Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Dự thảo Thông tư về bảo vệ việc làm của người tố cáo
- Thuộc tính
- Nội dung
- Tải về
thuộc tính Thông tư
Lĩnh vực: | Lao động-Tiền lương | Loại dự thảo: | Thông tư |
Cơ quan chủ trì soạn thảo: | Bộ Lao động Thương binh và Xã hội | Trạng thái: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, các biện pháp bảo vệ việc làm của người tố cáo và vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ việc làm của người được bảo vệ là người làm việc theo hợp đồng lao động.Tải Thông tư
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI Số: /2020/TT-BLĐTBXH DỰ THẢO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày tháng năm 2020 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN VỀ BẢO VỆ VIỆC LÀM CỦA NGƯỜI TỐ CÁO LÀ NGƯỜI LÀM VIỆC THEO HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
Căn cứ Luật tố cáo năm 2018;
Căn cứ Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật tố cáo;
Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Công văn số 1061/VPCP-V.I ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Văn phòng Chính phủ về việc thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TƯ ngày 10 tháng 01 năm 2019 của Bộ Chính trị;
Theo đề nghị của Chánh thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn về bảo vệ việc làm của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, các biện pháp bảo vệ việc làm của người tố cáo và vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động (sau đây gọi chung là người được bảo vệ); trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ việc làm của người được bảo vệ là người làm việc theo hợp đồng lao động.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với:
1. Người tố cáo; cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi bị tố cáo; người có thẩm quyền giải quyết tố cáo.
2. Người được bảo vệ; cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong việc bảo vệ việc làm của người được bảo vệ.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Người làm việc theo hợp đồng lao động là người lao động theo quy định của pháp luật lao động.
2. Bảo vệ việc làm của người được bảo vệ là việc cơ quan có thẩm quyền tiến hành xem xét, ra quyết định áp dụng biện pháp cần thiết đối với người sử dụng lao động để yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm, khôi phục vị trí việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm cho người được bảo vệ.
Điều 4. Căn cứ bảo vệ việc làm
Khi có căn cứ cho rằng người được bảo vệ bị mất việc làm hoặc có nguy cơ bị mất việc làm ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử trong quan hệ lao động vì lý do tố cáo, cơ quan có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm theo đề nghị của người tố cáo, người giải quyết tố cáo.
Chương II
THẨM QUYỀN BẢO VỆ VIỆC LÀM
Điều 5. Cơ quan có thẩm quyền bảo vệ việc làm
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện là cơ quan có thẩm quyền bảo vệ việc làm của người được bảo vệ. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chuyên môn tham mưu giúp cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp thực hiện việc bảo vệ việc làm theo quy định tại Thông tư này.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu việc bảo vệ việc làm đối với người được bảo vệ làm việc tại doanh nghiệp, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh được cấp phép hoạt động hoặc được thành lập theo quyết định của cơ quan nhà nước cấp tỉnh, ngành, Trung ương.
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu việc bảo vệ việc làm đối với người được bảo vệ làm việc tại doanh nghiệp, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh được cấp phép hoạt động hoặc được thành lập theo quyết định của cơ quan nhà nước cấp huyện.
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền bảo vệ việc làm chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện việc bảo vệ việc làm của người được bảo vệ.
Điều 6. Cơ quan có liên quan thực hiện việc bảo vệ việc làm
Tổ chức đại diện người lao động, các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị xã hội và các cơ quan, tổ chức khác, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ thực hiện việc bảo vệ việc làm của người được bảo vệ.
Điều 7. Nguyên tắc xác định cơ quan có thẩm quyền bảo vệ việc làm
1. Cơ quan quản lý nhà nước về lao động nơi đặt trụ sở chính của doanh nghiệp, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh có lao động làm việc theo hợp đồng là cơ quan có thẩm quyền bảo vệ việc làm.
2. Trường hợp xảy ra tại các chi nhánh của doanh nghiệp, tổ chức hoặc cơ sở nhánh của cơ sở chính thì cơ quan quản lý nhà nước về lao động nơi đặt trụ sở chính của chi nhánh, cơ sở nhánh thực hiện việc bảo vệ và có văn bản đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về lao động nơi đặt trụ sở chính của doanh nghiệp, cơ sở cùng phối hợp thực hiện việc bảo vệ.
3. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo về lao động đồng thời là cơ quan có thẩm quyền bảo vệ việc làm thì áp dụng ngay biện pháp bảo vệ theo thẩm quyền.
4. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền bảo vệ việc làm không phải là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo về lao động thì thực hiện theo quy định tại Điều 8 Thông tư này.
5. Trường hợp có nhiều cơ quan cùng có thẩm quyền bảo vệ việc làm thì cơ quan nhận được đề nghị đầu tiên là cơ quan thực hiện việc bảo vệ.
6. Trường hợp thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan thì các cơ quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp để thống nhất xác định cơ quan có thẩm quyền chủ trì thực hiện hoặc báo cáo cơ quan quản lý nhà nước cấp trên quyết định giao cho một cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc bảo vệ.
Chương III
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC BẢO VỆ VIỆC LÀM
Điều 8. Đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm
1. Khi có căn cứ quy định tại Điều 4 của Thông tư này, người tố cáo, người giải quyết tố cáo có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm của người được bảo vệ.
2. Trường hợp khẩn cấp, người tố cáo, người giải quyết tố cáo có thể trực tiếp đến đề nghị hoặc thông qua điện thoại đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm ngay lập tức nhưng sau đó nội dung đề nghị phải được thể hiện bằng văn bản.
Văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm của người tố cáo phải có các nội dung chính quy định tại Khoản 2 Điều 50 Luật tố cáo và được thực hiện theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
Văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm của người giải quyết tố cáo được thực hiện theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 9. Xem xét, quyết định bảo vệ việc làm của người được bảo vệ
Khi nhận được đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm hoặc trong quá trình giải quyết tố cáo, trong thời hạn 03 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền bảo vệ việc làm có trách nhiệm xem xét và xử lý như sau:
1. Tiến hành ngay việc kiểm tra, xác minh thông tin về đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ.
2. Trường hợp xét thấy đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ là có căn cứ quy định tại Điều 4 của Thông tư này thì kịp thời quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ.
3. Trường hợp đề nghị bảo vệ không có căn cứ hoặc xét thấy không cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ, cơ quan có thẩm quyền bảo vệ việc làm phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người tố cáo hoặc gửi thông báo cho người giải quyết tố cáo để giải thích rõ lý do cho người tố cáo. Thông báo không áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm được thực hiện theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 10. Quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm
1. Cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ theo quy định tại Điều 52 Luật tố cáo. Quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm được thực hiện theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện biện pháp bảo vệ phải tổ chức thực hiện việc bảo vệ và báo cáo hoặc thông báo bằng văn bản về kết quả thực hiện biện pháp bảo vệ cho cơ quan ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ.
Trường hợp không thực hiện được biện pháp bảo vệ thì phải báo cáo ngay bằng văn bản và nêu rõ lý do đến cơ quan ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ.
Điều 11. Thay đổi, bổ sung, chấm dứt việc áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm
1. Cơ quan đã ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm có thể thay đổi, bổ sung việc áp dụng biện pháp bảo vệ theo quy định tại Khoản 1 Điều 54 Luật tố cáo. Quyết định thay đổi, bổ sung việc áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm được thực hiện theo Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Cơ quan đã ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm quyết định chấm dứt việc áp dụng biện pháp bảo vệ theo quy định tại Khoản 2 Điều 54 Luật tố cáo. Quyết định chấm dứt việc áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm được thực hiện theo Mẫu số 06 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 12. Hồ sơ áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm
Cơ quan quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm phải lập, quản lý, lưu trữ hồ sơ áp dụng biện pháp bảo vệ theo quy định tại Điều 55 Luật tố cáo.
Chương IV
BIỆN PHÁP BẢO VỆ VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG VIỆC BẢO VỆ VIỆC LÀM
Điều 13. Các biện pháp bảo vệ
Người có thẩm quyền bảo vệ việc làm của người được bảo vệ áp dụng các biện pháp bảo vệ theo thẩm quyền hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp để bảo vệ như sau:
1. Yêu cầu người sử dụng lao động chấm dứt hành vi vi phạm và bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra.
2. Đình chỉ, tạm đình chỉ, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định, hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người được bảo vệ.
