- 1. Cấm bán bảo hiểm không bắt buộc đi kèm khoản vay
- 2. Chuyển khoản trên 10 triệu phải xác thực sinh trắc học
- 3. Quy định mới về thanh toán không dùng tiền mặt
- 4. Ngân hàng tiếp nhận khiếu nại về dịch vụ thanh toán 24/7
- 5. Các trường hợp vay vốn phải cung cấp thông tin người có liên quan
- 6. Hạn mức giao dịch của đại lý thanh toán
- 7. Các loại tài sản bảo đảm giảm thiểu rủi ro tín dụng tại ngân hàng
- 8. Thẻ ngân hàng trả trước có hạn mức giao dịch không quá 100 triệu/tháng
Dưới dây là tổng hợp các chính sách mới về tài chính - ngân hàng chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.
1. Cấm bán bảo hiểm không bắt buộc đi kèm khoản vay
Đây là một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 có hiệu lực từ 01/7/2024.
Theo đó, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.
Ngoài ra, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 còn có nhiều quy định mới như:
- Cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ phải công khai thông tin
- Giảm tỉ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông so với Luật cũ
- Bổ sung các quy định về xét duyệt các khoản vay tiêu dùng
- Các tổ chức tín dụng được chuyển nhượng tài sản đảm bảo là dự án bất động sản để thu hồi nợ
Xem chi tiết: Điểm mới đáng chú ý của Luật Các tổ chức tín dụng 2024
2. Chuyển khoản trên 10 triệu phải xác thực sinh trắc học
Tại Quyết định 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai áp dụng biện pháp xác thực sinh trắc học cho một số loại giao dịch trong thanh toán trực tuyến trên internet từ ngày 01/7/2024.
Trong đó, giao dịch chuyển tiền ngân hàng (khác chủ tài khoản) hoặc nộp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị giao dịch chuyển tiền, thanh toán trong ngày vượt quá 20 triệu đồng phải được xác thực bằng sinh trắc học.
3. Quy định mới về thanh toán không dùng tiền mặt
Nghị định 52/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/7/2024 quy định về các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt bao gồm:
- Mở và sử dụng tài khoản thanh toán;
- Dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt;
- Dịch vụ trung gian thanh toán;
- Tổ chức, quản lý và giám sát các hệ thống thanh toán.
Các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán bị nghiêm cấm sửa chữa, tẩy xóa phương tiện thanh toán, chứng từ thanh toán không đúng quy định pháp luật; làm giả phương tiện thanh toán, chứng từ thanh toán; lưu giữ, lưu hành, chuyển nhượng, sử dụng phương tiện thanh toán giả.
Xâm nhập hoặc tìm cách xâm nhập, đánh cắp dữ liệu, phá hoại, làm thay đổi trái phép chương trình phần mềm, dữ liệu điện tử sử dụng trong thanh toán; lợi dụng lỗi hệ thống mạng máy tính để trục lợi…
4. Ngân hàng tiếp nhận khiếu nại về dịch vụ thanh toán 24/7
Thông tư 15/2024/TT-NHNN quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong nước của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, bao gồm các dịch vụ:
- Lệnh chi
- Ủy nhiệm chi
- Nhờ thu
- Ủy nhiệm thu
- Chuyển tiền
- Dịch vụ thu hộ và chi hộ.
Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm xử lý đề nghị tra soát, khiếu nại của khách hàng sử dụng dịch vụ, đảm bảo tuân thủ tối thiểu các quy định sau:
Áp dụng tối thiểu hai hình thức tiếp nhận thông tin tra soát, khiếu nại qua tổng đài điện thoại có ghi âm, hoạt động 24/24 giờ trong ngày và 7/7 ngày trong tuần và qua các địa điểm giao dịch hợp pháp;
Đảm bảo xác thực những thông tin cơ bản mà khách hàng đã cung cấp cho tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán;
Trả lời hoặc xử lý kịp thời các khiếu nại của khách hàng trong thời hạn theo thỏa thuận nhưng không quá 30 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận được yêu cầu khiếu nại của khách hàng.
Thực hiện ngay các biện pháp để tạm dừng cung ứng dịch vụ khi khách hàng đề nghị do nghi ngờ có gian lận hoặc tổn thất và chịu trách nhiệm với toàn bộ tổn thất tài chính của khách hàng phát sinh sau thời điểm khách hàng đề nghị tạm dừng cung ứng dịch vụ.
5. Các trường hợp vay vốn phải cung cấp thông tin người có liên quan
Theo khoản 4 Điều 1 Thông tư 12/2024 sửa đổi, bổ sung Điều 9 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, có 04 trường hợp khách hàng phải cung cấp thông tin về người có liên quan của khách hàng khi vay vốn:
- Tại thời điểm đề nghị cho vay tại ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, khách hàng có tổng mức dư nợ cấp tín dụng lớn hơn hoặc bằng 0,1% vốn tự có của ngân hàng cho vay đó tại cuối ngày làm việc gần nhất;
- Tại thời điểm đề nghị cho vay tại tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô, khách hàng có tổng mức dư nợ cấp tín dụng lớn hơn hoặc bằng 0,5% vốn tự có của tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính đó tại cuối ngày làm việc gần nhất;
- Tại thời điểm đề nghị cho vay tại quỹ tín dụng nhân dân, khách hàng có tổng mức dư nợ cấp tín dụng lớn hơn hoặc bằng 1% vốn tự có của quỹ tín dụng đó tại cuối ngày làm việc gần nhất;
- Trường hợp tổ chức tín dụng có vốn tự có âm, các tỷ lệ trên được áp dụng trên vốn điều lệ hoặc vốn được cấp đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Ngoài ra, Thông tư 12 cũng quy định vay vốn từ dưới 100 triệu đồng thì không phải cung cấp phương án sử dụng vốn.
