ thể như sau:
STT | Loại hình dự án | Cơ sở xác định | Tỷ trọng tổng điểm cụ thể | Yêu cầu về điểm tối thiểu |
---|---|---|---|---|
1 | Dự án đáp ứng đồng thời các tiêu chí sau - Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng để xây dựng mới hoặc cải tạo, chỉnh trang đô thị; dự án khu dân cư nông thôn - Được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất | Kết hợp giữa điểm năng lực, kinh nghiệm, điểm phương án đầu tư kinh doanh và điểm hiệu quả sử dụng đất. | Bảo đảm tổng tỷ trọng là 100%, trong đó: - Điểm năng lực, kinh nghiệm chiếm tỷ trọng từ 20% đến 30% tổng số điểm; - Điểm phương án đầu tư kinh doanh chiếm tỷ trọng từ 20% đến 30% tổng số điểm; - Điểm hiệu quả sử dụng đất chiếm tỷ trọng từ 40% đến 60% tổng số điểm. | Nhà đầu tư phải đáp ứng điểm tối thiểu sau đây để được đánh giá, xếp hạng: - Điểm tổng hợp tối thiểu không được thấp hơn 70% tổng số điểm; - Điểm tối thiểu của tiêu chuẩn, tiêu chuẩn chi tiết không thấp hơn 60% điểm tối đa của tiêu chuẩn đó. Đối với dự án áp dụng phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ, điểm tối thiểu của tiêu chuẩn, tiêu chuẩn chi tiết không thấp hơn 70% điểm tối đa của tiêu chuẩn đó; - Điểm tối thiểu của từng tiêu chí không thấp hơn 50% điểm tối đa của tiêu chí đó. Nhà đầu tư đáp ứng điểm tối thiểu của từng tiêu chuẩn, tiêu chí và có điểm tổng hợp cao nhất được xếp hạng thứ nhất. |
2 | Các dự án quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định 115/2024/NĐ-CP | Kết hợp giữa điểm năng lực, kinh nghiệm, điểm phương án đầu tư kinh doanh và điểm hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương. | Bảo đảm tổng tỷ trọng là 100%, trong đó: - Điểm năng lực, kinh nghiệm chiếm tỷ trọng từ 30% đến 40% tổng số điểm; - Điểm phương án đầu tư kinh doanh chiếm tỷ trọng từ 30% đến 50% tổng số điểm; - Điểm hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương chiếm tỷ trọng từ 10% đến 40% tổng số điểm. | |
3 | Dự án đầu tư xây dựng công trình năng lượng thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về điện lực khi có từ 02 nhà đầu tư trở lên quan tâm cùng đăng ký thực hiện | Kết hợp giữa điểm năng lực, kinh nghiệm, điểm phương án đầu tư kinh doanh và điểm hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương | Bảo đảm tổng tỷ trọng là 100%, trong đó: - Điểm năng lực, kinh nghiệm chiếm tỷ trọng từ 5% đến 10% tổng số điểm; - Điểm phương án đầu tư kinh doanh chiếm tỷ trọng từ 5% đến 10% tổng số điểm; - Điểm hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương chiếm tỷ trọng từ 80% đến 90% tổng số điểm. |
2. Các tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu
2.1. Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm
Theo quy định tại Điều 46 Nghị định 115/2024/NĐ-CP, việc đánh giá năng lực, kinh nghiệm dựa theo những tiêu chuẩn sau đây:
Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực tài chính, khả năng thu xếp vốn gồm các tiêu chí:
- Yêu cầu về vốn chủ sở hữu được xác định trên cơ sở tổng vốn đầu tư của dự án;
- Yêu cầu về vốn chủ sở hữu tối thiểu đối với dự án bất động sản và dự án quy định tại các điểm d, đ, h và k khoản 2 Điều 4 của Nghị định 115/2024/NĐ-CP được xác định theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.
