- Dân tộc là gì?
- 4 đặc trưng cơ bản của dân tộc
- Dân tộc là một cộng đồng có ngôn ngữ chung
- Dân tộc là một cộng đồng có lãnh thổ riêng
- Dân tộc là một cộng đồng có nền kinh tế ổn định
- Dân tộc là cộng đồng thống nhất về văn hóa, tín ngưỡng
- Sự khác biệt giữa dân tộc và tộc người
- Một số chính sách về dân tộc của Đảng và Nhà nước ta
1. Dân tộc là gì?
Thuật ngữ “dân tộc” được sử dụng rất phổ biến trong các văn bản hành chính và trong cách truyền miệng. Khái niệm dân tộc có thể được hiểu theo hai nghĩa sau:
-
Dân tộc (theo nghĩa tiếng anh: Ethnie) là một tập thể người có đặc điểm, hình thái và ngôn ngữ riêng, được hình thành và phát triển tự nhiên trên cùng một lãnh thổ, có sự liên kết cộng đồng một cách bền vững theo lịch sử, có tính tự giác và mang đậm bản sắc văn hóa đặc biệt.
Ví dụ: Việt Nam có 54 dân tộc, dân tộc Kinh, dân tộc Mường, Tày,...
-
Dân tộc (theo nghĩa Nation) mang ý nghĩa bao hàm một cộng đồng, là công dân của một quốc gia có chủ quyền được quản lý bởi nhà nước, có nền kinh tế, chính trị, văn hóa bền vững, có ngôn ngữ chung và được duy trì trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của đất nước.
Ví dụ: dân tộc Việt Nam, dân tộc Lào, dân tộc Thái Lan,...
Dân tộc có thể được hiểu với hai nghĩa trong tùy ngữ cảnh (Ảnh minh họa)
Trong một quốc gia, cộng đồng dân tộc đều mang những bản sắc văn hóa riêng và vô cùng đa dạng, có thể bao gồm dân tộc đa số và các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên cũng có quốc gia chỉ có một dân tộc (Ví dụ như quốc gia Triều Tiên).
2. 4 đặc trưng cơ bản của dân tộc
Dân tộc là kết quả của quá trình phát triển loài người, từ thuở sơ khai cho đến một cộng đồng thống nhất về lãnh thổ, ngôn ngữ và văn hóa. Sau khi làm rõ khái niệm dân tộc là gì, tiếp theo ta sẽ đi sâu vào tìm hiểu dân tộc có những đặc trưng cơ bản nào.
2.1 Dân tộc là một cộng đồng có ngôn ngữ chung
Ngôn ngữ là công cụ giao tiếp được sử dụng trong một cộng đồng. Các dân tộc trong một quốc gia có thể giao tiếp với nhiều ngôn ngữ khác nhau, có những ngôn ngữ được sử dụng chung với nhiều dân tộc. Mỗi dân tộc sẽ có một ngôn ngữ, từ vựng và cấu trúc ngữ pháp thống nhất để thể hiện đặc trưng của dân tộc đó.
Dân tộc là cộng đồng có nền văn hóa và ngôn ngữ riêng (Ảnh minh họa)
2.2 Dân tộc là một cộng đồng có lãnh thổ riêng
Lãnh thổ dân tộc là địa bàn được thống nhất chủ quyền bao gồm vùng đất, vùng trời, vùng biển, hải đảo. Một dân tộc sẽ có lãnh thổ riêng, không có sự chia cắt giữa các vùng lãnh thổ. Phạm vi lãnh thổ phát triển theo lịch sử dân tộc, là tổng hợp các vùng lãnh thổ của các dân tộc trong cùng một quốc gia.
2.3 Dân tộc là một cộng đồng có nền kinh tế ổn định
Sự liên kết giữa dân tộc với nền kinh tế thời đại mới ngày càng gắn bó chặt chẽ và ổn định. Mức độ phát triển và hội nhập hiện nay khiến cộng đồng dân tộc tham gia sôi nổi hơn, mạnh mẽ hơn với phạm vi rộng rãi hơn. Sự chung tay hợp nhất giữa các dân tộc góp phần cho nền kinh tế càng trở nên bền vững và lớn mạnh.
2.4 Dân tộc là cộng đồng thống nhất về văn hóa, tín ngưỡng
Văn hóa là bản sắc riêng biệt của mỗi dân tộc, là yếu tố quan trọng để phân biệt sự khác nhau giữa dân tộc này với dân tộc khác. Văn hóa dân tộc mang đầy tính đa dạng theo dòng lịch sử, được thể hiện thông qua các phong tục tập quán, tín ngưỡng, thói quen và cách sống.
3. Sự khác biệt giữa dân tộc và tộc người
Ngoài khái niệm về “dân tộc”, có một thuật ngữ cũng được nhiều người thắc mắc, đó chính là “tộc người”. Trong phần trên, ta đã giải thích được khái niệm dân tộc là gì, vậy còn tộc người thì sao? Cách phân biệt giữa dân tộc và tộc người như thế nào?
Tộc người được định nghĩa là một tập thể người được sinh ra và phát triển trên một lãnh thổ riêng, có đặc tính chung về ngôn ngữ, văn hóa, có ý thức tự giác.
Theo như cách giải thích trên, cách hiểu của tộc người khá giống với khái niệm dân tộc (theo nghĩa Ethnie). Tuy nhiên, ta có thể hiểu một cách rõ ràng và nhất quán hơn. Dân tộc được hiểu là một hình thái phát triển cao hơn của tộc người, được sử dụng trong thời kỳ phát triển của chủ nghĩa tư bản.
Dân tộc và tộc người đều được hiểu giống nhau trong nghĩa Ethnie (Ảnh minh họa)
Trong khái niệm dân tộc là gì, có thể hiểu rằng dân tộc bao hàm nhiều hình thức cộng đồng người (tộc người, sắc tộc, bộ tộc, dân tộc). Quốc gia Việt Nam là một đất nước có vùng lãnh thổ thống nhất, có sự đa dạng về tộc người, mỗi tộc người đều mang một bản sắc đặc trưng và có nền văn hóa riêng biệt.
Dân tộc là cộng đồng xã hội được quản lý bởi nhà nước, chung chính sách và các thể chế chính trị. Dân tộc được hình thành và phát triển lên một bậc cao hơn dưới sự kết hợp của các bộ tộc, tộc người. Đây là một quá trình mang tính lâu dài biểu trưng cho sự lớn mạnh của một cộng đồng trong suốt những năm tháng lịch sử dân tộc.
Hiện nay vẫn còn nhiều những tranh luận về cách sử dụng hai thuật ngữ “dân tộc” và “tộc người”. Không giống như cách dùng của giới dân tộc học, thông thường các văn bản được nhà nước ban hàng đều sử dụng danh từ “dân tộc” thay cho “tộc người”.
Sau khi đã nắm bắt được khái niệm dân tộc là gì và các thuật ngữ liên quan, phần dưới đây ta sẽ tìm hiểu thêm về các chính sách về dân tộc mà Đảng và Nhà nước ta đang áp dụng.
4. Một số chính sách về dân tộc của Đảng và Nhà nước ta
Việt Nam là quốc gia có đa dạng nền văn hóa với 54 dân tộc, trong đó có đến 53 dân tộc thiểu số. Nhận thấy được những thách thức trước mắt cùng tầm quan trọng của dân tộc tới việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra những chính sách mới qua từng giai đoạn.
4.1 Công tác xóa đói giảm nghèo
Chính phủ đẩy mạnh đầu tư từ ngân sách Nhà nước để nâng cao công tác xóa đói, giảm nghèo trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay. Các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, giải quyết tình trạng thiếu nhà ở, thực phẩm, thiếu nước sinh hoạt cho các đồng bào vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn.
4.2 Công tác đẩy mạnh chất lượng giáo dục, đào tạo
Nhà nước ra chủ trương thực hiện các chương trình giáo dục cho học sinh dân tộc miền núi, xóa mù chữ, phổ cập các cấp trung học cơ sở, đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng và dạy nghề cho các cộng đồng dân tộc. Đồng thời thực hiện các chính sách ưu tiên, động viên để các em có cơ hội được học tập tại các trường đại học, cao đẳng.
4.3 Công tác tăng trưởng kinh tế, văn hóa, xã hội
Nhà nước ban hành các chính sách phát triển kinh tế thông qua các chương trình, dự án nhằm từng bước thu hẹp khoảng cách giữa các dân tộc. Điển hình như chính sách kinh tế 216 (vùng sâu, vùng xa, miền núi), hay chính sách Mặt trận Quốc gia 2020.
Nhà nước Việt Nam tăng cường phát huy giá trị văn hóa giữa các dân tộc, đầu tư cơ sở vật chất và đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa với các cường quốc khác. Phòng chống các tệ nạn xã hội để gìn giữ những tinh hoa, truyền thống tốt đẹp trong văn hóa dân tộc.
4.4 Công tác giữ vững an ninh, chính trị, an toàn xã hội
Thực hiện chính sách công bằng, bình đẳng của Đảng và Nhà nước, các lực lượng công an, quốc phòng không ngừng triển khai các phương án tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức và tinh thần đoàn kết của dân tộc. Từ đó xây dựng một đất nước hùng mạnh, dân chủ, văn minh.
Qua bài viết trên, chắc hẳn bạn cũng đã hiểu được khái niệm dân tộc là gì, các đặc trưng cơ bản của dân tộc. Có thể thấy rằng, một quốc gia muốn phát triển cần duy trì được quyền bình đẳng đối với các dân tộc, đồng thời lưu giữ và phát triển nét văn hóa dân tộc để đất nước thêm vững mạnh. Mọi vấn đề còn vướng mắc vui lòng liên hệ 19006192 để được LuatVietnam hỗ trợ, giải đáp.