1. Chính khách là gì? Nhà chính khách là người như thế nào?
Trước những năm 1986, Chính khách chỉ được dùng để gọi các nhà viên chức, cán bộ cấp cao ở các nước tư bản. Theo đó, thuật ngữ chính khách là gì có nhiều quan điểm giải thích khác nhau. Cụ thể là:
- Theo Platon, chính khách là người thông thái, biết “ cai trị người khác với sự bằng lòng của họ”
- Theo Aristote, chính khách lại là người cai trị hợp pháp, có lòng nhân từ, vị tha, luôn tôn trọng lợi ích của dân chúng
- Machiavelli thì cho rằng: Chính khách là người biết kết hợp sức mạnh của sư tử với sự tinh ranh của cáo.
Như vậy, câu trả lời cho câu hỏi chính khách là gì như sau:
Chính khách là nguồn nhân lực cao cấp, nòng cốt nhất, giữ vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị của một quốc gia. Họ tham gia trong việc xây dựng, lãnh đạo và dẫn dắt dân tộc, đất nước phát triển. Chính khách thường có sức ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu rộng trong phạm vi cả nước.
Nhà chính khách là người chuyên hoạt động về chính trị và có sự đóng góp nổi bật, ảnh hưởng rộng lớn mang tầm quốc gia. Họ thường là người giữ cương vị công tác cao cấp và có mức độ ảnh hưởng chính trị dài hạn. Chính khách phải là người vừa có tài vừa có đức trong việc gánh vác trọng trách quản lý đất nước.
2. Phẩm chất và yếu tố cần có của chính khách
Chính khách là danh xưng thể hiện sự kính trọng, suy tôn mà xã hội dành cho một nhà chính trị. Danh xưng này không thể hiện qua bằng cấp hay chứng nhận mà nó được công nhận một cách tự nhiên trong xã hội.
Để được công nhận là chính khách, một người không chỉ phải giữ chức vị cao mà còn cần phải có những phẩm chất về tư duy và tâm đức. Đầu tiên, về phẩm chất chính trị và đạo đức, chính khách là người hội tụ đủ 4 yếu tố gồm:
- Trung thành với lợi ích của quốc gia; có lập trường, quan điểm chính trị rõ ràng, vững vàng; có tinh thần yêu nước, sẵn sàng hi sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung, lợi ích quốc gia - dân tộc
- Có phẩm chất đạo đức trong sáng, khiêm tốn, cần mẫn; có tính cần - kiệm - liêm - chính, chí công vô tư; không vụ lợi, tham vọng quyền lực, danh vọng cá nhân
- Có đạo đức, trách nhiệm với công việc, năng lực và động cơ đúng đắn; luôn tiên phong, gương mẫu, công bằng, chính trực trong công việc; trọng dụng người tài, không lợi dụng chức danh, quyền lực để trục lợi; tuân thủ nghiêm chỉnh các nguyên tắc của Đảng, nhà nước và luật pháp
- Trung thực và không xu thời; không quan liêu, tham nhũng, tích cực tham gia các hoạt động đẩy lùi các suy thoái về tư tưởng chính trị; trung thực với nhân dân, được dân tín nhiệm; tính kỷ luật trong công việc cao.
Về năng lực trí tuệ, chính khách phải là người có tầm viễn kiến về chính trị, khả năng thấu hiểu quy luật và được lòng tin từ nhân dân. Họ phải có vốn kiến thức chuyên môn sâu rộng trong lĩnh vực mà mình đảm nhiệm. Chính khách đòi hỏi phải có đầu óc nhạy bén kết hợp với khả năng tư duy chiến lược bao quát và sâu sắc.
Đồng thời, các nhà chính khách thường phải có kỹ năng diễn thuyết, năng lực dẫn dắt và truyền cảm hứng tốt. Họ bắt buộc phải có khả năng tổ chức, đầu óc thực tế và phản biện nhanh nhẹn để thuyết phục nhân dân. Những điều này kết hợp với năng lực quyết đoán, linh hoạt trong việc ra quyết định giúp chính khách đạt được sự tin tưởng từ nhân dân.
Vậy một chính khách cần hội tụ đủ 4 yếu tố: bản lĩnh chính trị - bản lĩnh lãnh đạo và tổ chức - tầm tư duy sắc bén - tấm gương tiên phong trước nhân dân. Đây là những nhân tố thiết yêu phải có của một nhà chính khách đáng kính.
