Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 25:2015/BLĐTBXH An toàn lao động đối với xe nâng hàng sử dụng động cơ, có tải trọng nâng từ 1.000kg trở lên
- Thuộc tính
- Nội dung
- Quy chuẩn liên quan
- Lược đồ
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
QCVN 25: 2015/BLĐTBXH
QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ AN TOÀN LAO ĐỘNG ĐỐI VỚI XE NÂNG HÀNG SỬ DỤNG ĐỘNG CƠ, CÓ TẢI TRỌNG NÂNG TỪ 1.000KG TRỞ LÊN
National technical regulation on safe work for Forklift truck use the engine, with load from 1.000kg or more
Lời nói đầu
QCVN 25: 2015/BLĐTBXH - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với xe nâng hàng sử dụng động cơ, có tải trọng nâng từ 1.000kg trở lên do Cục An toàn lao động biên soạn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành theo Thông tư số 51/2015/TT-BLĐTBXH ngày 08 tháng 12 năm 2015, sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Khoa học và Công nghệ.
QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ AN TOÀN LAO ĐỘNG ĐỐI VỚI XE NÂNG HÀNG SỬ DỤNG ĐỘNG CƠ, CÓ TẢI TRỌNG NÂNG TỪ 1.000KG TRỞ LÊN
National technical regulation on safe work for Forklift truck use the engine, with load from 1.000kg or more
1. Quy định chung
1.1. Phạm vi điều chỉnh
1.1.1. Quy chuẩn này quy định các yêu cầu về an toàn lao động đối với các loại xe nâng công nghiệp tự hành có tải trọng nâng từ 1.000kg trở lên nhưng không quá 10.000kg và kéo với móc kéo tiêu chuẩn lên đến 20.000N (sau đây được gọi là xe nâng hàng).
1.1.2. Đối với xe nâng hàng làm việc trong các điều kiện nghiêm ngặt, có phạm vi hoạt động đặc biệt (như vận chuyển hóa chất, vật liệu nổ …) và hoạt động trong môi trường có tính chất khác thường, ngoài việc tuân thủ các quy định của Quy chuẩn kỹ thuật này còn phải tuân theo các quy định của các Quy chuẩn kỹ thuật khác tương ứng.
1.1.3. Quy chuẩn này không áp dụng đối với:
- Xe nâng phạm vi thấp không chất hàng (ISO 5053:1987 Xe nâng công nghiệp - Thuật ngữ (Powered industrial trucks - Terminology));
- Xe nâng phạm vi cao loại có chất hàng (ISO 5053:1987 Xe nâng công nghiệp - Thuật ngữ (Powered industrial trucks - Terminology));
- Xe nâng chạy bằng khí gas tự nhiên;
- Xe nâng công nghiệp loại 1 trục đơn.
1.2. Đối tượng áp dụng
Quy chuẩn này áp dụng đối với:
1.2.1. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, lưu thông và sử dụng xe nâng hàng.
1.2.2. Các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
1.3. Giải thích từ ngữ
Trong Quy chuẩn sử dụng các thuật ngữ, định nghĩa sau:
1.3.1. Xe nâng công nghiệp tự hành (Self-propelled industrial trucks)
Là 01 loại xe bất kỳ di chuyển bằng bánh xe (loại trừ những xe chạy trên đường ray) được thiết kế để chở, kéo, đẩy, nâng, xếp dỡ hay xếp thành tầng các tải trọng bất kỳ và được điều khiển bởi một người đi với xe hoặc ngồi trên ghế, trên một sàn phẳng được bố trí trên xe.
1.3.2. Người vận hành (operator)
Là người đã được đào tạo, huấn luyện và cấp chứng chỉ về an toàn lao động, vệ sinh lao động; được cấp chứng chỉ vận hành xe nâng hàng và phải chịu trách nhiệm đối với việc chuyển động và nâng hạ tải của xe nâng hàng.
1.3.3. Vị trí thao tác bình thường (normal operating position)
Vị trí mà tại đó người vận hành có thể điều khiển tất cả mọi chức năng của xe nâng hàng.
