Có đúng chuyển khoản nhầm được yêu cầu phong tỏa tài khoản?
Gần đây, thông tin chuyển khoản nhầm được yêu cầu ngân hàng phong tỏa tài khoản người nhận đang được nhiều trang mạng, người dân lan truyền trên internet. Tuy nhiên, thông tin này là chưa chính xác theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, xuất phát từ quy định mới ban hành của Chính phủ tại Điều 11 Nghị định 52/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. Theo đó, tài khoản thanh toán của khách hàng bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số dư trên tài khoản thanh toán trong các trường hợp sau:
1 - Theo thỏa thuận trước giữa chủ tài khoản thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoặc theo yêu cầu của chủ tài khoản;
2 - Khi có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
3 - Khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót khi ghi Có nhầm vào tài khoản thanh toán của khách hàng hoặc thực hiện theo yêu cầu hoàn trả lại tiền của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền do có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của bên chuyển tiền sau khi ghi Có vào tài khoản thanh toán của khách hàng.
Số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán không được vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót.
4 - Khi có yêu cầu phong tỏa của một trong các chủ tài khoản thanh toán chung trừ trường hợp có thỏa thuận trước bằng văn bản giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và các chủ tài khoản thanh toán chung.
Nhiều trang mạng cũng như người đọc đang hiểu nhầm về trường hợp phong tỏa tài khoản thứ ba - thực hiện theo yêu cầu hoàn trả lại tiền của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền do có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của bên chuyển tiền sau khi ghi Có vào tài khoản thanh toán của khách hàng.
Theo quy định trên, việc phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số tiền trong tài khoản ngân hàng chỉ được thực hiện khi ngân hàng chuyển tiền có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của bên chuyển tiền. Tức là ngân hàng chuyển sai thông tin so với lệnh thanh toán của khách hàng, lỗi hoàn toàn từ phía ngân hàng chuyển tiền thực hiện.
Đồng thời, bên yêu cầu hoàn trả lại tiền chuyển nhầm cũng phải là phía ngân hàng chuyển tiền.
Như vậy, người dân chuyển nhầm tiền thì không có quyền yêu cầu ngân hàng thanh toán phong tỏa tài khoản người nhận.
Chuyển khoản nhầm cho người khác có lấy lại được không?
Nếu chuyển khoản nhầm cho người khác, bạn nên liên hệ ngay với ngân hàng giao dịch để xác minh việc giao dịch nhầm lẫn.
Ngân hàng sẽ rà soát, kiểm tra giao dịch đã phát sinh trên. Nếu xác nhận được thông tin giao dịch là lỗi từ phía ngân hàng, do nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán thì ngân hàng sẽ tiến hành yêu cầu phong tỏa số tiền đã gửi vào tài khoản của người nhận.
Nếu xác nhận được thông tin giao dịch hoàn toàn trùng khớp với lệnh thanh toán của khách hàng thì ngân hàng không có quyền phong tỏa tiền chuyển nhầm hay hoàn trả lại. Ngoài ra, ngân hàng cũng không được cung cấp thông tin của bên nhận chuyển khoản nhầm cho khách hàng theo quy định.
Tuy nhiên, ngân hàng có thể sẽ hỗ trợ bằng cách liên hệ với người nhận để họ tự nguyện hoàn trả tiền. Sau một thời gian nếu ngân hàng không liên lạc được với người nhận hoặc nhận thấy họ cố tình không hoàn trả, bạn nên trình báo Công an đề nghị hỗ trợ.
Trên thực tế, cũng đã có trường hợp người nhận tiền bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chiếm giữ trái phép tài sản do cố tình không hoàn trả.
Trên đây là thông tin về: Có đúng chuyển khoản nhầm được yêu cầu phong tỏa tài khoản?