Thuốc lá là gì mà lại lấy đi mạng sống của hơn 8 triệu người trên thế giới mỗi năm? Bài viết này sẽ giúp bạn có một cái nhìn cụ thể hơn về thuốc lá và những nơi cấm sử dụng chúng.
1. Thuốc lá là gì?
Trong quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá số 09/2012/QH13 nêu rõ:
“Thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác”
Thuốc lá là một sản phẩm có nguồn gốc từ cây thuốc lá. Cây thuốc lá thuộc họ Cà, cao từ 1m đến 2m khi trưởng thành. Toàn thân được bao phủ dày đặc bởi lá. Hoa thường có màu hồng nhạt, mọc trên ngọn của cây thuốc lá.
Khi thu hoạch, phần lá được giữ lại để phơi khô và cắt nhỏ thành sợi. Sợi được cuốn cố định lại bằng một lớp giấy mỏng, gắn thêm đầu lọc để tạo ra một điếu thuốc lá hoàn chỉnh.
2. Tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người
Hiện nay, trên thị trường Việt Nam rất đa dạng các loại mẫu mã thuốc lá. Mỗi sản phẩm mang một màu sắc, hình dáng, hương vị khác nhau nhưng đều có một đặc điểm chung là hủy hoại nghiêm trọng tới sức khỏe con người.
2.1. Mắc ung thư
Hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư phổi cao. Trong khói thuốc lá, có hàng chục độc tố như asen (chất độc), benzen (có trong xăng), monoxit carbon (khí CO),... Khi hút, các chất độc này đi thẳng vào phổi khiến phổi bị tổn thương. Lâu ngày sẽ hình thành nên tế bào ung thư.
Ngoài ung thư phổi, thuốc lá có thể mang mầm bệnh ung thư tới mọi cơ quan trong cơ thể con người: ung thư vòm họng, gan, thận, máu, cổ tử cung,... Người mắc ung thư có rất ít khả năng để chữa khỏi nếu không phát hiện sớm.
2.2. Mắc bệnh tim mạch và đột quỵ
Hút thuốc khiến nhịp tim cao gấp 2 lần so với người bình thường. Tình trạng này kéo dài gây nên tổn thương thành mạch máu. Những mảng xơ vữa hình thành, cản trở việc lưu thông dẫn đến tắc nghẽn, phình to, có thể bị vỡ mạch máu và đe dọa đến tính mạng.
Sự tắc nghẽn động mạch còn gây ra sự đau thắt ngực. Nếu không được can thiệp kịp thời thì rất dễ bị đột quỵ, ảnh hưởng trực tiếp tới sự sống của người hút.
Hơn nữa, các độc tố trong khói thuốc lá có thể gây ra những cục máu đông dẫn tới đột quỵ não. Chúng phá hủy mạch máu, gây hẹp động mạch, tăng triglyceride trong máu,...
2.3. Mất thị lực
Thói quen hút thuốc cũng dẫn đến một số bệnh về mắt gây ảnh hưởng trực tiếp tới thị giác. Người sử dụng có tỉ lệ cao mắc đục thủy tinh thể khiến mắt mờ đi theo thời gian, để lâu có thể dẫn đến mù lòa.
Người sử dụng thuốc lá có nguy cơ bị bệnh đái tháo đường và biến chứng tiểu đường. Đặc biệt, bệnh võng mạc đái tháo đường gây nên những vết thương cho mạch máu ở võng mạc, rồi dần dần bị mù hoàn toàn. Căn bệnh này xuất hiện phổ biến tại các nước phát triển.
Thuốc lá còn làm thoái hóa điểm vàng của mắt. Giới chuyên môn chỉ ra rằng, người hút thuốc lá có nguy cơ bị thoái hóa điểm vàng gấp 3 lần so với người bình thường. Người bệnh sẽ gặp khó khăn khi đọc sách, báo hoặc điều khiển phương tiện giao thông trên đường.
2.4. Bệnh về răng miệng
Hút thuốc gây nên tình trạng vàng răng, hôi miệng, viêm tuyến nước bọt,... Tăng nguy cơ bị ung thư vòm họng.
Đặc biệt, thuốc lá là tác nhân chính gây nên bệnh viêm nướu và viêm nha chu. Các độc tố trong thuốc lá sẽ tác động trực tiếp đến xương và mô răng dẫn đến tình trạng nhiễm trùng nướu. Lâu dài rất dễ xuất hiện tình trạng mất răng của người nghiện thuốc.