Trường hợp liên danh, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư liên danh bằng tổng vốn chủ sở hữu của các thành viên liên danh, từng thành viên liên danh phải đáp ứng yêu cầu tương ứng với phần góp vốn chủ sở hữu theo thỏa thuận liên danh.
Nhà đầu tư đứng đầu liên danh phải có tỷ lệ góp vốn chủ sở hữu tối thiểu là 30%, từng thành viên liên danh có tỷ lệ góp vốn chủ sở hữu tối thiểu là 15%.
- Yêu cầu về khả năng huy động vốn vay của nhà đầu tư; trường hợp liên danh, vốn vay của nhà đầu tư liên danh bằng tổng vốn vay của các thành viên liên danh;
- Yêu cầu về các chỉ tiêu tài chính (nếu có).
Tiêu chuẩn đánh giá về kinh nghiệm thực hiện các dự án tương tự căn cứ lĩnh vực; quy mô đầu tư; thời gian và mức độ hoàn thành công trình, dự án, gồm các tiêu chí:
- Kinh nghiệm đầu tư, xây dựng công trình, dự án tương tự;
- Kinh nghiệm vận hành, kinh doanh công trình, dự án tương tự (áp dụng đối với dự án có yêu cầu vận hành, kinh doanh để cung cấp sản phẩm, dịch vụ, phù hợp với mục đích, tính chất, yêu cầu quản lý của từng dự án);
- Kinh nghiệm của nhân sự chủ chốt, trang thiết bị chuyên dùng trong trường hợp pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực có yêu cầu;
- Lịch sử tranh chấp, khiếu kiện đối với dự án đã và đang thực hiện;
- Lịch sử bị ngừng hoặc chấm dứt hoạt động đầu tư của nhà đầu tư tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi triển khai dự án (nếu có).
Trong đó:
+ Trường hợp liên danh, kinh nghiệm thực hiện các dự án tương tự của nhà đầu tư liên danh bằng tổng số dự án của các thành viên liên danh đã thực hiện;
+ Nhà đầu tư được sử dụng kinh nghiệm của đối tác để chứng minh kinh nghiệm thực hiện các dự án tương tự. Trong đó, đối tác là tổ chức ký kết hợp đồng với nhà đầu tư hoặc là công ty con của nhà đầu tư, được nhà đầu tư đề xuất trong hồ sơ dự thầu để cùng tham gia thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất. Trong trường hợp này, kinh nghiệm của đối tác và khả năng đáp ứng công việc đối tác tham gia cùng thực hiện phải được đánh giá trên cơ sở yêu cầu quy định tại hồ sơ mời thầu.
2.2. Tiêu chuẩn đánh giá về phương án đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư
Căn cứ Điều 47 Nghị định 115/2024/NĐ-CP, tiêu chuẩn đánh giá về phương án đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư gồm có:
Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật
- Yêu cầu về sự phù hợp của phương án đầu tư do nhà đầu tư đề xuất với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng, quản lý ngành, lĩnh vực và pháp luật có liên quan gồm:
+ Phạm vi, quy mô, sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án;
+ Thời gian, tiến độ, phân kỳ đầu tư xây dựng công trình;
+ Sơ đồ tổ chức không gian và kiến trúc, cảnh quan đảm bảo đồng bộ với tổng thể công trình
- Yêu cầu về tính khả thi của giải pháp ứng dụng công nghệ do nhà đầu tư đề xuất (nếu có) và yêu cầu về chuyển giao công nghệ (nếu có);
- Yêu cầu về sự phù hợp với điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực (nếu có); yêu cầu về phương án tổ chức vận hành, kinh doanh;
Lưu ý: Ngoài các tiêu chuẩn chung nêu trên, một số dự án đặc thù cần đáp ứng thêm các tiêu chuẩn như sau:
- Đối với dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp:
+ Yêu cầu về sự đồng bộ của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng, quản lý đô thị, nhà ở để xây dựng mới hoặc cải tạo, chỉnh trang đô thị;
+ Yêu cầu về sự phù hợp của phương án đầu tư do nhà đầu tư đề xuất với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở;
- Đối với dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư:
+ Yêu cầu về thời gian thực hiện dự án, thời gian hoàn thành việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời;