1.3.4. Chiều cao nâng thấp (low lift height)
Là chiều cao nâng cung cấp đủ khoảng hở giữa nền và mặt dưới của sàn nâng hay càng nâng; chiều cao này không quá 500mm.
1.3.5. Phanh tự động (automatically acting brakes)
Phanh được sử dụng nguồn năng lượng dự trữ của xe nâng và tự hoạt động khi xe nâng bị mất an toàn trong quá trình sử dụng.
1.3.6. Tải trọng định mức (rated capacity)
Tải trọng được tính bằng kilôgam do nhà sản xuất đưa ra mà xe nâng hàng có thể vận chuyển hay nâng trong các điều kiện chuẩn được quy định.
1.3.7. Tải trọng thực tế (actual capacity)
Tải trọng tối đa tính bằng kilôgam mà xe nâng hàng có khả năng vận chuyển hay nâng trong điều kiện sử dụng bình thường.
2. Quy định về kỹ thuật
2.1. Quy định chi tiết
2.1.1. Tại vị trí làm việc bình thường của người vận hành và trong vùng tiếp cận của đường vào, đường ra không được có cạnh bén nhọn hay góc sắc nhọn.
2.1.2. Xe nâng phải được trang bị cơ cấu bảo vệ nhằm tránh các khởi động không mong muốn từ những người không có thẩm quyền.
2.1.3. Các bộ phận, chi tiết được trang bị cho những xe nâng có người điều khiển đi bộ cùng với xe và những xe nâng có người điều khiển trên xe thì không được đổi lẫn cho nhau.
2.1.4. Tất cả các xe nâng loại đứng điều khiển và xe nâng loại có người điều khiển đi bộ cùng với xe phải có phanh tác động tự động. Phanh này có thể sử dụng tốt như phanh tay.
2.1.5. Nếu xe nâng bố trí nhiều vị trí điều khiển thì sự hoạt động của cơ cấu điều khiển chỉ chịu tác động của 01 vị trí điều khiển tại một thời điểm (ngoại trừ cơ cấu tắt khẩn cấp).
2.1.6. Cơ cấu điều khiển tốc độ hoạt động của xe phải được thiết kế sao cho khi có sự tác động tăng đối với cơ cấu điều khiển tốc độ sẽ làm tăng tốc độ di chuyển của xe và khi không còn tác động vào cơ cấu này thì tác động phải trả về không.
2.1.7. Các xe nâng dẫn động bằng động cơ đốt trong phải được trang bị bộ phận an toàn nhằm tránh không cho động cơ khởi động được khi bộ truyền động (hộp số) bị kẹt.
2.1.8. Các xe nâng có người điều khiển đi bộ cùng với xe loại 01 tốc độ khi hoạt động không được di chuyển quá tốc độ 0,5 km/h và gia tốc 0,5 m/s2 và chỉ được thiết kế cho chiều cao nâng thấp.
2.1.9. Các xe nâng có người điều khiển đi bộ cùng với xe có tốc độ thay đổi, khi hoạt động không được di chuyển tốc độ quá 6 km/h và phải kiểm soát được tốc độ di chuyển bằng chân người vận hành.
2.1.10. Với xe nâng loại đứng điều khiển, chỉ được thiết kế với tốc độ di chuyển trên nền không quá 16 km/h.
2.1.11. Khi có sự cố mất nguồn dẫn động, phanh tác động tự động vẫn phải hoạt động được bình thường.
2.1.12. Nếu xe nâng có lắp khóa vi sai điều khiển bằng bàn đạp chân, khi nhả bàn đạp chân sẽ khóa bộ vi sai.
2.1.13. Cơ cấu kiểm soát lái
2.1.13.1. Đối với xe nâng loại đứng lái hoặc ngồi lái, chuyển động quay theo chiều kim đồng hồ của vô lăng hay của bất kỳ cơ cấu kiểm soát lái nào phải đưa được xe về bên phải khi lái xe về phía trước.