2.5. Gây loãng xương
Hormone Cortisol là hormone tiết ra từ vỏ thận có công dụng chống trầm cảm. Nhưng khi hút thuốc lá quá nhiều, nồng độ hormone này tăng cao làm thúc đẩy sự phân hủy xương trong cơ thể, dẫn đến nguy cơ bị loãng xương.
Bệnh loãng xương để phát hiện ra không phải dễ vì đây là căn bệnh không triệu chứng. Bệnh sẽ âm thầm phát triển bên trong cơ thể làm người hút thuốc mất dần khối lượng của xương theo tuổi tác.
2.6. Khó thụ thai
Trong thuốc lá có hàm lượng nicotin rất lớn. Nicotin đi vào cơ thể làm co thắt ống dẫn trứng, cản trở phôi thai đi vào cổ tử cung. Nicotin còn tăng khả năng sinh non đối với phụ nữ mang thai, tăng khả năng bị dị tật bẩm sinh cho thai nhi như: khiếm thị, khiếm thính, não bộ không bình thường,...
2.7. Gây lão hóa
Hút thuốc lá có nguy cơ làm da mặt nhăn nheo, chảy xệ, sắc tố da không đồng đều và thiếu sức sống.
Khói thuốc làm giảm đi độ sản xuất collagen tới 40% khiến da bị lão hóa sớm. Người hút thuốc thường không quá để ý tới da hoặc có để ý nhưng xem thường, chính sự chủ quan đó đã gây nên những bệnh về da vô cùng rõ rệt.
2.8. Gây bệnh bất lực
Giống như bệnh tim mạch, sự tích tụ mảng bám trong động mạch (xơ vữa động mạch) làm cản trở lưu thông máu tuần hoàn trên khắp cơ thể gây nên rối loạn cương dương.
Thuốc lá cũng làm giảm chất lượng tinh trùng đi đáng kể. Tinh trùng có thể bị yếu, di chuyển chậm hoặc bị biến dạng, tăng nguy cơ vô sinh ở nam giới.
3. Những địa điểm bị cấm hút thuốc lá
Thuốc lá là mối nguy hại vô cùng lớn với bản thân người hút và xã hội. Nhận thức được điều đó, Bộ Y Tế đã có văn bản quy định cụ thể về địa điểm cấm hút thuốc lá.
Theo Thông tư 11/2023/TT-BYT của Bộ Y tế, các địa điểm cấm hút thuốc lá được quy định như sau:
3.1. Các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên:
- Cơ sở y tế;
- Cơ sở giáo dục;
- Cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em;
- Cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao
3.2. Các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà
- Nơi làm việc trong nhà của cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và nơi làm việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác;
- Khu vực trong nhà của các địa điểm công cộng:
Cơ sở dịch vụ ăn uống,
Cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí,
Nhà ga, bến tàu, bến xe,
Cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng,
Trung tâm hội nghị, trung tâm thương mại, chợ,
Nhà hát, nhà văn hóa, rạp chiếu phim, rạp xiếc, câu lạc bộ, nhà thi đấu thể thao, sân vận động, nhà sinh hoạt cộng đồng
Và các khu vực sinh hoạt chung của khu chung cư và địa điểm công cộng khác
3.3. Phương tiện giao thông công cộng cấm hút thuốc lá hoàn toàn:
- Ô tô;
- Tàu bay;
- Tàu điện.
3.4. Địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá:
- Khu vực cách ly của sân bay;
- Quán bar, quán karaoke, vũ trường;
- Khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách, khu nghỉ dưỡng (resort) và cơ sở lưu trú du lịch khác;
- Phương tiện giao thông công cộng là tàu thủy, tàu hỏa.
4. Hút thuốc lá ở nơi cấm bị phạt như thế nào?
Nghị định 117/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có quy định cụ thể về mức đối với các vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá:
“Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm. Trường hợp hút thuốc lá trên tàu bay thực hiện theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng”
Vậy, mức phạt cho một cá nhân khi hút thuốc lá không đúng nơi quy định là cảnh cáo hoặc phạt tiền dao động từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng.
Mức phạt này răn đe nhưng khi áp dụng vào thực tế hiện nay còn nhiều khó khăn do:
Lực lượng an ninh mỏng.
Hành vi hút thuốc thường xảy ra nhanh, bất chợt và khó đoán.
Chưa có đủ sự giám sát chặt chẽ để phát hiện và xử phạt.
Sau bài viết này, hy vọng bạn đã hình dung và nhận thức được thuốc lá là gì. Có thể thấy, phòng chống tác hại của thuốc lá vừa là mục tiêu của từng cá nhân, vừa là mục tiêu của tập thể. Mọi vấn đề còn vướng mắc vui lòng liên hệ 19006192 để được LuatVietnam làm rõ.