+ Yêu cầu về sự phù hợp của phương án đầu tư do nhà đầu tư đề xuất với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định của pháp luật về nhà ở;
- Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt:
+ Yêu cầu về sự phù hợp của công nghệ do nhà đầu tư đề xuất với quy định về tiêu chí công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt;
+ Yêu cầu về chất lượng xử lý chất thải rắn mà nhà đầu tư cung cấp theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
- Đối với dự án đầu tư trường đua ngựa, đua chó, trong đó có hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó: yêu cầu về sự phù hợp của phương án đầu tư hệ thống đặt cược, phương án kinh doanh đặt cược với quy định của pháp luật về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế;
- Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước: yêu cầu về chất lượng nước sạch, giảm tỷ lệ thất thoát nước và bảo đảm cấp nước an toàn, liên tục, ổn định theo quy định của pháp luật về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch;
- Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay: yêu cầu về công năng chính của công trình, hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan bảo đảm đồng bộ với tổng thể công trình, yêu cầu về tính liên tục của việc cung cấp dịch vụ (nếu có);
- Đối với dự án thuộc lĩnh vực khuyến khích xã hội hóa:
+ Yêu cầu về chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà nhà đầu tư cung cấp;
+ Yêu cầu sự phù hợp của phương án đầu tư do nhà đầu tư đề xuất với quy định về loại hình, tiêu chí, quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa;
+ Yêu cầu về giải pháp áp dụng các thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh tiên tiến, hiện đại, công nghệ cao (đối với dự án thuộc lĩnh vực y tế);
- Đối với dự án đầu tư xây dựng chợ:
+ Yêu cầu về sự phù hợp của phương án đầu tư do nhà đầu tư đề xuất với tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn về chợ;
+ Yêu cầu kỹ thuật, giải pháp bảo đảm an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường;
- Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình năng lượng: các tiêu chuẩn khác theo hướng dẫn của Bộ Công Thương (nếu có).
Tiêu chuẩn đánh giá về xã hội gồm có:
- Yêu cầu về phương án, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật về đất đai (nếu có);
Trường hợp dự án có yêu cầu nhà đầu tư ứng trước kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì hồ sơ mời thầu phải quy định nguyên tắc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật về đất đai.
Nhà đầu tư phải cam kết trong hồ sơ dự thầu việc ứng vốn để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo yêu cầu trong hồ sơ mời thầu của cơ quan có thẩm quyền trên cơ sở phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư được phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai;
- Yêu cầu về khả năng đóng góp phúc lợi xã hội cho người lao động tại địa phương thông qua các hoạt động:
+ Sử dụng lao động địa phương, đào tạo nguồn nhân lực, mức thu nhập bình quân và tốc độ tăng thu nhập bình quân;
+ Trợ giúp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội hoặc các hoạt động phúc lợi xã hội khác mà nhà đầu tư đóng góp cho địa phương, phù hợp với nhu cầu của địa phương nơi thực hiện dự án;
Ngoài ra cần lưu ý đối với một số dự án đặc thù như sau:
- Đối với dự án khuyến khích xã hội hóa thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục, tiêu chuẩn đánh giá về xã hội gồm:
+ Yêu cầu về phương án, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật về đất đai (nếu có) (như hướng dẫn nêu trên);
+ Yêu cầu về khả năng đóng góp phúc lợi xã hội cho người lao động tại địa phương thông qua các hoạt động (như hướng dẫn nêu trên);
