Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Dự thảo Quyết định về ký quỹ với người lao động đi làm tại Hàn Quốc
- Thuộc tính
- Nội dung
- Tải về
thuộc tính Quyết định
Lĩnh vực: | Lao động-Tiền lương | Loại dự thảo: | Quyết định |
Cơ quan chủ trì soạn thảo: | Bộ Lao động Thương binh và Xã hội | Trạng thái: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Phạm vi điều chỉnh
Quyết định này quy định về thực hiện ký quỹ, hỗ trợ vay để ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc, hoàn trả tiền ký quỹ, quản lý và sử dụng tiền ký quỹ sau khi chuyển vào ngân sách nhà nước.Tải Quyết định
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÃ XÃ HỘISố: /QĐ-LĐTBXH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAMĐộc lập - Tự do - Hạnh phúc |
DỰ THẢO | Hà Nội, ngày tháng năm 2019 |
Quyết định
Thực hiện ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Bộ luật dân sự ngày 24 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về thực hiện ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quyết định này quy định về thực hiện ký quỹ, hỗ trợ vay để ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (sau đây gọi là Chương trình EPS), hoàn trả tiền ký quỹ, quản lý và sử dụng tiền ký quỹ sau khi chuyển vào ngân sách nhà nước.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS.
2. Ngân hàng Chính sách xã hội.
3. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS.
Chương II
THỰC HIỆN KÝ QUỸ, HỖ TRỢ VAY VỐN ĐỂ KÝ QUỸ
Điều 3. Thực hiện ký quỹ
1. Người lao động trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS phải ký quỹ để bảo đảm về nước đúng thời hạn sau khi chấm dứt Hợp đồng lao động tại Hàn Quốc (trừ trường hợp chấm dứt hợp đồng để chuyển sang thị thực cư trú hợp pháp khác theo quy định pháp luật của Hàn Quốc).
2. Mức tiền ký quỹ là 100 (một trăm) triệu đồng.
Điều 4. Thời điểm, thời hạn ký quỹ và ngân hàng ký quỹ
1. Người lao động thực hiện ký quỹ chậm nhất là 35 ngày kể từ ngày ký Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc với Trung tâm Lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
2. Thời hạn ký quỹ tối đa là 5 năm 6 tháng.
3. Người lao động thực hiện ký quỹ tại Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn nơi người lao động đăng ký thường trú.
Điều 5. Hỗ trợ vay vốn để ký quỹ
1. Người lao động thuộc đối tượng được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để đi làm việc ở nước ngoài có nhu cầu vay vốn được vay tối đa 100 (một trăm) triệu đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để ký quỹ, không phải thế chấp tài sản.
2. Thời hạn cho vay để ký quỹ tối đa bằng thời hạn ký quỹ của người lao động quy định tại khoản 2 Điều 4 Quyết định này.
Điều 6. Lãi suất tiền gửi ký quỹ
1. Người lao động không vay Ngân hàng Chính sách xã hội để ký quỹ được hưởng mức lãi suất tiền gửi ký quỹ phù hợp với mức lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từng thời kỳ của Ngân hàng Chính sách xã hội.
2. Người lao động vay Ngân hàng Chính sách xã hội để ký quỹ được hưởng mức lãi suất tiền gửi ký quỹ bằng mức lãi suất vay để ký quỹ trong suốt thời hạn ký quỹ quy định tại khoản 2 Điều 4 Quyết định này. Trường hợp người lao động trả nợ vay trước hạn thì được hưởng mức lãi suất tiền gửi ký quỹ theo quy định tại khoản 1 Điều này cho khoản tiền chênh lệch giữa số dư tiền ký quỹ và số dư nợ vay.
Điều 7. Hợp đồng ký quỹ
1. Người lao động và Ngân hàng Chính sách xã hội nơi nhận ký quỹ, ký kết hợp đồng ký quỹ phù hợp với quy định của Quyết định này và các quy định hiện hành có liên quan, trong đó ghi rõ các nội dung: Họ và tên, địa chỉ của người đại diện hợp pháp của ngân hàng nhận ký quỹ, họ và tên người lao động, họ và tên người được ủy quyền (nếu có), nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nơi cư trú hiện tại, mục đích ký quỹ, số tiền ký quỹ, lãi suất tiền gửi ký quỹ, mở và sử dụng tài khoản ký quỹ, hoàn trả tiền ký quỹ, trách nhiệm của các bên và các thoả thuận hợp pháp khác.
2. Ngân hàng Chính sách xã hội nơi nhận ký quỹ có trách nhiệm xác nhận việc ký quỹ của người lao động và trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày người lao động ký quỹ thông báo bằng văn bản cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Trung tâm Lao động ngoài nước) để làm thủ tục cho người lao động xuất cảnh đi làm việc tại Hàn Quốc.
