Báo cáo 228/BC-UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác từ sau kỳ họp thứ tư đến kỳ họp thứ năm, Quốc hội khoá XII
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Báo cáo 228/BC-UBTVQH12
Cơ quan ban hành: | Ủy ban Thường vụ Quốc hội |
Số công báo: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Số hiệu: | 228/BC-UBTVQH12 |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Báo cáo |
Người ký: | Tòng Thị Phóng |
Ngày ban hành: | 29/05/2009 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Lĩnh vực khác |
tải Báo cáo 228/BC-UBTVQH12
UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI ------------------- Số: 228/BC-UBTVQH12 | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ------------------------ Hà Nội, ngày 29 tháng 5 năm 2009 |
BÁO CÁO
CÔNG TÁC CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Từ sau kỳ họp thứ tư đến kỳ họp thứ năm, Quốc hội khoá XII
--------------------------
Kính gửi: Các vị đại biểu Quốc hội,
Thực hiện chương trình công tác đã đề ra, Uỷ ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo Quốc hội kết quả hoạt động từ sau kỳ họp thứ tư đến kỳ họp thứ năm, Quốc hội khoá XII và phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu từ nay đến cuối năm 2009 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
I- KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG TỪ SAU KỲ HỌP THỨ TƯ ĐẾN KỲ HỌP THỨ NĂM, QUỐC HỘI KHOÁ XII
1- Công tác xây dựng pháp luật
Ngay sau kỳ họp thứ tư của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009, phân công cơ quan trình dự án, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan phối hợp thẩm tra, xác định tiến độ cụ thể và các biện pháp bảo đảm thực hiện chương trình đề ra. Tại các phiên họp, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã dành nhiều thời gian để xem xét việc chuẩn bị các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội; xem xét, thông qua một số pháp lệnh.
- Đối với 6 dự án luật[1]đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Uỷ ban chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo, Uỷ ban pháp luật của Quốc hội, Bộ tư pháp và các cơ quan hữu quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội chỉnh lý trước khi trình Quốc hội. Đồng thời, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã dành nhiều thời gian cho ý kiến về việc chuẩn bị trình Quốc hội xem xét thông qua 5 dự án luật[2]theo quy trình thông qua tại một kỳ họp.
Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2010. Để khắc phục tồn tại về việc lập Chương trình chưa sát thực tế, chưa dự báo đầy đủ đòi hỏi của cuộc sống dẫn đến tính khả thi không cao, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan của Chính phủ và Ủy ban pháp luật của Quốc hội thống nhất quan điểm ngay từ đầu là chỉ đưa vào Chương trình những dự án đã có trong chương trình toàn khóa, những dự án thật sự cần thiết ban hành và đã được chuẩn bị tương đối kỹ. Đồng thời, yêu cầu Ủy ban pháp luật của Quốc hội, Bộ tư pháp phối hợp với Thường trực Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh văn bản để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5.
- Đối với 6 dự án luật[3]trình Quốc hội cho ý kiến, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã xem xét việc chuẩn bị đối với từng dự án, tập trung những các nội dung cơ bản, các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, từ đó xác định dự án có đủ điều kiện để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ năm hay không. Đối với những dự án chưa đủ điều kiện trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo, Ủy ban chủ trì thẩm tra tiếp tục nghiên cứu rà soát, bổ sung những nội dung hợp lý để hoàn chỉnh trình Quốc hội vào kỳ họp khác.
- Đối với các dự án pháp lệnh, từ sau kỳ họp thứ tư đến nay, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua 5 pháp lệnh[4], cho ý kiến 1 dự án pháp lệnh khác[5].
Nhìn chung, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xem xét việc chuẩn bị các dự án luật theo hướng chú trọng chất lượng; tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan chuẩn bị các dự án đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra. Do đó, việc gửi tài liệu đến phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội và đến các vị đại biểu Quốc hội đã có tiến bộ hơn, góp phần nâng cao chất lượng thảo luận các dự án luật. Tuy nhiên, trong công tác này vẫn còn những tồn tại, khó khăn dẫn đến có 5 dự án[6]trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 phải đề nghị rút khỏi Chương trình. Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn thiếu tính khoa học, chưa dự báo sát yêu cầu thực tiễn và điều kiện thực hiện. Vẫn còn tồn tại một số luật chưa được cơ quan soạn thảo quan tâm đúng mức và thực hiện nghiêm túc trong quá trình soạn thảo dẫn đến việc trình dự án luật còn chưa đúng tiến độ. Sự phối hợp giữa các cơ quan còn chưa chặt chẽ nên sự chuẩn bị đối một số dự án luật còn cập rập, thiếu thống nhất.
2- Công tác giám sát
Từ sau kỳ họp thứ tư đến nay, hoạt động giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội tập trung vào việc chuẩn bị để Quốc hội thực hiện hoạt động giám sát tối cao; tiến hành giám sát các nội dung theo chương trình đã đề ra thuộc trách nhiệm của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và chỉ đạo, điều hòa phối hợp hoạt động giám sát của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
a) Chuẩn bị để Quốc hội thực hiện hoạt động giám sát tối cao:
Cùng với các hoạt động giám sát thường xuyên như xem xét báo cáo của Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật; thực hiện quyền chất vấn của đại biểu Quốc hội, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm”.
Để chuẩn bị phục vụ Quốc hội giám sát chuyên đề trên, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã xây dựng kế hoạch, thành lập Đoàn giám sát, làm việc với các bộ, ngành, các địa phương, cơ sở; đồng thời đề nghị Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội giám sát và báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Tại phiên họp tháng 4/2009, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Đoàn giám sát. Ủy ban thường vụ Quốc hội tập trung chỉ đạo việc triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội, chú trọng nâng cao chất lượng báo cáo của Đoàn giám sát. Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến tại phiên họp, tiếp tục hoàn chỉnh Báo cáo để trình Quốc hội tiến hành giám sát tối cao tại kỳ họp thứ 5.
Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ đạo tập hợp đầy đủ các chất vấn của đại biểu Quốc hội, lời hứa của những người trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, cân nhắc lựa chọn nội dung, cách thức tiến hành, dự kiến danh sách người trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5 báo cáo Quốc hội quyết định.
b) Trực tiếp tiến hành giám sát:
Từ sau kỳ họp thứ tư đến nay, Uỷ ban thường vụ Quốc hội tập trung giám sát chuyên đề: “Việc thực hiện di dân, tái định cư công trình thủy điện Sơn La” và tại phiên họp tháng 4/2009, đã nghe và thảo luận Báo cáo của Đoàn giám sát về vấn đề này. Qua giám sát, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh công tác chỉ đạo điều hành; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhằm hoàn thành kế hoạch di dân tái định cư trong năm 2009, theo đúng tiến độ đề ra. Trên cơ sở kiến nghị của Đoàn giám sát, các ý kiến phát biểu tại phiên họp và theo quy định của Luật hoạt động giám sát, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ra Nghị quyết về kết quả giám sát việc thực hiện di dân, tái định cư công trình thủy điện Sơn La.
Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng đã thành lập Đoàn giám sát về 2 chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước” và “Tổ chức và thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng của các cơ quan có thẩm quyền trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng như Tòa án, Viện kiểm sát, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ” để tiến hành giám sát và báo cáo kết quả với Uỷ ban thường vụ Quốc hội tại các phiên họp tháng 9 năm 2009.
Thực hiện quy định của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ tư, tại phiên họp tháng 3/2009, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên họp chất vấn ba thành viên Chính phủ, đó là: Bộ trưởng Bộ lao động - thương binh và xã hội; Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư, Bộ trưởng Bộ văn hóa, thể thao và du lịch. Tại phiên chất vấn, các vị Bộ trưởng đã tập trung làm rõ các vấn đề: trợ cấp hộ nghèo trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu; việc sửa đổi, bổ sung và thực hiện các chính sách về lao động trong đó có việc giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn và thực hiện chính sách đối với người có công; hỗ trợ công nhân bị mất việc do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới và suy giảm kinh tế; hướng đơn giản hóa thủ tục đầu tư ở địa phương, nhất là đầu tư xây dựng cơ bản; tổ chức thực hiện phân bổ vốn đầu tư cho các địa phương; giải pháp kích cầu nền kinh tế; tình trạng xâm phạm di tích lịch sử, văn hóa; công tác quản lý các cơ sở văn hóa như bảo tàng, nhà hát, thư viện; việc tổ chức lễ hội; vai trò quản lý của Nhà nước đối với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.
