Hướng dẫn hồ sơ, quy trình đăng ký sáng chế từ A - Z

Sáng chế có khả năng đem lại sức cạnh tranh vượt trội cho hàng hóa, dịch vụ. Do đó, cần bảo đảm rằng, một sáng chế khi đưa ra thị trường phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện để có thể bảo hộ một cách hữu hiệu.

1. Sáng chế là gì? Đăng ký sáng chế là gì?

1.1 Sáng chế là gì?

Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình, trong đó:

- Giải pháp kỹ thuật: Là tập hợp cần và đủ các thông tin về cách thức kỹ thuật và/phương tiện kỹ thuật nhằm giải quyết một nhiệm vụ (một vấn đề) xác định.

- Sáng chế: Là vật nhân tạo, có chức năng như một phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu nhất định của con người, dưới một trong 03 dạng vật thể, chất, vật liệu.

- Quy trình: Là cách thức tiến hành một quá trình, một công việc cụ thể nhằm đạt được một mục đích nhất định.

1.2 Đăng ký sáng chế là gì? Có lợi ích ra sao?

Đăng ký sáng chế là thủ tục xác lập quyền đối với giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định thông qua việc nộp đơn đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ độc quyền sáng chế.

Việc đăng ký sáng chế đem lại những lợi ích sau:

- Chủ sở hữu sáng chế được độc quyền sử dụng, khai thác sáng chế, có quyền ngăn cấm người khác sử dụng sáng chế đó.

- Làm gia tăng giá trị thương mại và khẳng định vị thế cạnh tranh trên thị trường.

Đăng ký sáng chế là thủ tục xác lập quyền đối với giải pháp kỹ thuật (Ảnh minh họa)

2. Ai có quyền đăng ký sáng chế?

Theo quy định tại Điều 86 Luật Sở hữu trí tuệ, quyền đăng ký sáng chế được quy định như sau:

- Đối với cá nhân, tổ chức:

  • Là tác giả tạo ra sáng chế bằng công sức và chi phí của mình;
  • Là tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác và thỏa thuận đó không trái với quy định.

- Trường hợp nhiều cá nhân, tổ chức cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra sáng chế thì các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký và quyền đăng ký đó chỉ được thực hiện nếu được tất cả các tổ chức, cá nhân đó đồng ý.

3. Điều kiện để sáng chế được bảo hộ tại Việt Nam

Về vấn đề này, Điều 58 Luật Sở hữu trí tuệ quy định, sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng các điều kiện sau:

- Có tính mới: Tính đến ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đăng ký, sáng chế chưa bị bộc lộ công khai từ trước dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài.

- Có trình độ sáng tạo: Tính đến ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đăng ký, sáng chế là một bước tiến sáng tạo, không được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng nếu căn cứ vào các giải pháp kỹ thuật đã được bộc lộ công khai từ trước dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài.

- Có khả năng áp dụng công nghiệp: Sáng chế phải là giải pháp kỹ thuật có thể thực hiện được:

+ Đối với sáng chế dạng sản phẩm: Có thể tạo ra, sản xuất hàng loạt sản phẩm giống nhau;

+ Đối với sáng chế dạng quy trình: Có thể áp dụng lặp đi lặp lại và thu được kết quả giống nhau.

Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu không phải là hiểu biết thông thường và đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Có tính mới;

- Có khả năng áp dụng công nghiệp.

4. Đối tượng nào không được bảo hộ là sáng chế?

Cũng tại Luật Sở hữu trí tuệ, Điều 59 quy định các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế:

- Phát minh, lý thuyết khoa học, phương pháp toán học;

- Sơ đồ, kế hoạch, quy tắc và phương pháp để thực hiện các hoạt động trí óc, huấn luyện vật nuôi, thực hiện trò chơi, kinh doanh; chương trình máy tính;

- Cách thức thể hiện thông tin;

- Giải pháp chỉ mang đặc tính thẩm mỹ;

- Giống thực vật, giống động vật;

- Quy trình sản xuất thực vật, động vật chủ yếu mang bản chất sinh học mà không phải là quy trình vi sinh;

- Phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán và chữa bệnh cho người và động vật.

5. Hồ sơ đăng ký sáng chế gồm những gì?

Theo quy định tại Điều 100 Luật Sở hữu trí tuệ, hồ sơ đăng ký sáng chế gồm các giấy tờ sau:

- Tờ khai đăng ký theo mẫu;

- Tài liệu, mẫu vật, thông tin thể hiện đối tượng sáng chế đăng ký bảo hộ;

- Giấy uỷ quyền, nếu đơn nộp thông qua đại diện;

- Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác;

- Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên:

+ Bản sao đơn hoặc các đơn đầu tiên có xác nhận của cơ quan đã nhận đơn đầu tiên;

+ Giấy chuyển nhượng quyền ưu tiên (nếu quyền đó được thụ hưởng từ người khác).

- Chứng từ nộp phí, lệ phí.

-  Tài liệu thuyết minh về nguồn gốc của nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen trong đơn đăng ký sáng chế, đối với sáng chế được trực tiếp tạo ra dựa trên nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen.

Theo đó, tài liệu xác định sáng chế cần bảo hộ trong đơn đăng ký sáng chế bao gồm:

- Bản mô tả sáng chế (gồm phần mô tả sáng chế và phạm vi bảo hộ sáng chế);

- Bản tóm tắt sáng chế.

Trong đó:

- Phần mô tả sáng chế phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

  • Bộc lộ đầy đủ và rõ ràng bản chất của sáng chế đến mức căn cứ vào đó người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể thực hiện được sáng chế đó;
  • Giải thích vắn tắt hình vẽ kèm theo, nếu cần làm rõ thêm bản chất của sáng chế;
  • Làm rõ tính mới, trình độ sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp của sáng chế.

Phạm vi bảo hộ sáng chế phải được thể hiện dưới dạng tập hợp các dấu hiệu kỹ thuật cần và đủ để xác định phạm vi quyền đối với sáng chế và phải phù hợp với phần mô tả sáng chế và hình vẽ.

- Bản tóm tắt sáng chế: Phải bộc lộ những nội dung chủ yếu về bản chất của sáng chế.

6. Thủ tục, quy trình đăng ký sáng chế thực hiện ra sao?

6.1 Nơi nộp đơn đăng ký sáng chế

- Đơn có thể được nộp trực tiếp tại Cục Sở hữu trí tuệ hoặc qua bưu điện theo các địa chỉ sau:

+ Cục Sở hữu trí tuệ: Tại 386 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội;

+ Văn phòng Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ

  • Tại TP. Hồ Chí Minh: 17-19 Tôn Thất Tùng, Quận 1, TP.HCM
  • Tại TP. Đà Nẵng: 135 Minh Mạng, Quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng.

- Đơn có thể nộp qua Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến của Cục sở hữu trí tuệ http://dvctt.noip.gov.vn

6.2 Quy trình giải quyết đơn đăng ký sáng chế

Quy trình giải quyết đơn đăng ký sáng chế được thực hiện như sau:

Bước 01: Thẩm định đơn

Đơn đăng ký sáng chế được Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định hình thức trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày tiếp nhận đơn.

Bước 02: Công bố đơn

Đơn đăng ký sáng chế hợp lệ được Cục Sở hữu trí tuệ công bố trong thời tháng thứ 19 kể từ ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên hoặc tại thời điểm sớm hơn theo yêu cầu của người nộp đơn.

Bước 03: Thẩm định nội dung đơn

Đơn hợp lệ được thẩm định nội dung trong thời hạn 18 tháng kể từ ngày công bố đơn hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu thẩm định nội dung nếu yêu cầu đó được nộp sau ngày công bố đơn.

Người nộp đơn sẽ được thông báo kết quả thẩm định nội dung, trong đó kết luận sáng chế có đáp ứng các điều kiện bảo hộ hay không và đơn có đáp ứng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên hay không.

+ Trường hợp sáng chế đáp ứng điều kiện bảo hộ và đơn đáp ứng điều kiện nộp đơn đầu tiên, Thông báo kết quả thẩm định nội dung sẽ nêu dự định cấp Bằng độc quyền sáng chế và các khoản phí và lệ phí tương ứng phải nộp.

+ Trường hợp sáng chế không đáp ứng điều kiện bảo hộ hoặc còn có thiếu sót, Thông báo kết quả thẩm định nội dung sẽ nêu dự định từ chối cấp Bằng độc quyền sáng chế/Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, thiếu sót của đơn, các điều kiện bảo hộ mà sáng chế không đáp ứng và có thể nêu cả hướng dẫn cách sửa đổi (thu hẹp) phạm vi bảo hộ để sáng chế đáp ứng điều kiền bảo hộ.

Trên đây là tổng hợp các vấn đề liên quan đến đăng ký sáng chế. Nếu có nhu cầu tư vấn thêm về vấn đề này hay các vấn đề khác liên quan đến sở hữu trí tuệ, độc giả vui lòng gọi điện đến  0938.36.1919  để được tư vấn miễn phí.
Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Quy định mới nhất về cung cấp trò chơi điện tử công cộng

Trò chơi điện tử công cộng là một hình thức trò chơi khá đặc thù và chịu sự quản lý chặt chẽ bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vậy Nghị định 147/2024/NĐ-CP đã quy định như thế nào để hoạt động cung cấp trò chơi điện tử công cộng này?

Mẫu báo cáo cung cấp trò chơi điện tử trên mạng

Hiện nay, trò chơi điện tử trên mạng rất đa dạng và được phát hành bởi rất nhiều nhà cung cấp khác nhau. Sau đây là một số quy định mà các nhà cung cấp cần lưu ý về việc báo cáo cung cấp trò chơi điện tử trên mạng này.

Mẫu đơn đề nghị cấp GCN cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4

Trò chơi điện tử trên mạng đang trở nên ngày càng thịnh hành đối với mọi lứa tuổi. Do đó, Nghị định 147/2024/NĐ-CP đã ban hành các quy định dành riêng cho việc cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4 trên mạng cùng với mẫu đơn đề nghị cấp GCN cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4.