Chương III
QUY ĐỊNH VỀ HOÀN TRẢ VÀ KHÔNG HOÀN TRẢ TIỀN KÝ QUỸ CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Điều 8. Hoàn trả và không hoàn trả tiền ký quỹ
1. Không hoàn trả tiền ký quỹ (bao gồm cả gốc và lãi) đối với người lao động có một trong các hành vi sau:
a) Bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo Hợp đồng lao động (kể cả bỏ trốn ngay sau khi đến Hàn Quốc);
b) Ở lại Hàn Quốc trái phép sau khi hết hạn Hợp đồng lao động, hết hạn cư trú;
c) Ở lại Hàn Quốc trái phép sau khi chấm dứt Hợp đồng lao động trước thời hạn, hết hạn cư trú (trừ trường hợp chuyển đổi sang thị thực cư trú hợp pháp khác).
2. Tiền ký quỹ (bao gồm cả gốc và lãi) của người lao động không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này được hoàn trả cho người lao động sau khi đã trả khoản vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (đối với người lao động vay Ngân hàng Chính sách xã hội để ký quỹ).
Điều 9. Thẩm quyền ban hành quyết định không hoàn trả tiền ký quỹ
Uỷ ban nhân nhân cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền ban hành Quyết định không hoàn trả tiền ký quỹ cho người lao động đăng ký thường trú trên địa bàn tỉnh trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 8 của Quyết định này.
Điều 10. Xử lý tiền ký quỹ của người lao động không được hoàn trả
1. Đối với người lao động quy định tại khoản 1 Điều 8 Quyết định này không vay Ngân hàng Chính sách xã hội để ký quỹ, tiền ký quỹ (bao gồm cả gốc và lãi) được chuyển vào Ngân sách nhà nước cấp tỉnh nơi người lao động đăng ký thường trú trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc.
2. Đối với người lao động quy định tại khoản 1 Điều 8 Quyết định này vay Ngân hàng Chính sách xã hội để ký quỹ, tiền ký quỹ (bao gồm cả gốc và lãi) được sử dụng như sau:
a) Trả khoản vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (Ngân hàng Chính sách xã hội đối chiếu việc trả nợ vay của người lao động và khấu trừ nợ từ tài khoản ký quỹ của người lao động).
b) Chuyển vào Ngân sách nhà nước cấp tỉnh nơi người lao động đăng ký thường trú trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc số tiền còn lại sau khi trả nợ vay Ngân hàng Chính sách xã hội.
3. Thủ tục chuyển tiền ký quỹ vào ngân sách nhà nước
a) Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Trung tâm Lao động ngoài nước) thông báo bằng văn bản (lập cho từng người lao động) cho Hội sở chính Ngân hàng Chính sách xã hội và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người lao động đăng ký thường trú trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc về việc người lao động thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 8 của Quyết định này kèm theo giấy tờ hoặc thông tin xác thực hành vi của người lao động do phía Hàn Quốc cung cấp, bao gồm cả dữ liệu điện tử (theo mẫu Thông báo tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Quyết định này).
b) Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát và báo cáo để Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ra Quyết định không hoàn trả tiền ký quỹ của người lao động và thông báo cho người lao động hoặc người được uỷ quyền, gia đình người lao động và Ngân hàng Chính sách xã hội nơi nhận ký quỹ (theo mẫu Quyết định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Quyết định này).
c) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Quyết định của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội nơi nhận ký quỹ làm thủ tục tất toán tài khoản ký quỹ của người lao động, thực hiện khấu trừ nợ vay và chuyển tiền ký quỹ vào ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.
d) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày chuyển tiền ký quỹ vào ngân sách nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội nơi nhận ký quỹ thông báo kết quả chuyển tiền cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Điều 11. Hoàn trả tiền ký quỹ cho người lao động
1. Trong thời hạn 180 ngày, kể từ ngày người lao động chấm dứt Hợp đồng lao động về nước, chấm dứt Hợp đồng lao động để chuyển đổi thị thực cư trú hoặc người lao động không đi làm việc tại Hàn Quốc sau khi đã nộp tiền ký quỹ, người lao động hoặc người được ủy quyền nộp Hồ sơ đề nghị rút tiền ký quỹ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Trung tâm Lao động ngoài nước).