6. Hạn mức giao dịch của đại lý thanh toán
Điều 5 Thông tư 07/2024/TT-NHNN quy định, bên giao đại lý thanh toán phải có các biện pháp quản lý số dư, hạn mức giao dịch của bên đại lý là tổ chức khác, trong đó:
- Hạn mức giao dịch (bao gồm nộp và rút tiền mặt) đối với khách hàng cá nhân, tối đa là 20 triệu đồng/khách hàng/ngày;
- Bên đại lý chỉ được thực hiện giao dịch cho khách hàng trong phạm vi số dư tài khoản thanh toán để thực hiện các nghiệp vụ được giao đại lý của bên đại lý mở tại bên giao đại lý theo quy định và mỗi một điểm đại lý thanh toán được giao dịch không quá 200 triệu đồng/ngày và tối đa 05 tỷ đồng/tháng.
Hạn mức giao dịch của bên đại lý là ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô theo thỏa thuận giữa bên giao đại lý và bên đại lý.
7. Các loại tài sản bảo đảm giảm thiểu rủi ro tín dụng tại ngân hàng
Thông tư 22/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo khoản 12 Điều 1 Thông tư 22, việc giảm thiểu rủi ro tín dụng bằng tài sản bảo đảm chỉ áp dụng đối với các tài sản bảo đảm sau đây:
- Tiền mặt, giấy tờ có giá, thẻ tiết kiệm do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành;
- Vàng (vàng vật chất, vàng tiêu chuẩn, vàng trang sức với giá trị được chuyển đổi giá trị sang vàng 99.99);
- Giấy tờ có giá do Chính phủ Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, các ngân hàng chính sách phát hành hoặc bảo lãnh thanh toán;
- Chứng khoán nợ do chính phủ các nước, tổ chức công lập của chính phủ các nước phát hành được doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm độc lập xếp hạng từ BB- trở lên;
- Chứng khoán nợ do doanh nghiệp phát hành được doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm độc lập xếp hạng từ BBB- trở lên;
- Cổ phiếu được niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
8. Thẻ ngân hàng trả trước có hạn mức giao dịch không quá 100 triệu/tháng
Theo Điều 13 Thông tư 18/2024/TT-NHNN, tổ chức phát hành thẻ thỏa thuận với chủ thẻ về hạn mức thanh toán, hạn mức chuyển khoản, hạn mức rút tiền mặt và các hạn mức khác trong việc sử dụng thẻ đối với chủ thẻ phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Đối với thẻ trả trước, tổ chức phát hành thẻ quy định cụ thể hạn mức số dư, hạn mức nạp thêm tiền vào thẻ và hạn mức giao dịch.
Trong đó, đảm bảo số dư tại mọi thời điểm trên một thẻ trả trước vô danh (không có các thông tin định danh chủ thẻ) không được quá 05 triệu đồng; tổng hạn mức giao dịch trên một thẻ trả trước định danh không được quá 100 triệu đồng/tháng.
Đối với thẻ tín dụng, tổng hạn mức rút tiền mặt tính theo BIN của thẻ tín dụng tối đa là 100 triệu đồng/tháng.
Đối với hạn mức rút ngoại tệ tiền mặt tại nước ngoài, một thẻ được rút số ngoại tệ tiền mặt tối đa tương đương 30 triệu đồng/ngày.
9. Điều kiện được xem xét phát hành thư tín dụng
Theo Điều 21 Thông tư 21/2024/TT-NHNN, ngân hàng xem xét, quyết định phát hành thư tín dụng khi khách hàng có đủ các điều kiện sau đây:
- Có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật;
- Nhu cầu mở thư tín dụng để phục vụ hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ hợp pháp;
- Có phương án sử dụng vốn khả thi;
- Có khả năng tài chính để thanh toán hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ.
Thời hạn cấp tín dụng trong nghiệp vụ phát hành thư tín dụng là khoảng thời gian được xác định từ ngày tiếp theo ngày phát hành thư tín dụng cho đến ngày đến hạn thanh toán thư tín dụng nhưng không vượt quá thời hạn hoạt động hợp pháp còn lại của ngân hàng và khách hàng.
10. Bổ sung quy định về khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm
Thông tư 19/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 08/2023/TT-NHNN về điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh.
Theo đó, bổ sung Điều 5a quy định về khoản vay nước ngoài để thanh toán hợp đồng nhập khẩu hàng hóa của bên đi vay không phải là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài như sau:
- Khi thực hiện khoản vay nước ngoài để thanh toán hợp đồng nhập khẩu hàng hóa trả chậm phục vụ thực hiện dự án đầu tư hoặc kế hoạch sản xuất kinh doanh, dự án khác của bên đi vay:
Mục đích vay nước ngoài của bên đi vay được xác định nhằm thực hiện dự án đầu tư hoặc thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, dự án khác của bên đi vay;
Bên đi vay được loại trừ dư nợ vay trung dài hạn nước ngoài bằng hàng phát sinh từ hợp đồng nhập khẩu hàng hóa trả chậm khi tính toán giới hạn vay nước ngoài.
- Bên đi vay được vay nước ngoài để thanh toán hợp đồng nhập khẩu hàng hóa (bao gồm cả việc trả nợ bắt buộc đối với ngân hàng phát hành) theo thư tín dụng được phát hành bởi ngân hàng phát hành.
Trên đây là tổng hợp chính sách mới về tài chính - ngân hàng có hiệu lực tháng 7/2024.
Để cập nhật các văn bản pháp luật mới nhất về tài chính - ngân hàng, vui lòng tham gia Group VBPL tài chính - ngân hàng của LuatVietnam