3. Con đường để trở thành chính khách ở Việt Nam
Hiện nay, những nhà chính khách thường là những người giữ vị trí quan trọng trong bộ máy quản lý nhà nước. Do đó, để trở thành chính khách, điều kiện tiên quyết là bạn phải đảm nhận được những vị trí trong Đảng, cơ quan nhà nước,... Đây là bước đà quan trọng trên con đường trở thành chính khách.
Đầu tiên, bạn cần phải trang bị nền tảng kiến thức và trình độ chuyên môn vững chắc. Việc học tập và nghiên cứu theo các ngành quản lý nhà nước, luật, báo chí,... sẽ giúp bạn hiểu rõ các kiến thức về hành chính học và quản lý nhà nước trong tất cả các lĩnh vực. Hiện nay, một số trường đang đào tạo các ngành này như trường học viện hành chính, trường quân đội, đại học luật, đại học chính trị,...
Trong quá trình học tập, bạn có thể vừa rèn luyện, nâng cao kiến thức, các phẩm chất chính trị, đạo đức để trở thành một nhà chính khách xuất sắc. Trở thành thành viên của Đảng, kết nạp vào Đảng sẽ giúp bạn học tập và rèn luyện những yếu tố trên. Tuy nhiên, để được gia nhập vào Đảng, bạn cần phải đáp ứng đầy đủ điều kiện để được kết nạp Đảng.
Cuối cùng, khi ra trường, bạn sẽ có cơ hội làm việc tại các cơ quan nhà nước. Trong quá trình công tác, việc bồi dưỡng, cống hiến trí tuệ và tâm đức để tạo nên những đóng góp tích cực, vang dội sẽ giúp bạn trở thành một nhà chính khách được xã hội kính trọng.
4. Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà chính khách nổi bật nhất của Việt Nam
Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là vị lãnh tụ đáng kính của cả dân tộc vừa là vị chính khách nổi bật ở cả Việt Nam và quốc tế. Ở Người, phong cách chính khách được thể hiện qua tư tưởng, tư duy cùng lối sống chân thật gắn liền trong các hoạt động cách mạng.
Hồ Chí Minh là một vị chính khách tài ba, lỗi lạc. Phong cách chính khách của Hồ Chí Minh thể hiện qua các hoạt động mà Người quản lý trên cương vị đứng đầu Đảng, Nhà nước và trong thực tiễn hoạt động Cách mạng. Sự tài đức của chính khách Hồ Chí Minh thể hiện qua 4 điều sau:
- Hồ Chí Minh có vốn hiểu biết sâu rộng và khả năng am hiểu văn hoá Thế giới. Người tôn trọng và kết hợp nhuần nhuyễn văn hoá dân tộc để lan truyền vẻ đẹp văn hoá Việt Nam trong lòng quốc tế
- Chủ tịch Hồ Chí Minh là người nhạy bén, tinh tế, sáng tạo và linh hoạt. Trong quan hệ đối ngoại, Người luôn có lối ứng xử dung hòa giữa việc làm, lời nói và hành động cho phù hợp nhưng vẫn đảm bảo giữ vững quyền lợi, độc lập dân tộc
- Hồ Chí Minh luôn gần gũi, thân thiết và quan tâm tới dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh được mệnh danh là vị lãnh tụ gần gũi với dân nhất. Người luôn hòa mình vào cuộc sống của nhân dân với sự yêu thương dạt dào mà không hề câu nệ chức vụ
- Hồ Chí Minh có cách nói giản dị, chạm vào lòng người và dễ thuyết phục. Là người học rộng tài cao, Hồ Chí Minh có vốn từ phong phú nhưng vẫn cô đọng và súc tích. Người luôn dùng lối sống giản dị, khiêm tốn để cư xử với mọi người xung quanh
Hồ Chí Minh là chính khách nổi tiếng nhất Việt Nam. Giá trị mà Người mang lại là những giá trị bền vững, ổn định và có sự lan tỏa mạnh mẽ trên thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp của chính khách Hồ Chí Minh đã dành trọn cho việc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Người là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam.
Với những thông tin trên đây, LuatVietNam hi vọng sẽ giúp các bạn có cách hiểu chính xác hơn về chính khách là gì? Đồng thời, có thể giúp cho những bạn có mong muốn trở thành một nhà chính khách xác định hướng đi đúng đắn nhất cho ước mơ của mình.
Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.