Con bệnh binh được hưởng một số chế độ hỗ trợ khi đi học, theo đó, con bệnh binh có được miễn học phí không?
1. Con bệnh binh có được miễn học phí không?
Con bệnh binh thuộc đối tượng được miễn học phí theo quy định.
Cụ thể, khoản 1 Điều 15 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định, các đối tượng theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng nếu đang theo tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được miễn học phí.
Đồng thời, Điều 94 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP cũng quy định đối tượng hưởng hỗ trợ để theo học đến trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống quốc dân như sau:
1. Đối tượng hưởng theo quy định tại Pháp lệnh như sau:
a) Người có công quy định tại các điểm d, đ, e khoản 1 Điều 3 và khoản 1 Điều 38 Pháp lệnh.
b) Con của người có công quy định tại các điểm a, b, đ, e, g, h, i khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh; thân nhân liệt sĩ.
2. Người học thuộc diện hưởng chế độ ưu đãi được quy định như sau:
a) Con người có công đang theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên (đối với người học đang theo học Chương trình trung học cơ sở, trung học phổ thông), phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học, trường năng khiếu, trường lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật (sau đây gọi là cơ sở giáo dục phổ thông).
b) Người có công và con của họ đang theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có khóa học từ 01 năm trở lên hoặc cơ sở giáo dục đại học (sau đây gọi là cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học).
Căn cứ vào các quy định nêu trên, con của bệnh binh được miễn học phí khi theo học tại:
- Các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học, trường năng khiếu, trường lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật.
- Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có khóa học từ 01 năm trở lên/cơ sở giáo dục đại học.
2. Nguyên tắc miễn học phí cho con bệnh binh
Theo Điều 20 Nghị định 81/2021/NĐ-CP, cơ chế miễn học phí phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
- Không miễn học phí đối với trường hợp đang hưởng lương và sinh hoạt phí khi đi học, các trường hợp học cao học, nghiên cứu sinh, ngoại trừ:
-
Học sinh, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh học một trong các chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Giám định pháp Y, Pháp y tâm thần và Giải phẫu bệnh tại các cơ sở đào tạo nhân lực y tế công lập theo chỉ tiêu đặt hàng của Nhà nước.
-
Người học thuộc các đối tượng của các chương trình, đề án được miễn học phí theo quy định của Chính phủ.
- Không miễn học phí đối với người học đã hưởng chế độ này tại 01 cơ sở giáo dục nghề nghiệp/đại học, nay tiếp tục học thêm ở 01 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học khác cùng cấp học và trình độ đào tạo.
- Nếu học ở nhiều trường/nhiều khoa, nhiều ngành trong cùng 01 trường thì chỉ được hưởng một chế độ ưu đãi.
- Không miễn học phí đối với người học theo hình thức giáo dục thường xuyên và đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn tại các cơ sở giáo dục thường xuyên trừ trường hợp các đối tượng học các cấp học thuộc chương trình giáo dục phổ thông theo hình thức giáo dục thường xuyên.
- Không miễn học phí trong thời gian người học bị kỷ luật ngừng học/buộc thôi học, học lưu ban, học lại, học bổ sung.
Trường hợp phải dừng học; học lại, lưu ban ≤01 lần do ốm đau, tai nạn/dừng học vì lý do bất khả kháng không do kỷ luật/tự thôi học thì được xem xét tiếp tục hưởng chế độ theo quy định.
- Được miễn học phí theo thời gian học thực tế nhưng ≤09 tháng/năm học đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên tại cơ sở giáo dục thường xuyên và ≤10 tháng/năm học đối với học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học.
3. Hồ sơ xin miễn học phí cho con bệnh binh gồm những gì?
Theo Điều 19, Điều 20 Nghị định 81/2021/NĐ-CP hồ sơ, thủ tục xin miễn học phí cho con bệnh binh như sau:
Bước 1: Chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gồm:
- Đơn đề nghị miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ tiền đóng học phí:
-
Mẫu theo Phụ lục II (đối với đối tượng học mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên)
-
Mẫu theo Phụ lục VI (đối với học sinh tiểu học tư thục ở các địa bàn chưa đủ trường tiểu học công lập)
-
Mẫu theo Phụ lục V (đối với đối tượng theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập)
-
Mẫu theo Phụ lục VII (đối với đối tượng theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học tư thục)
- Bản sao chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao từ sổ gốc Giấy xác nhận của cơ quan quản lý đối tượng người có công.
Bước 2: Trong vòng 45 ngày làm việc kể từ ngày khai giảng năm học gửi hồ sơ đến cơ sở giáo dục theo một trong các hình thức:
- Nộp trực tiếp;
- Gửi qua bưu điện;
- Qua mạng.
Bước 3: Xét duyệt, thẩm định hồ sơ
- Đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, cơ sở giáo dục thường xuyên thuộc Phòng giáo dục đào tạo (GDĐT):
Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được đơn đề nghị, Hiệu trưởng có trách nhiệm xét duyệt hồ sơ và lập danh sách học sinh được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ tiền đóng học phí học sinh tiểu học tư thục gửi Phòng GDĐT thẩm định;
- Đối với trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục khác trực thuộc Sở GDĐT:
Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được đơn đề nghị, Hiệu trưởng có trách nhiệm xét duyệt hồ sơ và lập danh sách học sinh được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập gửi Sở GDĐTthẩm định;
- Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập:
Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được đơn đề nghị, Thủ trưởng cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập có trách nhiệm xét duyệt hồ sơ và quyết định miễn, giảm học phí đối với học sinh, sinh viên và học viên.
Đồng thời lập danh sách học sinh, sinh viên, học viên được miễn, giảm học phí theo mẫu quy định tại Phụ lục IX Nghị định 81/2021/NĐ-CP gửi cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp.
Cơ quan quản lý cấp trên thẩm định, lập dự toán kinh phí theo mẫu quy định tại Phụ lục X Nghị định 81/2021/NĐ-CP gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện trong dự toán ngân sách hàng năm.
- Đối với cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục; cơ sở giáo dục phổ thông tư thục; cơ sở giáo dục thường xuyên tư thục, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học tư thục:
Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được đơn đề nghị, cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục; cơ sở giáo dục phổ thông tư thục; cơ sở giáo dục thường xuyên tư thục, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học tư thục có trách nhiệm cấp cho người học giấy xác nhận theo quy định tại Phụ lục VIII Nghị định 81/2021/NĐ-CP.
- Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học tư thục:
Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được đơn đề nghị, Thủ trưởng cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học tư thục có trách nhiệm xác nhận hồ sơ miễn, giảm học phí đối với người học.
Đồng thời lập danh sách người học được miễn, giảm học phí theo mẫu quy định tại Phụ lục IX Nghị định 81/2021/NĐ-CP gửi về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người học đăng ký thường trú để thực hiện theo quy định.
Trên đây là giải đáp về việc con bệnh binh có được miễn học phí không, nếu còn thắc mắc vui lòng gọi ngay đến tổng đài 19006192 để được hỗ trợ miễn phí, kịp thời.