Kế hoạch 43/KH-UBND Hà Nội 2020 tổ chức Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Kế hoạch 43/KH-UBND
Cơ quan ban hành: | Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 43/KH-UBND |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Kế hoạch |
Người ký: | Ngô Văn Quý |
Ngày ban hành: | 25/02/2020 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Lao động-Tiền lương |
tải Kế hoạch 43/KH-UBND
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI ------------- Số: 43/KH-UBND | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------- Hà Nội, ngày 25 tháng 02 năm 2020
|
KẾ HOẠCH
Tổ chức Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động thành phố Hà Nội năm 2020
--------------------------
Thực hiện Quyết định số 87/QĐ-TTg ngày 12/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động; Thông tư số 02/2017/TT-BLĐTBXH ngày 20/02/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn tổ chức Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (AT,VSLĐ); Kế hoạch số 4914/KH-BCĐTƯ ngày 18/11/2019 của Ban Chỉ đạo Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động Trung ương về việc triển khai Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2020, UBND thành phố Hà Nội xây dựng Kế hoạch tổ chức Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động thành phố Hà Nội năm 2020, như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Thúc đẩy các chương trình, hoạt động cụ thể để phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cải thiện điều kiện lao động trong các cơ sở, doanh nghiệp; nâng cao ý thức, nhận thức cho người sử dụng lao động và người lao động trong việc thực hiện Luật An toàn, vệ sinh lao động, Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác AT,VSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
2. Yêu cầu
Tổ chức Tháng hành động AT,VSLĐ năm 2020 với các hoạt động phong phú, thiết thực, có hiệu quả phù hợp với điều kiện lao động, sản xuất; huy động sự tham gia, phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức, cơ quan truyền thông, doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn Thành phố.
II. CHỦ ĐỀ
Đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
III. THỜI GIAN VÀ PHẠM VI TRIỂN KHAI
1. Thời gian tổ chức: Tháng hành động về AT,VSLĐ năm 2020 được tổ chức từ ngày 01/5/2020 đến hết ngày 31/5/2020.
2. Phạm vi triển khai: Tháng hành động về AT,VSLĐ năm 2020 được tổ chức triển khai trên địa bàn toàn thành phố Hà Nội.
IV. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG
1. Trước thời gian tổ chức Tháng hành động về AT, VSLĐ
- Thành lập Ban tổ chức Tháng hành động về AT, VSLĐ Thành phố.
- Xây dựng kế hoạch tổ chức Lễ phát động Tháng hành động và Chương trình lễ phát động Tháng hành động về AT, VSLĐ trình UBND Thành phố.
- Tổ chức thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của Tháng hành động về AT, VSLĐ.
- Tuyên truyền trực quan: Treo cờ, băng rôn, khẩu hiệu... (từ ngày 01/5/2020) để tuyên truyền, cổ động Tháng hành động về AT,VSLĐ (nội dung tuyên truyền theo phụ lục đính kèm) tại vị trí nơi tổ chức lễ phát động, trên các trục đường chính của Thành phố, các trục đường vào cụm, điểm, Khu Công nghiệp và cổng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.
- Thanh tra, kiểm tra về công tác AT, VSLĐ: Tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành của Thành phố để tổ chức thanh tra, kiểm tra về AT, VSLĐ trong một số ngành, nghề, lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trong sử dụng nồi hơi, thiết bị nâng, thang máy, hàn cắt kim loại, làm việc trong không gian hạn chế; việc thực thi các quy định, chính sách theo Luật An toàn, vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Công tác Khen thưởng về AT, VSLĐ: Tiến hành thẩm định khen thưởng cho các tập thể và cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc về công tác AT, VSLĐ trong năm 2019 đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND Thành phố khen thưởng (trao thưởng tại lễ phát động).
2. Trong Tháng hành động về AT,VSLĐ
- Công tác truyền thông: Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng nội dung và cung cấp kịp thời các tin, bài, ảnh cho các cơ quan báo chí về công tác triển khai Tháng hành động về AT,VSLĐ trên đại bàn Thành phố; cấp phát các tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền về công tác an toàn vệ sinh lao động cho UBND quận, huyện, thị xã và các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.
- Tiếp tục tổ chức Thanh tra, kiểm tra về công tác AT,VSLĐ.
- Tổ chức một số hoạt động chuyên đề AT,VSLĐ và hoạt động cộng đồng có sự tham gia của doanh nghiệp, người lao động:
+ Tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho doanh nghiệp cải thiện điều kiện lao động; tổ chức tuyên truyền, huấn luyện cho người lao động làm việc trong khu vực không có quan hệ lao động.
+ Tiếp tục công tác thông tin, tuyên truyền các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về AT,VSLĐ trên địa bàn Thành phố; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ cổ động Tháng hành động về AT,VSLĐ.
+ Tổ chức các hoạt động: Hội thảo, hội thi, hội nghị sơ kết, tổng kết công tác AT,VSLĐ.
- Thăm hỏi, tặng quà các gia đình, nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố.
3. Sau Tháng hành động về AT,VSLĐ
- Tiếp tục triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch an toàn lao động, vệ sinh lao động của Thành phố, như: Tổ chức thanh tra, kiểm tra về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ tại các đơn vị, doanh nghiệp, công trình xây dựng trên địa bàn Thành phố (theo kế hoạch đã xây dựng).
- Tiến hành sơ kết, tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm trong việc chỉ đạo, điều hành Ban tổ chức Tháng hành động về AT,VSLĐ với việc triển khai thực hiện, hưởng ứng của các cấp chính quyền và các Sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn Thành phố.
- Tổng hợp kết quả hưởng ứng Tháng hành động về AT,VSLĐ báo cáo Ban Chỉ đạo AT,VSLĐ Trung ương và UBND Thành phố.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Cơ quan Thường trực Ban tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ Thành phố).
- Xây dựng Kế hoạch tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về AT,VSLĐ năm 2020, trình UBND Thành phố phê duyệt.
- Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, các Sở, ban, ngành thuộc thành viên Ban tổ chức Tháng hành động AT,VSLĐ Thành phố, các đơn vị liên quan xây dựng nội dung, chương trình và chuẩn bị các điều kiện cần thiết tổ chức Lễ phát động Tháng hành động AT,VSLĐ năm 2020.
- Chuẩn bị các ấn phẩm: Sách, tranh, ảnh, tài liệu, pa nô, áp phích, tờ rơi... cung cấp cho các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp làm tài liệu tuyên truyền về công tác AT,VSLĐ.
- Tham mưu UBND Thành phố thành lập 02 Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra 58 đơn vị, doanh nghiệp, công trình xây dựng (tập trung vào doanh nghiệp có nguy cơ cao tai nạn lao động và cháy nổ) và 02 quận, huyện, thị xã về công tác an toàn, vệ sinh lao động và làm Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành (đoàn 1).
- Tổng hợp hồ sơ khen thưởng về công tác AT,VSLĐ, trình Hội đồng Thi đua khen thưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND Thành phố.
- Chuẩn bị kinh phí và phối hợp với Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tổ chức đoàn lãnh đạo Thành phố thăm, tặng quà 25 gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố (Mỗi suất quà trị giá 1.500.000 đồng).
- Chủ động phối hợp các cơ quan Báo, Đài của Trung ương và Hà Nội, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa và Thể thao làm tốt công tác tuyên truyền Tháng hành động AT,VSLĐ Thành phố năm 2020.
- Chuẩn bị danh sách đại biểu, giấy mời, tài liệu, các điều kiện phục vụ tổ chức Lễ phát động và họp Ban tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ Thành phố.
- Tổng hợp kết quả hưởng ứng Tháng hành động AT,VSLĐ báo cáo UBND Thành phố và Ban Chỉ đạo AT,VSLĐ Trung ương.
2. Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội
- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và Kế hoạch Tháng hành động về AT,VSLĐ Thành phố chỉ đạo, hướng dẫn Liên đoàn Lao động các quận, huyện, thị xã và Công đoàn ngành, công đoàn cấp trên cơ sở tổ chức, triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức Tháng hành động về AT,VSLĐ Thành phố, phối hợp chính quyền cùng cấp tổ chức tốt việc hưởng ứng Tháng hành động AT,VSLĐ năm 2020 của Thành phố.
- Chủ động phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và cơ quan thành viên Ban tổ chức Tháng hành động về AT,VSLĐ Thành phố tổ chức tốt lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động về AT,VSLĐ năm 2020 của Thành phố.
- Chỉ đạo Công đoàn các cấp làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền và tổ chức các hoạt động của Công đoàn đối với công tác AT,VSLĐ nhằm nâng cao vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn đối với công tác AT,VSLĐ.
- Tham gia đoàn kiểm tra liên ngành của Thành phố để kiểm tra việc chấp hành thực hiện các quy định của pháp luật về công tác AT,VSLĐ, phòng chống cháy nổ tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố, làm Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành (đoàn 2).
- Tổ chức các hội thi tìm hiểu về công tác AT,VSLĐ, thi an toàn vệ sinh viên giỏi, các buổi tọa đàm, đối thoại, hội thảo, các buổi nói chuyện các chuyên đề: Cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe người lao động; Khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, chế độ thai sản đối với lao động nữ... cho công nhân và người lao động, đặc biệt quan tâm đến đội ngũ công nhân, người lao động làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
- Chủ động lựa chọn, đề xuất danh sách 25 gia đình, nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để lãnh đạo Thành phố thăm, tặng quà.
3. Sở Y tế
- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và kế hoạch Tháng hành động về AT,VSLĐ Thành phố chỉ đạo, hướng dẫn Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã và các đơn vị thuộc ngành hưởng ứng Tháng hành động về AT,VSLĐ năm 2020; thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe người lao động, đo quan trắc môi trường lao động, hướng dẫn và tuyên truyền cho các đơn vị thực hiện cho người lao động đi khám phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp.
- Chủ động phối hợp các cơ quan Báo, Đài của Trung ương và Hà Nội tổ chức thông tin, tuyên truyền về vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp; tổ chức hội thảo, hội thi tìm hiểu về AT,VSLĐ và phòng chống bệnh nghề nghiệp tại nơi làm việc.
- Chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện tốt công tác tự kiểm tra về ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ tại nơi làm việc, đặc biệt quan tâm các đơn vị, lĩnh vực có nhiều nguy cơ mất an toàn, vệ sinh lao động và cháy nổ.
- Tham gia đoàn kiểm tra liên ngành của Thành phố kiểm tra việc chấp hành thực hiện các quy định của pháp luật về công tác AT,VSLĐ, phòng chống cháy nổ tại các đơn vị, doanh nghiệp, công trình xây dựng trên địa bàn Thành phố.
- Chủ động phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và cơ quan thành viên Ban tổ chức Tháng hành động về AT,VSLĐ Thành phố tổ chức tốt lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động về AT,VSLĐ năm 2020 của Thành phố.
4. Sở Xây dựng
- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và Kế hoạch Tháng hành động về AT,VSLĐ Thành phố tổ chức tuyên truyền công tác AT,VSLĐ thuộc lĩnh vực ngành quản lý; chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc ngành quản lý tích cực hưởng ứng Tháng hành động về AT,VSLĐ năm 2020.
- Phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành của Thành phố kiểm tra việc chấp hành thực hiện các quy định của pháp luật về công tác AT,VSLĐ, phòng chống cháy nổ trên công trường xây dựng trên địa bàn Thành phố.
5. Sở Văn hóa và Thể thao
- Chủ động phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan thành viên Ban tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ Thành phố, đơn vị tổ chức sự kiện để treo băng rôn, khẩu hiệu trên địa bàn Thành phố nhằm tuyên truyền các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về AT,VSLĐ năm 2020; tổ chức tốt lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động về AT,VSLĐ năm 2020.
- Chỉ đạo các đơn vị trong ngành làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật AT,VSLĐ; tự kiểm tra AT,VSLĐ, phòng chống cháy nổ tại đơn vị, đặc biệt quan tâm các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ mất an toàn và cháy nổ.
6. Công an thành phố Hà Nội
- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và kế hoạch Tháng hành động về AT,VSLĐ Thành phố chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, Công an các quận, huyện, thị xã triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về AT,VSLĐ năm 2020, đặc biệt quan tâm các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ mất an toàn và cháy nổ.
- Chủ động phối hợp các cơ quan Báo, Đài của Trung ương và Hà Nội, các Báo, Truyền hình Công an nhân dân để làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về AT,VSLĐ năm 2020 của Công an thành phố Hà Nội đối với công tác AT,VSLĐ, phòng chống cháy nổ.
- Chỉ đạo các đơn vị, Công an các quận, huyện, thị xã thuộc Công an Thành phố làm tốt công tác kiểm tra, tự kiểm tra AT,VSLĐ; hướng dẫn, kiểm tra an toàn phòng chống cháy nổ và cứu nạn, cứu hộ tại đơn vị, địa bàn quản lý, đặc biệt tại các cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy nổ cao (chung cư, nhà cao tầng, nhà kho, xưởng sản xuất, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng xăng dầu, gas, cơ sở vui chơi giải trí tập trung đông người); Khi xảy ra các vụ việc đột xuất cần chỉ đạo khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
- Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ của Công an Thành phổ phối hợp chặt chẽ với Công an các quận, huyện, thị xã xây dựng phương án bảo vệ, đảm bảo an toàn tuyệt đối các hoạt động hưởng ứng trước, trong và sau Tháng hành động và tại buổi lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động về AT,VSLĐ năm 2020 của Thành phố và các buổi lễ tại các địa phương.
- Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, chủ động phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và cơ quan thành viên Ban tổ chức Tháng hành động về AT,VSLĐ Thành phố tổ chức tốt lễ phát động hưởng ứng Thàng hành động về AT,VSLĐ năm 2020 của Thành phố.
- Tham gia đoàn kiểm tra liên ngành của Thành phố kiểm tra việc chấp hành thực hiện các quy định của pháp luật về công tác AT,VSLĐ, phòng, chống cháy nổ tại các đơn vị, doanh nghiệp, công trình xây dựng trên địa bàn Thành phố.
7. Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội
- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và kế hoạch Tháng hành động về AT,VSLĐ Thành phố chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trong toàn lực lượng, Ban Chỉ huy quân sự các quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về AT,VSLĐ năm 2020 của Thành phố.
- Chủ động phối hợp các cơ quan Báo, Đài của Trung ương và Hà Nội, cơ quan Báo, Truyền hình Quân đội nhân dân để làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về các hoạt động của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đối với công tác AT,VSLĐ, phòng, chống cháy nổ.
- Thực hiện tốt công tác tự kiểm tra AT,VSLĐ, phòng chống cháy nổ của các đơn vị trong toàn lực lượng, đặc biệt quan tâm các đơn vị, lĩnh vực có nhiều nguy cơ mất an toàn và cháy nổ.
- Chỉ đạo Ban Chỉ huy quân sự các quận, huyện, thị xã phối hợp lực lượng Công an có phương án bảo vệ, đảm bảo an toàn tuyệt đối các hoạt động hưởng ứng trước, trong và sau Tháng hành động và tại buổi lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động về AT,VSLĐ năm 2020 của Thành phố.
8. Các cơ quan Báo, Đài Phát thanh và Truyền hình của Hà Nội
- Căn cứ Kế hoạch Tháng hành động về AT,VSLĐ của Thành phố chủ động xây dựng kế hoạch phát sóng để thông tin, tuyên truyền kịp thời các hoạt động hướng ứng Tháng hành động về AT,VSLĐ của các quận, huyện, thị xã, đơn vị, doanh nghiệp trước, trong và sau thời gian diễn ra Tháng hành động về AT,VSLĐ năm 2020 của Thành phố.
- Phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan thành viên Ban tổ chức Tháng hành động về AT,VSLĐ Thành phố xây dựng phóng sự, chuyên đề AT,VSLĐ để tuyên truyền, cảnh báo các nguy cơ tai nạn lao động và cháy nổ; Biểu dương các tập thể và cá nhân làm tốt công tác AT,VSLĐ, đồng thời phê phán những đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm các quy định về công tác AT,VSLĐ để xảy ra tai nạn lao động, cháy nổ nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người, tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp và của công dân.
- Tham gia đoàn kiểm tra liên ngành của Thành phố kịp thời đưa tin, phản ánh các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về AT,VSLĐ năm 2020 của Ban tổ chức Tháng hành động về AT,VSLĐ Thành phố và các đơn vị, doanh nghiệp.
9. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Thành phố
- Căn cứ Kế hoạch Tháng hành động về AT,VSLĐ của Thành phố chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thuộc quyền quản lý tập trung làm tốt một số nội dung sau:
- Tổ chức thông tin, tuyên truyền Luật An toàn, vệ sinh lao động, Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác AT,VSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của Tháng hành động về AT,VSLĐ.
