Công văn 8237/BTC-VP của Bộ Tài chính về việc trả lời kiến nghị của cử tri
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Công văn 8237/BTC-VP
Cơ quan ban hành: | Bộ Tài chính |
Số công báo: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Số hiệu: | 8237/BTC-VP |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Công văn |
Người ký: | Vũ Văn Ninh |
Ngày ban hành: | 10/06/2009 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Lĩnh vực khác |
tải Công văn 8237/BTC-VP
BỘ TÀI CHÍNH--------- Số:8237/BTC-VP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ----------------------- Hà Nội, ngày 10 tháng 6 năm 2009 |
Kính gửi:Quốc hội
Theo phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính xin báo cáo Quốc hội một số nội dung đang được các Đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm như sau:
I. Các việc đã triển khai sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XII
Theo chương trình, kế hoạch công tác hàng năm, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu báo cáo Chính phủ để trình UBTVQH, Quốc hội các đề án Luật, Pháp lệnh; ban hành hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế chính sách quản lý tài chính nhằm góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá XII, có một số vấn đề cử tri cả nước quan tâm, đại biểu Quốc hội chất vấn, Bộ Tài chính xin báo cáo như sau:
1. Các chính sách đảm bảo an sinh xã hội
Trước những diễn biến xấu của kinh tế thế giới, Chính phủ một mặt thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp chống suy giảm, mặt khác tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ nhân dân, đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số...
Trong năm 2008, ngân sách trung ương đã hỗ trợ trên 44.400 tỷ đồng để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, trong đó hỗ trợ trực tiếp trên 36.900 tỷ đồng; hỗ trợ để thực hiện miễn, giảm các khoản đóng góp của dân trên 1.600 tỷ đồng; hỗ trợ thông qua kênh tín dụng ưu đãi trên 5 .800 tỷ đồng.
Ngoài ra, đã xuất dự trữ quốc gia cấp không thu tiền trên 48,5 nghìn tấn gạo, 1.180 tấn hạt cây trồng các loại, gần 5 triệu liều vác xin phòng chống dịch bệnh đối với gia súc và vật nuôi 431 nghìn lít thuốc sát trùng.... để hỗ trợ cứu đói cho nhân dân, phòng trừ dịch bệnh, khôi phục sản xuất nông nghiệp tại các vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh... Cụ thể như sau:
Nhóm chính sách hỗ trợ trực tiếp: 36.947 tỷ đồng, bao gồm:
(1) Chi cải cách chế độ tiền lương và phụ cấp khó khăn: 23.160 tỷ đồng; bổ sung kinh phí điều chỉnh mức tiền ăn cơ bản đối với chiến sỹ lực lượng vũ trang, mức ăn cho phạm nhân: 651tỷ đồng.
(2) Hỗ trợ đối với ngư dân theo Quyết định số 289/QĐ-TTg ngày 18/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ: 2.440 tỷ đồng.
(3) Hỗ trợ kinh phí phát triển kinh tế - xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn theo Chương trình 135 giai đoạn II là 2.309,5 tỷ đồng.
(4) Hỗ trợ kinh phí mua BHYT cho người nghèo, khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi là 1.090,4 tỷ đồng.
(5) Hỗ trợ kinh phí phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh 4.048,3 tỷ đồng.
(6) Hỗ trợ kinh phí thực hiện chính sách bảo trợ xã hội theo Nghị định số 67/2007/NĐ-CP của Chính phủ và hỗ trợ khác (thí điểm giao rừng và khoán bảo vệ rừng, thực hiện chế độ cựu chiến binh...) là 3.247,8 tỷ đồng.
Nhóm chính sách hỗ trợ để thực hiện miễn, giảm các khoản đóng góp của dân:hỗ trợ miễn thu thuỷ lợi phí là 1.660 tỷ đồng. Tiếp tục thực hiện rà soát, bãi bỏ các khoản phí, lệ phí và các khoản đóng góp của nhân dân.
Nhóm chính sách thực hiện thông qua kênh tín dụng ưu đãi:ngân sách nhà nước đã cấp vốn điều lệ và bù chênh lệch lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội 5.843 tỷ đồng để thực hiện các chương trình cho vay ưu đãi đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng khó khăn, cho vay học sinh sinh viên...
Đối với năm 2009, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội số chi NSNN cho các chính sách an sinh xã hội 4 tháng đầu năm khoảng 16.700 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2008; riêng tiền hỗ trợ người nghèo ăn Tết trên 1.700 tỷ đồng và trợ cấp khó khăn cho cán bộ có lương thấp trên 600 tỷ đồng.
Tổng hợp tình hình thực hiện 5 tháng đầu năm, tổng chi NSNN thực hiện các chính sách an sinh xã hội là 19.855 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2008, trong đó NSTW đảm bảo ước 19.655 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2008; kinh phí do địa phương đảm bảo ước 200 tỷ đồng.
Đến ngày 20/5/2009 đã xuất dự trữ quốc gia: 24.900 tấn gạo; 22,45 tấn hạt giống Bông; 26.000 liều vác xin LMLM 3 typ, trị giá 264 triệu đồng để hỗ trợ sản xuất và ổn định đời sống của nhân dân.
2. Chế độ mua sắm cho trường nội trú dân tộc của các tỉnh miền núi:
Ngày 29/5/2009, Liên Bộ Tài chính, Giáo dục và Đào tạo đã ký Thông tư liên tịch số l09/2009/TTLT/BTC-BGD thay thế Thông tư liên tịch số 126/1998/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 9/9/1998 hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú để phù hợp với tình hình thực tế, nâng cao mức sống, điều kiện, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động học tập, sinh hoạt của con em học sinh. Một số nội dung sửa đổi chính như sau:
- Nâng mức thưởng thành tích học tập, mức chi cho các em ở lại trường không về gia đình nhân dịp tết Nguyên đán và Tết cổ truyền của dân tộc, mức chi mua sắm bổ sung, sửa chữa dụng cụ nhà ăn tập thể lên từ trên 3 lần đến 5 lần so với mức cũ, cụ thể:
+Học lực đạt loại khá: thưởng 400 nghìn (mức cũ 120 nghìn); loại giỏi: thưởng 600 nghìn (mức cũ 180 nghìn); loại xuất sắc thưởng: 800 nghìn (mức cũ 240 nghìn).
+Các em ở lại trường không về nhà nhân dịp tết Nguyên đán và Tết cổ truyền của dân tộc được chi 50 nghìn/em mức cũ là 10 nghìn/em)
+Hàng năm được chi mua sắm bổ sung, sửa chữa dụng cụ nhà ăn tập thể với mức 50.000đồng/học sinh/năm (mức cũ là 15.000).
- Quy định trợ cấp bằng hiện vật để đảm bảo các em luôn có đủ đồ dùng sinh hoạt và học tập, không bị ảnh hưởng do biến động của giá cả.
- Đối với đồ dùng cá nhân như quần áo, chăn bông, màn, chiếu... tất cả các em đều được trang cấp, thay vì trước đây chỉ cho các em có hoàn cảnh khó khăn.
3. Chính sách về bồi thường đối với hộ phải di dời do ảnh hưởng của đường dây 220KV tại Thái Nguyên:
Theo phân công của Chính phủ, Bộ Công thương chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định l06/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực và bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp, trong đó có quy định về việc bồi thường hỗ trợ cho người dân sống trong hành lang an toàn lưới điện. Bộ Tài chính đã có văn bản số 2355/BTC-QLCS ngày 3/3/2009 tham gia ý kiến với Bộ Công thương về dự thảo Nghị định. Theo Bộ Tài chính được biết, hiện nay Bộ Công thương đang hoàn chỉnh dự thảo Nghị định để báo cáo Chính phủ ban hành.
4. Thuế xuất khẩu sản phẩm gỗ được sản xuất từ gỗ nhập khẩu
Để tạo điều kiện cho phát triển sản xuất, xuất khẩu gỗ và các mặt hàng bằng gỗ kể cả mặt hàng sản xuất từ gỗ nhập khẩu, ngày 28/11/2008 Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 109/2008/QĐ-BTC điều chỉnh các mức thuế suất thuế xuất khẩu áp dụng đối với gỗ và một số nhóm mặt hàng bằng gỗ từ 5% và 10% xuống 0%.