+ Yêu cầu đáp ứng nhu cầu và lợi ích chăm sóc sức khỏe, lợi ích về giáo dục đào tạo cho người dân;
- Đối với dự án đầu tư xây dựng chợ, tiêu chuẩn đánh giá về xã hội gồm
+ Yêu cầu về phương án, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật về đất đai (nếu có) (như hướng dẫn nêu trên);
+ Yêu cầu đóng góp về mặt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội phù hợp với nhu cầu của địa phương (đáp ứng nhu cầu mua bán tiêu thụ hàng hóa của người dân địa phương; tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương; đóng góp về mặt tài chính, cam kết về phát triển chợ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khi được lựa chọn);
+ Yêu cầu về phương án, kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ tại chợ (đào tạo cho người lao động tại chợ, các đối tượng kinh doanh tại chợ, hộ kinh doanh tại chợ về an toàn thực phẩm, văn minh thương mại, kỹ năng bán hàng, ứng dụng kỹ năng số trong bán hàng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ tại chợ);
- Đối với dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, tiêu chuẩn đánh giá về xã hội gồm:
+ Yêu cầu về khả năng đóng góp phúc lợi xã hội cho người lao động tại địa phương thông qua các hoạt động (như hướng dẫn nêu trên);
+ Yêu cầu về phương án bồi thường, tái định cư gồm một số nội dung được bên mời thầu đề xuất theo quy định của pháp luật về nhà ở căn cứ từng dự án cụ thể, phù hợp với phương án đã được phê duyệt trong hồ sơ mời quan tâm.
Tiêu chuẩn đánh giá về môi trường
Bên mời thầu, tổ chuyên gia xác định một hoặc các tiêu chí sau đây để xây dựng tiêu chuẩn đánh giá về môi trường trong hồ sơ mời thầu phù hợp với yêu cầu thực hiện dự án:
- Yêu cầu về sự phù hợp của hàng hóa, dịch vụ cung cấp với quy định của pháp luật về môi trường; ưu tiên giảm phát sinh chất thải, thúc đẩy sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường;
- Yêu cầu về bảo vệ môi trường, sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng;
- Yêu cầu về chỉ tiêu sử dụng đất, hệ số sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng; yêu cầu về việc sử dụng tài nguyên theo quy định của pháp luật; khả năng bảo tồn đa dạng sinh học, cải thiện đất, tài nguyên, hệ sinh thái tự nhiên tại khu vực thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
- Yêu cầu áp dụng giải pháp giảm thiểu tác động xấu tới môi trường, ưu tiên chuyển giao và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường, kỹ thuật hiện có tốt nhất (đối với dự án thuộc nhóm có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường).
2.3. Tiêu chuẩn đánh giá về hiệu quả sử dụng đất
Đối tượng áp dụng:
Dự án quy định tại khoản 1 Điều 4 của Nghị định 115/2024/NĐ-CP và được xác định trong hồ sơ mời thầu trên cơ sở tỷ lệ tối thiểu nộp ngân sách nhà nước (m)
Cách thức thực hiện:
Nhà đầu tư đề xuất tỷ lệ nộp ngân sách nhà nước trong hồ sơ dự thầu (M) căn cứ tỷ lệ tối thiểu nộp ngân sách nhà nước (m) quy định tại hồ sơ mời thầu, trong đó M ≥ m, cụ thể:
- Tỷ lệ tối thiểu nộp ngân sách nhà nước là tỷ lệ tăng bình quân sau đấu giá quyền sử dụng đất tính trên một đơn vị diện tích của tất cả các khu đất, quỹ đất, thửa đất tham chiếu và được xác định theo công thức sau:
Trong đó:
Xi: là giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất của khu đất, quỹ đất, thửa đất tham chiếu thứ i.
Yi: là giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất của khu đất, quỹ đất, thửa đất tham chiếu thứ i.
n: là số khu đất, quỹ đất, thửa đất tham chiếu.
- Điều kiện đối với khu đất, quỹ đất, thửa đất được sử dụng để tham chiếu:
+ Tất cả các khu đất, quỹ đất, thửa đất đã đấu giá để thực hiện dự án có cùng mục đích sử dụng đất với quỹ đất dự kiến thực hiện dự án đang tổ chức đấu thầu.
