Dự thảo Thông tư quy định chi tiết nội dung của hợp đồng lao động
thuộc tính Thông tư
Lĩnh vực: | Lao động-Tiền lương |
Loại dự thảo: | Thông tư |
Cơ quan chủ trì soạn thảo: | Bộ Lao động Thương binh và Xã hội |
Trạng thái: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định chi tiết nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động tại khoản 1; nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp vi phạm tại khoản 2 và nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động đối với người lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp tại khoản 3 Điều 21 của Bộ luật Lao động.Tải Thông tư
BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI--------- Số: /2020/TT-BLĐTBXH DỰ THẢO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ----------- Hà Nội, ngày tháng năm 2020 |
THÔNG TƯ
Quy định chi tiết về nội dung hợp đồng lao động theo khoản 1, 2 và 3 Điều 21 của Bộ luật Lao động
----------------
Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 20 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương;
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư quy định chi tiết về nội dung hợp đồng lao động theo khoản 1, 2 và 3 Điều 21 của Bộ luật Lao động.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định chi tiết nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động tại khoản 1; nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp vi phạm tại khoản 2 và nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động đối với người lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp tại khoản 3 Điều 21 của Bộ luật Lao động.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người lao động, người sử dụng lao động quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 của Bộ luật Lao động.
2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện quy định tại Thông tư này.
Điều 3. Nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động
Nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động tại khoản 1 Điều 21 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:
1. Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động được quy định như sau:
a) Tên của người sử dụng lao động: tên doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình thuê mướn, sử dụng lao động theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định thành lập cơ quan, tổ chức, trường hợp là cá nhân thuê mướn sử dụng lao động thì ghi họ tên người sử dụng lao động theo số thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu được cấp;
b) Địa chỉ của người sử dụng lao động: địa chỉ của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân thuê mướn, sử dụng lao động theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định thành lập cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật; số điện thoại, địa chỉ thư điện tử (nếu có);
c) Họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động: họ tên, chức danh trong doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình thuê mướn, sử dụng lao động của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động theo quy định tại Khoản 3 Điều 18 của Bộ luật Lao động.
2. Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động: họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử (nếu có), số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền cấp của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động theo quy định tại khoản 4 Điều 18 của Bộ luật Lao động; số giấy phép lao động do cơ quan có thẩm quyền cấp đối với người lao động là người nước ngoài; họ tên, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người đại diện theo pháp luật của người chưa đủ 15 tuổi.
3. Công việc và địa điểm làm việc được quy định như sau:
a) Công việc: những công việc mà người lao động phải thực hiện;
b) Địa điểm làm việc của người lao động: phạm vi, địa điểm người lao động làm công việc đã thỏa thuận; trường hợp người lao động làm việc ở nhiều địa điểm khác nhau thì ghi các địa điểm chính người lao động làm việc.
4. Thời hạn của hợp đồng lao động: thời gian thực hiện hợp đồng lao động (số tháng hoặc số ngày), thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc thực hiện hợp đồng lao động (đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn); thời điểm bắt đầu thực hiện hợp đồng lao động (đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn).
5. Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được quy định như sau:
a) Mức lương theo công việc hoặc chức danh: mức lương trong thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định tại Điều 93 của Bộ luật Lao động.
b) Phụ cấp lương: tên và mức của các khoản tiền theo thỏa thuận của hai bên để bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động chưa được tính đầy đủ trong mức lương theo công việc hoặc chức danh của thang lương, bảng lương.
c) Các khoản bổ sung khác: các khoản tiền theo thỏa thuận của hai bên ngoài mức lương, phụ cấp lương và có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.
d) Hình thức trả lương do hai bên xác định theo quy định tại Điều 96 của Bộ luật Lao động.
đ) Kỳ hạn trả lương do hai bên xác định theo quy định tại Điều 97 của Bộ luật Lao động.
6. Chế độ nâng bậc, nâng lương: theo thỏa thuận của hai bên về điều kiện, thời gian, mức lương sau khi nâng bậc, nâng lương hoặc thỏa thuận thực hiện theo thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định của người sử dụng lao động.
7. Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi: theo thỏa thuận của hai bên hoặc theo thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy, quy định của người sử dụng lao động về thời giờ làm việc trong ngày, trong tuần; ca làm việc; thời điểm bắt đầu, thời điểm kết thúc của ngày, tuần hoặc ca làm việc; số ngày làm việc trong tuần; thời gian, thời điểm bắt đầu, thời điểm kết thúc nghỉ trong giờ làm việc; thời gian nghỉ hằng tuần.
8. Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động: những loại trang bị bảo hộ lao động theo thỏa thuận của hai bên hoặc theo thỏa ước lao động tập thể hoặc theo quy định của người sử dụng lao động và quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
9. Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế: theo quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế.
10. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề: quyền, nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động trong việc đảm bảo thời gian, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.
Điều 4. Thỏa thuận về bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ
1. Khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến các bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ đảm bảo điều kiện bảo hộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ thì người sử dụng lao động và người lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản ngoài hợp đồng lao động hoặc quy định thành các điều khoản trong hợp đồng lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ, quyền lợi và nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động; việc bồi thường trong trường hợp vi phạm.
2. Nội dung chủ yếu của thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ gồm:
a) Danh mục, thông tin bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ cần bảo vệ;
b) Phạm vi sử dụng bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;
c) Hình thức bảo vệ bí mật;
d) Quyền, nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động;
đ) Hình thức xử lý, mức bồi thường đối với hành vi vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ: thực hiện theo thỏa thuận của hai bên hoặc theo nội quy lao động, quy định của pháp luật.
3. Thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ: thời gian thực hiện bảo vệ bí mật (số năm hoặc số tháng hoặc số ngày), thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc thực hiện bảo vệ bí mật. Trường hợp các bên thỏa thuận thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ ngoài thời hạn hợp đồng lao động thì phải được lập thành văn bản ngoài hợp đồng lao động.
4. Bồi thường trong trường hợp vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ được quy định như sau: khi phát hiện người lao động vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ thì người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động bồi thường theo thỏa thuận của hai bên. Việc bồi thường được thực hiện theo trình tự, thủ tục xử lý bồi thường tại khoản 2 Điều 130 của Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn đối với trường hợp phát hiện hành vi phạm trong thời hạn thực hiện hợp đồng lao động; việc bồi thường được thực hiện theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ đối với trường hợp phát hiện hành vi vi phạm sau khi chấm dứt hợp đồng lao động.
5. Trường hợp bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ thuộc danh mục bí mật nhà nước hoặc có liên quan đến bí mật nhà nước thì nội dung thỏa thuận, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ và việc bồi thường trong trường hợp vi phạm được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
Điều 5. Nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động đối với người lao động làm một số công việc chịu ảnh hưởng của thiên tai, hỏa hoạn, thời tiết trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp
Nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động đối với người lao động làm một số công việc chịu ảnh hưởng của thiên tai, hỏa hoạn, thời tiết trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp quy định tại khoản 3 Điều 21 của Bộ luật Lao động như sau:
1. Các công việc chịu ảnh hưởng của thiên tai, hỏa hoạn, thời tiết trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp gồm: hoạt động sản xuất trồng trọt (trồng cây hàng năm, cây lâu năm; nhân và chăm sóc cây giống nông nghiệp); hoạt động sản xuất chăn nuôi (trâu, bò, ngựa, lừa, la, dê, cừu, lợn, gia cầm và chăn nuôi khác); hoạt động sản xuất lâm nghiệp (trồng và chăm sóc rừng; khai thác gỗ và lâm sản khác; thu nhặt sản phẩm từ rừng không phải gỗ và lâm sản khác); hoạt động nuôi trồng thuỷ sản (nuôi trồng thuỷ sản biển, nội địa; sản xuất giống thuỷ sản); khai thác thủy sản (khai thác thủy sản biển và nội địa, bao gồm cả bảo quản thuỷ sản ngay trên tàu đánh cá); hoạt động khai thác muối (khai thác muối mỏ, đập vụn muối và sàng muối; sản xuất muối từ nước biển, nước mặn ở hồ hoặc nước mặn tự nhiên khác; nghiền, tẩy rửa, và tinh chế muối phục vụ cho sản xuất).
2. Người sử dụng lao động và người lao động làm các công việc quy định tại khoản 1 Điều này có thể thỏa thuận giảm một số nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động nhưng phải bảo đảm các nội dung quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5, 7 và 9 Điều 3 Thông tư này.
3. Người sử dụng lao động và người lao động làm các công việc quy định tại khoản 1 Điều này có thể thỏa thuận trong hợp đồng lao động về phương thức giải quyết trong trường hợp thực hiện hợp đồng lao động chịu ảnh hưởng của thiên tai, hỏa hoạn, thời tiết như sau:
a) Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động.
b) Tiền lương: mức lương; kỳ hạn trả lương; tiền lương ngừng việc.
c) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi: thời giờ làm việc; làm thêm giờ.
d) Trách nhiệm của hai bên.
Điều 6. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.
2. Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, hợp đồng lao động đã giao kết có nội dung không trái hoặc bảo đảm cho người lao động có quyền và điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của Thông tư này được tiếp tục thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung để phù hợp và để áp dụng quy định của Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để hướng dẫn bổ sung kịp thời./.
Nơi nhận: - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng; - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia; - Ngân hàng Chính sách Xã hội; - Ngân hàng Phát triển Việt Nam; - Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - Các Tập đoàn kinh tế Nhà nước, tổng công ty nhà nước; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo; - Lưu: Văn thư, KGVX (5b). | BỘ TRƯỞNG
Đào Ngọc Dung |