Chính sách tài khóa là một trong những công cụ quan trọng của nhà nước trong việc điều tiết hoạt động kinh tế. Vậy hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chính sách tài khóa là gì, các loại chính sách tài khóa và tác động của chính sách tài khóa đến nền kinh tế như thế nào nhé.
1. Chính sách tài khóa là gì?
1.1 Chính sách tài khóa là gì?
Chính sách tài khóa (Fiscal policy) là một công cụ của chính sách kinh tế vĩ mô được Chính Phủ thực hiện, với mục đích tác động vào quy mô của hoạt động kinh tế. Theo đó, Chính phủ sẽ tiến hành thay đổi thuế suất và các khoản chi tiêu khác nhằm đạt được những mục tiêu vĩ mô như tăng trưởng kinh tế, bình ổn giá tiêu dùng, tăng việc làm,...
Chính sách tài khóa thuộc quyền hạn thực hiện của Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương không được thực hiện chức năng này.
1.2 Các loại chính sách tài khóa
Chính sách tài khóa bao gồm chính sách tài khóa mở rộng và chính sách tài khóa thắt chặt. Mỗi loại sẽ có những tác động khác nhau đến nền kinh tế vĩ mô.
- Chính sách tài khóa mở rộng
Chính sách tài khóa mở rộng còn được gọi bằng chính sách tài khóa thâm hụt. Trong chính sách này, Chính phủ sẽ thực hiện tăng chi tiêu chính phủ hoặc giảm nguồn thu từ thuế hoặc kết hợp cả hai hình thức này với nhau.
Chính sách tài khóa mở rộng đóng vai trò trong việc cải thiện sản lượng của nền kinh tế, tăng tổng cầu, tăng thêm việc làm cho người lao động, từ đó sự phát triển của nền kinh tế.
Chính sách tài khóa mở rộng được thực hiện khi suy thoái kinh tế, tỷ lệ tăng trưởng chậm, không phát triển, tình trạng thất nghiệp tăng trong xã hội. Chính sách này thường được kết hợp cùng chính sách tiền tệ, làm nền tảng để ổn định và phát triển kinh tế hiệu quả nhất.
- Chính sách tài khóa thắt chặt
Chính sách tài khóa thắt chặt được thực hiện bằng việc giảm chi tiêu chính phủ hoặc tăng nguồn thu từ thuế hoặc Chính phủ kết hợp cả hai hình thức cùng một lúc.
Chính sách tài khóa thắt chặt giúp giảm sản lượng nền kinh tế, giảm tổng cầu. Chính chính sách được áp dụng để đưa nền kinh tế về trạng thái cân bằng khi thấy sự phát triển quá nhanh, tỷ lệ lạm phát cao và không ổn định.
2. Chính sách tài khóa khác khác gì chính sách tiền tệ?
Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đều là những công cụ quan trọng của Chính phủ trong quản lý nền kinh tế. Tuy vậy, giữa hai chính sách này vẫn có những điểm khác biệt nhất định.
Sự khác nhau giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ
Chính sách tài khóa | Chính sách tiền tệ | |
Công cụ thực hiện | Thuế và các khoản chi tiêu của Chính phủ | Các công cụ của ngoại hối và hoạt động tín dụng như lãi suất, các khoản dự trữ bắt buộc, chính sách tỷ giá hối đoái, chính sách nới lỏng định lượng, nghiệp vụ ngân hàng mở… |
Người tạo ra chính sách | Chính phủ | Ngân hàng trung ương |
Mục đích | Đưa nền kinh tế hướng vào mức sản lượng và việc làm mong muốn | Bình ổn, ổn định giá cả, thúc đẩy tăng trưởng GDP và giảm tỷ lệ thất nghiệp |
3. Công cụ của chính sách tài khóa
Như đã nói ở trên, hai công cụ chính của chính sách tài khóa là thuế và chi tiêu Chính phủ.
3.1 Công cụ chi tiêu Chính phủ
Công cụ chi tiêu của Chính phủ chính là hoạt động mua sắm hàng hóa dịch vụ và chuyển nhượng. Trong đó:
Mua sắm hàng hoá dịch vụ: Dùng để đầu tư cho quốc phòng, giáo dục, y tế, mua sắm vũ khí, xây dựng đường xá, trường học, cầu cống, các cơ sở hạ tầng, trả lương cho cán bộ nhân viên nhà nước...
Chuyển nhượng: Dùng để hỗ trợ cho những nhóm người chính sách, dễ bị tổn thương trong xã hội, ví dụ như người nghèo, người khuyết tật, thương binh,…
Công cụ chi tiêu của Chính phủ tác động đến tổng cầu của nền kinh tế. Chi tiêu hàng hóa dịch vụ tăng lên đồng nghĩa với tổng cầu kinh tế tăng. Trợ cấp xã hội tăng cũng khiến thu nhập người dân tăng, nhu cầu mua sắm nhiều hơn, dẫn đến nguồn cung tăng.
Chi tiêu Chính phủ chính là công cụ điều hòa nền kinh tế quốc gia, đưa nền kinh tế phục hồi, đi vào quỹ đạo tăng trưởng và ổn định.
3.2 Công cụ thuế
Thuế là một khoản bắt buộc phải thu đối với cá nhân hay tổ chức, nhằm bổ sung vào ngân sách nhà nước để phục vụ hoạt động chi tiêu vì lợi ích chung. Công cụ thuế bao gồm thuế trực thu và thuế gián thu:
Thuế trực thu (Direct taxes): Là khoản thuế đánh trực tiếp vào thu nhập/tài sản của người chịu thuế, ví dụ như thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài sản, thuế thừa kế, thuế đất… Người chịu thuế không phải là người nộp thuế.
Thuế gián thu (Indirect taxes): Là khoản thuế tác động gián tiếp vào giá cả hàng hóa, dịch vụ thông qua các hành vi sản xuất và tiêu dùng của nền kinh tế ví dụ như thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt… Người chịu thuế không phải là người nộp thuế.
Trái ngược với công cụ chi tiêu chính phủ, thuế là khoản thu vào nên sẽ có tác động ngược lại. Thuế tăng, thu nhập của người dân giảm, dẫn đến giảm tiêu dùng, từ đó tổng cầu giảm và GDP giảm. Thuế giảm, giá cả hàng hóa dịch vụ giảm, thúc đẩy người dân chi tiêu nhiều hơn, tổng cầu tăng kéo theo GDP tăng.
4. Tác động của chính sách tài khóa lên nền kinh tế
Chính sách tài khóa tác động đến nền kinh tế thông qua 4 yếu tố sau:
Là công cụ của Chính phủ trong việc tác động đến tổng cầu, từ đó gây ảnh hưởng lên nền kinh tế. Trong điều kiện bình thường, chính sách tài khóa giúp kinh tế tăng trưởng ổn định. Trong trường hợp kinh tế suy thoái hoặc quá “nóng”, chính sách tài khóa giúp đưa nền kinh tế trở lại trạng thái cân bằng.
Giúp Chính phủ phân bổ hiệu quả các nguồn lực kinh tế thông qua hai công cụ của chính sách tài khóa. Dựa vào đó, nhà nước có thể tập trung vào phát triển những lĩnh vực trọng tâm của đất nước.
Thực hiện chức năng phân phối và tái phân phối tổng sản phẩm quốc dân. Chính sách tài khóa giúp điều chỉnh phân phối thu nhập, cơ hội, tài sản, hay các rủi ro từ thị trường, từ đó tạo lập một sự ổn định về mặt xã hội để tạo ra môi trường an toàn cho đầu tư và tăng trưởng.
Thực hiện mục tiêu chính yếu của đất nước là tăng trưởng (trực tiếp hoặc gián tiếp) và phát triển nền kinh tế.
Tuy đóng vai trò rất lớn đối với nền kinh tế, nhưng chính sách này vẫn còn tồn tại nhiều mặt hạn chế:
Chậm trễ về thời gian: Thông thường Chính phủ phải mất một khoảng thời gian khá dài để nhận biết sự thay đổi của tổng cầu, thông qua thống kê và phân tích những số liệu. Sau đó, cần tiếp một khoảng thời gian nữa để đưa ra được một chính sách hoàn chỉnh. Và sau cùng là cần thời gian để chính sách đó mang lại hiệu quả.
Chính sách tài khóa không hiệu quả: Vì Chính phủ không thể biết được chính xác quy mô tác động của những điều chỉnh chi tiêu lên nền kinh tế, mà chỉ có thể dựa vào những số liệu cũ.
Nguy cơ gia tăng lạm phát: Khi nền kinh tế suy thoái, sản lượng thực tế thấp, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao dẫn đến thâm hụt ngân sách lớn. Việc tăng chi tiêu của Chính phủ sẽ dẫn đến gia tăng lạm phát, thậm chí là tăng thêm nợ.
Với câu hỏi chính sách tài khóa là gì, bài viết đã làm rõ được bản chất, công cụ, mục tiêu và sự tác động của chính sách này đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế. Hy vọng bạn đọc có được những thông tin hữu ích, hiểu hơn về chính sách tài khóa đang thực hiện để tìm được cơ hội cho riêng mình. Mọi vấn đề vướng mắc vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp.