1. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế là gì?
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế là sự vận động phát triển, thay đổi của cơ cấu kinh tế, từ trạng thái này sang trạng thái khác cho phù hợp hơn với môi trường phát triển.
Sự vận động, thay đổi trên chứa đựng các mối quan hệ kinh tế đa dạng và phức tạp. Cần được nhìn nhận trên phương diện hệ thống. Bởi điều này không chỉ mang tính chất về mặt số lượng mà còn mang tính chất về mặt chất lượng.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế bao gồm tổng thể các thành phần cấu thành nền kinh tế như lĩnh vực kinh tế (sản xuất, phân phối, trao đổi và tiêu dùng), ngành kinh tế (nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng, lâm nghiệp và thủy sản, dịch vụ và thương mại), các yếu tố kinh tế (tài nguyên thiên nhiên, đất đai, nguồn lao động và cơ sở vật chất và kỹ thuật), các thành phần kinh tế (nhà nước, tư nhân, nước ngoài) và các vùng kinh tế.
Cụ thể của việc chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế nước ta hiện nay đó sự thay đổi về vị trí, tỷ trọng và mối quan hệ tương tác qua lại của các bộ phận cấu thành nền kinh tế. Để phù hợp với sự thay đổi, phát triển của đất nước cũng như của thế giới.
2. Các yếu tố ảnh hưởng đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế là một sự thay đổi tất yếu và mang ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Và quá trình thay đổi này chịu sự tác động của các yếu tố sau:
Yếu tố Nhà nước:
Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc xác định phương hướng, mục tiêu, chiến lược phát triển nền kinh tế.
Thực chất các chiến lược, mục tiêu này là việc nhà nước định hướng phát triển ra sao.Phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội như thế nào cho phù hợp. Từ đó ta thấy được rằng chiến lược phát triển kinh tế của nhà nước ảnh hưởng lớn tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Ngoài vai trò định hướng, xác định chiến lược thì Nhà nước còn chi phối sự chuyển dịch này thông qua các công cụ như pháp luật, các chính sách tài khóa, các chính sách tiền tệ và các chính sách thương mại khác để điều chỉnh cơ cấu kinh tế cho phù hợp với sự phát triển kinh tế tổng thể của đất nước.
Yếu tố các nguồn lực của nền kinh tế:
Các yếu tố nguồn lực của kinh tế có thể kể tới là điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực, các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ.
Điều kiện từ nhiên như vị trí địa lý, địa hình, khí hậu, tài nguyên thiên nhiên,tài nguyên khoáng sản, đất đai, thổ nhưỡng,... là cơ sở quan trọng để hình thành cơ cấu kinh tế.
Như Việt Nam chúng ta nó vị trí địa lý, khí hậu và đất đai phù hợp để phát triển nền nông nghiệp lúa nước vì vậy ngành nông nghiệp sản xuất lúa gạo là một thành phần quan trọng trong cơ cấu kinh tế nước ta. Khi các yếu tố về điều kiện tự nhiên thay đổi thì cũng cần thay đổi cơ cấu kinh tế phù hợp.
Nguồn nhân lực là yếu tố đầu vào quan trọng của mọi ngành sản xuất. Và yếu tố này tác động lên cơ cấu kinh tế thông qua cả hai mặt là số lượng và chất lượng.
Số lượng nguồn nhân lực tại một thời điểm nhất định sẽ quyết định tỷ trọng của ngành kinh tế. Chất lượng nguồn nhân lực được thể hiện thông qua tỷ lệ lao động được đào tạo, tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn sẽ tác động lên cơ cấu của ngành kinh tế.
Vì rất nhiều ngành cần những lao động có trình độ chuyên môn và tay nghề cao.
Các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ góp phần hình thành cơ cấu kinh tế là do khi áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất sẽ giúp tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm và có thể sẽ sản sinh ra các ngành nghề mới. Từ đó làm thay đổi cơ cấu kinh tế.
Yếu tố thị trường:
Cơ cấu của ngành kinh tế chịu sự chi phối của yếu tố thị trường thông qua Cung - Cầu thị trường. Cầu thị trường là nhu cầu của người tiêu dùng về số lượng hàng hóa dịch vụ nào đó mà họ sẵn sàng mua tại một mức giá nhất định. Cầu của thị trường thay đổi sẽ dẫn đến giá của hàng hóa thay đổi. Khi đó người sản xuất sẽ phải ra quyết định mở rộng hay thu hẹp quy mô sản xuất.
