Xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác là hành vi phạm tội xảy ra khá phổ biến, trong đó có cướp giật tài sản. Vậy, nhận diện hành vi cướp giật tài sản thế nào? Người thực hiện hành vi cướp giật sẽ bị xử lý ra sao
1. Cướp giật tài sản là gì?
Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 hiện nay chỉ mới quy định về tội danh cướp giật tài sản mà không mô tả cụ thể hành vi cướp giật tài sản cũng như dấu hiệu nhận biết hành vi này.
Do đó, đã và đang tồn tại nhiều cách giải thích khác nhau về cướp giật tài sản như “cướp giật tài sản là nhanh chóng giật lấy tài sản của người khác một cách công khai rồi tìm cách tẩu thoát” hay “Tội cướp giật tài sản là hành vi nhanh chóng, công khai chiếm đoạt tài sản”…
Tuy nhiên, căn cứ theo lý luận và thực tiễn điều tra, xét xử về tội phạm này, có thể hiểu cướp giật tài sản là hành vi mang những đặc điểm, dấu hiệu sau:
- Nhanh chóng, công khai giật lấy tài sản trong tay người khác hoặc trong khi người có trách nhiệm đang quản lý tài sản;
- Nhanh chóng tẩu thoát sau khi đã giật được tài sản.
Các đối tượng cướp giật tài sản lợi dụng sư hở của người sở hữu, quản lý tài sản để nhanh chóng lấy tài sản và bỏ trốn. Ví dụ, A và B thấy C đang vừa đi vừa nghe điện thoại, nhân lúc C không để ý, A đèo B vượt tới và giật lấy điện thoại rồi phóng xe bỏ chạy. Hành vi của A và B được xác định là hành vi cướp giật tài sản.
Lưu ý rằng, nếu trong quá trình cướp giật tài sản có sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực thì hành vi cướp giật tài sản sẽ chuyển hóa thành cướp tài sản. Nói cách khác, hành vi cướp giật tài sản sẽ không có hành vi dùng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực để lấy tài sản. Nếu không chú ý đặc điểm này sẽ rất dễ nhầm lẫn giữa cướp tài sản và cướp giật tài sản.
2. Tội cướp giật tài sản được coi là hoàn thành khi nào?
Tội cướp giật tài sản hiện nay được quy định tại Điều 171 Bộ luật Hình sự 2015, theo đó, tại khoản 1 của Điều luật này chỉ nêu như sau:
“1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù…”.
Khác với Tội trộm cắp tài sản, Tội cướp giật tài sản không quy định về giá trị tài sản tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự, do đó mức tài sản bị chiếm đoạt không phải là dấu hiệu cấu thành Tội cướp giật tài sản.
Có nghĩa, tội phạm sẽ hoàn thành kể từ thời điểm có hành vi cướp giật tài sản (người thực hiện hành vi đã giật được tài sản), việc giá trị tài sản chiếm đoạt được bao nhiêu chỉ là yếu tố để quyết định khung hình phạt.
Ví dụ, A thấy bà B đang cầm túi xách đi chợ, do nghĩ là trong túi sẽ có tiền hoặc các tài sản khác như điện thoại, trang sức nên đã chạy qua và giật túi xách rồi bỏ trốn. Tuy nhiên trong túi xách lại chỉ có một vài vật dụng nhỏ mà không có tài sản nào có giá trị, thế nhưng ở trường hợp này A vẫn có thể bị truy cứu về Tội cướp giật tài sản.
3. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự Tội cướp giật tài sản
Căn cứ theo Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017, tuổi chịu trách nhiệm hình sự như sau:
- Người từ đủ 16 tuổi trở lên: Chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm (trừ những tội phạm mà Bộ luật Hình sự có quy định khác);
- Người từ đủ 14 tuổi trở lên - dưới 16 tuổi: Chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có Tội cướp giật tài sản quy định tại Điều 171 Bộ luật Hình sự 2015.
Như vậy, việc truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cướp giật tài sản được áp dụng với người từ đủ 16 tuổi trở lên. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi sẽ bị truy cứu về tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng còn với người dưới 14 tuổi không bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong mọi trường hợp.
4. Mức phạt Tội cướp giật tài sản mới nhất hiện nay thế nào?
Điều 171 quy định về Tội cướp giật tài sản với 04 khung hình phạt sau:
Khung hình phạt | Mức phạt | Hành vi phạm tội |
Khung 01 | Phạt tù từ 01 - 05 năm | Người thực hiện hành vi cướp giật tài sản |
Khung 02 | Phạt tù từ 03 - 10 năm | Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: + Có tổ chức; + Có tính chất chuyên nghiệp; + Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 - dưới 200 triệu đồng; + Dùng thủ đoạn nguy hiểm; + Hành hung để tẩu thoát; + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% -30%; + Phạm tội với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; + Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; + Tái phạm nguy hiểm. |
Khung 03 | Phạt tù từ 07 - 15 năm | + Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 - dưới 500 triệu đồng; + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% -60%; + Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh. |
Khung 04 | Phạt tù từ 12 - 20 năm tù chung thân | phạm tội thuộc một trong các trường hợp: + Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên; + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên; + Làm chết người; + Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp. |
>> Cướp giật tài sản không có giá trị, có phải đi tù không?