Trường hợp quỹ đất dự kiến thực hiện dự án có nhiều mục đích sử dụng thì được tham chiếu tất cả các khu đất, quỹ đất, thửa đất đã đấu giá để thực hiện dự án có cùng mục đích sử dụng đất với một trong các mục đích sử dụng đất của quỹ đất dự kiến thực hiện dự án đang tổ chức đấu thầu;
+ Có kết quả đấu giá thành công mà tổ chức trúng đấu giá đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định của pháp luật về đất đai trong thời gian 03 năm liền kề gần nhất trước ngày có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc có văn bản phê duyệt thông tin dự án của dự án đang tổ chức đấu thầu;
+ Tương đồng về địa điểm với khu đất, quỹ đất, thửa đất thực hiện dự án đang tổ chức đấu thầu, được xác định cụ thể theo quy định tại Khoản 5 Điều 48 Nghị định 115/2024/NĐ-CP.
Lưu ý đối với các trường hợp sau:
+ Trường hợp không có khu đất, quỹ đất, thửa đất đã đấu giá để tham chiếu thì sử dụng tỷ lệ tăng bình quân của giá trị nộp ngân sách nhà nước của tất cả các dự án đầu tư có sử dụng đất đã có kết quả đấu thầu trên địa bàn hành chính cấp tỉnh trong thời gian 05 năm liền kề gần nhất trước ngày có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc có văn bản phê duyệt thông tin dự án của dự án đang tổ chức đấu thầu.
+ Trường hợp không xác định được khu đất, quỹ đất, thửa đất tham chiếu để tính tỷ lệ tối thiểu nộp ngân sách nhà nước (m), hồ sơ mời thầu không quy định tỷ lệ này.
Nhà đầu tư tự đề xuất tỷ lệ nộp ngân sách nhà nước trong hồ sơ dự thầu (M) làm cơ sở đánh giá hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư và nộp ngân sách nhà nước theo hướng dẫn cụ thể quy định tại khoản 8 Điều 48 Nghị định 115/2024/NĐ-CP.
2.4. Tiêu chuẩn đánh giá về hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương
Đối tượng áp dụng:
Tiêu chuẩn đánh giá về hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương được áp dụng đối với dự án đầu tư có sử dụng đất như sau:
- Dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
- Dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước theo quy định của pháp luật về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch;
- Dự án đầu tư xây dựng chợ theo quy định của pháp luật về phát triển và quản lý chợ;
- Dự án đầu tư xây dựng công trình trạm dừng nghỉ theo quy định của pháp luật quản lý ngành về đường bộ;
- Dự án đầu tư xây dựng công trình dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng;
- Dự án đầu tư thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về khuyến khích xã hội hóa khi có từ 02 nhà đầu tư trở lên quan tâm cùng đăng ký thực hiện;
- Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về nhà ở khi có từ 02 nhà đầu tư trở lên quan tâm cùng đăng ký thực hiện.
(Trong đó không bao gồm dự án nhà ở xã hội quy định tại các khoản 1,2,3 và điểm c khoản 4 Điều 84 của Luật Nhà ở số 27/2023/QH15; dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 68 của Luật Nhà ở số 27/2023/QH15; dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân quy định tại khoản 1 Điều 106 của Luật Nhà ở số 27/2023/QH15);
- Dự án đầu tư trường đua ngựa, đua chó, trong đó có hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định pháp luật về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế khi có từ 02 nhà đầu tư trở lên quan tâm cùng đăng ký thực hiện, đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư;
- Dự án đầu tư xây dựng công trình năng lượng thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về điện lực khi có từ 02 nhà đầu tư trở lên quan tâm cùng đăng ký thực hiện;
- Các dự án khác thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 và điểm b khoản 1 Điều 126 của Luật Đất đai.
