- 1. Giảm 1 buổi thi và giảm 2 môn thi
- 2. Ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc
- 3. Thí sinh không còn được cộng điểm chứng chỉ nghề
- 4. Thí sinh người nước ngoài miễn thi ngữ văn bằng chứng chỉ tiếng Việt
- 5. Chứng chỉ ngoại ngữ không được quy đổi thành điểm 10
- 6. Vận chuyển đề thi bằng đường truyền mã hóa
1. Giảm 1 buổi thi và giảm 2 môn thi
Căn cứ theo Điều 3 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 24/2024/TT-BGDĐT quy định về các môn thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 như sau:
Điều 3. Môn thi
Tổ chức kỳ thi gồm 03 buổi thi: 01 buổi thi môn Ngữ văn, 01 buổi thi môn Toán và 01 buổi thi của bài thi tự chọn gồm 02 môn thi trong số các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ định hướng Công nghiệp (gọi tắt là Công nghệ Công nghiệp), Công nghệ định hướng Nông nghiệp (gọi tắt là Công nghệ Nông nghiệp), Ngoại ngữ (Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật và Tiếng Hàn).
Như vậy, từ năm 2025 được tổ chức thành 3 buổi thi, gồm:
- 1 buổi thi môn Ngữ Văn
- 1 buổi thi môn Toán
- 1 buổi tổ chức bài thi tự chọn với 2 môn thi trong số các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ định hướng Công nghiệp (gọi tắt là Công nghệ Công nghiệp), Công nghệ định hướng Nông nghiệp (gọi tắt là Công nghệ Nông nghiệp), Ngoại ngữ (Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật và Tiếng Hàn).
Còn tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 có 04 bài thi gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và tổ hợp (Khoa học tự nhiên: Lý, Hóa, Sinh; hoặc Khoa học xã hội: Sử, Địa, Giáo dục công dân) và được chia thành 04 buổi thi.
So với những năm trước kỳ thi tốt nghiệp năm 2025:
- Giảm 1 buổi thi (năm 2024 thi 04 buổi thi, từ 2025 chỉ còn 03 buổi thi)
- Giảm 2 môn thi (so với năm 2024 phải thi 06 môn) và thí sinh được chọn 02 môn tự chọn trong số 09 môn tính điểm còn lại của chương trình lớp 12.
2. Ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc
Căn cứ quy định về môn thi Điều 3 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 24/2024/TT-BGDĐT đã nêu trên thì thí sinh được chọn 02 môn tự chọn trong số 09 môn tính điểm còn lại của chương trình lớp 12 bao gồm cả các môn ngữ Ngoại ngữ (Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật và Tiếng Hàn).
Trong khi đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 có 04 bài thi:
- Ngữ văn
- Toán
- Ngoại ngữ
- Tổ hợp (Khoa học tự nhiên: Lý, Hóa, Sinh; hoặc Khoa học xã hội: Sử, Địa, Giáo dục công dân)
Như vậy, từ kỳ thi tốt nghiệp năm 2025, Ngoại ngữ là một trong 02 môn tự chọn trong số 09 môn tính điểm còn lại của lớp 12 (bên cạnh Toán, Ngữ văn).
Điều này, góp phần làm giảm áp lực, giảm chi phí tuy nhiên vẫn bảo đảm chất lượng kỳ thi.
3. Thí sinh không còn được cộng điểm chứng chỉ nghề
Căn cứ khoản 2 Điều 40 Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông được ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT quy định điểm khuyến khích.
Theo đó, thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2024 có Giấy chứng nhận nghề, Bằng tốt nghiệp trung cấp do sở GDĐT, các cơ sở giáo dục đào tạo và dạy nghề, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cấp trong thời gian học THPT được cộng từ 1.0 - 2.0 điểm tùy theo xếp loại Giấy chứng nhận nghề hoặc Bằng tốt nghiệp trung cấp.
Tuy nhiên, theo Quy chế mới, tại Điều 43 đã bỏ cộng điểm chứng chỉ nghề đối với tất cả các thí sinh; bỏ cộng điểm chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, bằng trung cấp nghề đối với thí sinh giáo dục thường xuyên từ kỳ thi năm 2025.
