Trong nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh tế, chính trị, văn hóa,v..v đều xuất hiện cụm từ cạnh tranh. Vậy, cạnh tranh là gì? Nhà nước quy định pháp luật cạnh tranh như thế nào? Vai trò của cạnh tranh ra sao? Những nội dung đó sẽ được trình bày trong bài viết dưới đây.
- 1. Cạnh tranh là gì?
- 2. Nguyên nhân dẫn tới cạnh tranh
- 3. Vai trò của sự cạnh tranh
- 3.1 Vai trò của sự cạnh tranh đối với doanh nghiệp
- 3.2 Vai trò của cạnh tranh đối với người tiêu dùng
- 3.3 Vai trò của cạnh tranh đối với nền kinh tế
- 4. Một số quy định cần chú ý về cạnh tranh
- 5. Kết luận
1. Cạnh tranh là gì?
Cạnh tranh là khái niệm có ý nghĩa rất rộng, vì được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau.
Trong hoạt động kinh tế, cạnh tranh là sự tranh đua để giành lấy tài nguyên sản xuất, tiêu thụ, thị phần giữa những chủ thể kinh doanh trên thị trường nhằm giành lấy phần lợi về mình.
Dưới góc độ pháp lý, không có một định nghĩa thống nhất về cạnh tranh. Tuy nhiên, thông qua các quy định của pháp luật cạnh tranh, ta có thể hiểu cạnh tranh là những hành vi nhằm mục đích chiếm ưu thế về phía mình giữa các đối thủ.
Cùng với sự phát triển của xã hội, những mặt tiêu cực của cạnh tranh xuất hiện càng nhiều, bắt buộc Nhà nước phải can thiệp. Hiện tại cạnh tranh là lĩnh vực thuộc sự điều chỉnh của pháp luật, từ đó đưa ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, diễn ra trong trật tự và khuôn khổ, hạn chế những hậu quả tiêu cực về mặt xã hội.
Ví dụ: Một công ty muốn có thêm lợi nhuận, muốn thu hút khách hàng nên đã hạ giá sản phẩm của mình. Nếu hạ giá quá thấp, Nhà nước sẽ can thiệp bằng các văn bản pháp luật, có thể phạt tiền hoặc tịch thu lợi nhuận thu được từ việc phá giá.
Cạnh tranh là sự ganh đua nhằm giành phần lợi về mình (Ảnh minh họa)
2. Nguyên nhân dẫn tới cạnh tranh
Trong hoạt động kinh tế, cạnh tranh là quy luật của nền kinh tế thị trường, có quan hệ mật thiết với các quy luật khác như quy luật cung cầu, quy luật lưu thông tiền tệ..v..v.. . Khi đã hiểu được cạnh tranh là gì, chúng ta hãy tìm hiểu nguyên nhân nào dẫn tới cạnh tranh.
Các nguyên nhân dẫn tới cạnh tranh như sau :
-
Sự tồn tại nhiều chủ thể trong thị trường. Nhiều chủ thể hoạt động kinh doanh làm nguồn cung tăng, các chủ thể phải cạnh tranh để tìm lợi thế cho mình.
-
Tư liệu sản xuất và mục tiêu lợi ích khác nhau. Mỗi chủ thể khác nhau có tư liệu sản xuất khác nhau, điều kiện sản xuất thuận lợi tăng giúp chủ thể có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn.
-
Tránh những rủi ro, bất lợi trong lưu thông hàng hóa, dịch vụ.
Nguyên nhân của cạnh tranh là sự tồn tại nhiều chủ thể trong thị trường (Ảnh minh họa)
3. Vai trò của sự cạnh tranh
Giai đoạn 1986 - 2000, nền kinh tế nước ta chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường hoạt động theo cơ chế thị trường. Đây là lúc cạnh tranh và quy luật cạnh tranh được thừa nhận, vai trò của cạnh tranh thể hiện rõ nét hơn ở các chủ thể như doanh nghiệp, người tiêu dùng và nền kinh tế.
3.1 Vai trò của sự cạnh tranh đối với doanh nghiệp
Cạnh tranh là điều không thể tránh khỏi. Đã tham gia thị trường bắt buộc các doanh nghiệp phải chấp nhận cạnh tranh lẫn nhau. Cạnh tranh sẽ giúp các doanh nghiệp thể hiện được khả năng của mình nhằm vươn lên, chiếm ưu thế.
Sự tồn tại khách quan và sự ảnh hưởng của quy luật cạnh tranh càng lớn hơn mỗi ngày, bắt buộc doanh nghiệp phải nâng cao khả năng cạnh tranh của mình. Cạnh tranh đẩy mạnh việc nghiên cứu và áp dụng các công nghệ mới, hiện đại, buộc những doanh nghiệp khác phải nâng cao chất lượng mẫu mã, tạo ra sản phẩm mới để cạnh tranh.
Cạnh tranh giúp phát triển công nghệ, kỹ thuật mới (Ảnh minh họa)
3.2 Vai trò của cạnh tranh đối với người tiêu dùng
Trong một thị trường diễn ra sự cạnh tranh gay gắt thì người được hưởng lợi là khách hàng hoặc người tiêu dùng. Khách hàng sẽ được hưởng những thành quả do cạnh trang đưa đến như : giá thấp hơn, chất lượng dịch vụ cao hơn, sản phẩm tiện ích hơn,v..v.
Đồng thời, người tiêu dùng cũng là yếu tố tác động ngược lại với cạnh tranh bằng những yêu cầu như giá cả, chất lượng sản phẩm,v.v…. Chỉ khi doanh nghiệp nắm rõ yêu cầu của khách hàng thì mới có thể cạnh tranh hiệu quả được.
3.3 Vai trò của cạnh tranh đối với nền kinh tế
Cạnh tranh tác động vào nền kinh tế theo mặt tích cực và tiêu cực.
Cạnh tranh giúp phát triển kinh tế, nâng cao năng suất lao động, đồng thời đảm bảo phân phối thu nhập và các nguồn lực kinh tế vào những doanh nghiệp mạnh, có khả năng cạnh tranh cao. Trong trường hợp cạnh tranh lành mạnh giúp điều tiết nền kinh tế, chống lại sự độc quyền và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Đó là mặt tích cực.
Một nền kinh tế xuất hiện sự cạnh tranh không lành mạnh, hoặc cạnh tranh độc quyền sẽ bị ảnh hưởng xấu. Điều này tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng, mâu thuẫn về quyền lợi và lợi ích kinh tế giữa các chủ thể trong xã hội. Cạnh tranh cũng làm thay đổi cấu trúc xã hội, hình thành sự phân hóa giàu nghèo một cách mạnh mẽ.
4. Một số quy định cần chú ý về cạnh tranh
Sau thời kì đổi mới lên nền kinh tế thị trường vào giai đoạn 1986 - 2000 thì việc nắm rõ cạnh tranh là gì cũng như sử dụng quy tắc cạnh tranh để điều tiết thị trường là rất quan trọng. Nhà nước đã có những văn bản pháp luật quy định trình tự, thủ tục giải quyết các vụ việc do hành vi cạnh tranh không lành mạnh và các biện pháp ngăn chặn, xử lý với các chủ thể đó.
Hiện nay, Luật Cạnh tranh 2018 vẫn có hiệu lực và tiếp tục được áp dụng cho tới khi có văn bản thay thế. Luật Cạnh tranh được chính thức thông qua bởi Quốc hội vào ngày 12/06/2018 và có hiệu lực vào ngày 01/07/2019.
Điều 8 Luật Cạnh tranh 2018 quy định những hành vi bị nghiêm cấm liên quan tới cạnh tranh gồm :
-
Cơ quan Nhà nước yêu cầu, ép buộc, khuyến nghị chủ thể kinh doanh phải thực hiện hoặc không thực hiện việc sản xuất, mua bán hàng hóa, cung ứng sử dụng dịch vụ với doanh nghiệp cụ thể, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền của Nhà nước hoặc trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của Nhà nước.
-
Cơ quan Nhà nước phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp.
-
Cơ quan Nhà nước yêu cầu, khuyến nghị, yêu cầu các tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoặc doanh nghiệp khác liên kết với nhau nhằm hạn chế cạnh tranh trong thị trường.
-
Cơ quan Nhà nước lợi dụng quyền hạn, chức vụ để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động cạnh tranh.
-
Cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin, kêu gọi, ép buộc, vận động hoặc tổ chức để doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh.
Đồng thời, hành vi lạm dụng vị trí độc quyền cũng bị cấm. Điều 27 Luật Cạnh tranh 2018 quy định như sau:
-
Doanh nghiệp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn tới loại bỏ đối thủ cạnh tranh, hay còn gọi là phá giá thị trường.
-
Doanh nghiệp đưa ra giá mua hoặc giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng.
-
Doanh nghiệp cản trở sự phát triển kỹ thuật, áp đặt giá mua bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý gây nên thiệt hại cho khách hàng.
-
Doanh nghiệp áp dụng điều kiện thương mại khác nhau gây ra hoặc có khả năng cản trở doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác.
-
Doanh nghiệp ngăn cản việc tham gia hoặc mở rộng thị trường của doanh nghiệp khác.
-
Doanh nghiệp có những hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường khác.
5. Kết luận
Cạnh tranh là một phần không thể thiếu của thị trường. Việc doanh nghiệp, người tiêu dùng và các ban ngành quản lý hiểu rõ cạnh tranh là gì sẽ giúp cho nền kinh tế ngày càng phát triển hơn. Đồng thời, hạn chế được mặt tiêu cực của cạnh tranh, khuyến khích những mặt tích cực sẽ góp phần bình ổn thị trường, tạo nên một nền kinh tế vững mạnh.