Hồ sơ đề nghị rút tiền ký quỹ bao gồm:
a) Đối với người lao động chấm dứt Hợp đồng lao động về nước, chấm dứt Hợp đồng lao động để chuyển đổi thị thực cư trú:
- Đơn đề nghị rút tiền ký quỹ (theo mẫu tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Quyết định này);
- Bản sao Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS;
- Bản sao công chứng hộ chiếu;
- Giấy xác nhận kế hoạch về nước của Cơ quan lao động Hàn Quốc cấp cho người lao động đối với trường hợp người lao động chấm dứt Hợp đồng lao động đúng thời hạn hoặc trước thời hạn hoặc Bản sao công chứng thẻ cư trú theo thị thực mới tại Hàn Quốc đối với trường hợp người lao động chuyển đổi thị thực cư trú.
b) Đối với người lao động không đi làm việc tại Hàn Quốc sau khi đã nộp tiền ký quỹ:
- Đơn đề nghị rút tiền ký quỹ (theo mẫu tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Quyết định này);
- Bản sao Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS;
- Bản chính Giấy xác nhận ký quỹ.
2. Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ Hồ sơ của người lao động, Trung tâm Lao động ngoài nước xác minh và gửi văn bản thông báo hoàn trả tiền ký quỹ (bao gồm cả gốc và lãi) cho Hội sở chính Ngân hàng Chính sách xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người lao động đăng ký thường trú trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc và người lao động hoặc người được uỷ quyền, trong đó ghi rõ các nội dung: họ và tên người lao động, Ngân hàng Chính sách xã hội nơi nhận ký quỹ. Trường hợp không ra thông báo hoàn trả thì trả lời bằng văn bản cho người lao động hoặc người được ủy quyền và nêu rõ lý do.
3. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Trung tâm Lao động ngoài nước, Hội sở chính Ngân hàng Chính sách xã hội thông báo cho chi nhánh, phòng giao dịch nơi nhận ký quỹ thực hiện hoàn trả tiền ký quỹ và tất toán tài khoản ký quỹ cho người lao động.
Chương IV
QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG TIỀN KÝ QUỸ SAU KHI CHUYỂN VÀO NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Điều 12. Quản lý và sử dụng tiền ký quỹ
Tiền ký quỹ sau khi chuyển vào Ngân sách nhà nước cấp tỉnh được quản lý và sử dụng theo quy định pháp luật ngân sách nhà nước để hỗ trợ công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, quản lý, kiểm tra, giám sát và các hoạt động khác nhằm đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và giải quyết việc làm tại địa phương.
Điều 13. Nội dung và mức chi
1. Chi hội nghị tập huấn nghiệp vụ, sơ kết, tổng kết về việc làm và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định hiện hành về chế độ công tác phí, chế độ hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
2. Chi thông tin, tuyên truyền về chính sách lao động, việc làm và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài:
a) Chi sản xuất, biên tập, đưa nội dung các chương trình trên các phương tiện thông tin đại chúng (phát thanh, truyền hình, báo in, trang thông tin điện tử, tạp chí); xây dựng, mua, nhân bản và phát hành các sản phẩm truyền thông: thực hiện theo quy định hiện hành về đấu thầu, trường hợp không đáp ứng các điều kiện đấu thầu thì thực hiện theo phương thức đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công; Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 03 năm 2014 của Chính phủ về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí (áp dụng đối với các trường hợp chi trả nhuận bút cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; thù lao cho người tham gia thực hiện các công việc liên quan đến tác phẩm báo chí, xuất bản phẩm, người sưu tầm tài liệu, cung cấp thông tin phục vụ cho việc sáng tạo tác phẩm báo chí, xuất bản phẩm để thông tin, tuyên truyền);
b) Chi hỗ trợ hoạt động truyền thanh tại cộng đồng: biên tập tài liệu phát thanh: 80.000 đồng/bài từ 350 từ đến dưới 600 từ, 100.000 đồng/bài từ 600 từ trở lên; bồi dưỡng phát thanh viên: 15.000 đồng/lần, trường hợp phát thanh bằng tiếng dân tộc: 20.000 đồng/lần;
c) Chi tổ chức buổi tuyên truyền, tư vấn cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài và thân nhân người lao động để vận động người lao động về nước đúng hạn:
- Chi thuê chuyên gia tư vấn: Thực hiện theo quy định tại Điểm 1.1 Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 139/2010/TT-BTC;
- Chi thuê địa điểm, bàn ghế, loa đài và các trang thiết bị cần thiết khác (nếu có): Mức chi theo thực tế phát sinh và phù hợp với dự toán được cấp có thẩm quyền giao;
- Chi giải khát giữa giờ cho người tham dự: Mức chi theo quy định tại Khoản 3 Điều 12 Thông tư số 40/2017/TT-BTC;
- Chi tài liệu phục vụ hoạt động tư vấn, nói chuyện chuyên đề: Mức chi theo thực tế phát sinh.
3. Chi hỗ trợ người trực tiếp tư vấn tại nhà cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài: 20.000 đồng/người được tư vấn. Trường hợp tư vấn cho nhiều người tại cùng một địa điểm, mức bồi dưỡng tối đa: 100.000 đồng/người/buổi.
4. Chi tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài về nước:
a) Tư vấn, cung cấp thông tin lao động, việc làm; tư vấn nghề nghiệp miễn phí cho người lao động.
b) Chi hỗ trợ giới thiệu việc làm cho người lao động: 200.000 đồng/người lao động tìm được việc làm thông qua giới thiệu. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền đã ban hành giá dịch vụ giới thiệu việc làm thì mức hỗ trợ theo giá cụ thể áp dụng tại các Trung tâm dịch vụ việc làm trên địa bàn.
c) Chi đào tạo, bồi dưỡng kiến thức ở trong nước về khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài về nước có nhu cầu thành lập doanh nghiệp. Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định hiện hành về sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.
5. Chi công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá: Nội dung và mức chi theo quy định hiện hành cho công tác kiểm tra việc thực hiện chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.
Đối với đoàn công tác kiểm tra, giám sát đánh giá liên ngành, liên cơ quan: cơ quan, đơn vị chủ trì đoàn công tác chịu trách nhiệm chi phí cho chuyến công tác theo chế độ quy định (tiền tàu xe đi lại, phụ cấp lưu trú, tiền thuê chỗ ở nơi đến và cước hành lý, tài liệu mang theo để làm việc) cho các thành viên trong đoàn. Để tránh chi trùng lắp, cơ quan, đơn vị chủ trì đoàn công tác thông báo bằng văn bản (trong giấy mời, giấy triệu tập) cho cơ quan, đơn vị cử người đi công tác không phải thanh toán các khoản chi này.
Điều 14. Công tác lập dự toán và quyết toán
1. Hàng năm, căn cứ số tiền ký quỹ đã nộp vào ngân sách nhà nước năm trước và ước thực hiện năm hiện hành, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội lập dự toán chi hỗ trợ hỗ trợ công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, quản lý, kiểm tra, giám sát và các hoạt động khác nhằm đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động và giải quyết việc làm tại địa phương của năm kế hoạch, tổng hợp chung trong dự toán thu, chi ngân sách của cơ quan gửi Sở Tài chính trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
2. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện quyết toán kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước 2015, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 15. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị
1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
a) Thông tin, tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật liên quan đến người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, các quy định của Việt Nam và Hàn Quốc về Chương trình EPS.
b) Theo dõi, giám sát tình hình thực hiện hợp đồng của người lao động.
c) Quyết định việc xử lý tiền ký quỹ của người lao động theo quy định tại Quyết định này và thông báo cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và ngân hàng để thực hiện.
2. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội kiểm tra tình hình quản lý và sử dụng tiền ký quỹ sau khi chuyển vào ngân sách nhà nước.
3. Ngân hàng Chính sách xã hội
a) Hướng dẫn quy trình, thủ tục ký quỹ và thực hiện việc nhận ký quỹ của người lao động.
b) Quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của người lao động theo quy định tại Quyết định này và pháp luật có liên quan.
c) Ban hành thống nhất hợp đồng ký quỹ và giấy xác nhận ký quỹ.
d) Định kỳ sáu tháng, hàng năm báo cáo tình hình quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của người lao động bao gồm người lao động vay vốn để ký quỹ gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục Quản lý lao động ngoài nước).
4. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
a) Chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội thông tin, tư vấn cho người lao động các quy định của pháp luật liên quan đến người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, các quy định của Việt Nam và Hàn Quốc về Chương trình EPS.
b) Đôn đốc, khuyến khích người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc thực hiện đúng hợp đồng, về nước đúng thời hạn; vận động người lao động đang cư trú, làm việc trái phép tại Hàn Quốc tự nguyện về nước.
c) Hướng dẫn người lao động thực hiện ký quỹ theo quy định.
d) Quyết định việc không hoàn trả tiền ký quỹ của người lao động theo thông báo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và quản lý, sử dụng tiền ký quỹ của người lao động đúng mục đích theo quy định tại Quyết định này và các quy định hiện hành.
e) Định kỳ sáu tháng, hàng năm báo cáo tình hình sử dụng tiền ký quỹ của người lao động sau khi chuyển vào ngân sách nhà nước cấp tỉnh gửi Bộ Tài chính và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Điều 16. Hiệu lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày tháng năm 2019, thay thế Quyết định số 1465/QĐ-TTg ngày 21/8/2013.
Điều 17. Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Văn bản này có file đính kèm, tải Văn bản về để xem toàn bộ nội dung |
văn bản tiếng việt
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!