Tiếp đó, ngày 13/01/2009, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp về thuế nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận không thu thuế xuất khẩu đối với sản phẩm gỗ sản xuất tử nguyên liệu gỗ nhập khẩu được xuất khẩu trước ngày 01/12/2008. Bộ Tài chính cũng đã có văn bản hướng dẫn không thu thuế xuất khẩu đối với sản phẩm gỗ sản xuất từ nguyên liệu gỗ nhập khẩu áp dụng cho các Tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu đăng ký với cơ quan hải quan trước ngày 01/12/2008. Trường hợp đơn vị xuất khẩu chưa nộp thuế xuất khẩu thì không phải nộp; nếu đã nộp thuế xuất khẩu thì được hoàn lại số thuế đã nộp.
5.Về thực hiện mục tiêu chống lạm phát năm 2008 và chống suy giảm kinh tế năm 2009
Trong năm 2008, lạm phát tăng cao, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều hành linh hoạt chính sách giá, chính sách thuế, thắt chặt chi tiêu công..., qua đó đã góp phần thực hiện được mục tiêu của Chính phủ đã đặt ta, kiềm chế được lạm phát, giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì được tốc độ tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội.. .
Bước sang năm 2009, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động trực tiếp đến nước ta. Căn cứ kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã kịp thời tham mưu trình các cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp về thuế, về tín dụng, về ngân sách, về đầu tư... để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, kích cầu đầu tư, tiêu dùng, góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, đảm bảo an sinh xã hội.
Sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XII, Bộ Tài chính đã nhận được 51ý kiến, kiến nghị của cử tri, nội dung xoay quanh một số vấn đề như tăng bố trí vốn cho một số địa phương, khu vực để thực hiện đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục đào tạo, chi cho những đối tượng chính sách; vấn đề miễn giảm thuế nhà đất, thuế chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với một số đối tượng chính sách, đối với khu vực nông thôn; vấn đề hỗ trợ đối với ngư dân...
Trong phạm vi chức năng, thẩm quyền được giao, Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời 44 ý kiến, kiến nghị của cử tri, đồng thời có văn bản chuyển 7 ý kiến không thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính để các cơ quan khác trả lời theo đúng chức năng.
II.Về một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XII
Tính đến ngày 9/6/2009, Bộ Tài chính đã nhận được 16 câu hỏi của Đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính; 3 câu hỏi chất vấnchính phủ giao Bộ Tài chính trả lời;và 2 hỏi câu không thuộc chức năng nhiệm vụ của Bộ Tài chính, đã được báo cáo Thủ tướng Chính phủ chuyển đến các Bộ liên quan để trả lời với Đại biểu. Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời gửi đến từng Đại biểu quốc hội có chất vấn. Qua chất vấn và thảo luận, Bộ Tài chính xin báo cáo một số nội dung mà nhiều Đại biểu quan tâm:
1. Về việc điều chỉnh bội chi ngân sách
Tại báo cáo số 80/BC-CP ngày 15/5/2009 đánh giá bổ sung về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2008, tình hình triển khai thực hiện và những giải pháp điều hành ngân sách nhà nước năm 2009, Chính phủ đã báo cáo với Quốc hội về phương án điều hành ngân sách nhà nước và đề xuất giới hạn mức bội chi NSNN năm 2009 như sau:
Do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, những khó khăn nội tại của nền kinh tế và việc thực hiện các chính sách nhằm ngăn chặn, suy giảm kinh tế, thu NSNN năm 2009 có khả năng giảm do suy giảm kinh tế; do thực hiện miễn, giảm, giãn thuế cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân gặp khó khăn và do giá dầu thô giảm.
Trong chỉ đạo thực hiện, sẽ tập trung tăng cường công tác quản lý thu NSNN, đẩy mạnh việc chống thất thu, gian lận thuế và xử lý nợ đọng thuế; đồng thời điều chỉnh linh hoạt chính sách thuế nhập khẩu xăng dầu theo biểu thuế suất (barem) thuế nhập khẩu tương ứng với từng mức giá xăng dầu trên thị trường thế giới; phấn đấu tăng thu NSNN năm 2009 khoảng 19.000 - 24.000 tỷ đồng để bù cho số giảm thu nêu trên.
Tuy nhiên, để đảm bảo tổng mức chi NSNN theo dự toán Quốc hội quyết định, cân đối NSNN năm 2009 vẫn còn thiếu nguồn khoảng 29.000 - 63.000 tỷ đồng. Để bù đắp cho số thiếu hụt nguồn thu này, cần phải nâng tương ứng bội chi NSNN năm 2009, mức bội chi NSNN cả năm 2009 dự kiến khoảng 6,4% - 8,3% GDP (tính kế hoạch đầu năm) tuỳ theo các phương án giá dầu thô thế giới từ 40 USD – 70USD/thùng.
