[Giải đáp] Cơ hội và thách thức của khu vực hóa đối với các nước đang phát triển

Trong những năm gần đây, các cụm từ “toàn cầu hóa”, “khu vực hóa” dần trở nên phổ biến. Khu vực hóa là xu thế tất yếu phải diễn ra bên cạnh toàn cầu hóa. Vậy thế nào là khu vực hóa? Cơ hội và thách thức của khu vực hóa đối với các nước đang phát triển như Việt Nam là gì? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây. 

1. Khu vực hóa là gì?

Khu vực hóa là sự liên kết giữa các quốc gia có những nét tương đồng về địa lý, kinh tế, văn hóa, xã hội và có chung mục tiêu phát triển.

Các quốc gia gắn kết với nhau bằng một phần chủ quyền, hoạt động dựa trên cơ sở bình đẳng, đôi bên cùng có lợi và tôn trọng lẫn nhau. Hoạt động của các quốc gia trong khu vực hóa đều thông qua các điều ước quốc tế và điều ước khu vực.

Như vậy, khu vực hóa làm tăng lên mạnh mẽ và rộng rãi các mối liên hệ, ảnh hưởng tác động qua lại lẫn nhau của các hiện tượng, quá trình diễn ra ở các nước trong khu vực.

Khu vực hóa đã, đang và sẽ trở thành xu hướng phát triển nổi bật và là xu thế quan trọng nhất của phát triển kinh tế thế giới trong thế kỉ XXI.

Có hai cấp độ khu vực hóa:

- Thứ nhất, khu vực hóa ở cấp độ thấp, trong đó chủ yếu là hợp tác tự do hóa thương mại như hình thức Liên hiệp thuế quan (Customs Union), Khu mậu dịch tự do (Free Trade Area - FTA)...

- Thứ hai, khu vực hóa ở cấp độ cao, trong đó có sự hợp tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực (kinh tế, xã hội, các vấn đề nhân văn nói chung), tiêu biểu là Liên Minh Châu Âu (EU - European Union); Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN - Association of Southeast Asian Nations)...

Quá trình khu vực hóa diễn ra và định hình tại 3 khu vực lớn: khu vực Châu Âu, khu vực Châu Mỹ và khu vực Châu Á. Sau một thời gian, mô hình khu vực hóa của Châu Âu dần dà phát triển hơn và chuyển đổi từ khu vực hóa cấp độ thấp sang cấp độ cao.

Thực tế đã chứng minh khu vực hóa đã được xem xét như một xu thế phát triển song song cùng với toàn cầu hóa. Theo xu hướng phát triển, nhiều vấn đề của toàn cầu hóa lại mang tính chất khu vực hóa. Quá trình khu vực hóa đã tạo ra sức hút, buộc các quốc gia phải liên kết lại với nhau, từ đó hình thành các liên kết mới.

ASEAN - Cộng đồng kinh tế các quốc gia Đông Nam Á (Ảnh minh hoạ)

2. Cơ hội và thách thức của khu vực hóa đối với các nước đang phát triển

Cùng với toàn cầu hóa, cơ hội và thách thức của khu vực hóa đối với các nước đang phát triển cũng rất rõ nét và có ảnh hưởng mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực.

2.1 Cơ hội

Biết vận dụng lợi thế so sánh để phát triển

Các quốc gia đang phát triển có thể phát huy lợi thế so sánh để phát triển. Lợi thế so sánh chỉ khả năng sản xuất hàng hóa của một nền kinh tế với chi phí và cơ hội thấp hơn so với các đối tác thương mại.

Bằng những lợi thế vốn có về tài nguyên, thị trường, lao động giá rẻ…, các nước đang phát triển có thể tham gia vào cơ cấu kinh tế có các ngành sử dụng nhiều lao động, nhiều nguyên liệu, ít vốn đầu tư… để tạo ra các hàng hóa, dịch vụ.

Cơ hội đặt ra là như nhau song nước nào biết tận dụng nắm bắt được chúng thì sẽ phát triển. Điều đó phụ thuộc vào nội lực và nhân tố chủ quan của mỗi nước.