3. Khôi phục vị trí việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm cho người được bảo vệ.
4. Xử lý kịp thời người có hành vi trả trù, trù dập, đe dọa làm ảnh hưởng đến việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm của người được bảo vệ.
5. Xử lý hành vi vi phạm theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật
6. Các biện pháp bảo vệ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 14. Trách nhiệm của cơ quan quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm
1. Chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức thực hiện ngay việc áp dụng các biện pháp bảo vệ việc làm của người được bảo vệ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định của mình.
2. Gửi các quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ, quyết định thay đổi, bổ sung, chấm dứt việc áp dụng biện pháp bảo vệ cho người được bảo vệ, người giải quyết tố cáo và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
3. Lập, quản lý, lưu trữ và khai thác hồ sơ áp dụng biện pháp bảo vệ theo quy định của pháp luật.
4. Theo dõi, giải quyết những vướng mắc phát sinh nếu có.
5. Báo cáo đến cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu.
Điều 15. Trách nhiệm của người sử dụng người lao động
1. Không được phân biệt đối xử về việc làm đối với người được bảo vệ.
2. Không được trả thù, trù dập, đe dọa, làm ảnh hưởng đến việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm của người được bảo vệ.
3. Thực hiện kịp thời, đầy đủ các biện pháp bảo vệ việc làm cho người được bảo vệ theo yêu cầu, đề nghị của cơ quan quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ.
4. Báo cáo hoặc thông báo bằng văn bản về kết quả thực hiện biện pháp bảo vệ cho cơ quan quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ và tổ chức công đoàn cùng cấp.
Điều 16. Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền bảo vệ việc làm
1. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện:
a) Chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phối hợp trong việc xem xét, đánh giá căn cứ, tính xác thực của đề nghị bảo vệ và thực hiện các biện pháp bảo vệ việc làm của người được bảo vệ;
b) Bố trí phương tiện, kinh phí cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc quyền quản lý trong việc tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ việc làm của người được bảo vệ.
2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
a) Chịu trách nhiệm theo quy định tại Khoản 1 Điều này.
b) Chỉ đạo cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cưỡng chế người sử dụng lao động chấp hành các biện pháp bảo vệ việc làm của người được bảo vệ theo quy định của pháp luật.
c) Xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về lao động đối với người được bảo vệ.
Điều 17. Trách nhiệm của tổ chức đại diện người lao động
1. Trách nhiệm của Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc tổ chức đại diện hợp pháp khác của người lao động tại cơ sở:
a) Chịu trách nhiệm giám sát người sử dụng lao động trong việc chấp hành các biện pháp bảo vệ việc làm cho người được bảo vệ theo yêu cầu, đề nghị của cơ quan quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ.
b) Trường hợp người sử dụng lao động không chấp hành biện pháp bảo vệ việc làm cho người được bảo vệ thì Ban chấp hành công đoàn cơ sở phải có ý kiến bằng văn bản với người sử dụng lao động, đồng thời báo cáo ngay sự việc với cơ quan ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở để kịp thời xử lý.
2. Trách nhiệm của Liên đoàn lao động cấp huyện, cấp tỉnh:
a) Chỉ đạo Ban chấp hành công đoàn cơ sở giám sát người sử dụng lao động trong việc chấp hành các biện pháp bảo vệ việc làm cho người được bảo vệ.
b) Giám sát cơ quan ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ cùng cấp trong việc chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức việc áp dụng các biện pháp bảo vệ việc làm cho người được bảo vệ;
c) Phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp trong việc cưỡng chế người sử dụng lao động chấp hành các biện pháp bảo vệ việc làm cho người được bảo vệ theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Điều 18. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan
1. Cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến bảo vệ việc làm của người được bảo vệ.
2. Phối hợp với người giải quyết tố cáo, cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ thực hiện việc bảo vệ việc làm của người được bảo vệ.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 19. Hiệu lực thi hàn
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày tháng năm 2020.
Điều 20. Tổ chức thực hiện
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này.
2. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
| BỘ TRƯỞNG
|
Văn bản này có file đính kèm, tải Văn bản về để xem toàn bộ nội dung |
văn bản tiếng việt
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!