2.1.13.2. Trong trường hợp mất nguồn cung cấp cho cơ cấu lái (bao gồm cả động cơ không hoạt động) thì phải có khả năng duy trì hướng lái cho đến khi xe nâng dừng lại có kiểm soát.
2.1.13.3. Cơ cấu điều khiển có trên 1 chức năng trở lên thì mỗi chức năng tách biệt phải đánh dấu rõ ràng.
2.1.14. Bình chứa nhiên liệu và việc nạp liệu cho bình chứa phải được cách ly khỏi hệ thống điện và hệ thống khí thải bằng các biện pháp bảo vệ thích hợp. Ngay cả khi nạp liệu vào bình chứa bị đổ tràn hay rò rỉ thì cũng không bị chảy tràn vào khoang động cơ hay lên các linh kiện điện hay hệ thống khí thải.
2.1.15. An toàn cho vị trí người lái:
2.1.15.1. Vị trí của người lái phải được bố trí sao cho ở vị trí thao tác bình thường thì người lái với các tư thế theo đúng thiết kế phải có khả năng cầm và thao tác được tất cả các bộ phận kiểm soát.
2.1.15.2. Khi chiều cao sàn của buồng lái cao trên 30cm thì phải bố trí tay nắm để người lái lên xuống được dễ dàng. Tay nắm này cũng có thể là 01 bộ phận của xe nâng.
2.1.15.3. Khi chiều cao sàn của buồng lái cao trên 55cm, phải làm bậc lên xuống cho lái xe. Chiều cao của bậc thứ nhất tính từ nền không được vượt quá 55cm, khoảng cách các bậc tiếp theo không được vượt quá 55cm.
2.1.15.4. Sàn để người lái đứng thao tác hoặc để di chuyển lên xuống phải có biện pháp chống trơn, trượt mặt sàn.
2.1.15.5. Khi sàn cho người lái thao tác có độ cao trên 1,2m so với nền phải trang bị phương tiện bảo vệ ở các phía. Phương tiện bảo vệ có thể là lan can hay các phương tiện có hiệu quả tương đương. Lan can có khả năng mở hướng ra phía ngoài.
2.1.16. Các trang bị bảo vệ
2.1.16.1. Xe nâng ngồi vận hành và đứng vận hành có chiều cao nâng trên 1.800 mm phải lắp 1 tấm che bảo vệ phía trên đầu người vận hành và tấm che phía sau tải; tấm che bảo vệ phía trên đầu có cấu trúc chắc chắn để tránh cho người vận hành khỏi các vật rơi.
2.1.16.2. Xe nâng phải trang bị thiết bị cảnh báo bằng âm thanh cho người đi lại xung quanh biết khi di chuyển vào vùng nguy hiểm của xe nâng.
2.1.17. Người vận hành phải có đủ tầm nhìn để có thể di chuyển an toàn. Nếu tầm nhìn bị hạn chế thì cần trang bị các thiết bị để tăng tầm nhìn như gương, camera quan sát, các thiết bị cảnh báo nghe, nhìn.
2.1.18. Xe nâng phải có dây an toàn cho người vận hành ở tư thế ngồi và đứng trên xe.
3. Quy định về quản lý an toàn trong sản xuất, nhập khẩu, lưu thông và sử dụng xe nâng hàng
3.1. Hồ sơ kỹ thuật của xe nâng hàng bao gồm:
3.1.1. Bản thuyết minh chung phải thể hiện được các yêu cầu sau:
- Tên và địa chỉ của nhà sản xuất.
- Mã hiệu, năm sản xuất.
- Tải trọng định mức cho phép.
- Bản vẽ sơ đồ cấu tạo và nguyên lý hoạt động, các kích thước của thiết bị và các đặc trưng kỹ thuật chính của hệ thống (thiết bị điều khiển, thiết bị an toàn, cơ cấu hạn chế quá tải, hạn chế hành trình).
- Các tiêu chuẩn áp dụng của xe nâng hàng.