Tăng vốn đầu tư từ bên ngoài

Khu vực hóa cho phép dòng tiền luân chuyển trên toàn cầu. Điều đó tạo cơ hội cho các nước đang phát triển có thể thu hút được nguồn vốn từ bên ngoài cho sự phát triển ở bên trong.

Các nhà đầu tư bên ngoài tìm kiếm các ưu đãi từ những điều kiện và môi trường mà họ muốn đầu tư để thúc đẩy chương trình đầu tư làm giàu của họ. Các nước đang phát triển điều chỉnh các chính sách để phù hợp với điều kiện có thể nhận được đầu tư.

Theo Báo cáo Giám sát Xu hướng Đầu tư Toàn cầu mới nhất của UNCTAD, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các nước đang phát triển là 841 tỷ USD trong năm 2023.

Kỹ thuật - công nghệ được đầu tư nâng cao

Các quốc gia đang phát triển có điều kiện tiếp cận và thu hút những kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại của thế giới, qua đó nâng dần trình độ công nghệ sản xuất trong nước.

Do vậy, các nước đang phát triển ngày càng nâng cao được trình độ quản lý và khả năng cạnh tranh. Khu vực hóa được đánh giá như một công cụ hiệu quả để nâng cao trình độ kỹ thuật - công nghệ ở các nước đang phát triển.

Thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phù hợp

Quá trình khu vực hóa sẽ dẫn đến tốc độ biến đổi nhanh chóng của nền kinh tế toàn cầu, buộc nền kinh tế mỗi nước phải hoà nhập vào quỹ đạo vận động chung của nền kinh tế thế giới.

Mỗi nước đang phát triển cần phải tìm cho mình một phương thức để chuyển dịch cơ cấu kinh tế thích hợp để có quá trình phát triển rút ngắn. Hầu hết nền kinh tế của các nước đang phát triển hoạt động với mô hình kinh tế thị trường mở, hội nhập quốc tế.

Mở rộng quan hệ hợp tác với các quốc gia

Thực tế cũng đã khẳng định rằng: ngày nay không một quốc gia nào có thể phát triển được nếu không thiết lập quan hệ kinh tế, hợp tác với các nước khác và bởi vậy không một quốc gia nào, bao gồm các nước đang phát triển, lại không thực hiện việc mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại.

Quá trình khu vực hóa được thúc đẩy mạnh mẽ, các mối quan hệ kinh tế, hợp tác đối ngoại trở thành một nhân tố không thể thiếu, nhất là những nước đang phát triển.

Cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp

Để phát triển được, các quốc gia đang phát triển cần phải có cơ sở hạ tầng hiện đại, nâng cao để đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Chính sự hợp tác hay số vốn đầu tư từ bên ngoài đổ vào, các nước đang phát triển được tạo cơ hội để phát triển hạ tầng về giao thông, cảng biển, các nhà máy…

Bởi vậy, chính phủ các quốc gia phải tạo môi trường thuận lợi để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, cải thiện và xây dựng thêm các mối quan hệ mới nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế.

2.2 Thách thức

Kinh tế bị phụ thuộc

Kinh tế của nhiều nước đang phát triển phụ thuộc vào xuất khẩu. Mà xuất khẩu lại phụ thuộc vào sự ổn định của thị trường thế giới, do vậy chứa đựng nhiều yếu tố bất ổn, khó lường trước.

Lợi thế bị suy yếu

Nền kinh tế thế giới đang dần chuyển từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế tri thức khiến cho lợi thế của các nước đang phát triển, nơi chỉ có tài nguyên và nguồn lao động giá rẻ bị suy giảm nghiêm trọng.

Hiện nay, chỉ có công nghệ, tri thức và kỹ năng mới được coi là lợi thế. Như vậy, các nước đang phát triển nếu không đầu tư trang bị những lợi thế này sẽ ngày càng bị rơi vào tình thế bất lợi.

Nợ nần tăng 

Nợ nần sẽ thành khủng hoảng nếu chính phủ các nước không thể thanh toán khoản vay của mình. Nợ nần cản trở, làm giảm động lực phát triển của các quốc gia đang phát triển.

Sự cạnh tranh quyết liệt

Cạnh tranh kinh tế với các nước phát triển là một sự bất bình đẳng. Xuất phát của mỗi quốc gia là khác nhau nên cơ hội và rủi ro mỗi nước phải chịu cũng khác nhau. Nền kinh tế của các nước đang phát triển dễ gặp thiệt hại và phải mất nhiều thời gian, nguồn lực mới có thể phục hồi.

Môi trường tự nhiên bị đe dọa

Quá trình khu vực hóa diễn ra đòi hỏi phải khai thác nhiều tài nguyên. Nhiều nhà máy công nghiệp được xây dựng ở các nước đang phát triển khiến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.

2/3 rừng của thế giới đang bị phá huỷ và mất đi với tốc độ 16 triệu ha/năm. Toàn thế giới mỗi năm có 2,7 triệu người chết vì không khí bị ô nhiễm, thì 90% số người đó là ở các nước đang phát triển.

Cơ hội và thách thức của khu vực hóa đối với các nước đang phát triển (Ảnh minh hoạ)

3. Những tác động của khu vực hóa đối với Việt Nam

Cơ hội và thách thức của khu vực hóa đối với các nước đang phát triển là không thể không bàn đến. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển này.

Tham gia khu vực hóa, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác và phát triển trong khu vực, phát triển kinh tế đất nước, nâng cao vị thế quốc gia trên trường thế giới.

Ví dụ, việc tham gia các sáng kiến hợp tác khu vực như: Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS), Mê Công - Lan Thương (MLC)… giúp Việt Nam có cơ hội thuận lợi phát triển kinh tế xuyên biên giới, đối phó với thách thức biến đổi khí hậu đang rất đáng báo động hiện nay.

Những năm gần đây, Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài nhờ vào sự thuận lợi trong các quyết định và môi trường kinh doanh ổn định. Thời điểm COVID-19, Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh và đạt mức tăng trưởng kinh tế là hơn 2,9% trong năm 2020.

Những ưu đãi về thuế, đất đai với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam được Chính phủ quy định rất rõ trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 2008 (sửa đổi 2013) (điều 13, 14), Luật Đất đai 2013.

Việt Nam cũng chuyển đổi kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ.

Bên cạnh việc mang đến những cơ hội, khu vực hóa cũng đòi hỏi Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng lao động, máy móc thiết bị sản xuất.

Kết luận

Tóm lại, cơ hội và thách thức của khu vực hóa với các nước đang phát triển luôn tồn tại song song. Để tận dụng được tốt những cơ hội và ứng phó với các thách thức, các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam phải tích cực tham gia vào quá trình khu vực hóa đang diễn ra từng ngày.
Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Mẫu đơn xin mượn học bạ đơn giản, chuẩn xác

Học bạ là ghi nhận toàn bộ kết quả học tập của học sinh trên ghế nhà trường, thể hiện thành tích học tập và đạo đức. Với nhiều lý do cá nhân mà học sinh hay phụ huynh sẽ viết đơn xin mượn học bạ từ nhà trường. Bài viết sẽ hướng dẫn cách viết đơn xin mượn học bạ một cách hiệu quả!

Hướng dẫn cách tra điểm trên vnEdu.vn nhanh và chuẩn

Hiện nay, các phần mềm và ứng dụng được ra đời nhằm hỗ trợ cho đời sống con người. vnEdu là một ứng dụng quản lý về giáo dục nhằm kết nối giữa gia đình, học sinh và nhà trường với nhau. Vậy làm thế nào để tra điểm trên vnEdu.vn nhanh và chuẩn? Cùng tìm hiểu ngay. 

CIC là gì? Hướng dẫn cách kiểm tra CIC online

Bạn là khách hàng của các ngân hàng tín dụng đang muốn tìm hiểu về các khái niệm CIC là gì? Cách kiểm tra CIC online như thế nào? Vậy hãy đọc ngay bài viết dưới đây để biết các định nghĩa, cách kiểm tra CIC online miễn phí.