3. Thực trạng về việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nước ta hiện nay
Trong nhiều năm trở lại đây, kinh tế Việt Nam đã có được những kết quả ấn tượng. Đặc biệt là dù trải qua đại dịch Covid với nhiều khó khăn nhưng đất chúng ta vẫn có những thành tựu về phát triển kinh tế. Cụ thể thực trạng chuyển dịch cơ cấu kinh tế như sau:
Chuyển dịch cơ cấu theo ngành
Hiện nay, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì cơ cấu kinh tế Việt Nam đang chuyển dịch theo hướng giảm dần nguồn lực ở khu vực nông nghiệp và tăng dần nguồn lực ở khu vực công nghiệp và dịch vụ.
Tuy nhiên tỷ lệ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành còn chậm, đặc biệt là khu vực công nghiệp. Lý do là vì đất nước ta là một nước nông nghiệp và trước đó đã chịu hậu quả của chiến tranh nên phải mất thời gian lâu để phục hồi và phát triển.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo vùng
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo vùng về cơ bản là sự chuyển dịch của ngành và hình thành các vùng chuyên môn hóa để tập trung, phát triển và tận dụng tối đa các ưu thế của mỗi vùng. Hiện nay Việt Nam đã có các vùng chuyên môn hóa như các vùng nông nghiệp trồng lúa, trồng chè, trồng cây ăn quả; hoặc các vùng công nghiệp, các vùng phát triển dịch vụ, thương mại như du lịch.
Chuyển dịch cơ cấu theo lãnh thổ
Chuyển dịch cơ cấu theo lãnh thổ xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan như điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, quy mô dân số và lực lượng lao động. Chính vì lẽ đó mà điều này dẫn đến sự phát triển không đồng đều giữa các địa phương. Và cũng ảnh hưởng đến các cơ hội việc làm của lao động tại địa phương.
Các nơi có các điều kiện tự nhiên như đất đai, thổ nhưỡng hay vị trí địa lý không thuận lợi sẽ kém phát triển hơn. Người lao động tại đây sẽ có thu nhập thấp và thường rời địa phương đến các thành phố lớn có cơ hội việc làm tốt hơn để làm việc.
Những thách thức đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nước ta hiện nay
Mặc dù việc chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế nước ta hiện nay đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào tuy nhiên cũng tồn tại không ít những khó khăn thách thức.
Việc giảm tỷ trọng ở ngành nông nghiệp và tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ còn rất chậm và khó khăn vì Việt Nam vẫn dựa nhiều vào nền kinh tế nông nghiệp.
Việc đẩy mạnh hoàn toàn công nghiệp hóa, hiện đại hóa chưa thể thực hiện nhanh chóng bởi cơ sở hạ tầng còn yếu kém, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.
Nhà nước chưa có những thể chế, chính sách và công tác quản lý chặt chẽ, gây nên sự thiếu nhất quán, không đồng bộ giữa các cấp.
Nguồn lực lao động chưa đáp ứng được những yêu cầu về trình độ chuyên môn để phát triển các ngành nghề yêu cầu trình độ chuyên môn cao.
4. Giải pháp để thực hiện tốt chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Để thực hiện được tốt chuyển dịch cơ cấu kinh tế chúng ta nên chuyển dịch một cách từ từ và bền vững. Giảm tỷ trọng của ngành nông nghiệp tuy nhiên cần tăng được năng suất lao động cũng như chất lượng sản phẩm để mang lại hiệu quả kinh tế cao từ đó mới chuyển dịch dần sang công nghiệp và dịch vụ.
Bên cạnh đó, cần từng bước nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, đường xá, giao thông để đáp ứng được các nhu cầu phát triển.
Ngoài ra, việc thúc đẩy và khuyến khích người lao động nâng cao trình độ chuyên môn là một yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy phát triển kinh tế và góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Đặc biệt, nhà nước cần có các thể chế, chính sách nhất quán, đồng bộ từ Trung Ương đến địa phương để triển khai một cách chặt chẽ, đúng đắn. Và cần có bộ phận quản lý và giám sát việc thực hiện chính sách đúng và hiệu quả.
Trên đây là bài viết về việc chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế nước ta hiện nay. Hy vọng các bạn hiểu rõ hơn về tình hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.