Đa dạng sinh học là gì? Quy định về đa dạng sinh học

Đa dạng sinh học là gì mà lại mang ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với nước ta mà còn cả thế giới? Vậy vai trò ý nghĩa của đa dạng sinh học mang lại là gì? Pháp luật có những quy định gì về đa dạng sinh học? Cùng xem qua ở bài viết dưới đây nhé!

1. Đa dạng sinh học là gì?

Tìm hiểu về khái niệm đa dạng sinh học
Tìm hiểu về khái niệm đa dạng sinh học (Ảnh minh họa)

Đa dạng sinh học luôn là một trong các vấn đề đặc biệt được hầu hết các quốc gia trên thế giới quan tâm. Nhưng lại có ít người hiểu được rõ về khái niệm đa dạng sinh học.

1.1 Khái niệm về đa dạng sinh học

Khái niệm đa dạng sinh học cũng được đề cập qua “Luật đa dạng sinh học” do Quốc hội ban hành tại Hà Nội, ngày 10/12/2008 như sau:

“Đa dạng sinh học là sự phong phú về gen, loài sinh vật và hệ sinh thái trong tự nhiên.”

Tuy nhiên, khái niệm về đa dạng sinh học lần đầu được xuất hiện vào năm 1988 trong tác phẩm “Biodiversity” của tác giả Edward Osborne Wilson (nhà sinh vật học người Mỹ). Sau đó, trải qua nhiều công trình nghiên cứu thì đa dạng sinh học được nhiều quốc gia quy định là vấn đề của pháp luật.

Đa dạng sinh học trở thành vấn đề pháp lý quốc tế theo Công Ước về đa dạng sinh học 1992 với 150 quốc gia ký kết (trong đó Việt Nam ký kết ngày 16/11/1994). Theo Điều 2 Công ước thì khái niệm về đa dạng được đề cập như sau:

“Ða dạng sinh học có nghĩa là tính (đa dạng) biến thiên giữa các sinh vật sống của tất cả các nguồn bao gồm các hệ sinh thái tiếp giáp, trên cạn, biển, các hệ sinh thái thuỷ vực khác và các tập hợp sinh thái mà chúng là một phần. Tính đa dạng này thể hiện ở trong mỗi bộ loài, giữa các loài và các hệ sinh học.”

1.2 Phân loại đa dạng sinh học

Phân loại về sự đa dạng sinh học
Phân loại về sự đa dạng sinh học (Ảnh minh họa)

Đa dạng sinh học được phân loại gồm các thành phần sau:

  • Đa dạng về gen: bao gồm tất cả các gen, các nhiễm sắc thể, ADN có trong các cá thể của các loài thực vật, động vật, nấm và vi sinh vật giúp tạo ra nét đặc trưng riêng biệt và đa dạng của từng loài.

  • Đa dạng về loài: sự đa dạng, phong phú về các chủng loài khác nhau trong tự nhiên. Sự đa dạng về loài bao gồm số lượng vô cùng lớn về thực vật, động vật và vi sinh vật.

  • Đa dạng về hệ sinh thái: sự đa dạng, phong phú về mối quan hệ tương tác với nhau giữa các quần thể sinh vật, động vật, các quá trình sinh học đối với hệ sinh thái.

2. Vai trò, ý nghĩa của đa dạng sinh học là gì?

Vai trò, ý nghĩa của đa dạng sinh học đối với thế giới
Vai trò, ý nghĩa của đa dạng sinh học đối với thế giới (Ảnh minh họa)

Đa dạng sinh học có tầm quan trọng và sức ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với thế giới. Đa dạng sinh học mang lại nhiều giá trị như:

  • Mang lại giá trị kinh tế: Cung cấp nguồn nhiên liệu, lương thực, thực phẩm giúp cho con người tạo ra các sản phẩm, công cụ hỗ trợ phục vụ cho đời sống thường ngày.

  • Giá trị xã hội: Thể hiện rõ ràng qua tác động của môi trường sống ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống của con người. Ví dụ dễ thấy như các yếu tố về khí hậu, thời tiết,...

Đa dạng sinh học mang ý nghĩa rất quan trọng. Nhờ có đa dạng sinh học mới giúp cho cân bằng số lượng cá thể giữa các loài, đảm bảo cho sự ổn định, cân bằng trong hệ sinh thái.

Có thể thấy rõ nhất qua đất nước ta, với đất đai màu mỡ, phì nhiêu phần nào giúp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển nền nông nghiệp, thúc đẩy sự phát triển xã hội.