Và điểm khuyến khích chỉ được cộng cho người học tham gia các cuộc thi và các hoạt động dưới đây trong thời gian học ở cấp THPT được cộng điểm khuyến khích để xét công nhận tốt nghiệp THPT:
- Đoạt giải cá nhân trong kỳ thi chọn học sinh giỏi
- Đoạt giải cá nhân và đồng đội trong các kỳ thi thí nghiệm thực hành môn Vật lý, Hóa học, Sinh học; thi văn nghệ; thể dục thể thao; hội thao giáo dục quốc phòng; cuộc thi khoa học kỹ thuật; viết thư quốc tế do ngành Giáo dục phối hợp với các ngành chuyên môn từ cấp tỉnh trở lên tổ chức.
Theo Bộ GD-ĐT thì quy định này nhằm phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng như tạo sự bình đẳng bởi học sinh tốt nghiệp hệ giáo dục chính quy và thường xuyên đều được cấp chung một loại bằng tốt nghiệp.
4. Thí sinh người nước ngoài miễn thi ngữ văn bằng chứng chỉ tiếng Việt
Khoản 3 Điều 39 về miễn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đã quy định việc miễn thi môn Ngữ văn trong xét công nhận tốt nghiệp THPT:
Người nước ngoài có chứng chỉ tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài (đạt từ bậc 3 trở lên) được miễn thi môn Ngữ văn trong xét công nhận tốt nghiệp THPT. Đối với người có đủ điều kiện miễn thi môn Ngữ văn nhưng vẫn muốn tham gia thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp thì phải sử dụng kết quả thi môn Ngữ văn để tính điểm xét tốt nghiệp THPT.
Như vậy, quy chế mới cho phép thí sinh là người nước ngoài được sử dụng chứng chỉ tiếng Việt để miễn thi môn ngữ văn trong xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Hiện hành tại Điều 35 Quy chế kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT chưa có quy định về điều này.
Theo Bộ GD-ĐT, quy định mới này nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc xét công nhận tốt nghiệp cho người nước ngoài học chương trình giáo dục phổ thông ở Việt Nam.
5. Chứng chỉ ngoại ngữ không được quy đổi thành điểm 10
Hiện hành tại Điều 35 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT (sửa đổi tại Thông tư 02/2024/TT-BGDĐT) quy định thí sinh được miễn thi bài thi Ngoại ngữ được tính 10 điểm cho bài thi này để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Tuy nhiên theo khoản 2 Điều 39 Quy chế mới ban hành kèm Thông tư 24/2024/TT-BGDĐT thì chứng chỉ ngoại ngữ vẫn được tiếp tục sử dụng để miễn thi trong xét công nhận tốt nghiệp nhưng không được quy đổi thành điểm 10 trong xét công nhận tốt nghiệp như trước đây. Và công thức tính điểm xét tốt nghiệp không có điểm ngoại ngữ trong trường hợp này.
6. Vận chuyển đề thi bằng đường truyền mã hóa
Khoản 3 Điều 12 Quy chế mới quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Ban In sao đề thi. Theo đó, Ban In sao đề thi có các nhiệm vụ như sau:
- Tiếp nhận đề thi gốc còn nguyên niêm phong của Hội đồng ra đề thi từ Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia hoặc đề thi đã được mã hoá do Hội đồng ra đề thi chuyển đến qua hệ thống của Ban Cơ yếu Chính phủ; tổ chức in sao đề thi, đóng gói, niêm phong, bảo quản; bàn giao các túi đề thi cho Ban Vận chuyển và bàn giao đề thi;
- Thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu, hướng dẫn của Chủ tịch Hội đồng ra đề thi, Chủ tịch Hội đồng thi (nếu có).
Như vậy, đây là lần đầu tiên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT có thêm phương thức vận chuyển đề thi từ địa điểm hội đồng ra đề thi tới điểm in sao đề thi qua hệ thống đường truyền mã hóa và bảo mật của Ban Cơ yếu Chính phủ. Hiện hành chưa có quy định này.
Phương thức vận chuyển đề thi mới này giúp chuyển đề thi gốc nhanh, kịp thời, giảm bớt được thời gian và nhân sự vận chuyển đề thi như phương pháp truyền thống đang áp dụng.
Trên đây là thông tin về 06 điểm mới trong Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tại Thông tư 24.