Các tiêu chuẩn cụ thể gồm có:
- Giá trị tối thiểu bằng tiền nộp ngân sách nhà nước;
- Tỷ lệ doanh thu tối thiểu nộp ngân sách nhà nước;
- Khung giá, giá tối đa theo quy định của pháp luật về giá, pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực;
- Số lượng tối thiểu công trình công cộng không có mục đích kinh doanh căn cứ danh mục dự án, công trình cần đầu tư của địa phương nơi thực hiện dự án;
- Giá trị tối thiểu của hoạt động trợ giúp xã hội hoặc hoạt động phúc lợi xã hội khác dành cho đối tượng bảo trợ xã hội, được xác định theo giá trị bằng tiền hoặc số lượng người được hỗ trợ căn cứ danh sách đối tượng bảo trợ xã hội hoặc hoạt động trợ giúp xã hội của địa phương nơi thực hiện dự án;
- Ngưỡng tối đa loại, mức độ độc hại và tổng lượng chất ô nhiễm thải vào môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
- Diện tích sử dụng đất, hệ số sử dụng đất tối đa.
Các tiêu chuẩn đối với một số dự án đặc thù cần lưu ý như sau:
- Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình năng lượng, tiêu chuẩn đánh giá là mức trần giá điện dưới trần khung giá do Bộ Công Thương ban hành và nguyên tắc giá được thống nhất với bên mua điện theo quy định của pháp luật về điện lực trong hồ sơ mời thầu.
- Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay, tiêu chuẩn đánh giá là mức tối thiểu nộp ngân sách nhà nước được quy định trong hồ sơ mời thầu và được xác định như sau:
+ Trong 05 năm đầu kể từ khi dự án được đưa vào khai thác và cung cấp dịch vụ hàng không, hồ sơ mời thầu không quy định mức tối thiểu nộp ngân sách nhà nước.
Nhà đầu tư đề xuất mức nộp ngân sách nhà nước theo đơn vị tính quy định tại khung giá nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không tương ứng với từng dịch vụ.
Giá trị nộp ngân sách nhà nước bằng tiền được xác định căn cứ mức nhà đầu tư đề xuất trong hồ sơ dự thầu quy định tại điểm này;
+ Từ năm thứ 06 trở đi, hồ sơ mời thầu quy định mức tối thiểu nộp ngân sách nhà nước được xác định bằng giá trị trung bình của mức tối thiểu và mức tối đa trong khung giá nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không tương ứng với từng dịch vụ được công bố theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng.
Nhà đầu tư đề xuất tỷ lệ tăng thêm của mức tối thiểu nộp ngân sách nhà nước.
Giá trị nộp ngân sách nhà nước bằng tiền được xác định căn cứ mức tối thiểu quy định tại hồ sơ mời thầu cộng với tỷ lệ tăng thêm mà nhà đầu tư đề xuất trong hồ sơ dự thầu quy định tại điểm này;
+ Bên mời thầu xác định tỷ trọng điểm tương ứng với các tiêu chí nêu trên;
+ Trong quá trình thực hiện hợp đồng, trường hợp Nhà nước thay đổi khung giá nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không, mức tối thiểu quy định tại điểm b khoản này được thay đổi tương ứng theo khung giá nhượng quyền mới; tỷ lệ tăng thêm mà nhà đầu tư đã đề xuất trong hồ sơ dự thầu không thay đổi.
- Đối với dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, tiêu chuẩn đánh giá là thời gian tối đa để nhà đầu tư bàn giao nhà ở phục vụ tái định cư theo quy định của pháp luật về nhà ở được quy định trong hồ sơ mời thầu.
Cách thức thực hiện:
Nhà đầu tư đề xuất giá trị về hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương trong hồ sơ dự thầu không thấp hơn mức tối thiểu, không cao hơn mức tối đa hoặc mức trần căn cứ tiêu chuẩn đánh giá quy định tại hồ sơ mời thầu.
Trên đây là các quy định về đánh giá hồ sơ dự thầu với dự án có sử dụng đất tại Nghị định 115/2024/NĐ-CP.