Hàng loạt chính sách mới về tài nguyên môi trường được quy định tại Thông tư 40/2022/TT-BCT, Nghị định 27/2023/NĐ-CP, Thông tư 34/2023/TT-BTC, Thông tư 08/2023/TT-BKHCN, Luật Dầu khí số 12/2022/QH15 sẽ chính thức có hiệu lực vào Tháng 07 tới đây.
- 1. Bổ sung chính sách ưu đãi đặc biệt cho hoạt động dầu khí
- 2. Từ 15/7/2023, tăng một số mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản
- 3. Phí thẩm định đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường từ 15/7/2023
- 4. Quy chuẩn về an toàn kho chứa khí thiên nhiên hóa lỏng trên bờ từ 01/7/2023
- 5. Quy chuẩn chất thải chứa nhân phóng xạ nguồn gốc tự nhiên từ 15/7/2023
1. Bổ sung chính sách ưu đãi đặc biệt cho hoạt động dầu khí
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được quy định tại Luật Dầu khí số 12/2022/QH15 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2023. Theo đó, Điều 54 Luật Dầu khí 2022 quy định chính sách ưu đãi áp dụng đối với các lô, mỏ dầu khí được thực hiện thông qua hợp đồng dầu khí.
Cụ thể, hợp đồng dầu khí đối với lô, mỏ dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt được áp dụng:
- Mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp: 25%;
- Thuế suất thuế xuất khẩu dầu thô: 5%;
Luật Dầu khí 2022 còn bổ sung thêm nhiều chính sách quan trọng khác như:
- Bổ sung, hoàn thiện các quy định về hợp đồng dầu khí theo hướng thuận lợi, linh hoạt cho nhà đầu tư;
- Bổ sung, hoàn thiện quy định về công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán và xử lý chi phí trong hoạt động dầu khí;
- Bổ sung, hoàn thiện các quy định về trình tự phê duyệt các bước triển khai hoạt động dầu khí, dự án dầu khí bảo đảm tính tương đồng với hệ thống pháp luật về đầu tư, xây dựng và pháp luật có liên quan…
Xem chi tiết: Bổ sung quy định về kế toán, kiểm toán trong hoạt động dầu khí
2. Từ 15/7/2023, tăng một số mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản
Chính phủ đã ban hành Nghị định 27/2023/NĐ-CP quy định về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, trong đó tăng một số mức phí từ ngày 15/7/2023.
Cụ thể, mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản (gồm cả trường hợp hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân không nhằm mục đích khai thác khoáng sản nhưng thu được khoáng sản) theo Biểu khung mức thu phí ban hành kèm theo Nghị định này như sau:
- Đá làm vật liệu xây dựng thông thường: 7.500 đồng/m3 (tăng 2.500 đồng/m3)
- Đất sét, đất làm gạch, ngói 2.250 đồng/m3 (tăng 750 đồng/m3)
- Các loại cát khác 6.000 đồng/m3 (tăng 2.000 đồng/m3) ...
Một số mức phí bảo vệ môi trường khác trong hoạt động khai thác khoáng sản được quy định tại Nghị định này gồm:
- Dầu thô: 100.000 đồng/tấn;
- Khí thiên nhiên, khí than: 50 đồng/m3.
Riêng khí thiên nhiên thu được trong quá trình khai thác dầu thô (khí đồng hành): 35 đồng/m3.
3. Phí thẩm định đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường từ 15/7/2023
Thông tư 34/2023/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường áp dụng từ ngày 15/7/2023.
Cụ thể mức thu phí thẩm định như sau:
M
| Dưới 16 thông số | Từ 16 đến 30 thông số | Từ 31 đến 45 thông số | Từ 46 đến 60 thông số | Trên 60 thông số |
Đồng bằng sông Hồng (K = 1,0) | 42.000 | 50.400 | 58.800 | 67.200 | 75.600 |
Trung du và miền núi phía Bắc (K= 1,1) | 46.200 | 55.440 | 64.680 | 73.920 | 83.160 |
Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (K = 1,2) | 50.400 | 60.480 | 70.560 | 80.640 | 90.720 |
Tây Nguyên (K = 1,3) | 54.600 | 65.520 | 76.440 | 87.360 | 98.280 |
Nam Bộ (K= 1,4) | 58.800 | 70.560 | 82.080 | 94.080 | 105.840 |
Theo đó:
- Tổ chức thu phí là Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc cơ quan nhà nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao thẩm định cấp, điều chỉnh nội dung giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường (trước đây là Tổng cục Môi trường trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường).
