Kiểu dáng công nghiệp là một trong các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ. Cá nhân, tổ chức đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp sẽ được cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp. Vậy, bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực bao lâu? Được gia hạn không?
- 1. Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp là gì?
- 2. Làm sao để được cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp?
- 2.1 Điều kiện chung đối với kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ
- 2.2 Hồ sơ, thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp
- 2.3 Thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp
- 3. Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có thời hạn bao lâu?
1. Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp là gì?
Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp là văn bằng bảo hộ đối với kiểu dáng công nghiệp do Cục Sở hữu trí tuệ cấp cho chủ đơn đăng ký để ghi nhận quyền sở hữu hợp pháp với chủ đơn. Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp gồm các thông tin cơ bản:
- Thông tin chủ sở hữu gồm: Tên, địa chỉ chủ sở hữu;
- Thông tin ngày nộp đơn, số đơn nộp;
- Thông tin số văn bằng bảo hộ kiểu dáng, ngày cấp văn bằng;
- Hình ảnh kiểu dáng sản phẩm đăng ký
- Thông tin thời gian hiệu lực của văn bằng…
2. Làm sao để được cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp?
Để được cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, cần tiến hành thủ tục đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp. Theo đó, điều kiện và thủ tục đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp như sau:
2.1 Điều kiện chung đối với kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ
Theo Điều 63 Luật Sở hữu trí tuệ, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Có tính mới;
- Có tính sáng tạo;
- Có khả năng áp dụng công nghiệp.
Đồng thời, 03 đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp:
- Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có;
- Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp;
- Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm.
2.2 Hồ sơ, thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Theo quy định tại Điều 100 Luật Sở hữu trí tuệ, hồ sơ đăng ký sở hữu kiểu dáng công nghiệp gồm các giấy tờ sau:
- Tờ khai đăng ký theo mẫu quy định;
- Tài liệu, mẫu vật, thông tin thể hiện kiểu dáng công nghiệp đăng ký bảo hộ;
- Giấy uỷ quyền, nếu đơn nộp thông qua đại diện;
- Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác;
- Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên;
- Chứng từ nộp phí, lệ phí.
Ngoài ra, tại Điều 103 Luật sở hữu trí tuệ còn quy định yêu cầu tài liệu xác định kiểu dáng công nghiệp cần bảo hộ trong đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp gồm:
- Bộ ảnh chụp, bản vẽ kiểu dáng công nghiệp;
- Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp được thể hiện trong bộ ảnh chụp, bản vẽ.
Trong đó:
- Bộ ảnh chụp, bản vẽ kiểu dáng công nghiệp phải thể hiện đầy đủ các đặc điểm tạo dáng của kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ đến mức căn cứ vào đó, người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng có thể xác định được kiểu dáng công nghiệp đó.
- Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp được thể hiện trong bộ ảnh chụp, bản vẽ phải liệt kê thứ tự các ảnh chụp, bản vẽ trong bộ ảnh chụp, bản vẽ và các đặc điểm tạo dáng của kiểu dáng công nghiệp.
2.3 Thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Đăng ký kiểu dáng công nghiệp sẽ được thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Xác định đối tượng cần đăng ký bảo hộ kiểu dáng
Bước 2: Phân loại và tra cứu khả năng đăng ký kiểu dáng trước khi nộp đơn
Việc phân loại và tra cứu sẽ giúp chủ đơn đánh giá được khả năng đăng ký trước khi quyết định nộp đơn đăng ký.
Bước 3: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Bước 4: Nộp đơn đăng ký kiểu dáng tại Cục Sở hữu trí tuệ
Việc nộp đơn đăng ký sẽ được ưu tiên sớm nhất để tránh việc kiểu dáng bị mất tính mới và có ngày ưu tiên sớm nhất.
Bước 5: Thẩm định và cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền kiểu dáng công nghiệp
Trường hợp kiểu dáng công nghiệp đủ điều kiện bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo cấp văn bằng cho kiểu dáng. Ngược lại, nếu không đáp ứng đủ điều kiện, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký.
3. Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có thời hạn bao lâu?
Căn cứ Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ, hiệu lực về phạm vi và thời hạn của bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp như sau:
- Văn bằng bảo hộ có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
- Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực: Từ ngày cấp và kéo dài đến hết 05 năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn 02 lần liên tiếp, mỗi lần 05 năm.
Tức, thời gian bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tính như sau:
- Lần 01:0 5 năm tính từ ngày nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp.
- Lần 02: 05 năm (gia hạn lần 01 sau thời gian 05 năm đầu tiền).
- Lần 03: 05 năm (gia hạn lần 02 sau khi hết hạn gia hạn lần 01).
Tóm lại, thời hạn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tối đa là 15 năm tính từ ngay đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được nộp.