- Thực hiện tốt việc xây dựng kế hoạch An toàn, vệ sinh lao động hàng năm (đủ 05 nội dung theo quy định) và đảm bảo kinh phí cho công tác AT,VSLĐ, phòng chống cháy nổ và các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về AT,VSLĐ.
- Tiến hành rà soát, bổ sung các nội quy, quy trình đảm bảo AT,VSLĐ và các biện pháp phòng, chống cháy nổ tại cơ quan, đơn vị đảm bảo an toàn tuyệt đối không để xảy ra các sự cố mất an toàn lao động và cháy, nổ.
- Không ngừng cải thiện điều kiện làm việc, môi trường làm việc cho người lao động nhằm hạn chế, phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
- Thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho người lao động đặc biệt các chế độ, chính sách liên quan công tác AT,VSLĐ.
- Thực hiện tốt công tác tự kiểm tra về ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ tại đơn vị để kịp thời phát hiện và ngăn chặn những nguy cơ gây mất an toàn lao động và cháy nổ có thể xảy ra.
- Thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước thuộc ngành và tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành của Thành phố về công tác AT,VSLĐ, phòng chống cháy khi có yêu cầu.
- Tiến hành tổ chức hội nghị sơ kết, tống kết và khen thưởng, đề nghị khen thưởng các tập thể và cá nhân có nhiều thành tích trong công tác AT,VSLĐ, phòng chống cháy nổ.
- Tham gia các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về AT,VSLĐ năm 2020 của Ban tổ chức Tháng hành động về AT,VSLĐ Thành phố.
10. UBND các quận, huyện, thị xã
- Căn cứ Kế hoạch Tháng hành động về AT,VSLĐ Thành phố xây dựng Kế hoạch của đơn vị phù hợp tình hình, đặc điểm của địa phương và tổ chức, triển khai sâu rộng tới các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề trên địa bàn.
- Tổ chức thông tin, tuyên truyền Luật An toàn, vệ sinh lao động, Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác AT,VSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của Tháng hành động về AT,VSLĐ.
- Tiến hành treo cờ, băng rôn, khẩu hiệu... (từ ngày 01/5/2020) để tuyên truyền, cổ động Tháng hành động về AT,VSLĐ (nội dung khẩu hiệu phụ lục đính kèm) trên các trục đường chính của các quận, huyện, thị xã, các trục đường chính vào cụm, điểm, khu công nghiệp, cổng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
- Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành của quận, huyện, thị xã để kiểm tra công tác AT,VSLĐ), phòng chống cháy nổ các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, công trình xây dựng đóng trên địa bàn trước, trong và sau Tháng hành động AT,VSLĐ.
- Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hội thảo, hội thi, hội nghị sơ kết, tổng kết công tác AT,VSLĐ; thăm hỏi, tặng quà các gia đình, nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trên địa bàn.
11. Các Tổng công ty trực thuộc Thành phố, các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế đóng trên địa bàn thành phố Hà Nội
Căn cứ Kế hoạch của tổ chức tháng hành động về AT,VSLĐ Thành phố và chức năng nhiệm vụ, yêu cầu của đơn vị, doanh nghiệp tập trung thực hiện tốt nội dung sau:
- Tổ chức thông tin, tuyên truyền phổ biến thực hiện Luật An toàn, vệ sinh lao động và thực hiện tốt công tác huấn luyện AT,VSLĐ cho người sử dụng lao động và người lao động.
- Thực hiện tốt việc xây dựng kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động (đủ 05 nội dung theo quy định), đảm bảo kinh phí hoạt động đối với công tác AT,VSLĐ, phòng chống cháy nổ và các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về AT,VSLĐ.
- Tiến hành rà soát, bổ sung nội quy, quy trình vận hành các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và các biện pháp phòng chống cháy nổ tại cơ quan, đơn vị đảm bảo an toàn tuyệt đối không để xảy ra các sự cố mất an toàn lao động và cháy, nổ.
- Không ngừng cải thiện điều kiện làm việc, môi trường làm việc cho người lao động nhằm hạn chế, phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
- Thực hiện đày đủ các chế độ, chính sách cho người lao động đặc biệt các chế độ, chính sách liên quan công tác AT,VSLĐ; tổ chức thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Thực hiện tốt công tác tự kiểm tra về AT,VSLĐ, phòng chống cháy nổ tại đơn vị đế kịp thời phát hiện và ngăn chặn những nguy cơ gây mất an toàn lao động và cháy nổ có thể xảy ra, đặc biệt đối với các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về AT,VSLĐ.
- Biên soạn tài liệu, in ấn tờ rơi, áp phích... tuyên truyền tới người sử dụng lao động, người lao động để cập nhật kịp thời những thông tin, kiến thức cần thiết về công tác AT,VSLĐ và biết cách xử lý các tình huống tai nạn lao động và cháy nổ tại công trường, nơi làm việc ...
- Tổ chức hội thi, hội thảo và các hoạt động AT,VSLĐ của các đơn vị, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm chú trọng những ngành, nghề nặng nhọc, độc hại nguy hiểm và những nơi có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động và cháy nổ.
- Trong thời gian diễn ra Tháng hành động về AT,VSLĐ yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp có những hình thức và các hoạt động hưởng ứng như: Tiến hành treo băng rôn, khẩu hiệu, tranh, áp phích... tại cổng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và trên các công trình xây dựng đơn vị đang thi công; tổ chức phát động hưởng ứng Tháng hành động về AT,VSLĐ năm 2020 phù hợp điều kiện thực tế của đơn vị, doanh nghiệp.
VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Kinh phí Thành phố bố trí đảm bảo các hoạt động của Ban tổ chức Tháng hành động về AT,VSLĐ Thành phố đã giao tại Quyết định số 6999/QĐ-UBND ngày 06/12/2019 của UBND Thành phố về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2020 của thành phố Hà Nội.
2. Kinh phí các Sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã được chi trong dự toán kinh phí hoạt động thường xuyên năm 2020.
3. Các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh được chi vào nguồn kinh phí an toàn, vệ sinh lao động của doanh nghiệp.
VII. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO
Các Sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện, thị xã, các Tổng Công ty, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Thành phố, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc mọi thành phần trên địa bàn Thành phố tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và báo cáo kết quả tổ chức thực hiện Tháng hành động về AT,VSLĐ năm 2020 (theo mẫu quy định tại phụ lục Thông tư số 02/2017/TT-BLĐTBXH ngày 20/02/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) gửi Thường trực Ban tổ chức Tháng hành động về AT,VSLĐ Thành phố (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) trước ngày 15/7/2020 để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 30/7/2020.
UBND Thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các Tổng Công ty, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Thành phố, các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc mọi thành phần trên địa bàn Thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch của UBND Thành phố; trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc phản ánh kịp thời Ban tổ chức Tháng hành động về AT,VSLĐ của Thành phố (gửi Sở Lao động Thương binh và Xã hội - cơ quan thường trực Ban tổ chức AT,VSLĐ Thành phố) để tổng hợp xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận: - Đ/c Bí thư Thành ủy; - Bộ Lao động TB&XH; (để báo cáo) - Chủ tịch UBND Thành phố; - Các Phó Chủ tịch UBND Thành phố; - Ban tổ chức AT,VSLĐ Thành phố; - Các Sở, ban, ngành Thành phố; - UBND các quận, huyện, thị xã; - Các Tổng Công ty của Hà Nội; - Các Báo, Đài PT-TH Hà Nội; - VPUB: CVP, các PCVP, KGVX, KT, TKBT, TH; - Lưu: VT, KGVXt. | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH
Ngô Văn Quý
|
KHẨU HIỆU HƯỞNG ỨNG
Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2020
-----------------------
- Nhiệt liệt hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2020.
- Cải thiện điều kiện làm việc vì an toàn, sức khỏe của người lao động và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
- Tăng cường rà soát, đánh giá các nguy cơ, rủi ro mất ATVSLĐ tại nơi làm việc.
- Hãy nghĩ về an toàn trước khi hành động.
- Tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp.
- Chúng ta xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc.
- Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có thể phòng tránh được nếu chúng ta làm tốt công tác phòng ngừa.
- Doanh nghiệp và người lao động tích cực chủ động thực hiện các quyền và trách nhiệm của mình theo Luật An toàn, vệ sinh lao động.
- Bảo vệ sức khỏe người lao động - Bảo vệ nguồn nhân lực của đất nước.
- Chủ động khám phát hiện bệnh nghề nghiệp góp phần bảo vệ lợi ích cho cơ sở lao động.
- Môi trường làm việc an toàn - Tốt cho bạn, cho doanh nghiệp.
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây