1. Được vay ngân hàng này trả ngân hàng khác
Một trong những chính sách mới về tài chính ngân hàng có hiệu lực tháng 9/2023 đáng chú ý là khách hàng được vay ngân hàng này trả ngân hàng khác.
Trước đây theo quy định tại khoản 6 Điều 8 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, khách hàng chỉ được vay để trả nợ khoản vay tại tổ chức tín dụng khác đối với khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh, không áp dụng đối với khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống.
Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 06/2023/TT-NHNN đã sửa đổi khoản 6 Điều 8 Thông tư 39/2016/TT-NHNN như sau:
Những nhu cầu vốn không được cho vay
...
6. Để trả nợ khoản vay nước ngoài (không bao gồm khoản vay nước ngoài dưới hình thức mua bán hàng hóa trả chậm), khoản cấp tín dụng tại tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp cho vay để trả nợ trước hạn khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
a) Thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ;
b) Là khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
...
Như vậy, các tổ chức tín dụng được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại tổ chức tín dụng khác với mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống thay vì chỉ được vay phục vụ sản xuất kinh doanh.
Khách hàng có thể chọn ngân hàng có lãi suất vay thấp hơn hoặc có nhiều chương trình hỗ trợ hơn để vay, nhằm tối ưu hóa dòng tiền.
2. 7 nhu cầu về vốn không được Ngân hàng cho vay
Tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 06/2023/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước đã sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2016/TT-NHNN về 10 trường hợp không cho vay vốn từ ngày 01/9/2023.
Tuy nhiên sau đó, Ngân hàng Nhà nước lại tiếp tục ban hành Thông tư 10/2023/TT-NHNN với nội dung ngưng hiệu lực của một số trường hợp cấm cho vay cho đến ngày có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về các vấn đề này.
Căn cứ các quy định trên, từ ngày 01/9/2023, các tổ chức tín dụng sẽ không cho vay đối với 07 nhu cầu vốn sau đây:
1 - Để đầu tư kinh doanh ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư.
2 - Để thanh toán chi phí hoạt động kinh doanh thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và các giao dịch, hành vi khác mà pháp luật cấm.
3 - Để mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư.
4 - Để mua vàng miếng.
5 - Để trả nợ cho các khoản cấp tín dụng tại chính tổ chức tín dụng cho vay, trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi phát sinh trong thời gian thi công xây dựng công trình, mà chi phí lãi tiền vay đã được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng do cấp có thẩm quyền phê duyệt.
6 - Để trả nợ khoản vay nước ngoài (không gồm khoản vay nước ngoài dưới hình thức mua bán hàng hóa trả chậm), khoản cấp tín dụng tại tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp cho vay để trả nợ trước hạn và đáp ứng đủ 02 điều kiện:
Thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ;
Là khoản vay chưa cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
7 - Để gửi tiền.
3. Có thể trả nợ bằng đồng tiền khác đồng tiền cho vay
Trước đây, khoản 2 Điều 11 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định đồng tiền trả nợ bắt buộc phải là đồng tiền cho vay của khoản vay.
Tuy nhiên từ ngày 01/9/2023, Thông tư 06/2023/TT-NHNN đã bổ sung quy định cho phép tổ chức tín dụng và khách hàng được thỏa thuận trả nợ bằng đồng tiền khác phù hợp với quy định của pháp luật liên quan.
4. Một số lưu ý khi vay tiền online
Khoản 11 Điều 1 Thông tư 06/2023/TT-NHNN bổ sung nhiều quy định liên quan đến việc cho vay bằng phương thức điện tử; tổ chức, cá nhân vay qua phương thức điện tử cần lưu ý những điều này:
- Dư nợ vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống không vượt quá 100 triệu đồng Việt Nam tại một ngân hàng.
- Về hồ sơ đề nghị vay vốn:
Khi có nhu cầu vay vốn, cá nhân, tổ chức phải gửi cho tổ chức tín dụng các tài liệu, dữ liệu chứng minh đủ điều kiện vay vốn theo quy định và các tài liệu, dữ liệu khác theo hướng dẫn của tổ chức tín dụng:
Đối với tổ chức là pháp nhân thì phải có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật.
Đối với cá nhân thì phải từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy hoặc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp.
Có phương án sử dụng vốn khả thi.
- Có khả năng tài chính để trả nợ.
5. Cơ chế sử dụng kinh phí Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Thông tư 52/2023/TT-BTC có hiệu lực ngày 23/9/2023 hướng dẫn cơ chế sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi thường xuyên để thực hiện các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với các nội dung:
- Hỗ trợ công nghệ, tư vấn, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp nhỏ và vừa...
6. Trình tự tổ chức cuộc đấu giá tài sản trực tuyến
Từ ngày 01/9/2023, trình tự tổ chức cuộc đấu giá tài sản trực tuyến được thực hiện theo quy định tại Nghị định 47/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 62/2017/NĐ-CP như sau:- Thông báo công khai việc đấu giá, kèm theo danh mục tài sản, hình ảnh, tài liệu liên quan đến tài sản (nếu có) trên Trang thông tin đấu giá trực tuyến.
- Người tham gia đấu giá đăng ký tham trên Trang thông tin đấu giá trực tuyến.
- Người tham gia đấu giá nộp hồ sơ đăng ký và tiền đặt trước hợp lệ để được sử dụng tài khoản truy cập cuộc đấu giá.
- Truy cập tài khoản đã được cấp theo thời gian quy định để tham gia cuộc đấu giá.
- Công bố người trúng đấu giá trên hệ thống mạng đấu giá trực tuyến ngay sau khi cuộc đấu giá kết thúc.
Trên đây là chính sách mới về tài chính ngân hàng có hiệu lực tháng 9/2023. Nếu có thắc mắc, bạn đọc gọi đến tổng đài 19006192 để được giải đáp. Xem thêm bài tổng hợp Chính sách mới nổi bật có hiệu lực tháng 9/2023.