- Tổ chức thu phí phải nộp 100% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.
4. Quy chuẩn về an toàn kho chứa khí thiên nhiên hóa lỏng trên bờ từ 01/7/2023
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn kho chứa khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trên bờ được ban hành kèm theo Thông tư 40/2022/TT-BTC, áp dụng từ ngày 01/7/2023.
Theo đó, Quy chuẩn này đưa ra những yêu cầu về kỹ thuật từ khâu bố trí lắp đặt đến vận hành kho chứa khí thiên nhiên hóa lỏng trên bờ như:
- Lựa chọn địa điểm và bố trí mặt bằng;
- Yêu cầu chung về thiết kế;
- Yêu cầu về hệ thống tồn chứa;
- Đường ống công nghệ, thiết bị công nghệ;
- Hệ thống thu hồi BOG, hệ thống hóa khí….
Cụ thể, về lựa chọn địa điểm để đặt kho chứa khí thiên nhiên hóa lỏng trên bờ, Quy chuẩn nêu rõ, các vấn đề tối thiểu cần khảo sát, đánh giá khi lựa chọn địa điểm xây dựng trong giai đoạn thiết kế kho trên bờ phải bao gồm:
- Khảo sát đất nền bao gồm các khảo sát địa kỹ thuật và nước ngầm;
- Khảo sát/Đánh giá nguy cơ động đất;
- Khảo sát địa hình nhằm đảm bảo độ phân tán và thoát chất lỏng và chất khí khi có sự cố tràn và/hoặc rò rỉ;
- Nghiên cứu xác định các nguồn dòng điện rò (từ các nguồn điện cao thế xung quanh)…
Ngoài ra, theo Quy chuẩn này:
- Các bồn chứa LNG có dung tích lớn hơn 0,5m3 không được phép đặt trong tòa nhà; c
- Các bể chứa chất lỏng dễ cháy không được đặt trong khu vực ngăn tràn;
- Các nguồn nhiệt hoặc nguồn phát tia lửa phải đặt cách khu vực ngăn tràn bồn chứa LNG và khu vực xuất/nhập LNG tối thiểu 15m;…
5. Quy chuẩn chất thải chứa nhân phóng xạ nguồn gốc tự nhiên từ 15/7/2023
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải chứa nhân phóng xạ nguồn gốc tự nhiên được ban hành kèm theo Thông tư 08/2023/TT-BKHCN cũng chính thức được áp dụng từ 15/7/2023.
Theo Quy chuẩn này, việc thu gom và xử lý chất thải NORM dạng rắn phải đảm bảo:
- Chất thải NORM dạng rắn phải được thu gom, phân tách khỏi chất thải không phóng xạ. Việc phân tách chất thải NORM dạng rắn dựa trên đặc tính vật lý, hóa học, phóng xạ và có tính đến phương pháp xử lý và khả năng làm phát sinh chất thải thứ cấp sau khi xử lý.
- Chất thải NORM dạng rắn có thể nén hoặc ép để giảm thể tích nếu xác định là loại chất thải có thể nén, ép được và bảo đảm:
- Chất thải phải được chuyển về trạng thái ổn định trước khi nén, ép;
- Chất thải không chứa thành phần có thể gây phản ứng hóa học hoặc gây nổ trong quá trình nén.
- Chất thải NORM dạng rắn có thể được đốt nếu xác định là loại chất thải có thể đốt được và bảo đảm:
- Công nghệ đốt phải kiểm soát được việc đốt cháy hoàn toàn các thành phần ẩm ướt, dầu, chất hữu cơ,...;
- Xử lý khí thải đạt mức cho phép thải ra môi trường theo các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn quốc tế có liên quan khác.
- Bụi chứa nhân phóng xạ tự nhiên phải được thu gom, xử lý và điều kiện hóa theo quy định…
Trên đây là Tổng hợp các chính sách mới về tài nguyên môi trường có hiệu lực tháng 7/2023. Mọi vấn đề còn vướng mắc vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp.