Bao giờ Hà Nội cấm xe máy?
Tại Đề án phát triển kinh tế đô thị thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định 3195/QĐ-UBND ngày 13/6/2023, Ủy ban nhân dân thành phố cho biết ô nhiễm môi trường tại Thủ đô ngày càng tăng, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm không khí luôn ở mức báo động. Nhiều chỉ số ô nhiễm đã vượt quy chuẩn cho phép.
Trong đó, hoạt động giao thông của hai loại phương tiện ô tô và xe máy đã chiếm tới 70% nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí tại Hà Nội.
Nhằm giải quyết vấn đề này, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội được giao chủ trì, phối hợp Công an thành phố thực hiện Đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.
Theo đó, việc cấm xe máy có thể sẽ áp dụng tại địa bàn 12 quận trong nội thành là: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Tây Hồ và Nam Từ Liêm.
Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan còn được giao nhiệm vụ lập đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào.
Tập trung và ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng khung là các tuyến đường giao thông cho các huyện chuẩn bị thành quận, trục giao thông liên kết trong vùng thủ đô…
Nghiên cứu phát triển theo định hướng giao thông công cộng tại các điểm trên vành đai 4 và 5, các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch.
Sở Công Thương chủ trì nghiên cứu quy hoạch phát triển diện tích kinh doanh thương mại tại các khu vực được quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị. Trong đó có các đầu mối giao thông công cộng lớn của thành phố, hầm ngầm cho người đi bộ, bãi đỗ xe công cộng ngầm…
Cấm xe máy thì người dân Hà Nội đi lại bằng phương tiện gì?
Hiện nay, thành phố Hà Nội có khoảng 08 triệu phương tiện giao thông, trong đó chủ yếu là xe máy với hơn hơn 06 triệu phương tiện, chưa kể còn khoảng hơn 01 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông tại thủ đô.
Theo Kế hoạch 201/KH-UBND ngày 16/10/2020 về phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng, đến năm 2025, Hà Nội dự kiến sẽ đưa 03 tuyến đường sắt đô thị đi vào hoạt động (tuyến số 2A Cát Linh - Hà Đông và đoạn tuyến số 3 Nhổn - ga Hà Nội; Tuyến số 5 Văn Cao - Ngọc Khánh - Hòa Lạc), đáp ứng 3 - 4,5% nhu cầu đi lại.
Hiện tại, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã đưa vào khai thác. Tuyến Nhổn - ga Hà Nội dự kiến sẽ kịp khai thác năm 2025. Còn lại tuyến Văn Cao - Ngọc Khánh - Hòa Lạc chưa khởi công xây dựng và khó có thể hoàn thành trong năm 2025.
Đến năm 2030, Hà Nội dự kiến có 04 - 05 tuyến đường sắt đô thị nữa đi vào hoạt động gồm: Tuyến số 2: Đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo dài 11,5km; Đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình 5,9km; Tuyến số 3: Đoạn ga Hà Nội - Yên Sở, Hoàng Mai: 8,7km.
Các tuyến đường sắt đô thị trên khi được đưa vào hoạt động sẽ đáp ứng 8 - 10,3% nhu cầu đi lại của người dân Thủ đô.Trên thực tế, tiến độ chuẩn bị và triển khai các dự án đường sắt đô thị này đều đang bị chậm và khả năng hoàn thành vào năm 2030 là không cao.
Với hệ thống xe buýt, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 là tăng gấp đôi số lượng phương tiện lên 4.000 - 4.500 xe, tỷ lệ đảm nhận của xe buýt từ 16-18%.
Năm 2030, Hà Nội phấn đấu tỷ lệ đảm nhận của xe buýt phấn đấu đạt 25%, tương ứng cần khoảng từ 6.700 - 6.800 phương tiện sức chứa trung bình 60 chỗ.
Với xe taxi, xe hợp đồng, du lịch dưới 09 chỗ nhằm hỗ trợ vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn hình thành, dự kiến số lượng phương tiện phát triển đến năm 2025 khoảng 73 - 100 nghìn xe; năm 2030 từ 79 - 108 nghìn xe.
Cùng đó, Hà Nội cũng xây dựng hệ thống xe đạp công cộng để kết nối nhu cầu sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng (xe buýt, BRT, đường sắt đô thị...).
Trên đây là thông tin về: Bao giờ Hà Nội cấm xe máy? Nếu có vướng mắc, bạn đọc vui lòng gọi tới tổng đài 19006192 để được giải đáp.