Ủy ban thường vụ Quốc hội đánh giá cao kết quả đã đạt được của phiên họp chất vấn, nhất là tinh thần trách nhiệm trong việc chuẩn bị chu đáo của người trả lời chất vấn, sự quan tâm, theo dõi, sát sao của người chất vấn và cử tri cả nước. Những vấn đề quan trọng bức xúc trong thời gian qua đã được trao đổi, làm rõ tình hình, nguyên nhân chủ quan, khách quan, giúp các vị trả lời chất vấn thấy rõ hơn trách nhiệm của cá nhân, của ngành và đưa ra những giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Đồng thời, giúp đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước đánh giá xác thực hơn sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Bộ, ngành trong thời gian vừa qua.
3- Về hoạt động đối ngoại
Về quan hệ đối ngoại song phương, trong thời gian qua Đoàn đại biểu Quốc hội Việt nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đã đi thăm hữu nghị chính thức ba nước Liên bang Nga, Cộng hòa Séc và Cộng hòa Bê-la-rút. Đây là chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, nhằm phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Nga, khôi phục và thúc đẩy mối quan hệ với các nước Đông Âu nói chung sau một thời gian chững lại do những biến cố tại Đông Âu. Đồng thời, góp phần quan trọng vào việc triển khai Đề án tổng thể quan hệ Việt Nam - Liên minh Châu Âu và Chương trình hành động phát triển quan hệ Việt Nam - EU đến năm 2010 và định hướng đến năm 2015.
Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã tổ chức 2 Đoàn công tác do Phó Chủ tịch Quốc hội và các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội dẫn đầu đi thăm và làm việc tại các nước CHDCND Lào, Vương quốc Cămpuchia, Thụy Sỹ, Bỉ, Pháp, Singapore, Inđônêxia, ...nhằm trao đổi kinh nghiệm và thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội các nước nói riêng, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam với các nước nói chung.
Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ đạo tiếp đón chu đáo nhiều Đoàn Quốc hội của các nước: Mỹ, Đức, Áo, Phần Lan, Úc, Niu-di-lân, Nga, Séc, Bê-la-rút, Vương quốc Cămpuchia, CHDCND Lào..., trong đó có 1 đoàn cấp Chủ tịch Quốc hội, 2 đoàn cấp Phó Chủ tịch Quốc hội. Qua các cuộc làm việc này, quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội các nước láng giềng, khu vực và bạn bè truyền thống tiếp tục được tăng cường, mở rộng và đi vào chiều sâu, thiết thực, góp phần vào việc thúc đẩy và phát triển quan hệ giữa nước ta với các nước bạn, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác và phát triển.
Quan hệ đối ngoại đa phương, tiếp tục được triển khai chủ động, tích cực góp phần nâng cao uy tín và vai trò của Quốc hội Việt Nam.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Nghị viện Châu Á-Thái Bình Dương (APPF), đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng dẫn dầu tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 17 tại Thủ đô Viêng Chăn, CHDCND Lào, đã tham gia mọi hoạt động của Diễn đàn, đóng góp tích cực vào quá trình soạn thảo và thông qua các văn kiện.
Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã cử các Đoàn đại biểu Quốc hội tham dự các hội nghị quốc tế, như Đại hội đồng liên minh nghị viện thế giới IPU lần thứ 120; cuộc họp của đại diện Nghị viện các nước thành viên AIPA; cuộc họp không chính thức giữa đại diện lãnh đạo Nghị viện các nước thành viên AIPA; cuộc họp những người đứng đầu Chính phủ các nước ASEAN trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 14...
Một trong những hoạt động trọng tâm trong chương trình hoạt động đối ngoại 2009-2010 là việc Quốc hội nước ta chuẩn bị tiếp nhận chức Chủ tịch Đại Hội đồng liên minh nghị viện các nước Đông Nam Á (AIPA) nhiệm kỳ 2009-2010. Đây là một nhiệm vụ lớn lao, khẳng định uy tín của Quốc hội Việt Nam trên trường nghị viện Quốc tế hiện nay. Tại phiên họp tháng 5/2009, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến bước đầu về việc tiếp nhận, đảm nhiệm chức Chủ tịch và kế hoạch tổ chức Đại Hội đồng AIPA. Ủy ban thường vụ Quốc hội giao Ủy ban đối ngoại chủ trì, phối hợp với Bộ ngoại giao và các cơ quan hữu quan chuẩn bị thật tốt về các nội dung này.