3.1.2. Bản vẽ lắp các cụm cơ cấu và bộ phận đi kèm của xe nâng hàng như: càng nâng hạ, sàn mang tải, bộ phận nối dài...
3.1.3. Bản vẽ tổng thể xe nâng hàng có ghi các kích thước và thông số chính.
3.1.4. Quy trình kiểm tra và thử tải, quy trình xử lý, khắc phục sự cố, chế độ kiểm tra, sửa chữa và bảo dưỡng định kỳ.
3.1.5. Hướng dẫn sử dụng, vận hành.
3.2. Điều kiện đảm bảo an toàn đối với xe nâng hàng sản xuất trong nước
3.2.1. Đầy đủ hồ sơ kỹ thuật theo quy định tại mục 3.1 của Quy chuẩn này;
3.2.2. Xe nâng hàng chế tạo trong nước phải được công bố hợp quy phù hợp với các quy định tại Điều 2 của quy chuẩn này trên cơ sở chứng nhận hợp quy của tổ chức chứng nhận được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ định.
3.2.2.1. Nếu xe nâng sản xuất hàng loạt thì việc chứng nhận hợp quy được thực hiện theo phương thức 5: thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất (được quy định tại phụ lục II của Quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ban hành kèm theo Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ).
3.2.2.2. Nếu xe nâng sản xuất đơn chiếc thì việc chứng nhận hợp quy được thực hiện theo phương thức 8: thử nghiệm hoặc kiểm định toàn bộ sản phẩm hàng hóa (được quy định tại phụ lục II của Quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ban hành kèm theo Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ).
3.2.3. Đơn vị sản xuất phải công bố hợp quy và đăng ký hợp quy đối với xe nâng hàng theo quy định sau khi đã được chứng nhận hợp quy.
3.2.4. Phải được gắn dấu hợp quy trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.
3.2.5. Chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa có thẩm quyền.
3.3. Điều kiện đảm bảo an toàn đối với xe nâng hàng nhập khẩu
3.3.1. Đủ hồ sơ kỹ thuật theo quy định tại mục 3.1 của Quy chuẩn này.
3.3.2. Xe nâng hàng nhập khẩu phải được công bố hợp quy phù hợp với các quy định tại Điều 2 của Quy chuẩn này. Việc công bố hợp quy xe nâng hàng nhập khẩu trên cơ sở chứng nhận hợp quy của tổ chức chứng nhận trong và ngoài nước được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chỉ định (hoặc thừa nhận) thực hiện.
3.3.2.1. Nếu xe nâng được nhập khẩu hàng loạt thì việc chứng nhận hợp quy được thực hiện theo phương thức 7: thử nghiệm, đánh giá lô sản phẩm, hàng hóa (được quy định tại phụ lục II của Quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ban hành kèm theo Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ).
3.3.2.2. Nếu xe nâng được nhập khẩu đơn chiếc thì việc chứng nhận hợp quy được thực hiện theo phương thức 8: thử nghiệm hoặc kiểm định toàn bộ sản phẩm, hàng hóa (được quy định tại phụ lục II của quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ban hành kèm theo Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ).
3.3.3. Trong trường hợp các xe nâng hàng nhập khẩu mà theo thỏa thuận song phương, đa phương giữa cơ quan có thẩm quyền của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các nước xuất khẩu xe nâng hàng quy định không phải kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu thì các xe nâng hàng này được miễn kiểm tra nhập khẩu.
3.3.4. Xe nâng hàng nhập khẩu không đáp ứng quy định tại mục 3.1 của quy chuẩn này thì khi nhập khẩu phải được tổ chức giám định được chỉ định hoặc được thừa nhận theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc thỏa thuận quốc tế mà cơ quan có thẩm quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết giám định tại cửa khẩu nhập.
3.3.5. Xe nâng hàng nhập khẩu phải được kiểm tra chất lượng theo quy định và bị xử lý nếu có vi phạm theo luật định.
3.3.6. Xe nâng hàng nhập khẩu trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường phải được gắn dấu hợp quy, ghi nhãn theo quy định.
3.4. Điều kiện đảm bảo an toàn đối với xe nâng hàng lưu thông trên thị trường.
Xe nâng hàng lưu thông trên thị trường phải được đơn vị bán hàng thực hiện các yêu cầu sau:
3.4.1. Tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng trong quá trình bảo quản, lưu thông xe nâng hàng và quy định của nhà sản xuất.
3.4.2. Tự áp dụng các biện pháp kiểm soát chất lượng nhằm duy trì chất lượng của xe nâng hàng do mình bán.
3.4.3. Các xe nâng hàng đã được chứng nhận hợp quy và gắn dấu hợp quy.
3.4.4. Chịu sự kiểm tra chất lượng theo những nội dung, trình tự, thủ tục quy định và bị xử lý nếu có vi phạm theo luật định.
3.5. Yêu cầu đối với đơn vị bảo trì, bảo dưỡng và sửa chữa xe nâng hàng
3.5.1. Có tư cách pháp nhân, được cơ quan có thẩm quyền cấp đăng ký kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực này theo quy định của pháp luật.
3.5.2. Có đủ cán bộ kỹ thuật đã được đào tạo kỹ thuật chuyên ngành. Có đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề, được huấn luyện về an toàn lao động và được cấp chứng chỉ an toàn lao động, vệ sinh lao động theo quy định.
3.5.3. Có đủ điều kiện trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho công việc bảo trì, bảo dưỡng và sửa chữa xe nâng hàng.
3.5.4. Chịu trách nhiệm theo hợp đồng đã ký kết với đơn vị sử dụng.
3.5.5. Xây dựng các biện pháp an toàn cho quá trình bảo trì, bảo dưỡng và sửa chữa.
3.6. Quản lý sử dụng an toàn xe nâng hàng
3.6.1. Xe nâng hàng phải được sử dụng, bảo trì và bảo dưỡng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
3.6.2. Mỗi xe nâng hàng phải có quy trình vận hành và sử dụng an toàn.
3.6.3. Người chịu trách nhiệm quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành xe nâng hàng phải được huấn luyện cơ bản về nghiệp vụ mà mình đảm nhận; được huấn luyện an toàn lần đầu trước khi giao việc, huấn luyện an toàn định kỳ hàng năm và được cấp chứng chỉ an toàn lao động, vệ sinh lao động theo quy định; hiểu được tính năng kỹ thuật của xe nâng hàng mà mình phụ trách; biết các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn liên quan đến xe nâng hàng; biết cách khắc phục các sự cố khẩn cấp theo hướng dẫn của đơn vị sản xuất.
3.6.4. Những yêu cầu an toàn khi sử dụng xe nâng hàng:
3.6.4.1. Chỉ sử dụng xe nâng hàng có tình trạng kỹ thuật tốt, đã được kiểm định kỹ thuật an toàn lao động theo quy định. Trong quá trình sử dụng, nếu phát hiện xe nâng hàng không đảm bảo an toàn thì đơn vị sử dụng có quyền đưa ra yêu cầu kiểm định trước thời hạn.
3.6.4.2. Mỗi xe nâng hàng phải có sổ theo dõi quá trình bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ đủ nội dung công việc theo quy định.
3.6.4.3. Bố trí xe nâng hàng làm việc theo đúng đặc tính kỹ thuật và trọng tải mà nhà chế tạo đã quy định.
3.6.4.4. Phải có các biện pháp an toàn để đảm bảo an toàn cho người, vật tư, thiết bị và công trình trong khu vực hoạt động của xe nâng hàng.
3.6.4.5. Tổ chức khắc phục kịp thời các hư hỏng đã được phát hiện.
3.6.4.6. Mỗi xe nâng hàng phải có sổ giao ca. Trong đó có ghi lại kết quả kiểm tra đầu ca và tình trạng an toàn của xe nâng hàng trong suốt quá trình làm việc. Người giao ca và nhận ca cùng phải ký vào sổ giao ca.
3.6.4.7. Trước khi cho xe nâng hàng hoạt động phải kiểm tra các cơ cấu an toàn và xem xét các điều kiện khác như: không gian, ánh sáng...để xe nâng vận hành an toàn.
3.6.4.8. Phải có các biện pháp cụ thể ngăn cản có hiệu quả những người không có trách nhiệm tự ý đi vào khu vực làm việc của xe nâng hàng.
3.6.4.9. Chìa khóa khởi động xe nâng hàng do người chịu trách nhiệm quản lý về sự hoạt động an toàn của xe nâng hàng giữ, chìa thứ hai được bàn giao luân phiên cho người vận hành.
3.6.4.10. Khi vận chuyển loại hàng có khả năng dễ gây cháy, dễ kích thích nổ hoặc độc hại phải có biện pháp phòng ngừa đặc biệt.
3.6.4.11. Sau khi hết ca xe nâng hàng phải được đưa về đúng vị trí theo quy định của đơn vị sử dụng và trên xe không còn mang tải.
3.6.5. Việc bố trí công nhân điều khiển xe nâng hàng phải có quyết định bằng văn bản của người sử dụng lao động.
3.6.6. Trong quá trình vận hành xe nâng hàng, tại những vị trí mà người lái không thể quan sát thấy thì phải bố trí thêm 01 người bên ngoài để quan sát và cảnh giới khu vực hoạt động xe nâng để đưa ra các cảnh báo kịp thời cho người điều khiển xe nâng biết.
3.6.7. Khi công nhân điều khiển xe nâng hàng chuyển sang làm việc ở xe nâng hàng loại khác, phải được đào tạo lại để phù hợp với thiết bị mới. Công nhân điều khiển xe nâng hàng nghỉ việc theo nghề từ 6 tháng trở lên phải được kiểm tra lại tay nghề trước khi bố trí làm việc trở lại.
4. Kiểm định kỹ thuật an toàn lao động trong sử dụng xe nâng hàng
4.1. Xe nâng hàng trước khi đưa vào sử dụng phải được kiểm định lần đầu và kiểm định định kỳ, kiểm định bất thường trong quá trình sử dụng theo quy trình kiểm định do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.
Việc kiểm định kỹ thuật an toàn lao động xe nâng hàng phải do tổ chức kiểm định kỹ thuật an toàn đã được Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ định.
4.2. Chu kỳ kiểm định định kỳ đối với xe nâng hàng:
4.2.1. Chu kỳ kiểm định đối với xe nâng hàng là 3 năm một lần.
4.2.2. Chu kỳ kiểm định trên có thể được rút ngắn nhưng phải nêu rõ lý do trong biên bản kiểm định.
4.3. Các xe nâng hàng sau khi kiểm định đạt yêu cầu phải được dán tem kiểm định theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
5. Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm
5.1. Thanh tra và xử lý vi phạm trong việc thực hiện Quy chuẩn này do thanh tra nhà nước về lao động thực hiện.
5.2. Việc kiểm tra chất lượng sản xuất, nhập khẩu, lưu thông và sử dụng xe nâng hàng được thực hiện theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và theo các quy định của Quy chuẩn này.
6. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân
6.1. Các tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ chế tạo, nhập khẩu, lưu thông, sửa chữa, quản lý và sử dụng xe nâng hàng có trách nhiệm tuân thủ các quy định tại Quy chuẩn này.
6.2. Quy chuẩn này là căn cứ để các cơ quan kiểm tra chất lượng xe nâng hàng tiến hành việc kiểm tra và cũng là căn cứ để các tổ chức đánh giá sự phù hợp tiến hành chứng nhận hợp quy.
7. Tổ chức thực hiện
7.1. Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện quy chuẩn này.
7.2. Các cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương có trách nhiệm hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Quy chuẩn này.
7.3. Quy chuẩn này có hiệu lực sau 6 tháng, kể từ ngày Thông tư số 51/2015/TT-BLĐTBXH ngày 08 tháng 12 năm 2015 ký ban hành.
7.4. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm kịp thời phản ánh với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để xem xét giải quyết./.