Cho đến thời điểm hiện nay (tháng 6/2009), giá dầu thô thế giới biến động trong khoảng 65 - 67 USD/thùng, giá dầu thanh toán 5 tháng đầu năm đạt bình quân khoảng 46 USD/thùng. Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới và trong nước hiện vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường. Bên cạnh đó, với việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP xuống khoảng 5%, chỉ số giá tiêu dùng thấp hơn 10% thì GDP thực hiện theo giá thực tế sẽ giảm lớn so với dự kiến đầu năm (khoảng 200 - 250 nghìn tỷ đồng).
Từ thực tế trên, để chủ động trong điều hành, Chính phủ đã trình Quốc hội cho phép điều chỉnh mức bội chỉ NSNN năm 2009 tối đa là 8% GDP.Quá trình điều hành, phấn đấu giảm bội chi NSNN năm 2009 đến mức thấp nhất.
2. Về quản lý, sử dụng tài sản công
Thời gian gần đây, công tác quản lý tài sản công từng bước đi vào nề nếp, kỷ cương, kỷ luật và có hiệu quả, thể hiện ở các mặt sau:
Một là,hệ thống các văn bản pháp lý về tài sản công từng bước được củng cố và hoàn thiện. Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều Nghị định, Quyết định về quản lý tài sản công như: Nghị định số 14/1998/NĐ-CP ngày 06/3/1998 của Chỉnh phủ về quản lý tài sản nhà nước, Nghị định số 137/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ quy định việc phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước;
Quyết định số 122/1999/QĐ-TTg ngày 10/5/1999 về việc ban hành quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe Ô tô trong các cơ quan hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước; Quyết định số 147/1999/QĐ-TTg ngày 05/7/1999 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg ngày 07/5/2007 về việc ban hành quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng phương tiện đi lại trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty nhà nước; Quyết định số 170/2006/QĐ-TTg ngày 18/7/2006 về việc ban hành tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị và phương tiện làm việc của cơ quan và cán bộ công chức, viên chức nhà nước....Đây là các căn cứ pháp lý quan trọng để xây dựng và bố trí dự toán ngân sách cho đầu tư, mua sắm và kiểm soát chi tiêu, đảm bảo công bằng, hiệu quả, công khai, minh bạch. Thực tế cho thấy, sau khi các tiêu chuẩn định mức, chế độ sử dụng tài sản được ban hành, việc mua sắm tài sản vượt chế độ tiêu chuẩn, sử dụng tài sản lãng phí đã giảm đáng kể, tình trạng lạm dụng tài sản công vào việc riêng cũng đã dần được khắc phục.
Hai là, Nhà nước đã thực hiện kiểm kê, hình thành dữ liệu tổng quan về số lượng, giá trị và cơ cấu phân bổ sử dụng tài sản công trong khu vực hành chính sự nghiệp và tài sản nhà nước trong các doanh nghiệp. Các Bộ, ngành và địa phương đã bước đầu kiểm soát được việc sử dụng tài sản công, hạn chế dần việc sử dụng tài sản không đúng mục đích, sử dụng lãng phí, thất thoát tài sản.
Ba là, Cơ chế quản lý các trang thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động công vụ đã từng bước được hoàn thiện: Việc mua sắm tài sản nhà nước được thực hiện theo tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Kinh phí mua sắm tài sản nhà nước do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Việc mua sắm tài sản nhà nước được thực hiện công khai, theo trình tự, thủ tục do pháp luật về đấu thầu và pháp luật có liên quan quy định. Bước đầu đã thực hiện thí điểm phương thức mua sắm tập trung theo Quyết định số 179/2007/QĐ-TTg ngày 26/11 /2007của Thủ tướng Chính phủ.
Bốn là, Quản lý tài sản nhà nước đã gắn với công tác lập và chấp hành ngân sách; gắn giá trị với hiện vật, đồng thời đảm bảo phù hợp với quá trình đầu tư xây dựng mới, mua sắm sử dụng tài sản.
Năm là,Thực hiện phân cấp rõ ràng nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước giữa Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp; giữa các cơ quan có chức năng quản lý tài sản nhà nước về tài sản và các cơ quan, đơn vị được giao quản lý sử dụng tài sản nhà nước; đồng thời xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cấp trong quản lý, trách nhiệm của từng đơn vị trong sử dụng tài sản đảm bảo cho việc sử dụng tài sản công đi dần vào nề nếp, kỷ cương và minh bạch.
Để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công, đặc biệt là nhà đất, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện sắp xếp lại nhà đất, bước đầu thí điểm tại địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (theo Quyết định số 80/2001/QĐ-TTg ngày 21/5/2001), từ đó mở ra thực hiện trên cả nước (theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/1/2007). Theo chính sách này, toàn bộ trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, được bố trí, sắp xếp lại theo nguyên tắc: Di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh ô nhiễm ra các khu công nghiệp, khu kinh tế. Cơ quan đơn vị được chủ động sắp xếp lạinhà, đất được giao theo đúng chức năng, nhiệm vụ và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương, số dôi dư được sử dụng để bán, chuyển nhượng hoặc chuyển mục đích sử dụng. Nhà, đất để trống, sử dụng sai mục đích nếu không có phương án sử dụng hiệu quả Nhà nước sẽ thu hồi.
Chỉ tính riêng trên địa bàn thành phổ Hồ Chí Minh, Nhà nước đã quyết định thu hồi 162 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích đất là 609.690 m2. Thông qua việc sắp xếp lạicơ sở nhà đất; bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất đã thu được 14.264 tỷ đồng, tạo nguồn vốn để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc hoặc được sử dụng để đầu tư xây dựng cơ sở mới, đầu tư chiều sâu, tăng thêm năng lực sản xuất kinh doanh; giành quỹ đất có lợi thế thương mại cho hoạt động kinh doanh, thương mại, dịch vụ, du lịch. Đồng thời giành quỹ đất để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội như trường học, bệnh viện và các công trình phúc lợi quan trọng khác, góp phần chỉnh trang quy hoạch lại đô thị theo hướng hiện đại. Kết quả ban đầu cho thấy chính sách này mang lại kết quả quan trọng cả về kinh tế và xã hội.
Trong quá trình xử lý cụ thể đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc như: do lịch sử để lại, nhà đất thuộc sở hữu nhà nước được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, hồ sơ pháp lý không đầy đủ, nhiều trường hợp bố trí, sử dụng không đúng mục đích (làm nhà ở cho cán bộ công nhân viên, cho thuê, cho mượn...); một số Bộ, ngành và địa phương chưa quan tâm đúng mức và chưa quyết liệt trong việc xử lý, sắp xếp theo quy định; quy hoạch và phân cấp quản lý đô thị của các tỉnh, thành phố đang trong quá trình điều chỉnh nên không có cơ sở để thực hiện việc bố trí, sắp xếp lại, bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất... Do vậy, việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước gặp khó khăn và phải kéo dài.
Để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tăng cường quản lý, khai thác có hậu quả, phát huy được sức mạnh vật chất rất to lớncủa tài sản công, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước vào kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá 12, có hiệu lực từ ngày 01/1/2009.
Triển khai thực hiện Luật, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành (gồm: 03 Nghị định và 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ). Đồng thời, hoàn thiện các cơ chế chính sách cụ thể nhất là về tiêu chuẩn, chế độ, về công khai và xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh việc kiểm tra, hướng dẫn để quản lý, sử dụng tài sản công hiệu quả hơn, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hiện tượng vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Hiện nay, các Bộ, ngành, địa phương đang triển khai thực hiện Luật và các văn bản quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Việc từng bước hoàn thiện các văn bản pháp lý, cùng với việc triển khai thực hiện nghiêm túc của các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị và sự tăng cường giám sát của các cơ quan và Quốc hội, công tác quản lý, sử dụng tài sản sẽ ngày càng tốt hơn và hiệu quả hơn.
Bộ Tài chính xin báo cáo Quốc hội./.
Nơi nhận - Như trên; - Thủ tướng chính phủ(để báo cáo); - Các phó thủ tướng; - Văn phòng Quốc hội; - Ban công tác ĐB của UBTVQH; - Lưu VT, VP. | BỘ TRƯỞNG
Vũ Văn Ninh |
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây