1. Bạo lực học đường là gì?
Xã hội hiện nay ngày càng phát triển, cùng với đó là sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin đã dẫn đến tăng tỷ lệ bạo lực từ phía giới trẻ mà cụ thể là ở môi trường học đường. Do có mâu thuẫn bốc đồng trên mạng xã hội, những hiểu lầm không đáng kể hoặc muốn thể hiện bản thân của các em nên đã dẫn đến tình trạng bạo lực học đường. Vậy bạo lực học đường là gì?
Căn cứ vào khoản 5 Điều 2 của Nghị định 80/2017/NĐ-CP, bạo lực học đường là hành vi ngược đãi, đánh đập, bạo hành; làm tổn hại đến sức khỏe, thân thể; sỉ nhục, lăng mạ đến danh dự và nhân phẩm; tẩy chay, cô lập, ruồng rẫy và những hành động gây ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe tinh thần và thể chất của bạn học trong các tổ chức, cơ sở giáo dục.
2. Nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường
Vậy thì nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường là gì? Có rất nhiều nguồn cơn khác nhau, tuy nhiên nguyên nhân chính có thể tới từ phía gia đình, nhà trường và xã hội
2.1 Từ phía gia đình
Gia đình không quan tâm, để ý tâm tư tình cảm của các em, giao phó trách nhiệm giáo dục cho nhà trường nên trẻ sẽ không có nền tảng giáo dục tốt, từ đó dẫn đến hiện trạng này.
Ngoài ra, việc trẻ bị ảnh hưởng bởi gia đình có xu hướng bạo lực cũng là một nguyên nhân dẫn đến hành vi bạo lực của các em.
2.2 Từ phía nhà trường
Mô hình giáo dục của nhà trường chưa đúng cách, chưa có hiệu quả, mang quá nhiều tính hàn lâm nhưng bỏ qua các tổ chức các hoạt động ngoại khóa hay chú tâm vào giáo dục nhân cách, văn hóa ứng xử cho các em.
Mặt khác, còn có một số trường có xu hướng chạy theo thành tích dẫn đến việc bao che cho các hành vi bạo lực, không làm gương, răn đe học sinh của mình khiến hiện tượng bạo lực học đường ngày càng phổ biến.
2.3 Từ phía xã hội
Môi trường sống xung quanh ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách và các hành xử của các em, nhất là trong độ tuổi mới lớn (12 đến 17 tuổi) đầy nhạy cảm. Vậy thì vấn đề từ xã hội là như thế nào?
Đó là việc trẻ bị ảnh hưởng bởi các văn hóa bạo lực trong phim ảnh, sách báo, game có xu hướng bạo lực. Những hình ảnh không qua kiểm duyệt đầy rẫy trên mạng khiến cho các đối tượng tuổi vị thành niên tò mò và khám phá, từ đó sinh ra xu hướng bạo lực với bạn học ở ngoài đời thực.
3. Hiện trạng về bạo lực học đường ở Việt Nam
Thực trạng bạo lực học đường ở Việt Nam đang ngày càng phổ biến và mang tính chất nghiêm trọng. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thống kê, có gần 1600 vụ học học sinh đánh nhau xảy ra trên toàn quốc chỉ trong một năm học.
Đây là một con số đáng báo động. Ngoài ra, một số khác thống kê rằng cứ khoảng 5.200 học sinh thì sẽ có 1 vụ ẩu đả và cứ 11.000 học sinh thì sẽ có 1 trường hợp bị đình chỉ học vì đánh nhau ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, từ năm 2013 đến 2015 có hơn 75% học sinh, sinh viên bị xử lý hình sự. Nghiệm trọng hơn là các đối tượng này đang ngày một trẻ hóa, hành vi càng đa dạng và mang tính chất nguy hiểm hơn.
Đáng buồn hơn là không phải tất cả những trường hợp đều được xử lý, nhà trường có thể che giấu đi nhằm bảo vệ danh tiếng cho trường. Điều này đã để lại đả kích lớn cho nhiều nạn nhân.
Từ đó, ta có thể nhận thấy được tình trạng này đang là vấn đề gây nhức nhối cho xã hội Việt Nam và có mức độ gia tăng cùng tính chất ngày càng nghiêm trọng.
4. Cách xử lý khi bị bạo lực học đường
Sau khi đã hiểu rõ khái niệm và nguyên nhân của bạo lực học đường là gì, chắc hẳn ai cũng sẽ thắc mắc nên làm gì khi bị bạo lực học đường? Sau đây sẽ là một số cách giải quyết tham khảo:
- Chủ động tìm đến nhà trường và gia đình được giúp đỡ: học sinh không được giữ im lặng mà phải báo cho gia đình và nhà trường để được giúp đỡ và ổn định về mặt tinh thần.
- Tránh xa kẻ bắt nạt mình: lựa chọn đi đến những nơi đông người hoặc đi cùng với bạn, cố gắng không chạm mặt hay phản hồi lại kẻ bắt nạt.
- Học cách tự vệ: rèn luyện cho sức khỏe thể chất thật khỏe mạnh, thậm chí có thể tham gia các lớp dạy võ tự vệ để có thể phản kháng lại kẻ xấu trong trường hợp bất đắc dĩ.
- Phối hợp với các cơ quan chức năng: phối hợp cung cấp thông tin, điều tra cùng các cơ quan chức năng, các tổ chức bảo vệ trẻ em để có thể được ổn định tinh thần và xử lý triệt để hành vi bạo lực của kẻ xấu.
- Giữ vững tinh thần: rèn luyện cho mình một sức khỏe tinh thần thật vững vàng để không bị các thành phần bạo lực tác động đến và có khả năng xử lý các tình huống nguy hiểm một cách phù hợp nhất.
5. Làm thế nào để khắc phục bạo lực học đường?
Bạo lực học đường là hành vi tác động tiêu cực đến trẻ vị thành niên và đang có xu hướng tăng dần. Vậy làm cách nào để có thể khắc phục được hiện trạng này một cách tối đa?
5.1. Về phía gia đình và nhà trường
Để giảm thiểu tình trạng này, gia đình và nhà trường cần xác định chính xác nguyên nhân và đề ra các cách giải quyết phù hợp và thiết thực, đảm bảo thực hiện các giải pháp này một cách chặt chẽ và nghiêm túc nhất.
Ngoài ra, gia đình và nhà trường còn phải có trách nhiệm giáo dục, phổ biến thông tin cho học sinh, sinh viên về phòng chống bạo lực học đường; theo dõi và phân tích thường xuyên các đối tượng cá biệt; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để xử lý bạo lực học đường; thiết lập kênh thông tin để nhà trường có thể liên lạc với gia đình nhằm ngăn chặn hành vi bạo lực trước khi nó xảy ra.
5.2. Về phía học sinh
Còn đối với học sinh, sinh viên cần phải có tinh thần rèn luyện, tìm hiểu và nâng cao nhận thức của cá nhân mình. Nhờ đó có thể ý thức được những hậu quả khôn lường mà những hành động bạo lực học đường đem lại cho bản thân và người khác.
Học sinh, sinh viên khi tham gia các hoạt động của trường cần tích cực tương tác, trao đổi ý kiến và nâng cao nhận thức của nhau để hỗ trợ nhau trong học tập. Cùng nhau bài trừ bạo lực học đường và giúp đỡ những nạn nhân vượt qua khó khăn.
Trong trường hợp là một số thành phần cá biệt cần phải có sự hỗ trợ, tương tác qua lại giữa gia đình và nhà trường nhằm giáo dục nhân cách và phát triển các em theo chiều hướng tốt đẹp hơn.
6. Quy định về phòng chống bạo lực học đường của Chính phủ
Căn cứ vào Nghị định 80/2017/NĐ-CP, quy định về việc phòng chống bạo lực học đường như sau:
6.1 Biện pháp phòng chống bạo lực học đường:
- Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về nguy cơ, hậu quả của bạo lực học đường cho người học, các cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của các cơ sở giáo dục, gia đình người học và cộng đồng.
- Có trách nhiệm phát hiện, tố giác, lên án hành vi bạo lực học đường; Ngăn chặn, can thiệp kịp thời hành vi bạo lực học đường theo khả năng của mình.
- Giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại học sinh; phòng, chống bạo lực trong trường học; bạo lực trẻ em trên mạng đối với người học, các cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của các cơ sở giáo dục và gia đình người học; giáo dục, phổ biến thông tin về tự kiến thức, kỹ năng bảo vệ.
- Công bố kế hoạch phòng, chống bạo lực học đường và các kênh tiếp nhận, tố giác thông tin về bạo lực học đường.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát, thu thập, xử lý thông tin liên quan đến bạo lực học đường;
- Thực hiện các phương pháp giáo dục tích cực, không bạo lực đối với người học.
6.2 Biện pháp hỗ trợ học sinh có nguy cơ bị bạo lực học đường:
- Kịp thời phát hiện những học sinh có hành vi quá khích, có nguy cơ dẫn đến bạo lực học đường và những học sinh có nguy cơ bị bạo lực học đường.
- Đánh giá mức độ nguy cơ, các hình thức bạo lực có thể xảy ra để có biện pháp ngăn chặn, hỗ trợ cụ thể.
- Tham vấn và tư vấn cho người học có nguy cơ bị bạo lực, bị bạo lực nhằm ngăn chặn, loại bỏ nguy cơ bị bạo lực.
6.3 Biện pháp can thiệp khi xảy ra bạo lực học đường:
- Giám định sơ bộ mức độ tổn thương của người học và nhận định về tình trạng hiện tại của người học.
- Thực hiện ngay các biện pháp trợ giúp, chăm sóc y tế và tư vấn cho học sinh bị bạo lực; theo dõi và đánh giá sự an toàn của nạn nhân.
- Kịp thời thông báo cho gia đình người bị hại để phối hợp xử lý. Trong trường hợp mang tính chất nghiêm trọng cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.
Và đó cũng là những tất cả thông tin về vấn đề bạo lực học đường là gì mà chúng tôi tổng hợp được. Nếu có thắc mắc gì khác, xin vui lòng liên hệ chúng tôi tại tổng đài 19006192 để được hỗ trợ tư vấn.