4- Giám sát việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri
Từ sau kỳ họp thứ 4 đến nay, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã tích cực chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội tiếp nhận, nghiên cứu, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân và đôn đốc việc giải quyết của các cơ quan hữu quan. Đã có 2.050 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị và 10.994 đơn, thư gửi đến các cơ quan của Quốc hội. Toàn bộ số đơn, thư trên đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo Ban dân nguyện nguyên cứu, phân loại, chuyển đến các cơ quan hữu quan, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội nghiên cứu, xử lý.
Về công tác tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, từ sau kỳ họp thứ tư đến nay, Ủy ban thường vụ Quốc hội (thông qua Ban dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội) đã nhận được báo cáo của 22 Đoàn đại biểu Quốc hội về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và văn bản trả lời của các bộ, ngành đối với 525 ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 4. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có báo cáo về tình hình giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri từ kỳ họp thứ tư đến nay.
Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã quan tâm chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội và triển khai công tác giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân tại các Bộ, ngành, địa phương và đôn đốc giải quyết một số vụ việc cụ thể. Theo yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ban dân nguyện đã cử Đoàn làm việc với tỉnh Thái Nguyên việc giải quyết kiến nghị của cử tri về đường dây cao thế 220KV Tuyên Quang-Thái Nguyên đi qua khu vực dân cư gây tình trạng nhiễm điện, ảnh hưởng sức khỏe và đời sống của nhân dân địa phương. Đồng thời, giám sát việc thực hiện kiến nghị của cử tri về tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non và cán bộ y tế cơ sở.
5- Xem xét, quyết định và cho ý kiến một số nội dung khác thuộc thẩm quyền của Uỷ ban thường vụ Quốc hội
Cùng với việc xem xét Báo cáo bổ sung của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008; tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2009 trong những tháng đầu năm; báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2007, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về đề nghị của Chính phủ điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước 2009; về phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ năm 2009; về nguồn vốn có nguồn gốc ngân sách nhà nước trong quỹ kích cầu đầu tư và tiêu dùng; về việc miễn, giảm, giãn thuế theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân; về Đề án đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2008-2012; về phân bổ số vượt thu ngân sách trung ương năm 2008, phương án phân bổ, sử dụng và việc bổ sung nguồn vốn trái phiếu Chính phủ năm 2009, về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2007.
Theo đề nghị của Tổng Kiểm toán Nhà nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết số 1003/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 3-3-2006 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XI về chế độ đối với Kiểm toán Nhà nước.
Theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về việc bổ sung biên chế và số lượng thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp năm 2009 và 2010.
Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo việc chuẩn bị các Đề án về đổi mới các hoạt động của Quốc hội như: Đề án hoàn thiện hệ thống pháp luật về quy trình xây dựng, thông qua luật, pháp lệnh; Đề án về nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội; Đề án nâng cao chất lượng việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; Đề án về đổi mới công tác tiếp xúc cử tri và bồi dưỡng đại biểu dân cử; Đề án hoàn thiện pháp luật về quan hệ lao động; Đề án hoàn thiện pháp luật về sở hữu đối với một số sản phẩm mới...
Ủy ban thường vụ Quốc hội và Đảng đoàn Quốc hội đã chỉ đạo chuẩn bị ý kiến, báo cáo Bộ Chính trị về Đề án của Ban cán sự Đảng Chính phủ về: mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước; phân vùng quy hoạch, khai thác, chế biến Bô-xít ở Tây Nguyên; vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Về hướng dẫn và giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về danh sách các huyện, quận, phường thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân và Nghị quyết về tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tại những địa phương thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường; phê chuẩn kết quả bầu Thường trực Hội đồng nhân dân một số địa phương; hướng dẫn một số địa phương trong việc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã sau khi điều chỉnh địa giới hành chính; hiệp y khen thưởng đối với tập thể và cá nhân của Hội đồng nhân dân một số địa phương; theo dõi tình hình hoạt động và dự kỳ họp Hội đồng nhân dân một số tỉnh, thành phố và Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân các khu vực.
Về công tác tổ chức, nhân sự, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua các nghị quyết về việc thành lập Viện nghiên cứu lập pháp trực thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội; nâng cấp Báo Người đại biểu nhân dân trực thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội; về biên chế năm 2009 của Văn phòng Quốc hội; thành lập Vụ công tác miền Trung và Tây Nguyên thuộc Văn phòng Quốc hội; cho ý kiến về nhân sự các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.
Về bảo đảm điều kiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo việc thực hiện chế độ xếp lương, chuyển lương, xây dựng chế độ nghỉ dưỡng sức và các chế độ khác; thông qua Nghị quyết quy định chế độ, định mức chi tiêu tài chính phục vụ hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội; xem xét và thống nhất với Tờ trình của Văn phòng Quốc hội về việc trang bị máy tính xách tay cho đại biểu Quốc hội để phục vụ yêu cầu công việc và giao Văn phòng Quốc hội phối hợp với Ban công tác đại biểu tổ chức tập huấn sử dụng máy tính cho đại biểu Quốc hội.
II- PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ CHỦ YẾU TỪ NAY ĐẾN CUỐI NĂM 2009
1- Về công tác xây dựng pháp luật
- Tiếp tục chỉ đạo việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009, bảo đảm chất lượng và tiến độ của các dự án; tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010.
- Xem xét việc chuẩn bị các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.
- Tiếp tục tiến hành xem xét, thông qua các pháp lệnh bảo đảm số lượng và chất lượng (theo chương trình, từ nay đến cuối năm 2009, Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua 6 pháp lệnh).
2- Về công tác giám sát
- Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình giám sát năm 2009 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, tập trung vào các chuyên đề và tình hình thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp... Tổ chức chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, quyết định chương trình giám sát của Quốc hội năm 2010.
- Thực hiện tốt việc điều hoà, phối hợp hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội trong hoạt động giám sát, nghiên cứu khảo sát để bảo đảm có sự phối hợp chặt chẽ, tránh trùng lắp tại một số địa phương, cơ sở. Tổ chức tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội
- Chỉ đạo việc nghiên cứu để kiến nghị với Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội.
3- Về việc chuẩn bị để trình Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng
Chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội phối hợp với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan hữu quan chuẩn bị theo chức năng, nhiệm vụ để trình Quốc hội quyết định, nhất là kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2010.
4- Các công tác khác
- Tổ chức việc chuẩn bị, triệu tập và chủ trì kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XII.
- Tiếp tục triển khai chương trình hoạt động đối ngoại song phương và đa phương, tích cực tham gia và đóng góp có hiệu quả vào các diễn đàn quốc tế; chuẩn bị các điều kiện về mọi mặt để Quốc hội nước ta tiếp nhận và đảm nhiệm chức Chủ tịch Đại hội đồng liên minh nghị viện các nước Đông Nam Á (AIPA).
- Tăng cường công tác hướng dẫn và giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp; hướng dẫn và bảo đảm các điều kiện hoạt động cho đại biểu Quốc hội, nhất là các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.
- Tiếp tục chỉ đạo việc nâng cao năng lực tổ chức phục vụ của bộ máy giúp việc, bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật cho hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.
*
* *
Trên đây là kết quả hoạt động của Uỷ ban thường vụ Quốc hội từ sau kỳ họp thứ tư đến kỳ họp thứ năm, Quốc hội khoá XII và phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu đến cuối năm 2009. Uỷ ban thường vụ Quốc xin trân trọng báo cáo Quốc hội.
| T/M ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI PHÓ CHỦ TỊCH (đã ký)
Tòng Thị Phóng |
[1]Luật quản lý nợ công; Luật lý lịch tư pháp; Luật bồi thường nhà nước; Luật quy hoạch đô thị; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự
[2]Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật nhà ở và Điều 121 của Luật đất đai; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện ảnh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản
[3]Luật người cao tuổi; Luật khám bệnh, chữa bệnh; Luật dân quân tự vệ; Luật cơ yếu; Luật tần số vô tuyến điện; Luật viễn thông
[4]Pháp lệnh công an xã; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Điều 6 Pháp lệnh thuế tài nguyên; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Điều 10 Pháp lệnh dân số; Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự
[5]Pháp lệnh chi phí, giám định, định giá trong tố tụng dân sự và tố tụng hành chính
[6]Luật ngân sách nhà nước; Luật báo chí; Luật các vùng biển; Luật thanh tra; Luật trọng tài thương mại
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây