1. Chữa cháy là gì?
Khoản 8 Điều 3 Luật Phòng cháy chữa cháy 27/2001/QH10 quy định chữa cháy bao gồm các công việc như sau: huy động, triển khai lực lượng, phương tiện chữa cháy, cắt điện, tổ chức thoát nạn, cứu người, cứu tài sản, chống cháy lan, dập tắt đám cháy và các hoạt động khác liên quan đến chữa cháy.
2. Có bao nhiêu biện pháp chữa cháy?
Pháp luật hiện hành ghi nhận 03 biện pháp cơ bản trong chữa cháy tại Điều 30 Luật Phòng cháy chữa cháy 27/2001/QH10, cụ thể:
- Huy động nhanh nhất các lực lượng, phương tiện để dập tắt ngay đám cháy;
- Tập trung cứu người, cứu tài sản và chống cháy lan;
- Thống nhất chỉ huy, điều hành trong chữa cháy.
3. Hành vi bị cấm khi chữa cháy gồm những gì?
Điều 13 Luật Phòng cháy chữa cháy 27/2001/QH10, sửa đổi bổ sung bởi Luật số 40/2013/QH13 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm như sau:
- Cố ý gây cháy, nổ làm tổn hại đến tính mạng, sức khoẻ con người;
- Gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân;
- Ảnh hưởng xấu đến môi trường, an ninh và trật tự an toàn xã hội;
- Cản trở các hoạt động phòng cháy và chữa cháy; chống người thi hành nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy;
- Lợi dụng phòng cháy và chữa cháy để xâm hại tính mạng, sức khỏe con người; xâm phạm tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân;
- Báo cháy giả;
- Không báo cháy khi có điều kiện báo cháy;
- Trì hoãn việc báo cháy.
4. Điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy chữa cháy
Để kinh doanh dịch vụ phòng cháy chữa cháy, các cơ sở kinh doanh cần đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 41 Nghị định 136/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy bao gồm: Doanh nghiệp; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; chi nhánh, cơ sở trực thuộc doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; đơn vị sự nghiệp của các cơ quan, tổ chức; hộ kinh doanh;
- Người đứng đầu, người đại diện theo pháp luật của cơ sở kinh doanh nêu trên phải có văn bằng hoặc Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy và là người có tên tại một trong các văn bản sau:
+ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
+ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
+ Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh, đơn vị trực thuộc doanh nghiệp;
+ Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
+ Giấy chứng nhận đăng ký chi nhánh, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
+ Giấy phép hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp;
+ Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh;
+ Văn bản thành lập hoặc cho phép hoạt động kèm theo văn bản thông báo mã số thuế đối với đơn vị sự nghiệp.
Lưu ý: Trường hợp người đứng đầu, người đại diện theo pháp luật của cơ sở kinh doanh là người nước ngoài, đã có văn bằng hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy hoặc chứng chỉ hành nghề về phòng cháy và chữa cháy do cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp thì phải có văn bản hợp pháp hóa lãnh sự.
Bên cạnh việc đáp ứng những yêu cầu cơ bản trên đây, từng cơ sở kinh doanh cần đảm bảo các điều kiện sau đây về cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị bảo đảm cho hoạt động kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy:
- Đối với cơ sở kinh doanh về tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm định, tư vấn giám sát về phòng cháy và chữa cháy:
+ Có địa điểm hoạt động; phương tiện, thiết bị bảo đảm thực hiện tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm định, tư vấn giám sát về phòng cháy và chữa cháy;
+ Phải có ít nhất 02 cá nhân có Chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với lĩnh vực tư vấn, trong đó có ít nhất 01 cá nhân đảm nhiệm chức danh chủ trì thiết kế, thẩm định, giám sát về phòng cháy và chữa cháy.
- Đối với cơ sở kinh doanh về tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy:
+ Có phòng thí nghiệm và thiết bị kiểm định được cơ quan có thẩm quyền công nhận chất lượng;
+ Phải có ít nhất 02 cá nhân có chứng chỉ hành nghề.
- Đối với cơ sở kinh doanh về tư vấn chuyển giao công nghệ phòng cháy và chữa cháy; huấn luyện, hướng dẫn về nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy:
+ Có phương tiện, thiết bị bảo đảm thực hiện tư vấn chuyển giao công nghệ; phương tiện, thiết bị phục vụ huấn luyện, địa điểm tổ chức huấn luyện, hướng dẫn về nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy;
+ Phải có ít nhất 01 người có trình độ đại học trở lên ngành phòng cháy và chữa cháy hoặc trình độ đại học trở lên ngành khác phù hợp với lĩnh vực hoạt động và được cấp Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy.
- Đối với cơ sở kinh doanh về thi công, lắp đặt hệ thống phòng cháy và chữa cháy:
+ Có phương tiện, thiết bị, máy móc bảo đảm cho việc thi công, lắp đặt hệ thống phòng cháy và chữa cháy;
+ Phải có ít nhất 01 chỉ huy trưởng thi công được cấp Chứng chỉ hành nghề chỉ huy thi công về phòng cháy và chữa cháy.
- Đối với cơ sở kinh doanh về sản xuất, lắp ráp phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy:
+ Có địa điểm hoạt động; có nhà xưởng, phương tiện, thiết bị bảo đảm cho hoạt động sản xuất, lắp ráp, thử nghiệm phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy;
+ Phải có ít nhất 01 người có trình độ đại học trở lên ngành phòng cháy và chữa cháy hoặc trình độ đại học trở lên ngành khác phù hợp với lĩnh vực hoạt động và được cấp Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy.
5. Thủ tục xin giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh phòng cháy chữa cháy
5.1. Hồ sơ đăng ký
Để được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy, tổ chức đủ điều kiện được nêu tại Mục 4 bài viết này phải chuẩn bị các tài liệu sau đây:
- Văn bản đề nghị cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy (theo Mẫu số PC33 ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP);
- Văn bằng hoặc Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy, chữa cháy;
- Danh sách cá nhân có văn bằng, chứng chỉ phù hợp (tùy vào loại hình hoạt động của tổ chức đăng ký được nêu tại Mục 4 trên);
- Căn cước công dân hoặc và hộ chiếu, quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động của từng cá nhân và quyết định phân công đảm nhiệm chức danh chủ trì thiết kế, giám sát, thẩm định, chỉ huy trưởng thi công về phòng cháy, chữa cháy;
- Văn bản chứng minh về điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị bảo đảm cho hoạt động kinh doanh, ví dụ:
+ Giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc hợp đồng thuê địa điểm hoạt động; bảng kê khai các phương tiện, thiết bị phục vụ hoạt động kinh doanh;
+ Bảng kê khai các phương tiện, thiết bị phục vụ hoạt động kinh doanh;
+ Chứng chỉ công nhận chất lượng của phòng thí nghiệm và đánh giá hiệu chuẩn thiết bị kiểm định của cơ quan có thẩm quyền đối với trường hợp đề nghị cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy.
5.2. Trình tự, thủ tục xin giấy xác nhận
Để được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy, cá nhân, tổ chức thực hiện các bước dưới đây:
Bước 1: Cá nhân, tổ chức chuẩn bị hồ sơ gồm những thành phần được đề cập trên.
Bước 2: Cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ cho Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh.
Lưu ý: Người đến nộp hồ sơ phải có giấy giới thiệu hoặc giấy ủy quyền, xuất trình thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng.
Bước 3: Cán bộ tiếp nhận kiểm tra tính hợp lệ và thành phần của hồ sơ
+ Trong trường hợp hồ sơ hợp lệ và đủ thành phần thì cán bộ tiếp nhận viết Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy, chữa cháy và giao cho người nộp hồ sơ 01 bản, lưu 01 bản;
+ Trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thành phần hoặc chưa hợp lệ thì trả lại, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ và ghi thông tin vào Phiếu hướng dẫn bổ sung hồ sơ, giao cho người nộp hồ sơ 01 bản và lưu 01 bản.
Bước 4: Căn cứ theo ngày hẹn trên Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy, chữa cháy, cá nhân, tổ chức đến nơi nộp hồ sơ để nhận kết quả.Trên đây là giải đáp vấn đề liên quan đến: Chữa cháy là gì?