1. CPI là gì?
Chỉ số CPI (Consumer price index) là chỉ số phản ánh mức độ thay đổi một cách tương đối của giá hàng tiêu dùng theo thời gian và được tính theo đơn vị phần trăm. Nói ngắn gọn, chỉ số CPI là chỉ số giá tiêu dùng.
CPI là một chỉ số được sử dụng phổ biến không chỉ để phản ánh mức độ tăng giá của hàng tiêu dùng, mà còn để đo lường mức mức giá và sự thay đổi của mức giá có ảnh hưởng đến vấn đề lạm phát.
2. Chỉ số CPI Việt Nam ước tính năm 2023
Việt Nam đã bắt đầu sử dụng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ năm 1998. Cho đến nay, năm 2023, chỉ số CPI bình quân được ghi nhận vào thời điểm sớm nhất ngày 29/7 đã tăng 0,45% so với số liệu ghi nhận tại tháng trước. Trong đó, CPI của 10 trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ đã tăng giá so với năm trước, ngoại trừ nhóm bưu chính viễn thông giảm giá (0,12%).
Bên cạnh đó, theo báo cáo của Tổng cục thống kê đã đưa ra nhận định, CPI các tháng từ đầu năm đến nay so với năm 2022 có xu hướng giảm dần. Ghi nhận trong số đó có: CPI tháng 1 tăng cao nhất (4,89%) nhưng sau đó giảm dần đến tháng 6 (2%) và tháng 7 lại tiếp tục tăng lại (2,06%).
Nhìn chung, trong bình quân 7 tháng năm 2023, chỉ số CPI trung bình tăng 3,12% so với cùng kỳ năm trước.
3. Cách tính chỉ số CPI chuẩn xác và chi tiết
Để tính chỉ số CPI ta cần sử dụng phương pháp tính số bình quân gia quyền theo công thức Laspeyres của giá cả được ghi nhận tại kỳ báo cáo (Kỳ t) so với kỳ cơ sở (Kỳ được lấy làm gốc hay mốc thời gian bắt đầu). Các bước thực hiện tính chi tiết như sau:
Cố định giỏ hàng hóa: Thông qua những điều tra và số liệu ghi được, người ta sẽ xác định lượng hàng hóa và dịch vụ tiêu biểu mà một người người tiêu dùng thường xuyên chi trả.
Xác định giá cả: Tiếp theo đó, giá trị của mỗi hàng hóa đã được điều tra ở bước trước sẽ được thống kê tại mỗi thời điểm nhất định.
Tính chi phí đã chi trả mua hàng hóa, dịch vụ: Thông qua thống kê giá trị của mỗi hàng hóa đã được lập, ta cần tính chi phí (Bằng tiền) của các hàng hóa đã mua bằng cách lấy số lượng nhân với giá cả của từng loại hàng hóa và cộng các kết quả vừa tính được với nhau.
Tiến hành tính chỉ số giá tiêu dùng sau khi chọn lựa được thời kỳ gốc để tính theo công thức sau đây:
CPIt = (Chi phí dùng để mua giỏ hàng hóa tại thời kỳ t) / (Chi phí dùng để mua giỏ hàng hóa tại thời kỳ cơ sở)
(CPI thường được tính theo hàng tháng và hàng năm)
CPI còn được sử dụng để tính lạm phát theo thời kỳ. công thức tính như sau:
Lấy năm X là năm cần tính chỉ số lạm phát CPI so với năm Y (Năm trước năm X)
Chỉ số lạm phát X = 100 x (CPI năm X - CPI năm Y) / (CPI năm Y)
4. Một số vấn đề thường gặp khi tính chỉ số CPI
CPI sử dụng một gió hàng hóa cố định tiêu biểu để tính toán nên trong quá trình tính sẽ phát sinh một số hạn chế sau đây:
CPI không thể phản ánh mức giá đúng với thực tế: Khi sử dụng giỏ hàng cố định, CPI không thể nắm bắt được tình hình giá cả hàng hóa đang tăng nhanh hơn so với mặt hàng khác. Điều này dẫn đến tình trạng kết quả CPI đưa ra cao hơn so với mức giá thực tế.
CPI không thể phản ánh sự xuất hiện của loại hàng hóa mới: CPI sử dụng giỏ hàng cố định, nên trong thời gian đó, nếu có một sản phẩm mới được tung ra thị trường, mặt hàng mới này sẽ có khả năng cao làm đa dạng sản phẩm, khiến CPI không thể phản ánh chính xác sức mua của dòng tiền và dẫn đến vấn đề đánh giá mức giá cao hơn thực tế.
CPI không bắt kịp được sự thay đổi của chất lượng hàng hóa cụ thể: Khi một hàng hóa có giá tăng và chất lượng hàng hóa cũng tăng, thì khi ta tính CPI sẽ ở mức không đổi so với ban đầu. Tóm lại, chất lượng hàng hóa, dịch vụ đều có xu hướng nâng cao, vì vậy, CPI cũng đã phóng đại mức giá.
5. Ý nghĩa của chỉ số CPI là gì?
CPI là một chỉ số có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với cuộc sống của người dân nói riêng và cả nền kinh tế nói chung. Vậy những ý nghĩa của chỉ số CPI là gì?
CPI là bằng chứng xác thực mang đến một cái nhìn tổng quan về sự thay đổi của giá bán hàng hóa, dịch vụ. Thông qua đó, các nhà kinh tế sẽ theo dõi được sự thay đổi của những chi phí sinh hoạt theo thời gian vì khi CPI tăng lên đồng nghĩa với mức giá tiêu thụ trung bình sẽ tăng và ngược lại.
CPI có thể đưa đến những thông điệp cảnh báo về sự biến động trong thị trường tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ để chính phủ, và những nhà kinh tế có thể đưa ra những chính sách điều chỉnh hoặc đề xuất phù hợp nhằm ngăn chặn kịp thời hoặc tránh các rủi ro không đáng có.
Chỉ số giá tiêu dùng CPI còn có thể dùng để đo lường mức độ lạm phát của một quốc gia vì khi chỉ số này có biến động trong giá bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng hoặc giảm không thể kiểm soát có thể gây ra tình trạng suy thoái và kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác.
6. Mối liên hệ giữa CPI và các yếu tố trong kinh tế
CPI có tác động lớn đến nhiều yếu tố trong nền kinh tế. Một số yếu tố tiêu biểu có thể nói đến là:
Mối quan hệ với lạm phát: Chỉ số CPI được dùng để đo lường lạm phát vì khi CPI có sự tăng giảm, có nghĩa là chỉ số giá tiêu dùng có sự biến động và ta có thể đánh giá sức mua của đồng tiền. Từ đó, ta có thể rút ra rằng, khi CPI tăng (Giá tăng) thì sức mua tiền tệ giảm kéo theo đồng tiền dần mất giá và dẫn đến lạm phát. Tùy vào những trường hợp lạm phát khác nhau mà nó mang tác động tích cực hay tiêu cực đến nền kinh tế.
Mối quan hệ với tốc độ tăng trưởng GDP: Dựa vào tình hình tăng giảm của chỉ số giá tiêu dùng của các mặt hàng hóa, ta có thể nắm được lạm phát đang ở mức tương đối nào và đưa ra nhận định về tốc độ tăng trưởng kinh tế.
7. Kết luận
Trên đây là chỉ số CPI là gì? và chỉ số CPI của Việt Nam được ước tính năm 2023. Chỉ số CPI có vị trí và ý nghĩa vô cùng quan trọng giúp đánh giá, cảnh báo, dự đoán tình hình mua bán hàng hóa, dịch vụ để có những bước đi phù hợp và đúng đắn. Mọi vấn đề còn vướng mắc vui lòng liên hệ 19006192 để được LuatVietnam hỗ trợ, giải đáp.