1. Bisexual là gì?
Theo một báo cáo của Hiệp hội tâm lý học Hoa Kỳ, xu hướng tính dục của con người được xác định dựa trên nhiều yếu tố như tình cảm, cảm xúc, tình dục...
Bisexual là thuật ngữ được dùng để nói về xu hướng tính dục song tính. Đây là những người có sự rung động, cảm xúc yêu đương, ân ái với cả nam và nữ. Theo đó, họ có thể có quan hệ tình cảm/tình dục với cả người đồng giới và khác giới.
Ngoài Bisexual, còn có 04 dạng xu hướng tính dục khác là:
Dị tính (Heterosexual): Là khi bị hấp dẫn bởi những người khác giới (xu hướng bình thường).
Đồng tính (Homossexual): Là khi bị hấp dẫn bởi người khác cùng giới tính.
Toàn tính (Pansexual): Là khi bị hấp dẫn bởi bất cứ giới tính nào.
Vô tính (Asexual): Là khi không bị hấp dẫn bởi bất cứ giới tính nào.
Bên cạnh đó, Bisexual cũng là một trong những xu hướng tính dục tiêu biểu của cộng đồng LGBT - cộng đồng của những người có xu hướng tính dục khác với xu hướng tính dục dị tính thông thường.
2. Ngoài Bisexual cộng đồng LGBT còn có xu hướng tính dục nào?
Bisexual chính là một trong những chữ cái viết tắt của LGBT. Ngoài Bisexual thì công đồng này còn có các xu hướng tính dục khác như:
2.1. Lesbian: Đồng tính nữ
Những người này về sinh học thì là nữ và bị thu hút về tình cảm, tình dục với những người đồng giới cũng là nữ.
2.2. Gay: Đồng tính nam
Những người này về sinh học thì là nam và bị thu hút về tình cảm, tình dục với những người đồng giới cũng là nam.
2.3. Transgender: Chuyển giới
Đây là những người sinh ra với một giới tính sinh học khác với xu hướng tính dục bên trong suy nghĩ của mình. Tuy nhiên, nhờ việc phẫu thuật chuyển đổi giới tính, họ đã có bộ phận sinh dục đúng với giới tính mà mình mong muốn.
3. Bisexual có phải là bệnh không?
Ngoài thắc mắc Bisexual là gì, rất nhiều người còn chưa rõ Bisexual và những xu hướng tính dục thuộc LGBT có phải là bệnh hay không.Mặc dù hiện nay xã hội đã có cái nhìn cởi mở hơn về giới tính, tuy nhiên rất nhiều bậc phụ huynh vẫn coi những người thuộc cộng đồng LGBT như Gay, Les, Bisexual là một căn bệnh.
Họ mù quáng tin vào những phương pháp chữa bệnh kì quái, thiếu cơ sở khoa học của một số sở khám, chữa bệnh tự nhận là chữa khỏi bệnh đồng tính để rồi nhận lấy hậu quả xấu không đáng có.
Trước tình trạng này, tại Công văn 4132/BYT-PC ngày 03/8/2022, Bộ Y tế đã đưa ra dẫn chứng khẳng định đồng tính, song tính, chuyển giới không phải là bệnh, vậy nên không thể chữa, không cần chữa và cũng không thể thay đổi được.
Không được can thiệp, ép buộc điều trị với các đối tượng này, đồng thời chỉ được hỗ trợ về tâm lý do người có hiểu biết về bản dạng giới thực hiện.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế tổ chức khám, chữa bệnh cho người đồng tính, song tính, chuyển giới một cách bình đẳng, tôn trọng về giới tính, không phân biệt đối xử và kỳ thị đối với các đối tượng này.
Xem thêm: Bộ Y tế khẳng định LGBT không phải là bệnh, không cần chữa và không thể chữa
4. Pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về LGBT và Bisexual?
Dưới góc độ pháp lý, giới tính chỉ được nhìn nhận bởi các đặc điểm sinh học. Do đó chỉ có 02 giới tính được ghi nhận trên các loại giấy tờ là nam và nữ.
Sau đây là một số vấn đề liên quan đến cộng đồng LGBT nói chung và Bisexual nói riêng đã được pháp luật quy định:
4.1. Về kết hôn đồng giới
Trước đây Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 đã từng cấm những người cùng giới tính hôn.