3. Những hành vi nghiêm cấm về đa dạng sinh học

Các hành vi nghiêm cấm về đa dạng sinh học
Các hành vi nghiêm cấm về đa dạng sinh học (Ảnh minh họa)

Đa dạng sinh học đang đứng trước tình trạng suy giảm. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc đó cũng do con người gây ra. Vậy nên, Điều 7 Luật Đa dạng sinh học cũng chỉ ra các hành vi bị nghiêm cấm về đa dạng sinh học như sau:

  • Cấm các hành vi săn bắt, đánh bắt, khai thác các loài hoang dã của khu bảo tồn nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (ngoại trừ với lý do cho mục đích nghiên cứu khoa học), hành vi lấn chiếm đất đai, phá hủy hoại cảnh quan và hệ sinh thái tự nhiên, nuôi trồng các loài ngoại lai gây xâm hại trong khu bảo tồn.

  • Hành vi xây dựng công trình, nhà ở trong khu bảo tồn thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (trừ công trình phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh). Nghiêm cấm hành vi xây dựng công trình, nhà ở trái phép trong phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn.

  • Trong khu bảo tồn thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phục hồi sinh thái nghiêm cấm đối với các hành vi khảo sát, thăm dò, điều tra nhằm khai thác trái phép khoáng sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm (quy mô trang trại), nuôi trồng thủy sản (quy mô công nghiệp), cư trú trái phép, gây ô nhiễm môi trường.

  • Hành động săn bắt, đánh bắt, khai thác bộ phận cơ thể, giết, tiêu thụ, vận chuyển, thu mua, buôn bán trái phép, các hình thức quảng cáo, tiếp thị, tiêu thụ trái phép sản phẩm có nguồn gốc từ các loài thuộc “danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm” được ưu tiên bảo vệ.

  • Cấm việc nuôi trồng với mục đích sinh sản, sinh trưởng và cấy nhân tạo trái phép các loài động vật, thực vật hoang dã thuộc “danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm” được ưu tiên bảo vệ.

  • Nghiêm cấm nhập khẩu, phóng thích trái phép sinh vật đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen.

  • Cấm hành vi nhập khẩu và phát triển các loài ngoại lai xâm hại.

  • Tiếp cận trái phép với nguồn gen thuộc “danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm” được ưu tiên bảo vệ.

  • Trong khu bảo tồn nghiêm cấm hành vi chuyển đổi trái phép mục đích sử dụng đất.

Trong đó, tại khoản 20 Điều 3 của Luật Đa dạng sinh học liệt kê danh sách các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ gồm: giống loài hoang dã, giống cây trồng, các loài vật nuôi, vi sinh vật và nấm đặc hữu, có giá trị đặc biệt về khoa học, y tế, kinh tế, sinh thái, cảnh quan, môi trường hoặc văn hóa - lịch sử với số lượng còn ít hoặc đang bị đe dọa tuyệt chủng.

4. Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học

Theo Chương II của Luật Đa dạng sinh học, quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học là sự tổ chức lập kế hoạch dài hạn, xây dựng hệ thống bảo tồn đa dạng sinh học dựa trên các yếu tố như: cơ sở điều tra, tính toán, dự báo xu thế, đặc điểm, vai trò, nhu cầu, nguồn lực nhằm góp phần phục vụ phát triển bền vững đa dạng sinh học.

Mục đích của việc quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học nhằm: 

  • Đảm bảo cho các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các giống loài và nguồn gen thuộc danh sách nguy cấp, quý hiếm cần được bảo tồn và phát triển bền vững.

  • Duy trì và phát triển dịch vụ sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm thúc đẩy phát triển bền vững đất nước.

Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học
Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học (Ảnh minh họa)

Căn cứ lập và thời kỳ quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học gồm: 

  • Căn cứ lập và quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học:

  • Các chiến lược bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học trong cùng giai đoạn.

  • Quy hoạch bảo vệ môi trường

  • Kết quả của việc thực hiện quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học trong thời kỳ trước (hiện trạng, diễn biến, thực trạng, nhu cầu khai thác, sử dụng đa dạng sinh học).

  • Thời kỳ quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học sẽ là 10 năm, đối với tầm nhìn sẽ là từ 30 - 50 năm.

Nội dung chính việc tổ chức lập Tổ chức lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch tổng thể và quy hoạch tỉnh về bảo tồn đa dạng sinh học gồm:

  • Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch; hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức xây dựng nội dung bảo tồn đa dạng sinh học trong quy hoạch tỉnh.

  • Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng nội dung bảo tồn đa dạng sinh học trong quy hoạch tỉnh theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

Việc công bố, cung cấp thông tin, thực hiện và đánh giá quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học, nội dung bảo tồn đa dạng sinh học trong quy hoạch tỉnh được thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

5. Kết luận

Hy vọng với những thông tin hữu ích trên, phần nào giúp các bạn hiểu về khái niệm, các quy định về đa dạng sinh học là gì. Nếu có bất cứ thắc mắc nào liên quan đến các quy định lĩnh vực tài nguyên - môi trường, vui lòng liên hệ ngay cho LuatVietnam theo số: 19006192 .

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục