Trốn thuế là hành vi xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của nhà nước, do đó, mọi cá nhân, doanh nghiệp có hành vi trốn thuế đều bị xử lý theo quy định pháp luật. Vậy, trường hợp công ty trốn thuế thì ai phải chịu trách nhiệm?
1. Điểm danh một số hành vi trốn thuế phổ biến của doanh nghiệp
Hiện nay, có không ít doanh nghiệp đã và đang tìm cách để né tránh nghĩa vụ nộp thuế. Dưới đây là một số hành vi trốn thuế phổ biến đã được nhiều doanh nghiệp sử dụng:
- Tạo các nghiệp vụ giả nhằm xuất các chứng từ, hóa đơn hoặc mua chứng từ ngoài từ các cơ sở kinh doanh khác để hợp pháp hóa. Với hành vi này, doanh nghiệp vừa được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, vừa được giảm thuế giá trị gia tăng thông qua việc khấu trừ khống thuế đầu vào.
- Ghi giá trên hóa đơn và kê doanh thu thấp hơn giá bán thực tế. Theo đó, hành vi này thường gặp ở các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh nhà hàng khách sạn, vận tải tư nhân, xăng dầu, kinh doanh vật liệu xây dựng, bán ô tô xe máy…
- Ghi không đúng sổ sách kế toán, tức, người có nghĩa vụ nộp thuế khi ghi sổ sách kế toán này chỉ ghi một phần các giao dịch kinh tế chủ yếu dùng để kê khai thuế. Nói một cách dễ hiểu, người nộp thuế không kê khai, kê khai sai, không trung thực làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, được miễn, giảm…
2. Doanh nghiệp trốn thuế, ai phải chịu trách nhiệm?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp.
Đồng thời, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác.
Mặt khác, Điều 13 Luật này quy định người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có các trách nhiệm sau:
- Thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp;
- Trung thành với lợi ích của doanh nghiệp, không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;
- Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về doanh nghiệp mà mình, người có liên quan của mình làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp.
Ngoài ra, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với thiệt hại cho doanh nghiệp do vi phạm trách nhiệm nêu trên.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên, người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm trong trường hợp doanh nghiệp trốn thuế.
Mặt khác, trường hợp cá nhân trong doanh nghiệp thực hiện hành vi trốn thuế (kế toán hoặc các cá nhân khác có trách nhiệm với nghĩa vụ thuế) cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm này.
3. Tội trốn thuế bị xử lý thế nào?
Theo quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017, mức phạt Tội trốn thuế được quy định như sau:
Đối tượng | Hành vi | Mức phạt |
Cá nhân | Thực hiện hành vi trốn thuế với số tiền: - Từ 100 - dưới 300 triệu đồng; hoặc - Dưới 100 triệu đồng nhưng trước đó đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi trốn thuế hoặc bị phạt tù về một trong các tội theo quy định mà chưa được xóa án tích. | - Phạt tiền từ 100 - 500 triệu đồng; hoặc - Phạt tù từ 03 tháng - 01 năm. |
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: - Có tổ chức; - Số tiền trốn thuế từ 300 triệu đồng - dưới 01 tỷ đồng; - Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; - Phạm tội 02 lần trở lên; - Tái phạm nguy hiểm. | - Phạt tiền từ 500 triệu đồng - 1,5 tỷ đồng; hoặc - Phạt tù từ 01 - 03 năm. | |
Phạm tội trốn thuế với số tiền từ 01 tỷ đồng trở lên. | - Phạt tiền từ 1,5 - 4,5 tỷ đồng; hoặc - Phạt tù từ 02 - 07 năm | |
Pháp nhân thương mại | Pháp nhân thương mại thực hiện một trong các hành vi trốn thuế với số tiền: - Từ 200 - dưới 300 triệu đồng; hoặc - Từ 100 - dưới 200 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về Tội trốn thuế hoặc về một trong các tội: Tội buôn lậu; Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm,… chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. | Phạt tiền từ 300 triệu - 01 tỷ đồng |
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: - Có tổ chức; - Số tiền trốn thuế từ 300 triệu đồng - dưới 01 tỷ đồng; - Phạm tội 02 lần trở lên; - Tái phạm nguy hiểm. | Phạt tiền từ 01 - 03 tỷ đồng | |
Phạm tội trốn thuế với số tiền từ 01 tỷ đồng trở lên. | - Phạt tiền từ 03 - 10 tỷ đồng; hoặc - Đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng - 03 năm |
Lưu ý: Trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Trên đây là giải đáp về Công ty trốn thuế ai chịu trách nhiệm. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.