Tuy nhiên, đến khoản 2 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, quan điểm về hôn nhân giữa những người đồng giới của Nhà nước chỉ dừng lại ở mức không thừa nhận hôn nhân.
Việc không thừa nhận hôn nhân đồng giới nhưng không cấm tức là những người đồng giới có thể làm đám cưới và sinh sống như vợ chồng với nhau, chỉ là không được đăng ký kết hôn hợp pháp.
Điều này có thể dẫn tới hậu quả là khi rời bỏ quan hệ và có tranh chấp về tài sản chung, nợ chung… thì cũng pháp luật sẽ không giải quyết theo nguyên tắc giải quyết tranh chấp tài sản chung của vợ chồng.
Đây có thể là một trong những thay đổi quan trọng trong việc hướng tới chấp nhận hôn nhân đồng giới. Tuy nhiên, cũng chưa thể khi nào Việt Nam sẽ chấp nhận hôn nhân đồng giới.
4.2. Về vấn đề nhận con nuôi
Theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Luật Nuôi con nuôi, một đứa trẻ chỉ được nhận làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng.
Do Việt Nam chưa thừa nhận hôn nhân đồng giới nên cặp đôi đồng giới sẽ không được công nhận là vợ chồng hợp pháp.
Chính vì vậy, nếu muốn nhận con nuôi tại Việt Nam, cặp đôi đồng giới chỉ có thể để một trong hai người đứng ra làm thủ tục nhận con nuôi.
Xem thêm: Cặp đôi đồng tính có được nhận con nuôi không?
4.3. Về công nhận người chuyển giới
Trước đây, nước ta từng cấm người đã hoàn thiện về giới tính thực hiện chuyển đổi giới tính từ nam sang nữ và ngược lại tại tại Nghị định 88/2008/NĐ-CP.
Tuy nhiên đến năm 2015, Bộ luật Dân sự đã có quy định khác về vấn đề này tại Điều 37:
Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.
Như vậy, Bộ Luật dân sự 2015 đã chính thức cho phép người chuyển giới được thay đổi thông tin hộ tịch về giới tính để đúng với giới tính mà học thực sự mong muốn
Đồng thời, người chuyển giới cũng được thay đổi họ tên (là một trong những quyền nhân thân cơ bản) sao cho phù hợp với giới tính mới đã được chuyển đổi.
4.4. Về giấy tờ nhân thân với những người chuyển giới
Theo quy định tại Điều 23 Luật Căn cước công dân, xác định lại giới tính là một trong các trường hợp công dân có quyền yêu cầu cấp lại thẻ Căn cước công dân.
Thủ tục làm Căn cước công dân của người chuyển giới nhìn chung không có gì khác biệt so với những người bình thường.
Để làm thẻ Căn cước, công dân đến trực tiếp đến cơ quan Công an có thẩm quyền để thực hiện thủ tục. Cán bộ công an sẽ hướng dẫn điền vào Tờ khai làm Căn cước công dân gắn chip. Sau đó chụp ảnh, lăn tay… cập nhật thông tin thay đổi về giới tính, họ tên của công dân lên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Cuối cùng, người dân nộp lệ phí và nhận giấy hẹn trả kết quả.
Xem thêm: Cập nhật thủ tục làm Căn cước công dân gắn chip mới nhất
4.5. Về vấn đề kết hôn của người chuyển giới
Điều kiện đăng ký kết hôn được quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình như sau:
1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
Sau khi chuyển đổi giới tính, chỉ cần thay đổi hộ tịch theo giới tính mới, đồng thời đáp ứng đủ điều kiện về đăng ký kết hôn theo quy định trên thì người chuyển giới hoàn toàn được quyền đăng ký kết hôn.
4.6. Quyền lợi của người đồng tính, chuyển giới ở trong trại giam
Đối với các đối tượng là người đồng tính, người chuyển giới và người chưa xác định rõ giới tính, khoản 3 Điều 30 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 cho phép họ có thể được giam giữ riêng.
Trên đây là giải đáp về các vấn đề liên quan đến Bisexual là gì. Nếu còn vướng mắc, bạn đọc vui lòng gọi 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp