Bảo hiểm khoản vay là gì? Có bắt buộc phải mua khi vay vốn ngân hàng?

Khi vay vốn ngân hàng, nhân viên ngân hàng thường tư vấn khách hàng mua thêm bảo hiểm khoản vay kèm theo, thậm chí vì áp lực KPI, có nhân viên còn nói với khách rằng việc mua bảo hiểm khoản vay là do pháp luật quy định. Vậy thực chất bảo hiểm khoản vay là gì? Có bắt buộc mua không?


1. Bảo hiểm khoản vay là gì?

Bảo hiểm khoản vay là một loại sản phẩm bảo hiểm được ra đời nhằm mục đích bảo đảm khả năng thanh toán cho khoản vay trong trường hợp người vay mất khả năng trả nợ.

Khi bên đi vay mất tích, bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn khiến bản thân mất đi khả năng tạo ra thu nhập để trả nợ, nghĩa vụ trả nợ không bị chấm dứt mà tiếp tục tồn tại cho đến khi bên đi vay trả hết nợ cho bên cho vay.

Thậm chí, trường hợp bên đi vay không may tử vong, nghĩa vụ trả nợ sẽ chuyển sang cho những người thừa kế của bên đi vay trong phạm vi di sản thừa kế bởi theo khoản 8 Điều 658 Bộ luật Dân sự 2015 “các khoản nợ đối với cá nhân, pháp nhân” là một trong những nghĩa vụ tài sản liên quan đến thừa kế cần được thanh toán.

Khi xảy ra các sự kiện trên, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ thay mặt khách hàng hoặc người thân của khách hàng thanh toán các khoản nợ mà người đó vay tại ngân hàng.

Các ngân hàng thường khuyến nghị khách hàng mua bảo hiểm khoản vay cho tất cả các hợp đồng tín dụng, đặc biệt là các khoản vay tín chấp như vay tiêu dùng, khoản vay với số tiền vay cao và thời hạn dài như vay mua nhà. Việc mua bảo hiểm khoản vay thậm chí còn là một trong những tiêu chí quan trọng để các ngân hàng xét duyệt khoản vay cho khách hàng.


2. Có buộc phải mua bảo hiểm khi vay tiền ngân hàng?

Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, các loại bảo hiểm bắt buộc bao gồm:

- Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

- Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người vận chuyển hàng không đối với hành khách.

- Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với hoạt động tư vấn pháp luật;

- Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm;

- Bảo hiểm cháy, nổ.

Mặt khác, Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng cũng không có điều khoản nào bắt buộc về bảo đảm khoản vay. Do đó, việc mua bảo hiểm khoản vay chỉ là thỏa thuận giữa khách hàng và ngân hàng.

Có mua bảo hiểm khoản vay hay không là hoàn toàn tự nguyện trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng chứ không phải quy định bắt buộc của pháp luật.

Hiện nay, lợi nhuận từ việc bán bảo hiểm đang là nguồn thu nhập rất lớn của ngân hàng và nhân viên của họ. Doanh số bán bảo hiểm cũng là 1 phần chỉ tiêu áp cho nhân viên ngân hàng. Do đó, khi khách vay tiền, mặc nhiên nhân viên ngân hàng sẽ chào mời khách mua bảo hiểm.

Trên thực tế, nhiều nhân viên ngân hàng cũng không giải thích rõ ràng với khách hàng về lợi ích của các sản phẩm bảo hiểm kèm theo khoản vay, thậm chí có trường hợp nhân viên ngân hàng vì để ăn hoa hồng còn nói với khách đây là khoản bảo hiểm bắt buộc để được duyệt nhanh hồ sơ. Điều này đã gây tâm lý khó hiểu, bức xúc cho khách hàng.

bao hiem khoan vay


3. Mức phí bảo hiểm khoản vay là bao nhiêu?

Tùy từng ngân hàng và khoản tiền theo nhu cầu vay của khách hàng mà mức phí bảo hiểm khoản vay sẽ là khác nhau. Cụ thể, cách tính bảo hiểm khoản vay như sau:

Phí bảo hiểm khoản vay = Mức bảo hiểm khoản vay x Tổng số tiền vay của hợp đồng 

Thông thường mức phí bảo hiểm sẽ được tính dựa trên khoản vay được ngân hàng hoặc tổ chức giải ngân, dao động từ 3 - 6% tùy từng ngân hàng, tổ chức tín dụng.

Ví dụ: Một khách hàng vay 200 triệu tại ngân hàng với mức bảo hiểm khoản vay 4% thì bảo hiểm tiền vay được xác định như sau:

200 triệu đồng x 4% = 8 triệu đồng 

Tiền phí bảo hiểm khoản vay sẽ được ngân hàng trừ trực tiếp vào khoản vay khi giải ngân hoặc sẽ được cộng thêm vào số nợ gốc.


4. Ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn, ngân hàng có bị phạt?

Mặc dù không có điều khoản nào trong hợp đồng vay giữa ngân hàng và khách có nội dung bắt buộc mua bảo hiểm song thực tế ở nhiều ngân hàng, việc tự nguyện mua bảo hiểm chỉ mang tính hình thức. Nếu không mua gói bảo hiểm khoản vay thì ngân hàng sẽ không xét duyệt và giải ngân gói vay đó.

Vì vậy, để được vay, nhiều khách hàng đành phải ngậm ngùi tham gia gói bảo hiểm khoản vay một cách không tự nguyện.

Việc ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn là hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm. Do đó, nếu cố tình vi phạm, ngân hàng có thể bị phạt vi phạm hành chính theo điểm đ khoản 2 Điều 17 Nghị định 98/2013/NĐ-CP, sửa bởi Nghị định 48/2018/NĐ-CP như sau:

2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

đ) Ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.

Như vậy, nếu ép khách hàng mua bảo hiểm khoản vay, ngân hàng có thể bị phạt từ 40 - 50 triệu đồng.

Trên đây là những thông tin quan trọng liên quan đến bảo hiểm khoản vay được rất nhiều khách hàng đang quan tâm khi vay vốn ngân hàng. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192 để được tư vấn, hỗ trợ giải đáp.

Đánh giá bài viết:
(4 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường và cách phòng tránh

Nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường và cách phòng tránh

Nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường và cách phòng tránh

Bạo lực học đường đang là vấn đề nhức nhối được cả xã hội quan tâm bởi những hậu quả nghiêm trọng để lại cho nạn nhân. Vậy nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường hiện nay là do đâu? Cách phòng tránh như thế nào? Cùng tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.

Học tại chức là gì? Học đại học tại chức mất bao nhiêu năm?

Học tại chức là gì? Học đại học tại chức mất bao nhiêu năm?

Học tại chức là gì? Học đại học tại chức mất bao nhiêu năm?

Học tại chức là điều mà người đi làm rất quan tâm khi muốn nâng cao trình độ chuyên môn của mình. Vậy học tại chức là gì? Giá trị bằng đại học tại chức có giá trị ngang bằng với việc đào tạo chính quy hay không? Bây giờ chúng ta sẽ cùng nhau giải đáp trong bài viết này nhé!