04 trường hợp phong tỏa tài khoản thanh toán
Theo Nghị định 52/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thanh toán không dùng tiền mặt quy định 04 trường hợp phong tỏa tài khoản thanh toán.
Theo quy định tại Điều 11 Nghị định 52/2024/NĐ-CP, tài khoản thanh toán bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số dư trên tài khoản thanh toán trong các trường hợp sau:
Trường hợp 1: Theo thỏa thuận
Tài khoản thanh toán bị phong tỏa khi có sự thỏa thuận giữa chủ tài khoản thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoặc chủ tài khoản yêu cầu phong tỏa tài khoản.
Trường hợp 2: Theo quyết định của cơ quan nhà nước
Tài khoản thanh toán bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số dư trên tài khoản thanh toán trong trường hợp có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về việc phong tỏa tài khoản.
Trường hợp 3: Có nhầm lẫn, sai sót của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán
Tài khoản thanh toán bị phong tỏa khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót trong 02 trường hợp sau:
Ghi “Có” nhầm vào tài khoản thanh toán của khách hàng
Thực hiện theo yêu cầu hoàn trả lại tiền của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền do có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của bên chuyển tiền sau khi ghi “Có” vào tài khoản thanh toán của khách hàng.
Lưu ý: Số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán không được vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót.
Trường hợp 4: Theo yêu cầu của một trong các chủ tài khoản thanh toán chung
Khi tài khoản thanh toán có nhiều chủ sở hữu, trừ khả năng có sự thỏa thuận trước bằng văn bản giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và các chủ tài khoản thanh toán chung, thì tài khoản thanh toán bị phong tỏa khi có yêu cầu phong tỏa của một trong các chủ tài khoản thanh toán chung.
Như vậy, có 04 trường hợp tài khoản thanh toán sẽ bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số dư trên tài khoản thanh toán. Quy định này nhằm mục đích đảm bảo quyền lợi của chủ tài khoản thanh toán cũng như an toàn tiền gửi khách hàng.
Ngoài ra, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, chủ tài khoản thanh toán và cơ quan có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm bồi thường cho chủ tài khoản thanh toán khi việc phong tỏa trái pháp luật gây thiệt hại.
Chấm dứt phong tỏa tài khoản thanh toán
Cũng theo Điều 11, Nghị định 52/2024/NĐ-CP cũng quy định tài khoản thanh toán bị phong tỏa được chấm dứt tài khoản thanh toán trong các trường hợp sau:
Theo thỏa thuận bằng văn bản giữa chủ tài khoản thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
Khi có quyết định chấm dứt phong tỏa của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Đã xử lý xong sai sót, nhầm lẫn trong thanh toán chuyển tiền của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 11 Nghị định 52/2024/NĐ-CP
Khi có yêu cầu chấm dứt phong tỏa của tất cả các chủ tài khoản thanh toán chung hoặc theo thỏa thuận trước bằng văn bản giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và các chủ tài khoản thanh toán chung.
Nghị định số 52/2024/NĐ-CP là văn bản pháp lý quan trọng về lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt, có ảnh hưởng rộng đến nhiều lĩnh vực, đối tượng, tổ chức, cá nhân liên quan.
Ngoài ra, Nghị định 52 đã góp phần tạo lập khuôn khổ pháp lý cơ bản, vững chắc cho hoạt thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, tạo thuận lợi cho chuyển đổi số ngành Ngân hàng.
Trên đây là nội dung tham khảo về 04 trường hợp phong tỏa tài khoản thanh toán.